Tội ác với kitô hữu: không được im lặng! - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 12, 2011

Tội ác với kitô hữu: không được im lặng!

Trao đổi với ông Massimo Introvigne, đại diện OSCE
Rôma, ngày 16/12/2011 (ZENIT.org). - Để chống lại những kỳ thị, thật là quan trọng phải “không được im lặng” và phải loan truyền những tội ác đối với những kitô hữu, ông Massimo Introvigne tuyên bố. Bởi, nếu các nạn nhân “theo định nghĩa đều dễ thương”, thì người ta lại quá thường xuyên đề cập đến những kẻ bách hại bằng những uyển ngữ nhẹ nhàng. Đến nỗi đôi khi người ta có thể nghĩ dường như “chính những kitô hữu tự bách hại mình”.

“Sự hiềm khích và kỳ thị là hai bước đầu của một con dốc đổ xuống nạn bách hại”. Đó là phân tích của giáo sư Massimo Introvigne, đại diện Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) chống những tội ác đối với kitô hữu. Giáo sư Massimo Introvigne là sáng lập viên cơ quan CESNUR (Trung tâm nghiên cứu các tôn giáo mới) đã có cuộc trao đổi này với tổ chức “Cứu giúp Giáo Hội lâm nguy” và được đăng tải trên trang internet “Vatican Insider”.

Thưa giáo sư Introvigne, những ngày gần đây, chúng tôi nghe nói đến tự do tôn giáo và tội ác đối với kitô hữu trong hai cuộc gặp gỡ quan trọng ở Matxcơva và Istanbul. Nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức nhân hội nghị quy tụ 56 vị bộ trưởng Ngoại Giao thuộc OSCE nhóm họp tại Lithuania. Thông tin về tội ác đối với người kitô hữu có tầm quan trọng như thế nào ?

Những hoạt động kể trên –trong đó có những đối thoại với các đại diện của xã hội dân sự những quốc gia có liên quan đến “mùa xuân Ả Rập”- đã cho phép chúng ta xác định qua thông tin một trong những vấn đề trung tâm của cuộc đấu tranh chống bách hại nói chung và bách hại người theo kitô giáo nói riêng. Khắp nơi, người ta sẵn sàng nghe kể chuyện về những nạn nhân và người ta bày tỏ thiện cảm đối với họ, đôi khi với sự xúc động thật sự. Nạn nhân theo định nghĩa đều là dễ thương. Nhưng người ta lại rất dè dặt khi đề cập đến những kẻ bách hại không dám nói đến danh tánh của họ. Thường thì đây là những đối tác kinh tế hay những cường quốc chính trị hay quân sự, mà người ta không dám làm phật ý. Và người ta đã dùng các uyển ngữ và các mỹ từ bóng bẩy khiến nhiều khi người ta nghĩ là những người theo kitô giáo tự bách hại mình.

Trong hội nghị Matxcơva, ông đã nói rằng nếu hội nghị này tiếp tục im tiếng, Châu Âu có nguy cơ “bị chết đuối về mặt tinh thần và thiêng liêng, còn nguy hiểm hơn cả khủng hoảng kinh tế”. Làm cách nào để tránh ?

Tôi lấy ý tưởng từ cuộc triển lãm tranh Ý thế kỷ 19 ở đảo Corse tại Viện bảo tàng Hermitage của thành phố Saint-Petersbourg bên Nga, đưa ra một trong những chủ đề được chuyển giao từ ngành hội họa Ý cho nền hội họa Nga vào thế kỷ thứ 19 : “đắm thuyền”. Nếu Châu Âu tiếp tục im lặng trước sự bách hại tín đồ kitô giáo, vì sợ làm mất lòng những kẻ bách hại - mặc dù cho họ bán dầu hỏa cho chúng ta hay mua trái phiếu của chúng ta, Châu Âu có nguy cơ bị đắm tàu về mặt tinh thần. Nhiều sáng kiến có thể đã được đưa ra trên mặt ngoại giao, nhưng điều đầu tiên phải là không được im tiếng và cung cấp những thông tin đang tin cậy.

Trong hai ngày họp ở Nga, đã nổi lên nhu cầu có một trung tâm kiểm soát và tập trung những dữ kiện về kỳ thị người kitô hữu, trung tâm này được sự hợp tác tích cực của các cơ chế giáo hội…

Để tập trung những dữ liệu về tội ác hận thù đối với người kitô hữu, tổ chức OSCE đã có một cơ chế hoạt động tốt nếu các quốc gia thành viên thường xuyên gửi dữ liệu tới. Đáng tiếc là tất cả đã không làm. Nhưng cũng có các tổ chức phi chính phủ cung cấp những số liệu đáng tin cậy cần được đánh giá. Từ quan điểm này, cần phải nhấn mạnh đến sự đóng góp quan trọng của AED (tổ chức Cứu Giúp Giáo Hội Lâm Nguy), đặc biệt với những báo cáo định kỳ của họ về tự do tôn giáo trên thế giới.

Thượng phụ Kirill cũng đã mong muốn thiết lập một cơ quan đầy đủ và hữu hiệu để bảo vệ các cộng đoàn và tín hữu kitô giáo, bằng cách tạo dựng một cơ chế tư vấn bên cạnh LHQ. Cơ chế này có những chức năng gì ?

Tôi đã có dịp thảo luận về cơ chế tư vấn với những đại diện hội đồng thượng phụ ở Matxcơva. Tôi phải xác định là ý kiến này đã gặp phải một số đề kháng từ phía LHQ, muốn giao việc này cho UNESCO. Theo vị giáo chủ Giáo Hội Nga, đây phải là một bộ phận điều hợp và theo dõi có khả năng không những nói tiếng nói của người kitô hữu, mà còn tiếng nói của tất cả các nạn nhân của nạn kỳ thị và bách hại tôn giáo. Đây không phải là một “LHQ cho tôn giáo”, mà là một bộ phận xoáy vào những kỳ thị và bách hại tôn giáo, để ngăn ngừa và chống lại, về mặt pháp lý và ngoại giao.

Năm nay, ông đã được cử làm đại diện OSCE để chống lại sự hiềm kỵ và kỳ thị mà người tín đồ kitô giáo phải đối đầu. Sự hiện diện của ông và của hai vị đại diện chống nạn kỳ thị Do Thái giáo, đạo sĩ Andrew Baker, và chống kỳ thị Hồi Giáo, thượng nghị sĩ Adil Akhmetov, cho thấy sự quan tâm của chủ tịch Aubalis đối với vấn đề tự do tôn giáo. Bảng quyết toán năm 2011 ra sao ?

Theo Đức Cha Dominique Mamberti, thứ trưởng bộ ngoại giao Vatican, năm nay tổ chức OSCE đã có được “những kết quả tuyệt hảo” trong cuộc đấu tranh chống các cuộc bách hại người kitô hữu. Mặc dù sự chú ý của thế giới đã bị thu hút bởi cuộc đấu đá giữa bà Hillary Clinton và bộ trưởng ngoại giao Nga, Sergei Lavrov về những bất thường trong các cuộc bầu cử ở Nga, trong hội nghị của OSCE tại Vilnius, những tham chiếu lý thú về tự do tôn giáo đã không bị lãng quên. Nhân dịp này ngoại trưởng Hoa Kỳ đã yêu cầu các chính phủ đắc cử sau “mùa xuân Ả Rập” tôn trọng các thiểu số tôn giáo. Cá nhân tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp các tín hữu kitô giáo ở Bắc Phi không chỉ bằng lòng với sự bất kỳ thị. Rất cần, sau những cuộc nổi loạn, phải bảo vệ những nơi thờ phượng, nhất là những giáo đường của các thiểu số. Điều này coi có vẻ là một mục tiêu thứ yếu, nhưng không phải vậy. Và nhiều quốc gia trong OSCE ủng hộ ý kiến có một hiệp định quốc tế bảo vệ các nơi thờ phượng và các khu nghĩa trang. Bởi vì kẻ phá hủy nhà thờ muốn giết chết linh hồn các cộng đoàn kitô hữu, và kẻ tìm cách giết chết linh hồn cũng sẽ không tôn trọng thể xác và sinh mạng tín đồ kitô giáo.

Ở Matxcơva, giám mục Hilarion, đại diện Giáo Hội Chính Thống Nga bên cạnh các cơ chế Châu Âu, đã viện dẫn sự từ chối căn tính kitô giáo của Châu Âu như một trong các nguyên nhân bách hại người kitô hữu. Ngài cũng chỉ trích “tinh thần lịch sự” của một số chính trị gia Âu Châu chỉ tập trung vào sự không chấp nhận chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi Giáo, hơn là sự kỳ thị đối với người kitô hữu. Ông có đồng ý không ?

Dù rằng không có ai so sánh những vụ thảm sát ở Ai Cập hay ở Pakistan và những vụ phạm thánh đối với các nhà thờ ở Châu Âu, chúng ta đã thấy những trường hợp hiềm khích và kỳ thị đối với các kitô hữu ngày càng nhiều. Thượng phụ Kirill cũng như giám mục Hilarion đã nhấn mạnh cách riêng trên điểm này. Vi giám mục đã nhắc đến toan tính loại trừ Thánh Giá ra khỏi các lớp học thuộc các học đường ở Ý. Theo tôi, có vẻ thiếu thận trọng nếu đặt trong thế đối nghịch giữa đấu tranh chống bài Do Thái và nạn hiềm khích và những kỳ thị đối với dân hồi giáo với đấu tranh cho các quyền của người kitô hữu. Và OSCE, qua ba người đại diện chúng tôi, tìm cách để chứng minh cách dễ thấy nhất rằng ba cuộc tranh đấu này đều có tầm quan trọng ngang nhau dù trên quan điểm chính trị hay ngoại giao.

Thế giới phương Tây có những hình thức kỳ thị nào ?

Như Đức Cha Erwin Josef Ender đã nhắc nhở trong hội nghị Matxcơva, Đức Giáo Hoàng đã nhận cho riêng mình từ “bài-kitô-giáo” do luật gia Do Thái ở Hoa Kỳ, ông Joseph Weiler, đặt ra để nói về các nước Phương Tây. ĐGH Biển Đức XVI thường hay lưu ý “bằng cách nhìn từ Đông sang Tây” làm sao để chúng ta đối mặt với những thể loại đe dọa khác nhau để thực hiện toàn vẹn quyền tự do tôn giáo. Đây là những quốc gia nơi mà người ta đặt tầm quan trọng to lớn cho đa nguyên và bao dung, nhưng trong các quốc gia này tôn giáo ngày càng bị gạt ra ngoài xã hội và cũng tại đây tôn giáo bị coi như một nhân tố bị loại ra khỏi xã hội tân tiến. Cũng như đối với những giới hạn về phản đối lương tâm liên quan đến phá thai, người ta đã bắt người kitô hữu hành xử trái với niềm tin tôn giáo và luân lý của họ. “Sự bài kitô giáo” cũng thể hiện qua những đe dọa quyền tự do giáo dục và sự ác cảm hành chính đối với các trường đạo. Ví dụ trong những quốc gia Âu Châu, người ta bắt học sinh phải tham dự những lớp học về sinh dục và dân sự, nơi đây được truyền dạy những quan niệm gọi là vô tính về con người và sự sống, nhưng thật ra phản ảnh một nhân chủng học trái với Đức Tin, trái với lý trí công chính. Sự bất dung là một hành động mang tính văn hóa và sự kỳ thị là một dữ kiện pháp lý. Nhưng đó là hai bước đầu của con dốc mà nếu không ngăn lại kịp thời, sẽ đương nhiên dẫn đến giai đoạn thứ ba là bạo lực và bách hại.


Mai khôi phỏng dịch

Nguồn : http://www.zenit.org/article-29742?l=french
Tội ác với kitô hữu: không được im lặng! Reviewed by Admin on 12/25/2011 Rating: 5 Trao đổi với ông Massimo Introvigne, đại diện OSCE Rôma, ngày 16/12/2011 (ZENIT.org). - Để chống lại những kỳ thị, thật là quan trọng phả...

Không có nhận xét nào: