Người tín hữu Chúa Kito trong chính trị - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 2, 2012

Người tín hữu Chúa Kito trong chính trị

(TNCG) - NGƯỜI TÍN HỮU CHÚA KI TÔ TRONG CHÍNH TRỊ

(Nota doctrinalis: Ghi chú tín lý về người tín hữu Chúa Ki Tô trong chính trị)

Ngày 16 tháng giêng 2003, trên 5 năm trươc đây, khi chúng tôi viết bài nầy, Thánh Bộ Đức Tin vừa ban hành một Văn Bản "Ghi Chú Tín Lý về những vấn đề liên quan đến việc dấn thân và cách cư xử của người công giáo trong chính trị”L'Osservatore Romano, 17.1.2003).

Trước khi đề cập đến nội dung của Văn Bản trên, có lẽ chúng ta nên xác định từ ngữ và thời điểm Văn Bản được công bố để đánh giá một cách chính đáng hơn nội dung quan trọng mà Thánh Bộ Đức Tin muốn gởi đến mọi người công giáo trên thế giới.

Trước hết Văn Bản được công bố dưới hình thức "Ghi Chú Tín Lý”(Nota doctrinalis).

Với hình thức vừa kể, "Nota doctrinalis”, Thánh Bộ Tín Lý xác định tính cách quan trọng của nội dung được chứa trong Văn Bản.

Đây là những điều Giáo Hội muốn xác nhận có liên quan đến Tín Lý. Giáo Hội có ý tuyên bố dùng quyền giáo huấn của mình đối với các tín hữu Chúa Ki Tô, nhút là đối với người tín hữu giáo dân, là những người có phận vụ không ai có thể thay thế trong môi trường chính trị-xã hội, chớ không phải là những vấn đề đưa ra để hỏi ý kiến hay bàn cải (questio disputata).

Dưới dạng thức "Ghi Chú Tín Lý” như vừa nói, Giáo Hội công bố Văn Bản hàm chứa ý nghĩa có tính cách bắt buộc và các tín hữu phải lưu tâm, vì là những vấn đề liên quan đến Đức Tin.

Về thời gian tính, Ghi Chú Tín Lý được công bố ngày 16.01.2003, ngày lễ Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ

Có lẽ không mấy người trong chúng ta biết là ngày lễ long trọng mừng Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ, được Đức Giáo Hoàng Pio XI thiết lập năm 1925 với chủ ý tương đối hóa hai biến cố đánh dấu đặc biệt tình trạng chính trị lúc đó:

- cuộc cách mạng Cộng Sản ở Nga 1919 được người Cộng Sản rầm rộ tuyên bố là”vĩ đại”

- và cuộc chiến thắng khải hoàn tràn vào Roma (Marcia su Roma) của phe Phát Xít Ý, do Benito Mussolini lãnh đạo.

Hai ý thức hệ độc tài và phi dân chủ đó được đặt dưới chân Chúa Giêsu Vua, Vị lãnh đạo và Vua duy nhất của cả vũ trụ.

Chọn ngày 16.01, lễ Chúa Giêsu Vua, Giáo Hội có ý nhắc lại cho chúng ta rằng mọi quyền năng đều phát xuất từ Thiên Chúa:

-”Omnis potestas a Deo”.

Về nội dung, Văn Bản Ghi Chú Tín Lý được gởi đến những người tín hữu Chúa Ki Tô, người tín hữu giáo dân, đang dấn thân trong chính trị, không phải như là một bản văn nói lên mối tương quan giữa luân lý và chính trị, cho bằng có mục đích định hướng các tín hữu Chúa Ki Tô nói chung, đứng trước một vài vấn đề luân lý trong cuộc sống dân chủ:

-”Xã hội văn minh của chúng ta hiện nay đang ở trong một chu kỳ văn hóa phức tạp, đánh dấu một thời đại vừa kết thúc và trạng thái bấp bênh của một thời đại mới vừa ló dạng ở chân trời. Nhiều cuộc chinh phục quan trọng mà chúng ta đang chứng kiến thúc đẩy con người bước đi trên con đường tích cực mà nhân loại đã thực hiện được những bước tiến hóa và đạt được những điều kiện sống xứng đáng cho con người hơn. Sự tăng trưởng ý thức trách nhiệm đối với các Quốc Gia chưa được phát triển là một dấu hiệu quan trọng, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta càng ngày càng có ý thức về công ích. Nhưng cùng chung với những bước tiến vừa kể, chúng ta không thể im lặng trước những mối nguy mà một vài khuynh hướng văn hóa đang muốn định hướng các nền luật pháp và từ đó quy hướng cách cư xử của những thế hệ tương lai”(đoạn 2).

Giáo Hội không chối những tiến bộ mà nhân loại đã đạt được nhờ vào thể chế dân chủ càng ngày càng được bành trướng và lớn mạnh khắp nơi, nhưng đồng thời Giáo Hội nhận thấy rằng mình không thể nhắm mắt trước những khuynh hướng văn hóa đang đe dọa, lợi dụng những thành quả đã đạt được, để làm băng hoại thể chế nhân bản và dân chủ trong tương lai.

Từ đó đưa đến vấn đề quan niệm phải có, quan niệm phù hợp với đức tin của người tín hữu Chúa Ki Tô, nhứt là người tín hữu giáo dân, trong chính trị.

Một đàng, người tín hữu

- không thể không tham dự chính trị, vì chính trị - xã hội là môi trường đặc thù, mà ơn gọi dành riêng cho cuộc sống của người tín hữu giáo dân, kêu gọi phải thực hiện, để tổ chức cuộc sống cho mình và thực thi đức bác ái đối với anh em mình (Gaudium et Spes, n. 75, in EV I / 1578).


Mình không dấn thân, chung sức với những người thành tâm thiện chí khác để thực hiện, có được đường lối chính trị Quốc Gia tổ chức cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho đồng bào mình, kẻ khác lãnh đạo, hành xử, thực hiện sai trái lên đầu lên cổ mình và anh em đồng bào mình, thì ráng chịu.

- đàng khác họ phải đối phó với những khuynh hướng văn hóa mơ hồ tối nghĩa, khiến những nhà làm luật có những chọn lựa cần phải đặt vấn đề hay khiến cho họ có những lựa chọn không thể chấp nhận được về phương diện luân lý.

Câu hỏi được đặt ra đối với người tín hữu Chúa Ki Tô trong chính trị là làm sao có thể trung thành với lương tâm của mình hay với những giá trị bất khả nhượng?

Do đó Văn Bản Ghi Chú Tín Lý được tuyên bố để làm sáng tỏ vấn đề.

Nội dung của Bản Ghi Chú Tín Lý được trình bày dưới bốn đề tài:

- tạo một tâm hồn luân lý cho chính trị,
- một vài định hướng trong môi trường dân chủ đa nguyên,
- bản tính Ki Tô giáo và gia nhập đảng phái chính trị,
- đặc tính trần thế của chính trị.

1 - Tạo một linh hồn luân lý cho thể chế dân chủ.


Bổn phận đầu tiên của người tín hữu Chúa Ki Tô là tạo một linh hồn luân lý cho thể chế dân chủ, hàn gắn sự rạn nứt nguy hiểm giữa luân lý và chính trị.

Thời kỳ vàng son của ý thức hệ không tưởng xã hội chủ nghĩa thực hữu (socialismus realis) đã chấm dứt năm 1991, ít nhứt là đối với đại đa số các Quốc Gia trên thế giới, ý thức hệ duy nhứt hiện tại là thể chế dân chủ đa nguyên.

Nhưng với tư cách độc tôn hiện tại, thể chế dân chủ đa nguyên đang có khuynh hướng đồng nhất hóa các nền văn hóa khác, xoá bỏ đi không ít gia tài phong phú các giá trị về con người.

Nhược điểm của dân chủ tự do là pha lẩn tự do với tương đối hóa luân lý :

- mọi khuynh hướng chính trị, văn hóa, luân lý, tôn giáo đều được coi là có giá trị như nhau, chính đáng (légittime) như nhau,
- và tự do là quyền có thể chọn lựa và hành động bất cứ những gì mình thích, chỉ có một giới hạn duy nhứt là tôn trọng tự do của người khác.

Bản Ghi Chú Tín Lý đứng tách rời quan niệm dân chủ nhân nhượng và cá nhân chủ nghĩa vừa kể, quả quyết rằng:

-”Tự do chính trị không phải, cũng như không thể được đặt trên nền tảng quan niệm tương đối chủ nghĩa, cho rằng mọi quan niệm về con người đều có giá trị chân lý như nhau và giá trị như nhau”(đoạn 3).

Kinh nghiệm cho thấy rằng lý thuyết vừa kể thu hẹp đời sống nhân bản và dân chủ thành thực dụng hoàn toàn.


Các cơ chế Quốc Gia không còn hành xử một cách trong sáng để phục vụ công ích và trở thành dụng cụ của quyền lực và phe nhóm, làm mất đi tinh thần Quốc Gia đối với nguời lãnh đạo cũng như đối với dân chúng.

Từ những ý nghĩ vừa kể, chúng ta có thể kết luận rằng vấn đề dân chủ hiện tại là vấn đề luân lý.

Ngoài ra lý do phải tạo cho chính trị một linh hồn luân lý là do những đòi hỏi khẩn thiết trước những kết quả mà khoa học và kỹ thuật đã và đang đạt được:

-”Những chinh phục mà khoa học đạt được, cho phép con người tiến đến được những mục đích làm cho lương tâm phải giao động và đòi hỏi phải tìm ra những giải đáp để đáp ứng một cách trung thực và chắc chắn những nguyên tắc luân lý. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến nhiều dự án pháp luật, bất kể đến sự sống còn và tương lai của nhiều dân tộc trong tiến trình phát triển văn hóa và nếp sống của mình, đang có ý định phá vở quyền bất khả xâm phạm của con người”(đoạn 4).

Nói một cách nôm na, bản Ghi Chú Tín Lý lưu ý người tín hữu về thể chế dân chủ tự do hiện tại, nhứt là tự do quá trớn của một vài trào lưu văn hóa không còn đếm xỉa đến điạ vị tối thượng của con người và đang đào thải tận gốc rể đời sống dân chủ, bằng cách đánh mất đi giá trị của những cứ điểm định chuẩn.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II, mười năm trước đây cũng đã đề cập đến những nguy hiểm vừa kể:

-“Ở nhiều quốc gia, sau sự sụp đổ của những ý thức hệ trói buộc chính trị vào quan niệm độc tài về thế giới - chủ thuyết Mát Xít là một trong những ý thức hệ đó - hiện nay một mối nguy hiểm khác không kém phần trầm trọng đang đe dọa, do quan niệm chối bỏ những quyền căn bản của phẩm giá con người . Đó là mối nguy cơ cấu kết giữa dân chủ và tương đối hóa luân lý. Mối nguy vừa kể xoá bỏ đi mọi cứ điểm định chuẩn luân lý và, tận cùng hơn nữa, mọi cứ điểm để có thể định chuẩn đâu là sự thật”(Thông Điệp Veritatis Splendor (1993), n. 101).

Với thái độ tương đối luân lý như vừa kể, mọi chuyện thoái hóa hủ bại là điều có thể xãy ra được:

-Nếu không có chân lý cuối cùng, để hướng dẫn và định hướng chính trị, mọi tư tưởng và mọi xác tín đều có thể trở thành dụng cụ để phục vụ quyền lục. Một thể chế dân chủ không có giá trị cần phải tôn trọng, là thể chế có thể biến thành ý thức hệ toàn trị hiển nhiên dễ dàng hay là một thể chế toàn trị ẩn nấp, như lịch sử chứng minh”(ĐTC Gioan Phaolồ II, Centesimus Annus (1991), n. 46).

Ghi Chú Tín Lý giải thích thêm:

-“Một đàng, người dân có thể tự coi những lựa chọn luân lý của mình là những lựa chọn hoàn toàn tự lập, đàng khác các nhà lập pháp cho rằng họ tôn trọng quyền tự do lựa chọn vừa kể, khi họ soạn thảo ra những đạo luật mà không cần quan tâm gì đến các nguyên tắc luân lý tự nhiên, để biểu đồng tình với một vài khuynh hướng văn hóa hay luân lý tạm thời, làm như quan niệm nào liên quan đến đời sống đều có giá trị như nhau”(Nota doctrinalis, đoạn 2).

Giáo Hội không hề nghi ngờ rằng thể chế dân chủ là một thể chế bảo đảm hữu hiệu hơn cho người dân tham gia vào đời sống chính trị của xứ sở. Tuy nhiên Giáo Hội không quên nhấn mạnh rằng không thể có dân chủ, nếu dân chủ không đặt nền tảng trên quan niệm đúng đắn về con người:

-“Đối với nguyên tắc nầy - Ghi Chú Tín Lý xác quyết - người tín hữu Chúa Ki Tô dấn thân trong chính trị không thể có một nhân nhượng nào, nếu không, họ không đang làm chứng đức tin Ki Tô giáo giữa trần thế, thiếu sự hợp nhứt giữa các Ki Tô hữu với nhau và là thái độ bất nhất đối với lương tâm của chính họ(…).Chính sự tôn trọng đối với nhân vị làm cho người dân có thể tham gia thiết thực vào thể chế dân chủ”(đoạn 3).

Do đó trước những khuynh hướng tấn công chống lại phẩm giá con người, người tín hữu

“có quyền và nhiệm vụ can thiệp để nhắc lại ý nghĩa sâu xa của đời sống và trách nhiệm mà mọi người phải có để bảo vệ”(đoạn 4).

Điều đó có nghĩa là tạo một linh hồn luân lý cho thể chế dân chủ.


2 - Định hướng cho môi trường dân chủ đa nguyên.


Cũng chính những lý do đưa đến việc người tín hữu Chúa Ki Tô từ chối thái độ tương đối luân lý, là những lý do nền tảng cho quan niệm đa nguyên và đa dạng trong dân chủ.

Ghi Chú Tín Lý trình bày một sự phân biệt quan trọng:

-“đa nguyên không liên hệ gì đến các nguyên tắc luân lý. Những nguyên tắc luân lý là những nguyên tắc phát xuất từ bản chất và do vai trò nền tảng cuộc sống xã hội, không thể”mặc cả được”(non negotiabilis)”(đoạn 3).

Đa nguyên có thể hiểu:

-“là những chiến thuật chính trị khác nhau, do việc có thể cắt nghĩa nhiều cách khác nhau một vài nguyên tắc căn bản của lý thuyết chính trị, những kỹ thuật phức tạp cần thiết đối với phần lớn các vấn đề chính trị”(id.).

Hiểu như vậy, đa dạng của các việc chọn lựa chính trị không những chính đáng, mà còn cần thiết cho đời sống dân chủ.

Bởi vì đa nguyên, đa dạng phát xuất từ chính bản thể của chính trị.

Chính trị được định nghĩa là "nghệ thuật của những gì có thể” (possibilitatis ars), bởi lẽ chính trị phải chạm trán và giải quyết những vấn đề phúc tạp, bị ảnh hưởng bởi nhiều điều kiện thực tế về xã hội, văn hóa, kinh tế và của nhiều lãnh vực khác nữa.

Ai có thể tự cho mình là nắm vững hết mọi khía cạnh của tình thế chính trị, nên để giải quyết không cần giải pháp nào khác hơn là giải pháp do chính mình đề ra, hay chỉ cần của chính đảng mình đề ra?

Trong chính trường, để giải quyết một vấn đề có nhiều ý kiến chính tri khác nhau, nhiều khi đối ngược nhau, ngay cả giữa những người có cùng những ước vọng về giá trị và lý tưởng như nhau.

Do đó không ai có thể phủ nhận được

-“tự do chính đáng của các tín hữu công giáo là có quyền chọn , giữa những khuynh hướng chính trị thích hợp với đức tin và lề luật luân lý, lựa chọn giải pháp nào theo tiêu chuẩn của mình thích hợp hơn cho các nhu cầu lợi ích chung”(đoạn 3).

Nhiệm vụ của người tín hữu Chúa Ki Tô phải

- hành động trung thực với đức tin và các nguyên tắc căn bản của luân lý,
- không cản trở họ có phán đoán khác nhau về phương thức thích hợp, mục đích ưu tiên, hiệu năng hay chuẩn định khôn ngoan đối với chương trình của chính đảng hay chính quyền.

Trên 30 năm qua, Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI cũng đã đề cập:

-“Trong các trường hợp thực tế và liên hệ đến tình liên đới trong kinh nghiệm sống của mỗi người, cần phải nhìn nhận tính cách chính đáng của các việc chọn lựa khác nhau. Một đức tin Ki Tô giáo duy nhất có thể hướng dẫn những cuộc dấn thân khác nhau”(ĐTC Phaolồ VI, Octogesima Adveniens, n.50).

Cũng trong chiều hướng đó Ghi Chú Tín Lý xác định một cách rõ rệt hơn:

-“Có thể có nhiều chính đảng, trong đó các Ki Tô hữu có thể chọn tranh đấu để thi hành quyền và nhiệm vụ xây dựng đời sống văn minh cho xứ sở họ”(đoạn 3).

Việc chọn lựa đó tùy thuộc vào lương tâm và tính nhạy cảm về các vấn đề xã hội - văn hoá của mỗi người:

-“Giáo Hội không có bổn phận đưa ra những giải pháp thực tế - càng không thể là những giải pháp duy nhứt - đối với các vấn đề trần thế mà Chúa giao cho trí phán đoán tự do và có trách nhiệm của mỗi người, mặc dầu Giáo Hội có quyền và nhiệm vụ đưa ra những phán đoán luân lý đối với những thực tại trần thế, khi đức tin và lề luật luân lý đòi buộc”(id.).

3 - Bản tính Ki Tô giáo và gia nhập chính đảng.


Tuy nhiên đa nguyên đa dạng không có nghĩa là dững dưng, sao cũng được, khuynh hướng nào cũng được,”cộng sản hay không cộng sản cũng vậy !”,

Bản tính Ki Tô giáo bó buộc rất rõ rệt. Do đó mặt dầu tính cách chính đáng của những lựa chọn khác nhau, nhưng cần phải ý thức rằng:

- “không phải bất cứ chương trình , bất cứ chính đảng, bất cứ khuynh hướng chính trị nào cũng phù hợp với cái nhìn Ki Tô giáo và với giáo huấn của Giáo Hội”(id.).

Điều đó đặt người Ki Tô hữu trước một vấn nạn hệ trong: làm thế nào có thể vẫn trung thành với bản tính Ki Tô giáo, với lý tưởng của mình, nếu mình thuộc về một chính đảng hay một khuynh hướng chính trị trong đó

- mình không được phép diễn tả hoàn hảo các giá trị mà mình tôn trọng,

- trong đó sự tôn trọng phương thức dân chủ đặt mình trước những lựa chọn đối ngược lại những giá trị không thể từ chối được của mình, như :

* phẩm giá toàn diện con người,
*mạng sống con người,
* gia đình, giáo dục,
* tự do tôn giáo,
* hoà bình?

Ghi Chú Tín Lý đòi buộc người Ki Tô hữu phải can đảm làm chứng trước công chúng:

-“Người công giáo, trong trường hợp nầy, có quyền và bổn phận rõ ràng phải can thiệp để nói lên ý nghĩa sâu xa của đời sống và kêu gọi mọi người có trách nhiệm đối với đời sống. Người tín hữu Chúa Ki Tô có chính trách nhiệm bắt buộc phải chống lại mọi luật lệ đuợc coi là phương hại đến đời sống con người”(đoạn 4),

Nhưng nhân chứng thôi, chưa đủ!

Trong khi công khai xác nhận mình bất đồng ý kiến và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ các giá trị luân lý không thể khước từ được, người Ki Tô hữu trong chính trị còn phải xử dụng những phương tiện mà thể thức dân chủ cho phép để đạt được kết quả thực tế tốt đẹp nhứt có thể trong những hoàn cảnh khác nhau.

Ghi Chú Tín Lý lấy lại lời giáo huấn của ĐTC Gioan Phaolồ II về đạo luật phá thai:

-“một nghị viên, mà chính kiến cá nhân của mình tuyệt đối chống lại phá thai rõ ràng được mọi người biết, có thể dành sự ủng hộ của mình một cách chính đáng cho những đạo luật nhằm hạn chế những tai hại của những đạo luật đó và giảm thiểu các hậu quả không tốt đẹp trên bình diện văn hóa và luân lý công cộng”(ĐTC Gioan Phaolồ II, Evangelium Vitae (1995), n.73).

Một hình thức xử dụng các phương tiện dân chủ khác một cách khôn ngoan được Đức Hồng Y Carlo Maria Martini bàn đến. Dĩ nhiên nguyên tắc luân lý là những nguyên tắc luân lý tuyệt đối , bất di dịch, và hành động chính trị phải bắt nguồn từ các nguyên tắc đó, nhưng dĩ nhiên cũng là

-“hành động chính trị” không phải chỉ nhằm thực hiện tức thời các nguyên tắc luân lý tuyệt đối, mà là thực hiện được công ích cụ thể có thể trong một hoàn cảnh xác định”(Card. Carlo Maria Martini,”La Politica, via alla santità”(1998), in Martini C.M., Il Padre di tutti. Lettere, discorsi e interventi 1998, Bologna, EDB, 1999, p.290).

Nói cách khác, hành động chính trị luôn luôn thực hiện công ích một cách tuần tự, tùy theo những điều kiện thực tế có thể của hoàn cảnh.

Người Ki Tô hữu có thể phạm một lỗi lầm to lớn, nếu từ bỏ chính trị vì sợ”oen ố”bản tính Ki Tô hữu của mình hoặc”bế quan tỏa cảng”trong trạng thái đứng”tách biệt ngoạn mục và trong sáng”, từ chối mọi đối thoại và cả có thể đối chọi đối với bất cứ ai,”bịt mắt, bịt tai”,”ở xa không biết”,”thấy vậy, lách sang rồi bỏ đi luôn”:

-“Những bước tiến tích cực, dẫu cho tuần tự, có giá trị hơn là sự đóng kín quyết liệt của những phán quyết:“không”, bởi lẽ thái độ đó không lợi ích gì về lâu về dài. Không phải mọi bước tiến chậm chạp đều chắc chắn là một cuộc nhượng bộ, bỏ cuộc. Ngoài ra còn có cái nguy là, muốn được cái tối hảo, người ta có thể xuôi tay ngồi chờ làm cho tình trạng càng ngày càng biến thành tệ hại hơn cho cuộc sống xứng đáng với con người”(Card. C.M. Martini, C'è un tempo per tacere e un tempo per parlare (1995), Centro Ambrosiano, Milano 1995, 22s).

“Đối thoại, ngồi chờ chớ không đối đầu”, ”mặc cho ai sống chết mặc kệ”trước những bất công phải gánh chịu !

4 - Đặc tính trần thế của chính trị.


Làm thế nào để có phương cách hành xử hoà hợp giữa bổn phận phải trung thành với bản tính Ki Tô giáo và các quy tắc chính trị?

Đó là điều Ghi Chú Tín Lý tiến thêm một bước nữa để hướng dẫn người tín hữu trong chính trị.
­
Muốn có sự hòa hợp vừa kể, cần phải biết”trung gian điều giải”(mediatio) giữa luân lý, tín lý và chính trị, để tránh hình thức”chế độ giáo phẩm trị”(clericalismus) của những ai muốn áp dụng trực tiếp các giá trị Ki Tô giáo vào lãnh vực trần thế.

Đàng khác cũng để tránh thái độ thụ động”nằm khoanh vỏ ốc”(quicumquismus), hay”lách sang rồi bỏ đi luôn", vô trách nhiệm của thầy tư tế và thầy Levi trong câu chuyện người Samaritano nhân lành (Lc 10, 29-37), của những ai không còn đếm xiã gì đến lương tâm, nhân nhượng trước quyền thế để được hưởng một vài ân huệ tức thời, mặc cho bất công và đau khổ của anh em.

Ghi Chú Tín Lý đứng tách biệt khỏi”chế độ giáo phẩm trị”cũng như”thái độ nằm khoanh vỏ ốc”bằng cách tuyên bố lại những ý thức mới về tín lý và mục vụ của Công Đồng Vatican II, cũng như của các Vị Chủ Chăn , nhứt là về vấn đề xã hội.

Cũng như những thực tại trần thế khác, chính trị có đặc tính thế tục (laicité) của mình: chính trị

- có công ích là mục đích,
- có những quy tắc và phương tiện tự lập theo luật tự nhiên của bản thể các vật thọ tạo trong lãnh vực trần thế,
- mà đức tin và lãnh vực siêu nhiên không thể can thiệp trực tiếp giúp đở gì được.

Từ đức tin chúng ta không thể rút ra trực tiếp một khuôn mẫu tổ chức xã hội, hợp pháp hay chính đảng.

Đức tin không thể bãi miễn cho người tín hữu trách nhiệm và mạo hiểm trong hoạt động chính trị, cũng như bãi miễn cho họ khỏi nhọc tâm tìm kiếm những cách thức”trung gian điều giải”(mediatio) mà cuộc sống chính trị đòi buộc.

Đó là ý nghĩa tại sao Hiến Chế Gaudium et Spes khuyên bảo người tín hữu giáo dân:

-“Họ (người tín hữu giáo dân) nên trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liệng. Nhưng họ đừng nghĩ rằng các chủ chăn của họ có thẩm quyền để đưa ra giải đáp thiết thực và lập tức đối với mọi vấn đề, ngay cả đối với vấn đề hệ trọng có thể xãy ra cũng vậy, hay đó là sứ mạng của các vị. Đúng hơn, được soi sáng bởi đức khôn ngoan Ki Tô giáo, luôn chú tâm một cách trung thành đến lời giảng huấn của chủ chăn, chính họ hãy đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của mình”(Gaudium et Spes, n.43,2).

Theo Ghi Chú Tín Lý thì đặc tính trần thế của lãnh vực thế tục là

-“đặc tính tự lập của lãnh vực dân sự và chính trị đối với lãnh vực tôn giáo và Giáo Hội , giá trị mà lãnh vực dân sự và chính trị đạt được và được Giáo Hội nhìn nhận và là thành phần mà kho tàng văn minh của con người có được”(đoạn 6).

Bản Ghi Chú Tín Lý cũng ghi lại lời giảng huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II nhân Ngày Thế Giới Cho Hoà Bình:

-“Đồng hóa lề luật tôn giáo với luật lệ dân sự là thực sự bóp nghẹt tự do tôn giáo và giới hạn hay không công nhận ngay cả các quyền bất khả nhượng của con người”(Giovanni Paolo II, Messaggio per la celebrazione della Giornata Mondiale della Pace 1991, IV, AAS 83 (1991), 410-421).

Và bản Ghi Chú Tín Lý kết luận:

-“Sự công nhận các quyền dân sự và chính trị cũng như cung cấp các phục vụ công cộng không thể bị ảnh hưởng bởi các xác tín hay các cách hành xử hiệu năng trong lãnh vực tôn giáo của nguời dân”(đoạn 6).

Nói như vậy, bản Ghi Chú Tín Lý lưu ý, tự lập đối với lãnh vực tôn giáo không có nghĩa là tự lập đối với lãnh vực luân lý.

Các giá trị luân lý căn bản (đối với đời sống xã hội, công bằng, tự do, hòa bình, tôn trọng đời sống và tôn trọng quyền các quyền khác, tôn trọng đối với nhân vị con người) phù hợp với tín lý Ki Tô giáo không có nghĩa là những giá trị đó đương nhiên trở thành những giá trị của”chế độ giáo phẩm trị”hay giảm bớt đi tính cách chính đáng (légitimité) dân sự và đặc tính trần thế (laicité) của việc dấn thân chính trị.

Đàng khác, với những điều được gởi đến các tín hữu Chúa Ki Tô, Ghi Chú Tín Lý xác nhận:

-“Các Chủ Chăn của Giáo Hội không có ý xử dụng quyền lực chính trị , cũng không có ý từ chối tự do của người tín hữu công giáo đối với các vấn đề trần thế. Trái lại các Ngài muốn, như là chính bổn phận của các Ngài đòi buộc, dạy dỗ và soi sáng lương tâm các tín hữu, nhứt là đối với những tín hữu dấn thân vào đời sống chính trị, để cho hành động của họ luôn luôn nhằm phục vụ thăng tiến toàn vẹn con người và công ích”(đoạn 6).

Do đó đặc tính trần thế và tự lập của người tín hữu Chúa Ki Tô, nhứt là người tín hữu giáo dân, dấn thân chính trị vẫn tồn tại nguyên vẹn.

Với một nhãn quang xa hơn nữa về tương lai, bản Ghi Chú Tín Lý khuyến khích người tín hữu trong chính trị có một cái nhìn mở rộng:

-“Không đầy đủ và hạn hẹp, nếu có ai nghĩ rằng việc dấn thân của người tín hữu chỉ đơn giản nhằm vào việc thay đổi các cơ chế hiện tại”(đoạn 7).

Người tín hữu

- không thể xoa tay thỏa mãn với việc đơn giản đạt là được kết quả nầy hay mục đích kia,
- mà không nghĩ gì đến việc phải tham gia vào việc soạn thảo dự án toàn phần để tổ chức xã hội (id ).

Người tín hữu được kêu gọi”trung gian điều giải”(mediatio) các giá trị luân lý căn bản , là những giá trị thuộc kho tàng Ki Tô giáo, thành những giá trị cho con người, được mọi người chấp nhận.

Ngưòi tín hữu tôn trọng tính cách đa nguyên và đa dạng, đặc tính trần thế và tính cách hợp pháp dân chủ, không được phép”dững dưng đứng ra bên lề”đối với lãnh vực thiêng liêng và văn hóa.

Làm như vậy họ đang làm tiêu hao đến sứ mạng nhân chứng Phúc Âm của họ và biến các nổ lực dấn thân chính trị của họ dần dần trở thành vô hiệu lực.

Nói cách khác, người tín hữu được kêu gọi “hội nhập văn hóa”(inculturation),”trung gian điều giải”các giá trị của kho tàng Ki Tô giáo vào lãnh vực văn hóa và chính trị.

Nguyễn Học Tập

Gởi trực tiếp cho TNCG
Người tín hữu Chúa Kito trong chính trị Reviewed by Unknown on 2/06/2012 Rating: 5 (TNCG) - NGƯỜI TÍN HỮU CHÚA KI TÔ TRONG CHÍNH TRỊ ( Nota doctrinalis: Ghi chú tín lý về người tín hữu Chúa Ki Tô trong chính trị) ...

Không có nhận xét nào: