Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của giáo hội (2) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 3, 2012

Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của giáo hội (2)

NGUYỄN HỌC TẬP(TNCG) - Lịch sử của phẩm giá con người. (Tiếp Phần 1)

ĐTC Gioan XXIII cho biết rõ rằng con người và tổ chức sống trong xã hội luôn luôn liên hệ với nhau và các mối tương quan con người được hướng dẫn bằng một mạng lưới rất phức tạp (Mater et magistra (MM n. 63-64).
Từ đó chúng ta có thể suy diễn ra rằng tự do con người càng bị lệ thuộc và giới hạn nhiều hơn bởi các tổ chức xã hội.

Tiến trình tổ chức xã hội phức tạp có nguy cơ làm mất đi tin tưởng đối với khả năng con người có thể đảm nhận trách nhiệm đối với cuộc sống mình.

Tiến trình phức tạp xã hội đó

- Đặt thành vấn đề cho địa vị thượng đẳng của con người,

- Có khuynh hướng đòi buộc con người phải phục tùng cơ chế tổ chức xã hội, chưa hẵn luôn luôn là những cơ chế chính đáng, chính danh và vô tư phục vụ con người (MM n. 65-68).

Trong bối cảnh đó Thông Điệp Mater et magistra (MM) đề nghị giá trị căn bản của phẩm giá con người như là "nền tảng, nguyên cớ và cùng đích" của mọi định chế (doctrina) và cơ chế (institutions) tổ chức xã hội.

ĐTC lưu ý rõ rệt rắng phẩm giá con người chỉ có thể hiện hữu trong bối cảnh được xác tín rằng con người trong xã hội có liên hệ và liên đới với nhau. Trong nhãn quang đó, để có thể tránh việc lạm dụng uy quyền của tổ chức cơ chế làm băng hoại con người, đó là kiến tạo các cấu trúc làm cho con người liên hệ tùy thuộc nhau, phải có khả năng kiểm soát tiến trình thành lập và hoạt động các cơ chế đó (MM n. 69-72).

Trong ý nghĩa những gì vừa được đề cập, nhằm đáp ứng lại cho việc phẩm giá con người phải được tôn trọng, đó là mục đích trên có liên hệ rõ ràng với việc bảo vệ công ích cho tất cả mọi người (MM n. 60 )

Và Thông Điệp diễn tả đặc tính cấu trúc của công ích vừa đề cập: công ích

- "không phải là tổng số các lợi ích cá nhân, mà là một chuổi các điều kiện xã hội cho phép cá nhân thực hiện được lợi ích cá nhân của mình" (MM n.65).

Các điều kiện đó là những thực thể văn hoá và tổ chức cuộc sống xã hội.

Như vậy ĐTC hướng về định nghĩa phẩm giá con người, hàm chứa những điều kiện cấu trúc xã hội.

Dựa vào đó chúng ta có thể rút ra được những yếu tố:

1) Phẩm giá con người luôn luôn được nâng đỡ và bảo vệ bởi các phương thức cuộc sống xã hội, trong đó con người hiện diện;

2) Các suy luận về nền tảng luân lý cần đặc tâm lưu ý đến bối cảnh xã hội trong đó phẩm giá con người đang hiện diện;

3) Đáp ứng lại các quyền của con người sẽ luôn luôn bị lệ thuộc vào định chế và nhứt là vào cấu trúc cơ chế xã hội.

Kế đến tầm quan trọng của Thông Điệp Pacem in terris (PT) được coi là những đề cập có hệ thống các hậu quả luật luân lý nầy, nhứt trong các xã hội có tầm vóc tổ chức cao độ.

Thông Điệp xác nhận một cách rõ ràng

- những đòi buộc phải có của phẩm giá con người giữa con người đối với con người;

- giữa cá nhân đối với quyền lực công cộng trong lòng Quốc Gia;

- giữa các Quốc Gia trong Cộng đồng Quốc Tế.

Phẩm giá con người chịu ảnh hưởng nội bộ trong mối liên hệ con người với nhau, trong ranh giới Quốc Gia và cả ở bên ngoài các lằn mức đó.

Vấn đề then chốt đó là mối liên quan giữa phẩm giá con người và các cấu trúc xã hội phức tạp và liên hệ ảnh hưởng đến nhau.: phận vụ bảo vệ phẩm giá con người trong bối cảnh xã hội phải được nói lên bằng một tiến trình ai cũng thấy rõ được. Các văn bản liên hệ trong tương lai được thể hiện bằng bản sắc của một lương tâm tăng trưởng của lịch sử nhân loại.

Trong viễn ảnh vừa kể Công Đồng Vatican II được khai triển, khi Công Đồng cho rằng những đòi buộc của phẩm giá con người bị đặt dưới nhiều điều kiện lịch sử.

Việc hiểu biết mối tương quan giữa giá trị tối thượng của con người và sự thực hiện được trong dòng lịch sử giá trị đó, khiến chúng ta kết luận rằng :

- những điều liên hệ đầy đủ về phẩm giá con người không thể hiểu được và xác quyết riêng rẽ tách biệt khỏi các hoàn cảnh hiện thực của một thời đại lịch sử.

Nếu con người có một giá trị tối thượng, thì các cấu trúc của tổ chức xã hội phải phải là những cấu trúc đối chiếu với các quyền cần thiết để phục vụ và bảo vệ phẩm giá đó.

Nói cách khác, định chế tổ chức Quốc Gia xã hội, không thể chỉ tuyên bố trên lý thuyết:

- "Phẩm giá con người bất khả xâm phạm" (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên bang Đức), mà còn tuyên bố và tiên liệu và quy trách cho cơ chế nào là chủ thể phải đứng ra trực tiếp chịu trách nhiệm, nếu những giá trị về phẩm giá con người bị vi phạm:

- " Các quyền căn bản sẽ được kể sau đây là những quyền có giá trị bắt buộc đòi với lập pháp, hành pháp và tư pháp, là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp " (id., đoạn 2).

Dĩ nhiên nội dung xác thực của các quyền đó chịu ảnh hưởng các điều kiện và hoàn cảnh lịch sử xác định trong việc áp dụng, thi hành.

Như vậy không ai có thể tự nhiên tiên nghiệm (a priori ) xác định rõ rệt phẩm giá con người là gì..

Mỗi biện chứng dựa vào bản tính con người cần phải lưu ý rằng bản tính đó được cấu tạo nên và chịu ảnh hưởng của dòng lịch sử.

Tuy nhiên nhìn nhận tính cách lịch sử như là những gì liên quan đến đặc tính thiết yếu của con người , chúng ta có cai nguy là làm tương đối hoá phẩm giá con người và trói buộc phẩm giá đó vào những gì được nói lên bởi các khuynh hướng văn hoá và ý thức hệ.

Công Đồng Vatican II nhìn nhận mối thử thách của tính cách lịch sử và giải thích giá trị vững chắc của truyền thống, theo đó thì tính cách bắt buộc của luân lý không phải chỉ là những vấn đề khuynh hướng văn hoá hay định kiến.

Sự hiện diện cùng lúc nơi con người tư tưởng

- Bị giới hạn theo dòng lịch sử

- Và khuynh hướng tối thượng của bản thể mình

trở thành tâm điểm của nhãn quang luân lý về phẩm giá con người.

Bởi đó cần tránh tuyệt đối hóa một giá trị lịch sử giới hạn hay buông thả mình ẩn náo vào tính cách thuần tối thượng của phẩm giá (GS nn. 13.44).

Tầm độ căng thẳng vừa được đề cập là động lực tích cực cho sự khéo léo của con người để tổ chức và thực hiện chính trị và như vậy tổ chức xã hội, chính trị phải là kết quả của mức độ khéo léo đó.

Con nguời hiện diện trong lịch sử bị đặt mình trước hai thái cực vừa kể:

- như vậy phải chuyên cần để trong các giới hạn và các điều kiện bị đặt mà mình gặp phải,

- nhưng đồng thời tự bản thể của mình, con người luôn hướng về những gì cao cả tối thượng cho phẩm giá của mình.

Phẩm giá con người được xác định trên nền tảng đó.

Tạo vật con ngưòi thấy được nơi mình mối căng thẳng đó là:

- Con người không phải là những mảnh vụn, yếu tố, bù lon, đinh, ốc của một bộ máy xã hội,

- Nhưng con người cũng không phải là những vị thần thánh thuần túy.

Hiểu được tình trạng cấu trúc của con người như vậy, chúng ta ý thức được các giới hạn, các điều kiện và hoàn cảnh sống lịch sử không phải là kẻ thù của phẩm giá con người.

Cấu trúc để thực hiện phẩm giá con người gồm có hai loai:

- Một loại gồm những mối liên hệ trực tiếp với bản thể nội tại của con người,

- Một loại khác gồm những yếu tố thay đổi theo lịch sử, như là kết quả của những quyết định cá nhân và cộng đồng xã hội (GS n. 25).

a) Trong những mối liên hệ thứ nhứt gồm cả gia đình và cộng đồng chính trị. Khước từ quyền đươc quyết định hay tham gia vào chính trị, một cách nào đó là khước từ tầm mức thiết yếu của con người.

Hình thức chính xác của các quyền nầy trên thực tế là có thể được quyền xác định chính xác, đùng hay sai, chinh đáng hay lạm dụng, bằng cách phân tích bối cảnh lịch sử các ý thức hệ khuôn mẫu và cơ chế của cuộc sống xã hội.

Tuyên Ngôn Dignitatis humanae cũng đặc tâm lưu ý đến con người và quyền tự do của con người trong xã hội như là trọng tâm của ý thức hệ và cơ chế tổ chức phải có để tôn trọng phẩm giá con người.

Quốc Gia không thể thay thế cá nhân con người, các tổ chức xã hội trung gian, mà chỉ có thể thiết định và phối hợp các động tác liên hệ của con người, liên hệ với nhau cũng như liên hệ với tổ chức Quốc Gia vì công ích: nhưng suy nghĩ cho cùng, dầu cho Quốc Gia có ra lệnh, chỉ thị bắt buộc, các lệnh truyền đó của Quốc Gia chỉ có tính cách chính đáng, nếu là lệnh truyền để nhằm bảo vệ tự do của người dân và lợi công ích.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiểu được nguyên cội các quyền của cá nhân và xã hội, thấy đuợc mối tương quan thiết yếu lẫn nhau giữa họ với nhau.

Tuyên Ngôn Dignitatis humanae nhắc cho chúng ta nhớ rằng không thể nhân danh giáo lý hay thực hành tôn giáo để xoá bỏ hay áp đặt nguyên cội đó của các quyền con người. Nói cách khác, không có tôn giáo nào có thể xóa bỏ được tự do lương tâm tôn giáo, nếu tôn giáo đó vẫn còn tôn trọng bổn phận phải tìm kiếm chân lý của mỗi người.

Hành động như vậy, một đàng không phân tách được sự khác biệt

- Giữa định chế luật pháp (tức là định chế các điều kiện vật chất thích hợp để uốn nắn và tạo được cuộc chung sống giữa các cá nhân con người và chính căn tính tôn giáo của con người)

- Và lãnh vực thiện hảo của tôn giáo -luân lý.

Đó là lãnh vực định chuẩn cá biệt của tự do và chỉ từ tự do đó, với tư cách là phương thức tối thượng và căn bản của hành động con người, chúng ta mới chuẩn định được hành động chính đáng của con người.

Bởi đó Công Đồng Vatican II, trong Tuyên Ngôn vừa đề cập, xắc nhận rằng:

- "Chân lý phải được tìm ra trong thể thức đáp ứng được phẩm giá và xã hội tính của con người , có nghĩa là bằng một cuộc tìm kiếm tự do".

Cũng với tầm quan trọng đó nhãn quang lịch sử cũng được đặt liền "bên cạnh" quan niệm truyền thống "khách quan" trong ý nghĩa bản thể phổ quát của con người được Chúa ban cho có phẩm giá, bởi lẽ bản thể đó được thiết định trên trật tự được Chúa dựng nên hay trên thực tại con người giống hình ảnh chính Thiên Chúa, nguyên cội từ đó thoát xuất ra hình thức hữu lý - cần thiết cho các quyền con người.

Đặt tầm quan trọng đến quyền tự nhiên của con người, không phải chỉ là kết quả của một xác tín được khai triển, có vẽ như để đáp ứng lại nhu cầu phổ quát và truyền thông đối với xã hội ngày nay . Giáo Hội cũng đáp ứng lại bằng cách dựa lên trên bản tính phổ quát của con người (có giá trị đối với mọi người và ở mọi thời đại).

Tuy nhiên phẩm giá và các quyền của con người là những đòi buộc "khách quan, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng", không tùy thuộc vào lượng số nội dung và bối cảnh lịch sử trong đó các quyền của con người được tuyên bố.

Dĩ nhiên các quyền của con người, không phải tất cả đều tuyệt đối. Bởi lẽ ngoài một số quyền bất di dịch và bất khả nhượng, như những gì Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 Hoa Kỳ tuyên bố:

- "Mọi người được dựng nên bình đẳng như nhau. Trong các quyền nầy, quyền được bảo toàn mạng sống, quyền toàn vẹn thân thể và quyền được tìm kiếm hạnh phúc là những quyền thượng đẳng" (Tiền Đề Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Ký 1776), nhiều quyền khác của con người bị "tương đối hoá " trong cuộc sống xã hội với nhau: quyền tự do di chuyển trước ngã tư đèn xanh, đền đỏ chẳng hạn.Quyền tự do di chuyển của người gặp đèn đỏ bị tương đối hoá đối với người có đèn xanh. Một quyền căn bản của ccon người bị tuơng đối hoá ví lợi ích cho các cá nhân khác, cũng như vì công ích.

Nhưng tương đối hoá, không có nghĩa là bị vi phạm, đàn áp, bị tước bỏ, coi không ra gì.

Và đó là những gì Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đã xác nhận và tiên liệu, trong phương thức tổ chức xã hội của họ:

- "Không có bất cứ một trường hợp nào, trong đó một quyền căn bản của con người bị vi phạm đến nội dung thiết yếu của nó" (Điều 19, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Nói cách khác, từ ngữ "bản thể con người" phải được hiểu như là "nguyên lý luật pháp",một chỉ thị luân lý.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được từ ngữ "bản thể" (natura) không có chỉ định một thực thể cố định, bất di dịch, mà là một sơ đồ luân lý năng động, được ấn dấu bằng một "đinh ý mặc nhiên hàm chứa" mở rộng cho những gì thiện hảo đối với con người.

Như vậy, quan niệm "bản thể" gồm một yếu tố vĩnh viễn cố định và một yếu tố lịch sử - năng động. Con người được Thiên Chúa dựng nên "giống hình ảnh Người" (Gen 1, 26-27), nhưng "giống hình ảnh Người" , con nguời không phải chỉ là một bức tranh, một pho tượng bất động chết đứng, mà là có trí khôn ngoan và lòng ước muốn hạnh phúc, phản ảnh lại trí khôn ngoan vô tận và hạnh phúc bất diệt của Thiên Chúa.

Với những gì được Chúa ban cho, con người sống giữa trần thế, giữa dòng lịch sử, cùng chung với anh em, hoạt động để luôn luôn trở nên thiện hảo hơn và làm cho thể giới trở nên tốt đẹp hơn, tiếp tục công trình tạo dựng của Thiên Chúa, như mục đích Chúa muốn, khi Người đặt tổ phụ chúng ta trong vườn địa đàng:

- "Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Địa Đàng, để trồng trọt và canh giữ đất đai" (Gen 2, 15).

Phẩm giá con người trong viễn ảnh thần học.

Dưới nhãn quang thần học, ĐTC Gioan Phaolồ II tìm hiểu sâu hơn về phẩm giá con người và đặt câu hỏi Giáo Hội có thể làm gì để "cộng tác vào việc thăng tiến con người tự do trong một xã hội tự do".

Câu hỏi được đặt ra thoát xuất từ những nền tảng thần học về con người:

- "Con người là con đường tiên khởi và là con đường nền tảng của Giáo Hội" (ĐTC Gioan Phaolồ II, Redemptor hominis).

Bởi đó


- "Cần phải luồn luôn trở lại không ngừng trên con đường nầy và tiếp tục đi theo con đường đó" (id., Laborem excercens).

Và ĐTC đã đưa ra một câu trả lời bằng cách tặng cho chúng ta một bài suy niệm dài về

- "Tình yêu thương và lòng khoan dung nhân hậu cho phép con người có thể gặp nhau trong giá trị của chính con người, với phẩm giá mà chính con người có" (Dives in misericordia n.14).

Mầu nhiệm lòng khoan dung nhân hậu của Chúa soi sáng cho chúng ta biết được lòng khoan dung nhân hậu được con người thực hiện và ban tặng cho họ danh nghĩa là những người hạnh phúc "được chúc lành" (Mt 5, 7):

- "Phúc cho ai thương xót người, vì họ được Thiên Chúa xót thương" .
Lòng nhân hậu của Thiên Chúa là nền tảng cuối cùng của bình đẳng và tình thân hữu giữa con người với con người.

ĐTC Gioan Phaolồ II đã nói lên tầm quan trọng của những nhu cầu ngoài kinh tế của con người, trong đó Giáo Hội có một vai trò và trách nhiệm đặc biệt.

Nhãn quang chính đáng đối với con người và giá trị độc đáo của mình là nguyên lý định hướng cho Thông Điệp Centesimus annus của ngài, bởi vì con người hiện diện trên mặt đất là

- "Tạo vật duy nhứt mà Thiên Chúa muốn cho chính mình" (chính tạo vật con người) (CA n.10).

Chính trên chân lý về con người mà hệ thống đẳng cấp các quyền của con người được thiết định và được giẳi thích, Bởi đó cần có được một sự hiểu biết cá biệt tổng thể về nội dung các quyền của con người.

Tất cả các quyền của con người, gộp chung lại với nhau, cần phải được đặt liên hệ với bản thể của phẩm giá con người, kể cả ý nghĩa "con người toàn vẹn hoàn hảo" (homo integralis), chớ không thể chỉ hạn hẹp vào những mục đích vật chất, cá nhân hay ý thức hệ độc tôn, đảng phái.

Nguyễn Học Tập
Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của giáo hội (2) Reviewed by Admin on 3/30/2012 Rating: 5 NGUYỄN HỌC TẬP(TNCG) - Lịch sử của phẩm giá con người. (Tiếp Phần 1 ) ĐTC Gioan XXIII cho biết rõ rằng con người và tổ chức sống trong xã...

Không có nhận xét nào: