Campuchia : ký ức về các vị tử đạo là một sức mạnh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 8, 2012

Campuchia : ký ức về các vị tử đạo là một sức mạnh


Phỏng vấn ĐC. Enrique Figaredo Alvargonzález, sj, do Maria Lozano 

Mai Khôi phỏng dịch - Rôma, ngày 31/07/2012 (ZENIT.org) – "Khi tưởng nhớ đến những vị tử vì đạo của chúng tôi, chúng tôi đã lớn lên trong Đức Tin, bởi vì các vị này đã chết đi với một Đức Tin hằng sống", ĐGM. Enrique Figaredo Alvargonzález, người ở Campuchia từ hơn 25 năm nay đã khẳng định. 

Là giám mục người Tây Ban Nha thuộc hội dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên), ngài năm nay 52 tuổi, đã chia sẽ kinh nghiệm của ngài với nữ phóng viên Maria Lozano của đài phát thanh và truyền hình hàng tuần mang tên "Nơi Chúa Khóc", được thực hiện với sự trợ giúp của Tổ Chức Giáo Hội Lâm Nguy (Eglise en Détresse = AED). 

Maria LozanoThưa Đức Cha, Đức Cha đã vào tập viện Dòng Tên ở Madrid lúc 20 tuổi. Khi nào và tại sao Đ. cha lại tới Campuchia ? 

Đức Cha Firgaredo – Tôi đi tìm một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, tôi đã tìm được trong tập viện và khi tôi học triết. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp kinh tế, tôi đã muốn gắn những khuôn mặt vào các con số mà tôi đã học trong chương trình đại học của tôi ; tôi đã trình với cha Bề Trên Tỉnh của tôi là tôi muốn làm thiện nguyện cho người tỵ nạn và tôi muốn học hỏi từ những người đó. Chúa Giêsu là Đức Kitô chịu đau khổ trên thế gian và tôi nghĩ rằng những người tỵ nạn sẽ chỉ dạy cho tôi Đức Kitô đó giống như thế nào. Tôi đã sẵn sàng với mọi tình huống và một ngày kia, tôi nhận được một lá thư từ Bangkok, của Ban tỵ nạn Dòng Tên nói rằng : « Chúng tôi chờ cha ở đây vào ngày 1 tháng 9 ». Lá thư đến tay tôi vào tháng Năm ; lúc đó tôi còn còn phải thi tốt nghiệp, tôi thật là nôn nóng. 

M.L. - Nước Campuchia còn đang chiến tranh… 

Đức Cha Firgaredo – Vâng. Lúc đó tôi đã phải lấy bản đồ ra coi xem là ở đâu. Trên những tấm hình đầu tiên tôi thấy của người Capuchia, họ đều mang chiếc khăn rằn trên đầu (krama), cũng như tôi đang mang bây giờ đây. Khăn rằn là một tấm khăn có thể sử dụng cho nhiều công việc ở Campuchia ; nó được dùng để mang vác hay để che nắng, như chiếc khăn mặt, như cái võng cho em bé. Nếu có phải lựa chọn một biểu tượng cho Campuchia để phân biệt dân tộc này với các dân tộc khác, thì chúng tôi sẽ chọn chiếc khăn rằn. Như vậy khi tôi đội chiếc khăn rằn, thì cũng như tôi mang cả nước Campuchia đi với tôi, cũng như trong các tấm hình đầu tiên đó của những người tỵ nạn Campuchia mà tôi đã thấy ai cũng đội khăn rằn và điều này đã thu hút sự chú ý của tôi. 

M.L. Đ. Cha tới Campuchia năm 1985 : cảm tưởng đầu tiên của Đ. cha là thế nào ? 

Đức Cha Firgaredo – Trước tiên là sợ, tôi sợ muốn chết được. Khi tôi tới những trại tỵ nạn, thì đúng là một một thiên phiêu lưu ký. Phải đi qua 5 trạm kiểm soát quân sự, và mỗi lần qua một trạm, mọi chuyện trở nên đáng sợ hơn : quân nhân mặc đồ đen, sát khí đằng đằng, sẵng giọng đòi trình giấy tờ. Khi tới cổng trại tỵ nạn, tôi không bao giờ quên được, rào cản được nâng lên và chúng tôi vào được bên trong. Trước mặt tôi, bỗng nhiên xuất hiện những đứa trẻ ăn mặc lem luốc, chân dất, nhưng rất vui vẻ ! Tôi nhớ nơi các em rất nhiều niềm vui, rất nhiều sự sống… sự sống … sự sống… sự sống tràn đầy trong lúc các em đang bị nhốt trong một trại tỵ nạn, như những tù binh, nếu có thể nói như vậy. 

M.L. – Chuyện gì xảy ra sau đó ? 

Đức Cha Firgaredo – Tôi đến thăm họ và tôi đã được ông Jhaimet đón tiếp, ông này cũng như người đứng đầu của họ. Tôi còn nhớ rất rõ : ông ta đứng với cặp nạng, ông chỉ còn một chân, chân kia bị thương nặng, và cũng chỉ còn một mắt. Tôi không nói được tiếng Campuchia, nhưng có một em nhỏ thông dịch cho tôi. Ông nói : "Tôi nghe nói các ông tới giúp chúng tôi", và tôi thì sợ muốn chết, tôi trả lời : "Vâng, vâng". Và ông ta nói : "Tốt, ông đừng lo, tôi sẽ nói cho ông biết chúng tôi cần cái gì". Lúc đó, tôi cảm thấy trong tôi một sự bình an to lớn, có thể nói, Jhaimet là tiếng nói của Thiên Chúa với tôi "Con đừng lo, chúng ta chào mừng con và chúng ta thương yêu con"

M.L. Ở các trại tỵ nạn này, đa số theo đạo Phật, cũng như trong nước này phải không Đức Cha ? 

Đức Cha Firgaredo – Vâng, đa số họ là Phật Giáo. Đương nhiên là cũng có người Công Giáo, nhưng không đông. Hơn nữa, chiến tranh cũa đã khiến người Công Giáo bị phân tán khắp nơi. Nhiều tín hữu đã bị giết hại bao gồm các linh mục, giám mục, tất cả mọi người. Trong các trại chỉ còn một chút Israel sót lại, một chút kitô giáo, một số ít gia đình, nhiều khi không còn gia trưởng. Đa số là bà góa làm chủ gia đình, nhưng nhiều khi cả người chủ gia đình này nũng không còn nữa. Chỉ là các trẻ em Công Giáo, nhưng không được học hành và chúng cần một sự nâng đỡ đặc biệt. 

M.L. Nhân lễ phong chức Đại Diện Tông Tòa của Đức Cha, một phụ nữ thoát nạn đã lên làm chứng và đã nói về Giáo Hội Campuchia như một "Giáo Hội trong suốt 30 năm qua, đắm chìm trong máu và nước mắt": bà đã ám chỉ sự bách hại do Khmer Đỏ của Pol Pot vì Giáo Hội Campuchia là một Giáo Hội tử đạo… 

Đức Cha Firgaredo – Đúng, một Giáo Hội tử đạo. Giáo Hội Campuchia đã bị hoàn toàn san bằng. Tất cả những người lãnh đạo của chúng ta, như tôi đã nói ở trên, các giám mục, linh mục, nữ tu, giáo lý viên, đã bị giết hại. Những người không bị giết thì cũng chết vì đói hay bệnh hoạn, và cộng đoàn bị lâm vào tình trạng nguy kịch. Ngày hôm nay, tại Campuchia, chúng tôi có những địa điểm để tưởng nhớ các vị tử vì đạo của chúng tôi. Chúng tôi kính nhớ các ngài vào hai ngày 7 và 8 tháng 5. Tuy nhiên, khi kính nhớ các vị tử đạo của chúng tôi, chúng tôi cũng cảm thấy lớn lên trong Đức Tin, vì các đấng ấy đã chết đi với Đức Tin hằng sống. Đức Cha Phaolô Tep Im Sotha, vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi ở Battambang, mà tôi là người kế vị, đã cử hành Thánh Lễ và ban phép lành cho các tín hữu hai ngày trước khi ngài chết, ngài đã nói trước đó : "Thời buổi khó khăn sẽ tới, anh chị em hãy chăm lo cho Đức Tin của mình, hãy chăm lo cho cả Đức Tin của những người khác nữa". Sau Thánh Lễ, ngài đã lên một chiếc xe hơi và đã bị giết chết. Đức Cha Giuse Chhmar Salas, ở Nam Vang, được phong chức Giám Mục 4 ngày trước khi Khmer Đỏ tiến vào Nam Vang. Tòa Giám Mục của ngài nằm giữa ruộng lúa. 

M.L. Đó có phải là một loại trại tập trung ? 

Đức Cha Firgaredo – Đúng vậy, và trong các trại tập trung này, ngài đã làm việc như một mục tử và đã thăm viếng người Công Giáo. Ngài cầu nguyện và cử hành Thánh Lễ mặc dù rất nhiều những hạn chế, nhưng ngài cứ làm. Ngài chăm sóc dân ngài như một người nghèo khó và ngài đã chết vì đói và vì bệnh, nhưng lúc ngài qua đời, gia đình ngài đã lấy lại được cây Thánh Giá ngài đeo trước ngực và người ta đã tụ tập cầu nguyện chung quanh cây Thánh Giá đeo ngực của Đức Cha Salas. 

M.L. – Bây giờ, dù rằng không còn là một Giáo Hội tử đạo, nhưng vẫn là một Giáo Hội "lâm nguy" ?. 

Đức Cha Firgaredo – Đúng rồi. Sau Pol Pot, một chế độ cộng sản thân Việt Nam đã được dựng lên, mang lại rất nhiều đau khổ. Nó đã không đem lại tự do tôn giáo và dân chúng vẫn tiếp tục chịu đau khổ và nghèo đói. Tuy nhiên, ký ức về tất cả những vị tử vì đạo của chúng tôi đã cho chúng tôi một sức mạnh to lớn bởi vì chúng tôi đã chứng kiến các vị tự hiến trong đau khổ và vì người Công Giáo của chúng tôi đã chịu nhiều đau khổ và ngày hôm nay, họ là chứng nhân bằng chính đời sống của họ. 

Mai Khôi phỏng dịch 






Campuchia : ký ức về các vị tử đạo là một sức mạnh Reviewed by Hoài An on 8/01/2012 Rating: 5 Phỏng vấn ĐC. Enrique Figaredo Alvargonzález, sj, do Maria Lozano  Mai Khôi phỏng dịch - Rôma, ngày 31/07/2012 ( ZENIT.org ) – &quo...

Không có nhận xét nào: