Khi Đức Phaolô VI "xuất cảng" Công Đồng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 10, 2012

Khi Đức Phaolô VI "xuất cảng" Công Đồng

ĐGH Phaolo VI
Hồi niệm cảm động của một chủng sinh trẻ 

Hélène Ginabat - Mạc Khải phỏng dịch 

Rôma, ngày 23.10.2012 (ZENIT.org) – Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngay trong thời gian diễn ra Công Đồng, đã thực hiện hai cuộc tông du, tới Đất Thánh rồi tới trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, "người ta nói rằng Đức Giáo Hoàng xuất cảng Công Đồng", Đức Cha Mattioli kể lại. 

Cựu giáo sư Đại Học Giáo Hoàng Urbania và phó chủ tịch Học Viện Giáo Hoàng Saint Apollinaire đã xúc động và thán phục khơi lại những biến cố Công Đồng mà ngài đã theo dõi với tư cách một chủng sinh ở Rôma. 

Trong buổi sáng ngày 25.01.1959, ngày lễ Thánh Phêrô trở lại, ĐGH XXIII đã cử hành trong Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma, thánh lễ trọng thể bế mạc tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự đoàn kết Kitô hữu. Nhưng ngày hôm đó, vào cuối lễ, Đức Giáo Hoàng đã không ra về Điện Vaticanô như thường lệ. 

Tôi đã hiện diện trong thánh lễ này và tôi cũng đã không muốn trở về chủng viện trước khi được thấy mặt Đức Giáo Hoàng. Chờ hơi lâu. Chúng tôi không hiểu tại sao. Chính nhờ rađiô Vaticăng mà tôi đã biết tin ; Đức Giáo Hoàng, sau Thánh Lễ, đã dừng chân trong một sảnh đường nhà dòng để thông báo cho các vị Hồng Y có mặt, ý định của ngài sẽ triệu tập một Công Đồng mới : Công Đồng Vaticanô II. 

Cũng như các thày chủng sinh khác, tôi đã cảm thấy một niềm vui vô hạn. Vào thời đó, tôi đang theo học ở phân khoa triết trước, và rồi thần học, thuộc trường Đại Học Latran. Ba năm chuẩn bị Công Đồng thật là mãnh liệt. Tôi còn nhớ, có nhiều xu hướng, đặc biệt trên các vấn đề tín lý và Thánh Kinh, đang nổi cộm trong các trường Đại Học Giáo Hoàng ở Rôma. 

Ngày 11.10.1962, ngày khai mạc trọng thể Công Đồng Vaticanô II, là một thời điểm vô cùng cảm động đối với toàn Giáo Hội. Tất cả Giáo Hội tụ hội trong Đền Thánh Phêrô : Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y, các Giám Mục, các chuyên viên Công Đồng. Thông qua rất nhiều máy vô tuyến truyền hình, toàn thế giới đều hướng mắt nhìn về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô được bố trí thành phòng hội của Công Đồng. Tuy nhiên, một thoáng buồn đã vương vấn trên ngày hôm đó : các giám mục và hồng y của Trung Quốc, của Liên Bang Xô Viết và của những nước thống thuộc đã không có mặt, hoặc đang bị tù đầy hoặc đã bị nhà cầm quyền ngăn cản bằng cách không cấp chiếu khán để tới Rôma ; phái đoàn của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga cũng vắng mặt (họ tới trễ). 

Thật là một Ơn Phúc lớn được tham dự Công Đồng. Có thể nói, tôi hết sức ngạc nhiên bởi một yếu tố quan trọng : đó là các vị giám mục đã có thể phát biểu một cách hết sức tự do, tự do đến mức táo bạo. Điều này chứng tỏ Giáo Hội đã thể hiện một sự tôn trọng to lớn. Sau khi tuyên bố tín lý về tính không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng (Công Đồng Vaticanô I, năm 1870), có người đã tưởng rằng từ nay Giáo Hội bịt mồm, bịt miệng các giám mục. Trái lại, không những không phải là thế, mà thực tế, nhờ vào sự tự do thảo luận, tín lý đó đã có thể được triển khai rộng rãi hơn. Sự tự do ngôn luận này đã gây nhiều ấn tượng, nhất là đối với những phái đoàn của các Giáo Hội Chính Thống khác nhau. Đây là lần đầu tiên các phái đoàn này đã được tham gia vào một cuộc hội thảo Công Đồng, và họ rất ngạc nhiên về sự tự do phát biểu này trong Giáo Hội Công Giáo. Đây chính là một bước để tiến tới đại kết. 

Những ngày tang lễ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng chứa đầy cảm xúc. Theo đúng giáo luật canon, khi Đức Giáo Hoàng băng hà, Công Đồng phải ngưng lại. Quyền tiếp tục hay không là ở đấng kế vị. Nhưng các công trình Công Đồng đã được tung ra và nếu ngưng lại thì thật là không đúng lúc. Trong sự khôn ngoan vượt trội của ngài, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bày tỏ ý muốn tiếp tục. Đây đúng ra là một quyết định được trông đợi chắc chắn xảy ra, nhưng khi tuyên bố, mọi người đã hết sức vui mừng. 

Có hai biến cố lớn, tuy bên ngoài của Công Đồng, nhưng cũng có thể gắn kết với bối cảnh này, đã thu hút sự chú ý của tôi : đó là cuộc tông du của ĐGH Phaolô VI tới Thánh Địa (tháng 1/1964) và tới trụ sở Liên Hiệp Quốc (tháng 10/1965). 

Lúc đó, người ta nói Đức Giáo Hoàng xuất cảng Công đồng. Đây là lần đầu tiên, sau Thánh Phêrô, một đấng kế vị ngài trở lại Đất Thánh. Người ta tò mò theo dõi xem ĐGH Phaolô sẽ nói gì trong các bài huấn từ của ngài, trong lúc mà tình hình chính trị đang rất phức tạp và trong lúc Tòa Thánh chưa thiết lập đầy đủ các quan hệ ngoại giao với quốc gia Do Thái. Sau này tôi mới biết rằng có những bài diễn văn của ngài đã được "chỉnh sửa" ngày hôm trước khi được ngài tuyên đọc vì lý do thận trọng, đôi khi phải thay đổi một vài cách nói. Nhưng cuộc tông du đã rất thắng lợi. Giáo Hội qua đó, đã trở nên mạnh mẽ hơn và những khoảng cách đã được thu ngắn lại. 

Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, vấn đề có vẻ trầm trọng : một vị giáo hòang, được Tổng Thư Ký U-Thant mời chính thức, có thể nói với các nhân vật quyền lực của thể giới này, trong đó có nhiều người không là Công Giáo và có người còn có thái độ thù nghịch với Giáo Hội và với tôn giáo. Trong một cuộc phỏng vấn mà ngài chấp thuận sau này, Đức Phaolô VI đã tâm sự rằng, ngài hơi sợ. Lúc trở về, tất cả các giám mục đợi ngài trong Đền Thánh Phêrô nơi ngài đã tới thẳng từ phi trường. Tôi nhớ, đây cũng là một khoảnh khắc cảm động biết bao. Những tiếng vỗ tay đã lấn át cả ca đoàn đang hát bài "Tu es Petrus". 

Đã có những thời điểm nổi bật, nhất là khi phần lớn các tài liệu thảo luận được mang ra đệ ký : cho đến phút chót, người ta vẫn còn chưa chắc một số trong những tài liệu này được chấp thuận. 

Theo tôi, giờ phút cảm động tột độ là đêm hôm trước ngày bế mạc, hôm 07-12-1965. Vào cùng một giờ, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Đền Thánh Phêrô, và Đức Giáo Chủ Athénagoras trong thánh đường tòa thánh Phanar ở Constantinople, đã cất bỏ vạ tuyệt thông đã được ban ra trong ký ức đau buồn, ngày 16-07-1054 bởi Đức Giáo Hoàng thời đó, Lê-ô IX, và giáo chủ Constantinople, Michel Cérulaire. Gần 900 năm sao, các vạ tuyệt thông này, cuối cùng, đã được bãi bỏ và khoảng cách giữa hai Giáo Hội đã được thu ngán lại rất nhiều. Trong Đền Thánh Phêrô, một làn điện xúc động đã tràn ngập tất cả những người hiện diện. 

Đến đây chấm dứt những ký ức. Phần còn lại thuộc về Lịch Sử. 

Mạc Khải Phỏng dịch 

Khi Đức Phaolô VI "xuất cảng" Công Đồng Reviewed by Em Binh on 10/26/2012 Rating: 5 ĐGH Phaolo VI Hồi niệm cảm động của một chủng sinh trẻ  Hélène Ginabat - Mạc Khải phỏng dịch  Rôma, ngày 23.10.2012 ( ZENIT.org...

Không có nhận xét nào: