Phậm Trần: Hiến Pháp Bấm Nút Cho Mất Hút - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 11, 2013

Phậm Trần: Hiến Pháp Bấm Nút Cho Mất Hút

Phạm Trần (Danlambao) -Tại sao phải cần “do pháp luật quy định”?

Nếu nói Hiến pháp là “luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất” như viết trong Dự thảo thì nó phải nghiêm chỉnh, phản ảnh tâm huyết và ý chí của toàn dân để xây dựng đất nước.

Đằng này Hiến pháp đã dựa vào nội dung “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa”(bổ sung và phát triển năm 2011) để viết với mục đích trên hết và duy nhất là bảo vệ vị trí cầm quyền độc tôn cho đảng mà Quốc hội vẫn nhắm mắt “bấm nút” chấp thuận ngày 28/11 (2013) thì 500 Đại biểu Quốc hội Khóa 13 đã phản lại quyền lợi của dân để hại nước lâu dài.

Kịch bản “không cần lòng dân, miễn đẹp lòng đảng” đã có từ Hội nghị Trung ương 2, Khóa đảng XI từ ngày 04 đến ngày 10-7-2011 với quyết định “sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992”, nhưng không có bất cứ ai trong các đảng viên Đại biểu Quốc hội lên tiếng phản đối.

Nghị quyết này viết: “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn, phương châm và phương pháp tiến hành; xác định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, căn cứ vào nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung và phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI của đảng; khẳng định bản chất Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do đảng Cộng sản lãnh đạo, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; khẳng định đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân và của dân tộc Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...”

Quốc hội đã mau mắn “tát nước theo mưa” bằng cách ra Nghị quyết ngày (01/01/2013) để “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” nhằm: “ Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.”

Nghị quyết mang chữ ký của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn cam đoan: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.”

Sau đó một ngày, Bộ Chính trị cũng ra Chỉ thị (02/01/2013) khoe khoang rằng: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.”

Nhưng Chỉ thị không quên rào đón: “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của đảng; động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc...”

Lấy ý dân cho ai?

Ông bà ta thường nói “có tật thì giật mình” nên tuy đảng biết mình đang đánh lừa dân “sửa mà không chữa” nhưng vẫn cảnh giác “không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc..”

Nhưng ai là thế lực xấu và xuyên tạc để phục vụ ai? Nhân dân đâu có nhầm lẫn. Họ vẫn tin vào cơ hội ngàn năm một thuở của Sửa đổi Hiến pháp để nói ra lòng mình muốn gì.

Họ muốn có một Nhà nước thật sự là “của dân, do dân và vì dân”; họ muốn dành lại quyền “làm chủ đất nước” từ tay đảng và muốn có bầu cử tự do chứ không dối trá như đảng vẫn tổ chức theo lối “đảng cử dân bầu”.

Họ cũng hy vọng với sự đồng thuận của đa số, đất nước sẽ có cơ hội “thay da đổi thịt” để cho dân có dịp mở mày mở mặt thi đua với năm châu, bốn biển.

Thế nên cả nước, từ giới khoa bảng xuống thứ dân, từ giới khoa học đến đảng viên, từ giới tu hành đến lực lượng võ trang và cả những người dân lao động lam lũ buôn thúng bán bưng, chạy ngược chạy xuôi kiếm cơm bỏ bụng, chữ nghĩa nhập nhằng cũng được vận động tham gia cho đủ mặt “toàn dân, nhất trí, phấn khởi, hồ hởi đồng lòng, cùng dạ sốt sắng” nắm lầy cơ hội đời người có một để làm nghĩa vụ công dân hiên ngang xốc tới với cách mạng với hy vọng cho con cháu đời sau được “sáng mắt sáng lòng” hơn ông bà, cha mẹ chúng.

Một phong trào quần chúng cuồn cuộn nổi lên với những tấm lòng và trí tuệ thành khẩn phát ra từ các Kiến nghị 72 của hàng ngàn trí thức, đảng viên; từ ý kiến của trên 7 triệu tín đồ Công giáo cộng thêm hàng triệu tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, của đạo Tin Lành cho đến Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy và hàng trăm trí thức của Mặt trận Tổ quốc và của nhiều thành phần thanh nữ, thanh niên Việt Nam đã tấp nập gửi về Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với mong mỏi chính đáng duy nhất: Xin đảng hãy thôi độc quyền lãnh đạo ghi trong Điều 4 Hiến pháp từ 1980 để cho nhân dân tự quyết định lấy vận mệnh chính trị của mình qua việc thực thi quyền làm chủ đất nước bằng bầu cử tự do, dân chủ lập lên một Nhà nước pháp quyền thật sự là của dân, do dân và vì dân.

Trước sức sống mãnh liệt và thành tâm như thế của dân, tưởng đâu hai ông lãnh đạo Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là những người từng hứa lấy ý kiến dân là để “phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân” sẽ ngồi lại với dân để tìm ra giải pháp. Nào ngờ hai ông đã “tát vào mặt dân” một cái “lóe lửa con mắt” qua những phát ngôn rất “dao búa” của dân sống “không cần hộ khẩu”.

Ông Trọng nói: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa... Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!... Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể... thì nó là cái gì?!... Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.” (Lời phát biểu có ghi âm của Ông Trọng tại Vĩnh Phúc ngày 25/02/2013)

Đến phiên ông Hùng thì ông này cũng phát ngôn rất “chụp mũ” tại buổi làm việc với Thành phố Hà Nội ngày 28/02/2013: “Thứ nhất, TP. Hà Nội tổng hợp và ghi nhận nhưng cần đánh giá phân tích nắm bắt tình hình đấu tranh, ngăn chặn tuyệt đối việc lợi dụng việc lấy ý kiến, góp ý vào dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, chống lại chính quyền.

Thứ hai, Nghị quyết Quốc hội quy định bản lấy ý kiến là bản của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận của Quốc hội và đã được Quốc hội nhất trí là bản duy nhất. Nếu tự tổ chức lấy ý kiến theo một cách khác là không được. Đó là cách làm không đúng quy định” (Báo Giáo dục Việt Nam).

Làm gì có chuyện người dân đã “lợi dụng việc lấy ý kiến, góp ý vào dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, chống lại chính quyền”? 

Dân chỉ có hai bàn tay trắng thì lấy gì mà chống với đỡ? Chủ tịch Quốc hội đã cố tình “bẻ cong” các đóng góp ý kiến chân thành của dân để vu oan cho dân. Nếu ông Hùng coi việc đã có nhiều triệu người dân chống duy trì Điều 4 Hiến pháp để không cho đảng có nhiều “đặc quyền đặc lợi” là “chống lại đảng, chống lại chính quyền” là ông đã phạm tội “vu khống ” nhân dân rồi đấy.

Nhưng tại sao đảng biết là “ý dân không bằng lệnh đảng” mà vẫn muốn “đánh lừa” dân khi đem bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi ra lấy ý kiến?

Để chứng minh “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền”, là nhà nước có nền dân chủ tiên tiến hơn nhiều nước dân chủ tư bản khác, hay chỉ để “mị dân”?

Con số 26 triệu lượt người đã góp ý vào Dự thảo Hiến pháp với tổ dân phố, công an phường, xã mà không cần có thời giờ đọc để hiểu cho thông và không được viết “không đồng ý” trên Phiếu lấy ý kiến có nghĩa lý gì với hai kỳ lấy ý kiến dân của nhà nước?

Tất nhiên cả hai đợt lấy ý kiến dân từ 02/01 đến 31/3/2013 và từ 01/04 đến 30/9/2013 chỉ có giá trị trên giấy với hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo và tọa đàm từ trung ương về địa phương.

Những đóng góp của dân thuận, nghịch ra sao thì không thấy đảng làm rõ. Có bao nhiêu triệu con người đã không muốn duy trì Điều 4 Hiến pháp cũng không thấy đảng công bố cho dân biết.

Chỉ thấy Ban Chấp hành Trung ương đảng nhận định từ sau Hội nghị Trung ương 8 từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013: “Trong thời gian qua, chúng ta đã phát huy cao độ tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp; việc đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp 1992 cũng như thực thi Hiến pháp sau này...”

Bấm nút cho mất hút

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có vẻ rất “thành khẩn” muốn mọi người biết rằng ông đã điều hành Quốc hội làm việc hết sức để hoàn tất Bản Hiến pháp tốt như sẽ có.

Ông nói tại Phiên họp ngày 18/11 (2013): “Chúng ta đã làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao... Chúng tôi làm việc với tinh thần rất cần mẫn, rất khiêm tốn và rất cầu thị để tiếp thu cho được tinh hoa trí tuệ của nhân dân mà các đại biểu tiếp tục phản ảnh. Có đại biểu phát biểu, có đại biểu chưa phát biểu nhưng gửi ý kiến về, có các vị khách của chúng ta gửi ý kiến chúng tôi cũng nghiên cứu để tiếp thu đầy đủ. Vừa tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu tại hội trường, vừa tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội gửi đến, vừa tiếp thu ý kiến của các vị khách và nhân dân, một số ý kiến tiếp tục gửi đến” (Báo Quân đội Nhân dân, 18/11/2013).

Tuy nhiên ông Hùng lại cho rằng những gì đã do “đa số” đồng ý rồi thì không thảo luận thêm nữa.

Ông nói: “Cho nên những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất mà đã được các kỳ họp trước của Quốc hội và đã tiếp thu ý kiến nhân dân, các kỳ họp của Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ủy ban Dự thảo mà đã cơ bản nhất trí cao, đạt được ý chí, nguyện vọng của nhân dân rồi thì xin với các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu ở kỳ họp này, trong phiên họp vừa rồi, chúng ta phải giữ nguyên tắc là đã đa số rồi, đã nhất trí rồi thì chúng tôi xin giữ như tinh thần đó. Giữ như dự thảo một số điểm là nguyên tắc như vậy.”

Tuy nhiên trái với loan báo từ trước, phiên thảo luận “công khai” của các đại biểu Quốc hội dự trù diễn ra ngày 18/11 (2013) đã bị bỏ vào phút chót.

Thay vào đó, các Đại biểu Quốc hội sẽ “góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.”

Tại sao đảng lại sợ thảo luận công khai? Chả nhẽ lại sợ bị các “thế lực thù địch lợi dụng chống phá”?

Ông Hùng nói với các Đại biểu: “Chúng ta làm việc cần mẫn, trách nhiệm trước nhân dân. Mong rằng, tất cả các vị đại biểu Quốc hội lại một vòng nữa chúng ta xây dựng bản dự thảo này bằng cách sửa vào và góp ý vào, chúng tôi lại tiếp thu lần nữa để có bản dự thảo tốt nhất, tiếp thu tận cùng những ý kiến hợp lý, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, để chúng ta có thể yên tâm. Mặc dù còn ý kiến khác, nhưng chúng ta đã làm việc hết sức mình, hết trách nhiệm, chúng ta dù còn khác nhau cũng thể hiện biểu quyết của mình theo tinh thần đa số. Theo nguyên tắc Nhà nước ta hoạt động tập trung, dân chủ. Ngày 28 này chúng ta sẽ thể hiện đồng thuận đó trên nguyên tắc đó.” (Báo Quân đội Nhân dân, 18/11/2013).

Nhưng đó mới là việc của Quốc hội làm theo ý đảng. Còn lòng dân thì sao, tại sao nhân dân không có quyền quyết định vào bộ Luật cao nhất của Quốc gia?

Bởi vì khỏan 4 của Điều 120 Hiến pháp sửa đổi đã “phán” rằng: “Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.”

Nhưng đến năm Thìn, tháng Ngọ nào Quốc hội mới quyết định cho dân được bỏ phiếu Hiến pháp qua “trưng cầu ý dân” thì đố ai mà biết được!

Bình mới rượu cũ

Chỉ biết rằng, bản “Hiến pháp mới nhưng vẫn cũ” như xưa đã có mấy điều cũng nên bàn.

Thứ nhất, ngay trong Lời mở đầu, Cương lĩnh của đảng đã được đặt “đứng trên đầu” Hiến pháp với câu: “Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Thứ nhì, trong Điều 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 2), Hiến pháp đã viết những điều chưa thấy có trong thực tế ở Việt Nam như: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.”

Nhân dân chưa bao giờ được quyền tự do lựa chọn Nhà nước theo ý muốn của mình nên không thể nào Nhà nước hiện nay và trong tường lai là “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Thứ ba, đảng đã “tự phong” mình lên hàng lãnh đạo không do dân bầu nên chuyện Hiến pháp ghi đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” là do đảng bảo Quốc hội phải viết như thế trong đoạn 1 của Điều 4 mới: “đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Thứ tư, trong Dự thảo đầu tiên phổ biến ngày 2/1/2013, Hiến pháp không có vai trò “chủ quản” của Kinh tế nhà nước vì các nhà soạn thảo đã “thất kinh” với nhiều năm “ăn hại đái nát” của các Doanh nghiệp Nhà nước, tiêu biểu như thua lỗ nhiều ngàn tỷ bạc của hai Tổng Công ty Vinashine và Vinalines.

Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25) của Dự thảo đầu tiên viết

1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Thế nhưng, sau Hội nghị Trung ương 8/XI từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013, hai chữ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” thay vì “chủ quản” lại được gài vào mà không nghĩ đến ngày sẽ “mang họa vào thân” như khó mà được Hoa Kỳ nhìn nhận cho Việt Nam được hưởng quy chế “kinh tế thị trường” để được hưởng nhiều ưu đãi trong Thuế quan Phổ cập (Generalized System of Preferences (GSP), hay gia nhập Hiệp ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) mà Việt Nam đang thương thuyết với Mỹ và 10 nước khác (Brunei, Chile, Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Úc Đại Lợi, Peru, Ma Lai Á, Mexico, Gia Nã Đại và Nhật Bản)

Điều 51 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21, 22, 23 và 25) của bản phổ biến ngày 17/11/2013 viết:

1.Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Nhưng “kinh tế nhà nước” có khác với “doanh nghiệp nhà nước” không là điều “mập mờ”.

Thứ năm, đến chuyện Đất đai cũng vẫn còn bàn tay nhà nước “quản lý” dùm dân là quyền “tư hữu” của dân tiếp tục mất toi từ đời này qua đời khác như viết trong Điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18):

“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”

Thứ sáu, về Quyền con người, cái “giây thong lọng” của nhà nước trong cạm bẫy “do pháp luật quy định” và rất “mơ hồ” vẫn còn nhan nhản trong Hiến pháp mới như ghi trong các điều dưới đây:

Điều 14 (sửa đổi, bổ sung Điều 50):

1. “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Nhưng thế nào là các lý do rất mơ hồ và tùy tiện theo lý giải của nhà nước ghi trong khoản 2?

Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 51)

1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Nhưng thế nào là các “lợi ích” này và ai có thể định nghĩa cho chính xác mà dân không bị là nạn nhân của “các quan chức an ninh thông thái” của nhà nước?

Đến những bảo đảm ghi trong Điều 21 (sửa đổi, bổ sung Điều 73) đã khó chứng minh các cơ quan an ninh, tình báo của nhà nước Việt Nam vô can trong quá khứ liệu có ai tin được nhà nước sẽ “trong sạch” trong tương lai khi thi hành theo các khoản ghi dưới đây:

1. “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Thứ bảy, thế còn các quyền tự do quan trọng khác thì sao, tại sao vẫn có chiếc còng số 8 dính vào mấy chữ “do pháp luật quy định”?

Chẳng hạn như dân đã chờ đến mỏi cổ mà nào có được hưởng các quyền tự do ghi trong 2 điều quan trọng sau đây:

Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 68): “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 69): “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Hiện nay ở Việt Nam không có báo tư nhân, không có đảng chính trị và người dân đi biểu tình, dù chống chủ trương xâm lược của ngoại bang Trung Quốc ở trên đất liền và ở Biển Đông cũng vẫn bị bắt bỏ tù và bị khủng bố thì Hiến pháp viết ra để làm gì?

Hay là Quốc hội đã quen chơi trò “bấm nút” nên phen này cứ ấn cho quyền dân biến luôn?


(11/013)

Phậm Trần: Hiến Pháp Bấm Nút Cho Mất Hút Reviewed by Unknown on 11/22/2013 Rating: 5 Phạm Trần (Danlambao) - Tại sao phải cần “do pháp luật quy định”? Nếu nói Hiến pháp là “luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ ngh...

Không có nhận xét nào: