Đại Hội Lần Thứ nhất Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 1, 2014

Đại Hội Lần Thứ nhất Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do

Lao Động Việt - Trong hai ngày 17, 18 tháng 1 năm 2014, tại thành phố Bangkok, thủ đô Vương Quốc Thái Lan đã diễn ra Đại Hội lần thứ nhất Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, gọi tắt là Lao Động Việt (LĐV).

Đại Hội quy tụ trên 20 đại biểu từ các nước trên thế giới như Bỉ, Đức, Pháp, Áo, Ba lan, Úc, Mỹ, Việt Nam, Mã Lai, Thái Lan, ngoài ra tại Đại Hội cũng hiện diện một số vị khách quốc tế: ông Bent Gehrt thuộc tổ chức Workers Rights Consortium, luật sư Charles Hector thuộc Workers Hub for Change, Giáo sư Sarah Kaine và Emmanuel Josserand thuộc Đại Học Kỹ Thuật Sydney.

Lao Động Việt là một tổ chức kết hợp của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, Phong Trào Lao Động Việt Nam và Ủy Ban Bảo vệ Người Lao Động Việt Nam.

Nhằm bênh vực và bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam, ngày 20 tháng 10 năm 2006 tại Việt Nam đã tuyên bố thành lập "Công Đoàn Độc Lập Việt Nam".

Từ ngày 27 đến 29 tháng 10 năm 2006, tại Warszawa, thủ đô nước Cộng Hòa Ba lan, Hội nghị quốc tế về quyền lao động tại Việt Nam đã được tổ chức, quy tụ gần 80 đại biểu và khách mời từ các nước trên thế giới như Canada, Mỹ, Úc, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Ba Lan, Tiệp, Nga, dưới sự bảo trợ của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, Hiệp Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan. Hội nghi đã diễn ra tại sảnh đường chính của Quốc Hội nước Cộng Hòa Ba Lan, nhằm mục đích ủng hộ Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, ủng hộ cuộc tranh đấu của công nhân và người lao động Việt Nam chống lại sự bóc lột thậm tệ của giới chủ.

Ngày 07 tháng 1 năm 2007, cũng tại Việt Nam, tuyên bố thành lập Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi được chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thẳng tay đàn áp những người sáng lập và thành viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, nhiều người phải vào tù, nhiều người khác phải trốn chạy khỏi Việt Nam và xin tỵ nạn chính trị ở nước ngoài.

Những người tranh đấu cho quyền thành lập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động phải rút vào hoạt động bí mật và tiếp tục phát triển dưới một tên mới là Phong trào Lao Động Việt.

Với sự hỗ trợ của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động, Phong Trào Lao Động Việt đã phát hành và chuyển đến người lao động trên 20 ngàn ấn bản "Bảo vệ Lao Động", hướng dẫn công nhân và người lao động phương pháp tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mở tiệm internet gần khu tập thể của công nhân để công nhân có thể tiếp cận được các nguồn thông tin cần thiết; Giúp đỡ, hướng dẫn công nhân tổ chức đình công khi bị giới chủ áp bức và bóc lột quá đáng.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không ngừng truy lùng những người tranh đấu cho quyền nghiệp đoàn, đàn áp, bắt bớ, sa thải những người tổ chức đình công.

Đầu năm 2010, ba nhà hoạt động tranh đấu cho quyền lợi công nhân là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt và bị tòa án cộng sản tuyên án 9 năm tù cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 7 năm tù cho Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh.

Giới chủ tại Việt Nam với sự đồng lõa và hỗ trợ của nhà cầm quyền cộng sản không ngừng bóc lột sức lao động của công nhân, người lao động không còn con đường nào khác là dùng đình công để tự bảo vệ mình.

Từ năm 1995 đến nay đã có trên 5000 cuộc đình công tại Việt Nam, có nhiều cuộc có trên 10 ngàn, 20 ngàn công nhân tham gia.

Tại Việt Nam cũng có tổ chức công đoàn là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, nhưng đây là một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam, được lập ra nhằm mục đích kiềm tỏa và kiểm soát công nhân. Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao ĐộngVN, ông Đặng Ngọc Tùng là Ủy viên trung ương đảng công sản Việt Nam, lãnh đạo các cấp của tổ chức này cũng là đảng viên hoặc do đảng cộng sản chỉ định.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, là lực lượng chủ yếu sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng lại bị đối xử bất công nhất. Rất cần thiết phải có một tổ chức nghiệp đoàn đúng nghĩa để bênh vực và bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động.

Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do ra đời nhằm mục đích đó.

Đáng lẽ ra Đại Hội lần thứ nhất LĐV phải được tổ chức tại Việt Nam, nhưng trong điều kiện hiện nay, để tránh bị đàn áp, LĐV buộc phải tổ chức tại Bangkok.

Đại Hội I LĐV đã thành công tốt đẹp.

Ban lãnh đạo và toàn thể thành viên quyết tâm tranh đấu để LĐV được hoạt động công khai và hợp pháp tại Việt Nam.

LĐV đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản VN trả tự do ngay tức khắc cho các nhà tranh đấu cho quyền nghiệp Đoàn là Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc hùng và Đỗ Thị minh Hạnh đang bị cầm tù.

LĐV đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do ngay tức khắc cho ông Lê Trí Tuệ, một thành viên sáng lập Công Đoàn Độc Lập Việt nam hoặc phải bạch hóa tình trạng ông Lê Trí Tuệ đã bị mất tich từ 6 năm nay tại Căm Pu Chia. Chắc chắn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là kẻ chủ mưu trong việc bắt cóc ông Lê Trí Tuệ.

LĐV đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt nam trả tự do tức khắc cho các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại các nhà tù trên khắp đất nước Việt nam.

Thay mặt Ban chấp hành LĐV.


Trần Ngọc Thành
laodongviet.org
gửi Danlambao
Đại Hội Lần Thứ nhất Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do Reviewed by Unknown on 1/24/2014 Rating: 5 Lao Động Việt - Trong hai ngày 17, 18 tháng 1 năm 2014, tại thành phố Bangkok, thủ đô Vương Quốc Thái Lan đã diễn ra Đại Hội lần thứ nhấ...

Không có nhận xét nào: