Luật Biểu tình: Vẫn Còn Là Chuyện "Nhạy Cảm" - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
28 tháng 10, 2014

Luật Biểu tình: Vẫn Còn Là Chuyện "Nhạy Cảm"

Quốc hội Việt Nam trong ngày khai mạc kỳ họp mùa thu
20/10/2014. Cho đến nay, dự thảo Luật Biểu tình vẫn
chưa được đem ra thảo luận. Reuters
RFI - 27.10.2014: Vào năm 2011, chính thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các đại biểu Quốc hội xây dựng Luật Biểu tình ngay trong kỳ họp năm đó. Thế nhưng, cho tới nay Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình để cụ thể hóa một trong những quyền cơ bản của người dân, đã được quy định rõ ràng trong Hiến pháp.

Điều 69 của Hiến pháp Việt Nam có ghi rằng : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, do không có quy định cụ thể về biểu tình, nên chẳng ai hiểu cụm từ "biểu tình theo quy định của pháp luật" là như thế nào.

Hiện nay, về văn bản pháp luật liên quan phần nào đến biểu tình chỉ có Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ, do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18/3/2005, quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Tuy nhiên nghị định này chỉ quy định về việc xử lý hành vi « tụ tập đông người » chứ không quy định cụ thể về biểu tình.

Tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 25/11/2011, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố làm Luật biểu tình là “phù hợp Hiến pháp, phù hợp đặc điểm văn hóa, điều kiện cụ thể của VN, cũng như thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân...”. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố như trên sau khi vào năm đó đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình tự phát ở Sài Gòn và Hà Nội phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam.

Ngay sau đó, thủ tướng Việt Nam đã giao cho Bộ Công an soạn thảo dự Luật Biểu tình. Cũng vào năm 2011, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết đưa dự luật này vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật. Dự án này được xem như là “công cụ pháp lý” để công dân thực hiện quyền của mình và để Nhà nước kiểm soát, quản lý hoạt động biểu tình theo đúng pháp luật.

Nhưng hết kỳ họp này đến kỳ họp kia, các đại biểu Quốc hội Việt Nam vẫn cứ tranh cãi với nhau về việc nên hay không nên ra Luật Biểu tình. Có những người đồng tình, nhưng cũng có những người cho rằng trình độ dân trí ở Việt Nam “chưa cao” và biểu tình có thể biến thành “bạo loạn”, không nên ra luật biểu tình. Ngay cả khi thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vào năm ngoái, Quốc hội Việt Nam cũng chẳng đả động gì đến Luật Biểu tình.

Đến kỳ họp tháng 5 vừa qua, các đại biểu đã đi đến quyết định là Luật Biểu tình sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp tháng 05/2015 và đến tháng 10/2015 mới biểu quyết thông qua.

Nhưng có lẻ sốt ruột vì phải đợi đến năm sau mới có Luật Biểu tình Vào đầu tháng 10 vừa qua, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lại kiến nghị “khẩn trương” ban hành luật để “có cơ sở bảo đảm tốt hơn quyền của công dân, góp phần làm giảm những căng thẳng trong vấn đề khiếu nại, tố cáo, cũng như trong quan hệ giữa người dân với các cơ quan Nhà nước”.

Đề nghị của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội là xuất phát từ tình trạng công dân kéo từng đoàn đến các cơ quan Nhà nước để khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp diễn ở Việt Nam. Trong bản báo cáo cho Thường vụ Quốc hội, chính phủ cho biết: “ Có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt. Cá biệt có một số đoàn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, tập trung nhiều ngày trước cổng trụ sở các cơ quan trung ương, trước nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết”. Báo cáo này còn khẳng định là “ có một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo công dân khiếu nại đông người có hành vi quá khích, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự”.

Nhưng lời kêu gọi “khẩn trương” của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội chắc cũng sẽ chẳng có tác động gì, bởi vì theo nhà sử học kiêm đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà Nội, rất có thể là dự luật về biểu tình sẽ bị dời lại cho đến sớm nhất là năm 2016. Theo ông, Luật Biểu tình vẫn là một vấn đề "nhạy cảm" ở Việt Nam. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn đại biểu Dương Trung Quốc:
Luật Biểu tình: Vẫn Còn Là Chuyện "Nhạy Cảm" Reviewed by Unknown on 10/28/2014 Rating: 5 Quốc hội Việt Nam trong ngày khai mạc kỳ họp mùa thu 20/10/2014. Cho đến nay, dự thảo Luật Biểu tình vẫn chưa được đem ra thảo luận. Re...

Không có nhận xét nào: