Nhớ Lại Thời Kỳ “Tiền Đổi Mới” Mang Dấu Ấn Nguyễn Văn Linh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
4 tháng 7, 2015

Nhớ Lại Thời Kỳ “Tiền Đổi Mới” Mang Dấu Ấn Nguyễn Văn Linh

Nguyễn Thông: Giở lại chút lịch sử vắn tắt của Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn - TP.HCM, thấy có điều đặc biệt: Ông Nguyễn Văn Linh đã 7 lần là người đứng đầu Đảng ở địa bàn chiến lược này, từ năm 1947 - thời kỳ đầu cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, đến năm 1986 - đêm trước của thời kỳ đổi mới. Có lẽ đó là một thứ kỷ lục tồn tại mãi, sẽ không có trường hợp thứ hai.

Nhắc thế để gợi rằng đó là con người đặc biệt gắn bó với vùng đất đặc biệt. Là đứa con đất Bắc (Hưng Yên) nhưng dường như cả cuộc đời, ông Nguyễn văn Linh dành cho miền Nam, nhất là Sài Gòn - TP.HCM. Và thường là những khi khó khăn nhất.

Tôi có chút kỷ niệm đối với buổi giao thời đổi mới, mang đậm dấu ấn Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, với tư cách một người chứng kiến, trải qua, chiêm nghiệm.

Đầu năm 1977, tôi khăn gói ba lô chui vào khoang tàu biển chở khách Thống Nhất làm chuyến hành trình 48 tiếng đồng hồ từ Hải Phòng vào TP.HCM. Trong túi có đúng 45 đồng tiền miền Nam sau khi ra tận Ngân hàng nhà nước TP.Hải Phòng gần bến Bính để đổi. Tỷ giá 100 đồng miền Bắc ăn 90 đồng miền Nam. Gom góp mãi, tôi chỉ có 50 đồng đưa cho cô nhân viên ngân hàng. Cô ấy nhìn tôi ái ngại, ngán ngẩm. Bước chân lên bến Nhà Rồng, chỉ sau vài ngày bỡ ngỡ, tôi dần dần nhận ra những điều khác biệt ở thành phố phương nam ồn ào náo nhiệt bậc nhất này. Cũng may là còn kịp nhìn thấy, chứng kiến một vài "tàn dư" ưu việt của cách làm ăn tự do, cởi mở của Sài Gòn cũ so với nền kinh tế bao cấp, hoạch định gò bó ở miền Bắc. Tuy nhiên, chả được bao lâu. Sau đó những gì tôi từng chứng kiến hai mươi mấy năm qua lại xuất hiện y chang trên đất Sài Gòn. Và càng ngày càng tệ. Thay đổi đi xuống từ những điều rất nhỏ.

Chả thể quên cũng cái quán hủ tiếu trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 mà tôi và mấy anh bộ đội đi học thỉnh thoảng ra ăn. Hồi chưa bị quốc doanh quản lý, mình chưa ngồi xuống đã có người hỏi han ân cần, chỉ vài ba phút là nhận ngay tô hủ tiếu nóng hổi, giá cả bình dân dù lương thực đang rất khó khăn. Nhưng năm 1979 chính quyền đứng ra quản lý tất, kể cả quán hủ tiếu, tiệm cắt tóc, chụp hình, sửa xe... Muốn ăn hủ tiếu phải xếp hàng mua phiếu, có một cô kế toán mặc trang phục quốc doanh đến ghi số kiểm đếm doanh thu, chờ phờ râu sùi mép cũng không thấy hủ tiếu đâu. Chủ hàng thấy kiểu cách vậy nên chán nản chả muốn bán, còn khách hàng bực bội không chịu được cũng thưa thớt dần. Cả một nền sản xuất, dịch vụ u ám thê lương như đám ma. Kéo dài suốt bao năm gây khổ cho biết bao người. Đại loại nền kinh tế bao cấp, ngăn sông cấm chợ là vậy.

Sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Linh giữ cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM năm 1975 - 1976, còn cái thời tôi vừa kể lúc bấy giờ do ông Võ Văn Kiệt kế nhiệm cầm trịch. Thực ra Bí thư Võ Văn Kiệt cũng rất muốn xé rào nhưng lúc bấy giờ dường như chưa thể làm gì hơn bởi bộ máy vận hành theo kiểu cũ và tầm ảnh hưởng của chính quyền trung ương vẫn còn quá mạnh. Phải thừa nhận rằng, để có một TP.HCM chuyển mình mạnh mẽ, thay đổ quyết liệt, cởi trói, mở bung cánh cửa vào thị trường tự do, đồng nghĩa với việc áp dụng một nền kinh tế thị trường linh hoạt, người dân tiếp cận hạnh phúc, no ấm là nhờ công của dàn lãnh đạo thành phố mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh từ năm 1981 đến 1986.
 
Ông Nguyễn Văn Linh gặp gỡ những nhà quản lý kinh tế, nhà khoa học năm 1987. Người đứng kế bên ông Linh, phía trái ảnh, là ông Nguyễn Quang Lộc, Tổng giám đốc Tổng công ty Bột giặt miền Nam, Giám đốc Công ty Bột giặt Viso, người có rất nhiều táo bạo, xé rào phá bỏ bộ máy quan liêu bao cấp. Tôi từng đến dạy bổ túc văn hóa cho công nhân của ông Lộc suốt mấy năm, gặp ông nhiều lần. Sau này, ông Lộc bị thất sủng, nghỉ việc nhà nước, ra làm ngoài, cố vấn hương liệu cho Nguyễn Văn Mười Hai, xảy ra vụ án NVMH, bị đi tù. Một số phận tiêu biểu thời gọi là đổi mới.
Dấu ấn Nguyễn Văn Linh, phong cách Nguyễn Văn Linh, tư duy Nguyễn Văn Linh..., lúc bấy giờ người dân, báo chí, dư luận nhận xét, ca ngợi như vậy. Các cửa hàng bán gạo đã đủ gạo bán cho dân, không còn cảnh xếp hàng có khi mất hẳn nửa ngày để chỉ mua được mét vải hoặc vài bao thuốc lá. Chợ búa nhộn nhịp sinh sắc hơn, thực phẩm nhiều hơn làm giảm bớt sự đăm chiêu cau có bao năm thường trực trên khuôn mặt bà nội trợ. Các nhà máy, xí nghiệp cũng như được tái sinh. Tiếp theo sự mở lối, động viên của Bí thư Võ Văn Kiệt thì giờ đây là chủ trương đổi mới mạnh mẽ, bung sức sản xuất, phá bỏ cơ chế kìm hãm của Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tận mắt chứng kiến những đổi thay của Sài Gòn thời ấy, tôi và những người như tôi nghĩ rằng, công đầu thuộc về Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh. Người dân TP.HCM rất biết ơn ông, không bao giờ quên những đóng góp của ông với thành phố này trong những năm gian khó đó.

Đổi mới mang dấu ấn Nguyễn Văn Linh in đậm trong cuộc sống của cả xã hội cũng như từng cá nhân. Tôi còn nhớ, hồi ấy chỉ có nhà nước được độc quyền mua bán. Vàng như hàng quốc cấm. Anh nào lôi thôi cho vào tù. Năm 1980 tôi lập gia đình nhưng không tài nào mua được chiếc nhẫn cưới, mãi mấy năm sau mới nhờ ông em họ làm bên tín dụng mua giùm chiếc nhẫn 2 chỉ đầu tiên trong đời. Vợ không dám đeo, cất giữ làm của đến bây giờ. Tiền ít, không dám mua bên ngoài, sợ quản lý thị trường vớ được thì mất toi, nên cứ phải vào cửa hàng của ngân hàng nhà nước. Giá bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Cắt cổ cũng phải cười.

Sau nhiều năm, thỉnh thoảng tôi có gặp lại thủ trưởng cũ của tôi hồi ấy, tiến sĩ Nguyễn Văn Năm, Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học TP.HCM. Thầy trò thường ôn lại chuyện cũ. Nhớ có lần, năm 1979, thiếu gạo, giáo viên đói quá, không còn sức mà lên lớp. Thầy Năm bàn với Ban giám hiệu, liều đánh một chuyến xe REO (xe vận tải quân sự Mỹ mà trường đang sử dụng) chở giáo viên xuống tỉnh Tiền Giang cách Sài Gòn 8 chục cây số âm thầm mua gạo, mỗi người vài chục ký. Về đến trạm kiểm soát Tân Hương vốn nổi tiếng gắt gao thì bị ngăn lại, bị tịch thu hết bởi vi phạm quy định quản lý hàng hóa của nhà nước. Giáo viên vẫn đói. Lại liều làm chuyến nữa, nhưng ít người theo xe thôi, xe vượt trạm trong tiếng súng M16 bắn đì đùng của nhân viên gác trạm, nhưng cuối cùng họ không thèm đuổi.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm bảo: “Cũng may mà ông Nguyễn Văn Linh lên, ông ấy xông xáo đổi mới, tháo bỏ cơ chế kìm kẹp kinh tế, chứ nếu không, chỉ kéo dài thêm vài năm nữa, chắc dân Sài Gòn chết đói hết".

Nghĩ lại mà thấy rùng mình.

Nguyễn Thông
--------------

Nguyễn Đình Cống - Viết thêm để khỏi nhầm về Nguyễn Văn Linh

Mấy hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, báo chí lề phải hết lời ca ngợi , đánh giá ông là nhà lãnh đạo vừa kiên định, vừa sáng tạo, đề ra đường lối và có đóng góp to lớn trong đổi mới, là tấm gương mẫu mực về đạo đức CS. Báo chí lề trái có ý muốn nhắc nhở : “ Ông Linh có công với Đảng nhưng đối với dân tộc thì còn chờ phán xét của lịch sử”. Tôi xin góp một tiếng nói vào sự phán xét ấy.

1- AI CÓ CÔNG ĐẦU TRONG ĐỔI MỚI KINH TẾ, ĐẶC BIỆT LÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP


Nhớ lại, hồi những năm 1984-86, vì kiên trì đường lối XHCN mà nền kinh tế VN rơi xuống tận đáy cảnh bần cùng. Nhờ sự đổi mới từ ĐH VI của Đảng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mà toàn dân thoát khỏi cảnh “đói triền miên” và có gạo xuất cảng. Người ta quy công ấy cho ông Linh, nhờ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lênin ( CNML) mà đạt được. Tôi mong ước những nhà sử học trung thực nghiên cứu kỹ giai đoạn này để xem công lao thực sự của đổi mới kinh tế, đặc biệt là về nông nghiệp thuộc về ai. Theo tôi trước hết phải kể đến ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, ông Đoàn Duy Thành ở Hải phòng, và người có tác dụng quyết định là tổng bí thư Trường Chinh ( sau khi TBT Lê Duẩn mất ). Ông Trường Chinh, ban đầu vì ý thức hệ mà phản đối Kim Ngọc nhưng rồi ông đã thấy được sự thật, đã dũng cảm chấp nhận sự thật để phủ định mình trước đó, để chỉ đạo ĐH VI tiến hành đổi mới về kinh tế. Đáng ra tại ĐH VI, người xứng đáng được bầu làm Tổng bí thư phải là ông Trường Chinh, nhưng vì một lý do nào đó trong quan hệ mà các ông Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh không tiếp tục làm lãnh đạo mà chỉ làm cố vấn. Trong hoàn cảnh như thế ông Linh được lựa chọn để thực thi quan điểm đổi mới của ĐH. Người ta giải thích đổi mới là một sự vận dụng sáng tạo CNML. Tôi cho đó là sự ngụy biện nguy hiểm vì thực chất của đổi mới kinh tế là làm ngược lại, là phủ định CNML chứ chẳng sáng tạo ở chỗ nào cả.

2- KIÊN TRÌ CNML LÀ CÓ CÔNG HAY CÓ TỘI


Báo chí lề trái nhận xét ông Linh là người bảo thủ hạng nặng, đặc biệt trong việc kiên trì đường lối chính trị của CNML, kiên trì sự chuyên chính của ĐCS, trong việc triệt để chống đa nguyên đa đảng. Về vấn đề kiên trì bảo vệ CNML thì bài phát biểu của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có những lời lẽ hùng hồn nhất, mạnh mẽ nhất. Có lẽ ông Trọng rất tâm đắc với ông Linh trong chuyện này, đến mức “ Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Có ý kiến cho rằng bảo vệ CNML là có công với Đảng, có tội đối với dân tộc. Tôi tán thành vế thứ hai, còn có công với Đảng thì cũng chưa chắc, việc này còn chờ lịch sử phán xét. Khi các nước theo CS do Liên xô lãnh đạo đồng tâm hiệp lực xây dựng XHCN, bỗng nhiều nước, kể cả Liên xô phát hiện ra đi nhầm đường, không đi tiếp mà quay lại tìm đường khác. Thế mà ông, không chịu tìm hiểu sự thật, ép buộc đảng cứ kiên trì đường đi cũ sai lầm, trước mắt tưởng là có công, nhưng về lâu dài e là mắc tội nặng.

3- BỨC TỬ ĐẢNG XÃ HỘI VÀ ĐẢNG DÂN CHỦ


Để tăng thêm uy tín cho ông Linh, người ta nhận xét ông là học trò xuất sắc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Hoặc cũng có thể là để tăng vị thế cho người thầy nhờ có học trò xuất sắc như vậy. Không biết lúc còn sống ông Linh có tự nhận vai “học trò” ấy không, nhưng trong việc làm thì ông đã đi ngược với “thầy”. Trong một thời gian dài ở VN có thêm 2 đảng chính trị. Đảng Xã hội đại diện cho trí thức, đảng Dân chủ đại diện cho công thương gia. Hai đảng đó do Hồ Chí Minh khai sinh và do Nguyễn Văn Linh bức tử. Dân Việt nam có tục lệ gieo hai đồng tiền ( xin keo ) để hỏi ý kiến thần linh hoặc người đã khuất. Chắc rằng ông Linh đã không gieo 2 đồng tiền để hỏi “ Thầy Hồ Chí Minh” việc trên mà tự ý quyết định để tỏ rõ ý chí sắt đá của mình.

4- VỤ THỎA HIỆP THÀNH ĐÔ

Việc ông Linh cầm đầu phái đoàn gồm có ông Phạm Văn Đồng và ông Đỗ Mười sang ký kết với lãnh đạo Đảng CS Trung quốc tại Thành đô năm 1990 cần được bạch hóa cho toàn Đảng toàn dân biết, việc này chưa thấy có báo lề phải nào đề cập đến .

5- VỤ TRẦN ĐỘ VÀ TRẦN XUÂN BÁCH


Riêng việc ông Linh xử lý vụ Trung tướng Trần Độ, trưởng ban tư tưởng và văn hóa của TW đảng, phó chủ tịch Quốc hội về đường lối đổi mới văn hóa, văn nghệ và UV Bộ Chính trị Trần Xuân Bách về đổi mới thể chế chính trị thì đã tương đối rõ ràng. Được biết thời gian đầu ông Độ và ông Bách đều được tổng bí thư khuyến khích nhưng sau đó cả 2 ông đều bị qui kết là những tên phản động nguy hiểm, bị trừng trị đích đáng.

Con người ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm. Khi làm tang lễ hoặc khi kỷ niệm (100 năm ngày sinh chẳng hạn) người ta chỉ hay nhắc tới ưu điểm và công lao. Đó là lẽ thường tình. Nhưng để đánh giá một con người, hơn nữa con người ấy gắn với vận mệnh dân tộc trong một giai đoạn nào đó thì phải đánh giá toàn diện, tránh chỉ kể một chiều, gây ra nhầm lẫn cho số đông.
Nguyễn Đình Cống
 Theo FB Nguyễn Đình Cống
Nhớ Lại Thời Kỳ “Tiền Đổi Mới” Mang Dấu Ấn Nguyễn Văn Linh Reviewed by Unknown on 7/04/2015 Rating: 5 Nguyễn Thông: Giở lại chút lịch sử vắn tắt của Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn - TP.HCM, thấy có điều đặc biệt: Ông Nguyễn Văn Linh đã 7 lần là...

Không có nhận xét nào: