Phóng sự: Thăm các gia đình nạn nhân bị bắt ( Phần 2) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 10, 2011

Phóng sự: Thăm các gia đình nạn nhân bị bắt ( Phần 2)

(Anton. Trần An - TNCG) Chuyến hành trình thăm gia đình anh Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương và Đặng Xuân Diệu, ba trong số 15 người anh em bị Bộ Công An bắt cóc, kết thúc vào ngày 01/10, chúng tôi mỗi người về một phương để nghỉ ngơi. Và sáng ngày mồng 02/10, chúng tôi lại tiếp tục lên đường, hôm nay thời tiết có vẻ đẹp hơn hôm qua, trời đã hừng nắng.

Chạy suốt quãng đường dài hơn 30km chúng tôi đã đến được thị trấn huyện Yên Thành. Mon men hỏi đường chúng tôi đã đến được xã Phúc Thành huyện Yên Thành nơi cậu trò nghèo vượt khó, học giỏi Chu Mạnh Sơn đã sinh ra và lớn lên, đi sâu vào trong xã chúng tôi mới thấy tháp của mấy ngôi thánh đường nho nhỏ hiện lên giữa cánh đồng lúa trải dài mênh mông. Đường sá ở đây còn tệ hơn ở xã Nam Lộc quê của Đức và Dương, đường ở đây lầy lội và nhầy nhão. Phải đi đến những nơi như thế này ta mới thấy hết được sự quan tâm “sát sao” của Đảng và nhà nác (nhà nước) tới nhân dân. Giống như những lời mà đài truyền hình Vẹt (con vẹt) Nam thường hay lặp đi lặp lại là “được sự quan tâm của đảng và nhà nước nên năm nay được mùa, còn mất mùa là do thiên tai, …”

Vượt qua những đoạn đường lầy lội chúng tôi tìm được ngôi nhà của anh Chu Mạnh Sơn, một ngôi nhà nhỏ nằm bên cạnh thánh đường Giáo xứ Đức Lân. Khi chúng tôi vào thì Mẹ anh Sơn đang phơi những bó tre đã được chẻ ra để làm hương trầm. Thoạt đầu chúng tôi nghĩ mẹ sơn làm hương (nhang), nhưng khi hỏi thì được mẹ sơn cho biết bác ấy chẻ thuê. Đã bị bệnh tim từ 4 năm nay, không làm được việc gì nhiều, công việc đồng áng giao hết cho chồng là bác Trai Chu Văn Nghiêm. Thời gian gần đây đã nhận chẻ que hương thuê cho một cơ sở sản xuất, công việc nhìn ra đơn giản nhưng thật ra cũng rất vất vả. Tâm sự với chúng tôi, Mẹ anh Sơn cho biết: “vất vả lắm các chú ạ! Người ta giao cho mình tre tươi rồi mình chẻ ra, phơi khô rồi mới đem xuống nhập. Một “yến” que khô như vậy chỉ được 10 ngàn thôi mà có khi cũng không được nữa”. Chúng tôi chợt nghĩ: “cứ thời tiết thế này thì lúc nào mới kiếm được 10 ngàn chứ, trong khi đó một vụ Boxit Tây Nguyên, khối kẻ có cả “tỷ đô” chứ ít gì”. Bệnh tình của Mẹ anh Sơn đã như vậy lại thêm lo lắng cho con nữa nên nhìn người Bác đã là hao gầy lại càng gầy thêm”

Anh Chu Mạnh Sơn sinh năm 1989 sau khi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông vào năm 2007, Anh Sơn đã thi đậu 2 trường đại học nhưng vì gia đình không đủ điều kiện để cho đi học, Sơn đành đành ngậm ngùi vào học tại trường cao Đẳng Y Tế Nghệ An. Là một thành viên năng nổ của tổ Kỹ Thuật (một trong 14 nhóm sinh viên Công giáo sinh hoạt tại Vinh). Sơn đã tham gia các hoạt động như cứu trợ đồng bào lũ lụt năm 2010. Lượm ve chai vì người nghèo, ngoài ra Sơn đã tham gia đầy đủ khóa học “ Kỹ năng Truyền thông Công giáo” do Dòng Chúa Cứu thế tổ chức tại Thái Hà vào ngày 13/06. Là sinh viên năm cuối của trường Cao Đẳng Y Nghệ An, lẽ ra bây giờ Sơn đã tốt nghiệp như bao người bạn cùng lớp, nhưng cuối cùng Sơn lại bị song sắt Cộng Sản cầm tù, nên giờ việc học của anh cũng dở dang. Với thủ đoạn xảo trá của lực lượng an ninh, Sơn là người bị bắt “bí ẩn” nhất trong nhóm Thanh niên Công giáo bị bắt.

Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện, Mẹ anh Sơn không thể cầm được nước mắt, bà  khóc nức nở kể lại: “Ngày 01/08 khi đang ngồi làm bài báo cáo cho đợt thực tập vừa qua thì có điện thoại gọi đi. Mẹ Sơn cũng không biết là đi đâu chỉ thấy để máy tính, máy ảnh ở nhà đó, vội vã lấy xe ra đi. Đến trưa người em họ của Sơn đưa một người nào đó đến nhà tôi, và nói với tôi rằng là bạn của Sơn, rồi bảo rằng: “máy tính của Sơn bị hỏng nên nhờ nó vào đưa đi sửa”, đương nhiên mẹ sơn không tin, và không cho lấy rồi bảo muốn lấy thì đợi Sơn về. Kể cả em họ sơn cũng nói với bác là cứ đưa cho người ta đi sửa nhưng bác gái không cho. Thời gian này Bố của Sơn đang đi làm ăn xa nên chỉ có Tôi ở nhà, rồi nó bấm điện thoại cho ai đó, và cho Tôi gặp Sơn, Tôi đã khẳng định chắc chắn đó là giọng của con trai mình”.

Chắc chắn lúc này Sơn đã bị bắt và đang bị công an khống chế, ép phải nói chuyện với Mẹ. Khi gặp Mẹ, Sơn đã nói Mẹ rằng đó là bạn và hãy đưa máy tính cho họ đi sửa. Mẹ Sơn cũng không tin và quyết định không đưa, Sơn thuyết phục mãi mẹ anh mới chịu đưa cho, đương nhiên là Mẹ Sơn không biết rằng anh đã bị công an bắt cóc. Mấy ngày sau, Sơn có gọi điện về cho o ruột và nhờ o nhắn mẹ và anh em cùng cha xứ cầu nguyện cho Sơn. Lúc này, Bố Sơn đã về đã nghe tin như vậy và nghi đã có chuyện xảy ra. Nhưng cũng không nói với bác gái vì sợ căn bệnh tim sẽ bộc phát thì nguy. Nhưng khi đến hỏi Cha xứ thì được Cha khuyên là hãy nói để cầu nguyện cho Sơn vì vẫn chưa biết Sơn bị gì, khi nghe tin như vậy Mẹ Sơn không bình tĩnh được quỵ luôn. Sau đó, gia đình có đến gặp em họ của Sơn để hỏi về cái máy tính, em họ Sơn cho biết là “người đó báo lại là đã bị bán”. Lần này Mẹ Sơn lo lắm, gọi điện mãi không thấy bốc máy, bà tưởng con mình bị tai nạn nên bán máy để vào viện. Sau đó bà dùng nhiều số gọi cho Sơn, cuối cùng  Sơn cũng bốc máy và nói bố mẹ yên tâm sơn vẫn bình an và đang trên đường vào Vinh. Còn máy tính và các thứ sơn đang giữ, chỉ biết như vậy, cho đến mấy ngày sau thì được nhận được tin báo rằng sơn đã bị bắt. Mẹ Sơn còn cho biết thêm: “Tôi không hiểu mọi chuyện, thằng Ssơn nó hiền lành có đời nào ăn cắp ăn trộm hay làm gì phạm pháp đâu mà bị bắt”. Bố Sơn rất bức xúc trước  hành vi bắt người trái pháp luật và lừa đảo để lấy cắp đồ vật của con trai mình, ngay trong nhà của ông.

Khi biết được con trai của mình bị bắt và bị giam ở trại tạm giam Nghi Kim, cho đến giờ gia đình vẫn chẳng biết sức khỏe của Sơn ra sao? Và những tài sản của Sơn như xe máy, máy tính, máy ảnh gia đình cũng không biết phải tìm ở đâu, tất cả vẫn còn mập mờ. Chúng tôi động viên và an ủi gia đình hãy tin vào Sơn, mọi người sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Sơn.

Sau khi rời khỏi nhà Sơn, chúng tôi đi ăn trưa và sau đó tiếp tục đến nhà anh Thái Văn Dung ở Giáo xứ Nghi Lộc (xóm 4 Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An). Khi nói chuyện với chúng tôi gia đình của anh Dung cho biết: “Sau khi anh Dung bị bắt ít hôm, vào ngày 04/092011 gia đình nhận được giấy báo và sau đó Cơ quan An ninh Điều tra có gửi giấy triệu tập người nhà của anh Dung là anh Thái Văn Hà(Anh trai của Dung) đến làm việc, và khi đi phải mang theo hộ chiếu của anh Dung. Nhưng gia đình không biết hộ chiếu của Dung đang ở đâu và cũng không biết Dung đã đi nước ngoài hay chưa?”. Vậy là công an vẫn đang cố gắng lấy bằng được hộ chiếu của Dung. Được biết, Anh Thái Văn Dung đang tham gia học tiếng Anh và làm thủ tục đi “du học tại Canada”, Anh Dung đã từng tham gia hai phiên xét xử TS. Luật Cù Huy Hà Vũ, tham gia các cuộc biểu tình chông Trung Quốc trước khi anh bị bắt. Anh cũng đã tham gia “Đại hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam Thế giới lần sáu” tổ chức tại Phi Luật Tân. Chúng tôi động viên gia đình của anh, sau đó chúng tôi ra về vì trời đã xế chiều ngày sắp tàn.

Vậy là hai ngày đi thăm các gia đình, người thân của những người anh em Thanh niên Công giáo đã kết thúc. Nhưng chúng tôi vẫn chưa đi hết các gia đình vì không có thời gian nữa nên quyết định ra về và sẽ tiếp tục trong một ngày gần đây. Chúng tôi và blogger Người Buôn Gió tạm biệt nhau tại Diễn Châu. Nhìn lại những gì các anh đã làm cho Giáo hội, xã hội, cho tuổi trẻ, lẽ ra họ phải được sự ủng hộ từ phía chính quyền, xã hội chứ, đổi lại giờ đây các anh được gì? Cái giá các anh nhận được là “vào tù Cộng Sản và bị cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền”.

Họ bị cáo buộc như vậy nhưng nào có mấy vị chủ chăn lên tiếng để bảo vệ con chiên của họ đâu? Công lý nằm ở đâu? Hòa bình đang ở đâu? Xin những ai còn có lương tâm, những vị có trách nhiệm, những người trẻ là tương lai của giáo hội và xã hội. Hãy nhìn lại những việc làm của những người anh em của chúng ta đã làm để rồi chúng ta lên tiếng, và “Phải lên tiếng”. Lên tiếng vì tương lai của đất nước, lên tiếng để rồi những người anh em của chúng ta sớm được tự do, đất nước sớm độc lập, đừng im lặng trong sự đô hộ và cai trị của chế độ cộng sản vô thần mục nát nữa. Hãy tự cứu chính mình và cho những thế hệ con cháu mình. “Đừng im tiếng mà phải lên tiếng”.

(Anton. Trần An - TNCG)








Chu Mạnh Sơn trong chuyến cứu trợ lũ lụt miền trung năm 2010
Phóng sự: Thăm các gia đình nạn nhân bị bắt ( Phần 2) Reviewed by thanhnienconggiao.blogspot.com on 10/07/2011 Rating: 5 (Anton. Trần An - TNCG) Chuyến hành trình thăm gia đình anh Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương và Đặng Xuân Diệu, ba trong số 15 người anh em bị Bộ...

1 nhận xét: