(TNCG) - Hồi đầu năm 2011 này, đã có một bài viết trên mạng nói đến hiện tượng "chó nhảy bàn độc" xảy ra nhân lễ bế mạc Năm Thánh tại Thánh Địa La Vang. Tác giả đã đề cập đến sự hiện diện và lên tiếng tại thánh địa, trong một sinh hoạt thờ phượng, của một nhân vật không xứng đáng. Thực chất, đây không phải là một hiện tượng mới mẻ gì. Nó đã hiện hữu trên đất nước ta từ hơn 65 năm nay rồi và đã trở thành quen mắt khiến ít ai thèm để ý. Nếu ở những lãnh vực khác, hiện tượng này có thể bị lấp liếm bằng những trang sức giả tạo, thì ở lãnh vực tôn giáo, nó bị lật tẩy ngay tức khắc.
Những gì đang diễn ra tại Thái Hà vừa qua là rất điển hình. Một đàn côn đồ đông hàng trăm tên, trong đó lẫn lộn cả những quan chức công an địa phương giả dạng thường dân đã đột nhập khuôn viên Nhà Thờ, "nhảy" lên lễ đài, ngày 3/11/2011 vừa qua, la hét, làm loạn nơi thờ tự. Điển hình hơn nữa là ngày Chúa Nhật 20/11/2011, giữa lúc linh mục đang uy nghiêm cử hành Thánh Lễ cho thiếu nhi vào buổi chiều thì bỗng nhiên một tên dân phòng trong đồng phục với huy hiệu trên mũ, trên cánh tay, thẻ nhận diện đeo trên ngực, tay cầm điếu thuốc lá đang cháy… sồng sộc bước lên Cung Thánh lớn tiếng lỗ mãng. Các huynh trưởng thiếu nhi với thái độ ôn hòa nhưng kiên quyết đã lôi cổ hắn xuống và kèm hắn ra ngoài nhà thờ. Tuy hắn chưa "nhẩy bàn độc", nhưng đã nhẩy lên cung thánh là địa điểm cực thánh trong nhà thờ, nơi cử hành các nghi thức tế lễ Đức Chúa Trời.
Phải chăng đây là dấu hiệu của sự gia tăng cường độ bách hại Công Giáo của nhà cầm quyền? Sự bách hại này không phải chỉ mới bắt đầu mà cũng không phải chỉ ở Thái Hà, ở Việt Nam…; mà nó đã khởi sự từ rất lâu và ở khắp những nơi có chế độ bạo chúa, độc tài hay chủ thuyết vô thần ngự trị. Theo cuốn "Sách đen về những bách hại mới chống Kitô giáo" của Tôma Grimaux, xuất bản năm 2007 thì thế kỷ 20 đã tạo nhiều thánh tử đạo hơn cả 19 thế kỷ trước cộng lại (hàng triệu người). Bước sang thế kỷ 21, Hội Thánh Chúa vẫn còn gánh chịu sự bách hại rơi rớt từ thế kỷ trước ở một số nơi. Không phải vì không thấy những đạo dụ hay những đạo luật, những nghị quyết… "cấm đạo" mà đã không còn chủ trương cấm đạo, mà không còn nạn bách hại Giáo Hội. Ở thời đại ngày hôm nay, những bạo chúa, những chế độ độc tài vô thần hay tôn giáo quá khích thường che dấu sự đàn áp, kỳ thị, bách hại Công Giáo dưới những hình thức pháp lý trò hề để quy chụp cho các phần tử của Giáo Hội những tội danh hình sự. Để thực hiện âm mưu thâm độc này, họ đã có những hành động khiêu khích lố bịch nhằm gài bẫy, trong lúc công an rình sẵn. Tình trạng này chính các Đức Giáo Hoàng đã cảnh báo. Trong Sứ Điệp nhân ngày truyền giáo 2009, Đức Biển Đức XVI đã "…nói đến các Giáo Hội địa phương và các vị thừa sai đang làm chứng nhân và mở mang Nước Chúa trong hoàn cảnh bị bách hại, đang bị đàn áp nhiều cách: từ tình trạng bị kỳ thị về mặt xã hội cho đến ngục tù, tra tấn và sát hại. Ngày nay vẫn còn không ít nhà thừa sai bị giết vì Danh Chúa". Đức Chân Phước Giáo Hoàng cũng viết : "thời đại của chúng ta có rất nhiều chứng nhân; bằng nhiều cách họ đã biết sống Tin Mừng ngay giữa những đố kỵ và bách hại, thường khi đến thử thách tột cùng là phải đổ máu mình "(Tông thư Novo Millennio Ineunte, 41).
Trên cơ sở những chỉ dấu nêu trên, khẳng định Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang bị bách hại. Các sử gia khi ghi lại các cuộc bách hại, thường chú ý đến các "thánh tử vì đạo", tức những vị đã chấp nhận cái chết vì Đức Tin chứ không chối bỏ Thiên Chúa. Thực ra chữ "martyr" tiếng Pháp có nguồn gốc Hy Lạp là "martus" nghĩa là "chứng nhân". Như vậy có những chứng nhân chịu biết bao khổ nạn, tù tội, gông cùm, tra tấn, đói khát, xỉ nhục… vì đạo, nhưng chưa được "Phúc" tử vì đạo. Vì Tử Đạo là một Ơn Phúc chính Thiên Chúa ban cho.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã là mầm giống cho sự phát triển Giáo Hội ở nước ta. Chúng ta biết vậy thì kẻ bách hại cũng biết vậy. Do đó, chúng tránh tối đa tạo ra các thánh tử đạo. Chúng sử dụng những âm mưu thâm độc để khủng bố tinh thần hành hạ thể xác người Công Giáo bị chúng giam giữ cho đến tận cùng sức chịu đựng của con người. Trong lúc đó chúng luôn nhồi nhét vào tai nạn nhân là những khổ nạn họ chịu đựng không phải vì lý do tôn giáo. Vì vậy thiết tưởng người Công Giáo phải hiểu rõ là trong cơn bách hại có nhiều Kitô hữu sẽ trở thành người "khổ nạn vì đạo" và cũng có thể có những vị "tử vì đạo". Trong niềm tin vào Lời Đức Kitô "Vì danh Thày, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát" (Mt. 10, 22), người Kitô hữu phải sẵn sàng cho cả hai tình huống này. Vì "Nếu họ đã bách hại Thầy, thì họ cũng sẽ bách hại các con" (Ga 15,20).
Đừng bực mình vì "chó nhảy bàn độc" vì bàn độc không phải là chỗ của chó.
Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11/2011
Không có nhận xét nào: