Người tín hữu giáo dân trưởng thành - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
21 tháng 1, 2012

Người tín hữu giáo dân trưởng thành

(TNCG) - NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH

( Huấn dụ Christi Fideles Laici: Người tín hữu giáo dân của Chúa Ki Tô )

Trên bốn mươi năm Công Đồng Vatican II đã kết thúc ( 1963-2003), khi chúng tôi viết bài nầy và mười lăm năm sau huấn dụ cho Thượng Hội Đồng Giám Mục của Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II Christi Fideles Laici ( 1988), người giáo dân Công Giáo nói chung và giáo dân Việt Nam đã lớn lên được bao nhiêu?

Dĩ nhiên nhìn lại dòng lịch sữ, thời kỳ "thơ ấu" của người giáo dân, thời kỳ trong đó người giáo dân được coi là "thiếu thời " và phải được hàng giáo phẩm luôn luôn nắm lấy tay dẫn dắt trong hết mọi chuyện, tôn giáo cũng như trần thế.

Thời đó đã qua đi.

Nói như vậy, chưa hẵn là chúng ta có thể quả quyết là hiện nay người giáo dân chúng ta, dĩ nhiên trong đó có cả người đang viết, đã hoàn toàn trưởng thành.

Có lẽ chúng ta nên nói là chúng ta đang còn ở trong giai đoạn "giữa chừng" hay đang lớn lên, thì đúng hơn, chúng ta đang còn đang ở trong giai đoạn khủng hoảng của giai đoạn chuyển hoá để tiến đến tuổi trưởng thành.

Nói như vậy, nhìn lại quảng đường đã qua để ý thức với những biến chuyển của các biến cố lịch sử, văn hóa và mục vụ đã thúc đẩy làm cho người giáo dân vươn mình thức dậy khỏi trạng thái ngái ngủ, thiếu thời.

Nhưng thức dậy, nhìn xung quanh và bước đi như người lớn, chưa hẵn là chúng ta "đã lớn", đã trưởng thành, khi phải chạm trán với những vấn đề cần phải tháo gở, để bước đi đến tuổi trưởng thành.

Đó là hai phần của đề tài đang viết để chúng ta ý thức,có cách hành xử thỏa đáng trong những bước vươn lên đến tuổi trưởng thành.

1 - Những hoàn cảnh lịch sử và văn hóa đổi mới.


Huấn từ của Đức Thánh Cha Gioan Phao Lồ II Christi Fidelis Laici khởi đầu bằng xác tín rằng chúng ta đang có:

- " trong thời điểm huy hoàng và bi đát hiện tại của lịch sử, trước thềm ngàn năm thứ ba, thời điểm của những hoàn cảnh mới về lịch sử, xã hội, kinh tế, chính trị cũng như văn hóa, đòi buộc người tín hữu giáo dân phải có những hành động với nghị lực đặc biệt thích ứng" ( Christi Fideles Laici, 3).

a) Tiến trình biến chuyển thế tục hóa.

Hoàn cảnh trước tiên cần phải lưu tâm, đó là tiến trình thế tục hóa ( processo di secolarizzazione).

Đó là tiến trình thay đổi sâu đậm tâm thức, văn hóa và tập quán phát sinh trong thế giới tân tiến hiện tại, như là phản ứng chống lại cách hành xử không chính đáng của thời Trung Cổ, sáp nhập, pha trộn thần quyền và thế quyền, niềm tin và văn hóa, ngai vàng và bàn thờ.

Tiến trình thế tục hóa hiện tại là một tiến trình lưỡng diện.

a - Nếu hiểu đúng nghĩa thế tục hóa là thái độ hành xử nhằm xác định lại vai trò tự lập của các thực tại trần thế và đặc tính thế tục ( laicità) của các thực tại trên thế gian, được Chúa dựng nên, thì đó là một tiến trình tốt đẹp.

Bởi vì như vậy chúng ta có thể

- thanh lọc thoả đáng được nội dung của đức tin,


- gia tăng thêm trách nhiệm lịch sử của người tín hữu


- và kích thích những sáng tạo của họ để đáp ứng lại một cách thích hợp những đòi hỏi của cuộc sống,

- mở rộng con đường đối thoại với bất cứ ai thành tâm thiện chí.

b - Trái lại, thế tục hóa là tiến trình băng hoại tương đương với "vô thần hóa" hay "vô tôn giáo hóa" ( secolarismo), thì đó là tiến trình đê tiện hóa con người, bởi vì trình bày con người với hình ảnh sai lạc, cho rằng

* con người có thể tự mình có cuộc sống hoàn hảo, tự mãn (autosufficiente) ,

* lịch sử là một chuổi những biến cố tự nhiên và tự tại ( imminente),

* con người có thể tự giải thoát chính mình bằng ý thức hệ, tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa.

Tiến trình thế tục hóa, trong ý nghĩa đang bàn, là cách hành xử loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, ra khỏi xã hội, xem tôn giáo và tự do tôn giáo như chỉ là những vấn đề tư riêng:

- " Con người bỏ quên Thiên Chúa, coi Thiên Chúa vô nghĩa của cuộc sống mình, từ bỏ Thiên Chúa và tôn thờ nhiều " thần tượng " khác" ( Christi Fideles Laici, 4).

Tính cách lưỡng diện vừa kể của tiến trình thế tục hóa đã tạo ra nhiều hậu quả tương phản:

- một đàng đã và đang tạo ra khủng hoảng niềm tin tôn giáo mà ai trong chúng ta cũng thấy được,

- đàng khác tạo ra cho con người nhu cầu mới về tôn giáo:

- " thế giới hiện tại, dưới nhiều hình thức rộng lớn và sống động, minh chứng một cái nhìn thiêng liêng và đời sống siêu nhiên, một sự thức tỉnh đi tìm tôn giáo, một sự trở về với ý nghĩa thiên thánh và lời cầu nguyện, nhu cầu có được tự do để khẩn cầu lên Thiên Chúa" ( id.).

Tiến trình thế tục hóa, như vừa nói, là một sự kích thích cho người tín hữu giáo dân, giúp họ hiểu được " đặc tính trần thế ", ơn gọi và sứ mạng của họ.

b) Chuyển đổi văn hóa và giá trị.


Một trong những ảnh hưởng của tiến trình thế tục hóa là nền văn hóa đồng nhất cổ truyền trong quá khứ đã và sẽ nhường bước cho những quan niệm đa dạng về cuộc sống và lịch sử, nhiều khi đi ngược lại cả quan niệm nhân bản con người trong Phúc Âm.

Những quan niệm mới đa dạng vừa kể về con người đã và đang có ảnh hưởng " nguyên nhân-hậu quả " đến các phương thức tổ chức cuộc chung sống văn minh của con người hiện đại.

Chuyển đổi văn hóa và giá trị đang tiến hành có " giá trị con dao hai lưởi " :

- một đàng những giá trị của nền luân lý trong quá khứ đang có nguy cơ sẽ bị mai một ( ví dụ: giá trị về gia đình, tình yêu, liên hệ tính dục...),

- đàng khác, một số giá trị trong quá khứ không mấy ai chú ý, đang được khai quật và yêu chuộng ( Ví dụ: con người dấn thân để bảo vệ lẽ phải, ý thức mới mẻ đối với liên đới và hoà bình, bảo vệ môi sinh).

Do đó một đàng có cái nguy là với tâm trạng đánh mất đi những giá trị cổ truyền,

- chúng ta có thể bị đưa vào tình trạng " tương đối luân lý " ( relativismo moralista) ,

- nhưng đàng khác , nếu được hướng dẫn đúng đắn, đây là một " cơ hội để trưởng thành": cơ hội để chúng ta khám phá ra những giá trị mới ( đức tính khoan dung, tôn trọng phẩm chất của cuộc sống, cần kiệm và tiêu dùng tài nguyên theo lẽ phải), cũng như định giá và khôi phục lại những giá trị cổ truyền đang bị lu mờ và mất đi.

Cuộc thách thức hiện tại vừa kể chắc chắn làm cho người giáo dân ý thức được sứ mạng của họ trong xã hội và trong Giáo Hội.

Người giáo dân hôm nay

- không phải chỉ được Chúa kêu gọi để tuyên xưng một cách minh bạch các nguyên tắc và giá trị của quan niệm Ki Tô giáo về con người và làm chứng những chân lý đó trong cuộc sống cá nhân của họ, trong cuộc sống gia đình và xã hội,

- mà còn được kêu gọi để góp phần vào việc làm cho đức tin được " hội nhập văn hóa" ( inculturazione), kêu gọi thực hiện một cuộc Phúc Âm hoá mới.

c)Tiến trình toàn cầu hóa.

Tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra là yếu tố mới thứ ba hiện diện trong cuộc sống để trở nên trưởng thành của người tín hữu giáo dân.

Tiến trình toàn cầu hóa cần phải được định hướng về phương diện văn hóa cũng như luân lý, nếu chúng ta muốn có được một xã hội được tổ chức hợp với nhân phẩm con người.

Do đó người tín hữu giáo dân được mời gọi như là những người xây dựng một thế giới mới, cùng cộng tác với những người thiện chí khác, với tư cách là người công dân cũng như trong sứ mạng của người tín hữu.

Tiến trình toàn cầu hóa đầu tiên là tiến trình truyền thông xã hội và thông tin. Nhờ những phát triển kỹ thuật và khoa học tân tiến, hiện nay con người có thể phổ biến kiến thức, tin tức và văn hóa khắp hoàn cầu trong một thời gian ngắn ngủi.

Đây là một tiến trình thay đổi cấu trúc và cũng có giá trị lưỡng diện:

- có thể phục vụ con người để giúp cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, phục vụ đắc lực hơn cho hòa bình, phát triển, phục vụ con người;

- nhưng nếu trong tiến trình thiếu luân lý, kỹ thuật tân tiên có thể là dụng cụ để thực hiện chế độ thực dân văn hóa, còn tệ hơn cả thực dân kinh tế và đưa đến những bất bình đẳng mới.

Truyền thông xã hội hiện nay đã trở thành một loại văn hoá mới, một cách thức mới để hiểu biết vũ trụ, đời sống và con người.

Điều đó cắt nghĩa tại sao truyền thông xã hội càng phát triển, chúng ta càng cần có sự tham dự một cách tích cực và có trách nhiệm.

Nhu cầu " tham dự có trách nhiệm" đó là

- " một dấu chỉ thời đại đích thực của xã hội chúng ta, nhứt là đối với nữ giới và thế hệ trẻ, để hướng dẫn đời sống, không những đời sống gia đình và học đường, mà còn cả đời sống trong lãnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị " ( Christi Fidelis Laici, 5).

Tuy nhiên để có thể cống hiến cho văn hóa một tinh thần và luân lý đối với thế giới truyền thông tân tiến hiện nay, người tín hữu giáo dân cần phải được đào tạo đầy đủ về mặt thiêng liêng cũng như chuyên môn.

Một cái nhìn tương tự cũng có giá trị đối với tiến tình toàn cầu hóa kinh tế và tài chánh, hiện đang đưa đến việc cần phải đề thảo ra một khuôn mẫu phát triển chung cho cả thế giới.

Thời gian của những vấn đề do cách mạng kỹ nghệ và tương phản giữa vốn liếng và việc làm đã qua đi.

Vấn đề hiện nay là vấn đề

- một khuôn mẫu phát triển quân bình giữa miền Bắc và miền Nam của địa cầu,

- giải quyết những vấn đề phát triển chênh lệch và nghèo đói do việc áp dụng kỹ thuật tân tiến, điện tử, điện toán, robots.

Song song với vấn đề phát triển Bắc- Nam vừa nói là vấn đề liên quan đến việc thiết lập một trật tự mới về pháp luật và quân sự.

Đây là vấn đề khẩn thiết hiện nay. Việc thiết lập ra được một cơ quan quyền lực thực hữu siêu quốc gia, có sức mạnh thực sự bảo vệ hữu hiệu các quyền căn bản của con người, của các dân tộc, của các chủng tộc thiểu số, để tránh các cuộc tàn sát diệt chủng và chiến tranh, như những gì đã xảy ra một cách tang thương ở cuối thế kỷ XX vừa qua.

Tất cả những tiến trình toàn cầu hóa vừa kể đang chuyển đổi cơ cấu đời sống nhân loại, đặt người tín hữu giáo dân phải suy nghĩ trước lương tâm mình về sứ mạng của họ trên thế giới. Một vấn đề thối thúc mà có lẽ trước đây chưa được đặt ra.

Thế kỷ của năm 2000 là thế kỷ của thế giới trở thành liên kết duy nhứt, phổ quát và toàn cầu.

Việc chuyển đổi nào cũng hàm chứa những ý nghĩa lưỡng diện. Do đó các việc chuyển đổi cần phải được hướng dẫn và định hướng.

Trong việc hướng dẫn và định hướng vừa kể, vai trò của người tín hữu giáo dân không thể được giao phó cho người nào khác, nhứt là đối với những lãnh vực trần thế, trực tiếp liên quan đến hoàn cảnh sống của mình, của gia đình, của xã hội, của quốc gia và của cả anh em nhân loại.

Ý thức được vai trò đó hôm nay là điều làm cho họ bước ra khỏi trạng thái ấu trỉ.

2 - Những quan niệm mới về Thần Học và Giáo Hội Học.

a) Yếu tố thần học và Giáo Hội học.


Song song với những nguyên do lịch sử và văn hóa, chúng ta cũng có những yếu tố thần học và Giáo Hội học góp phần một cách quyết định cho việc chuyển hoá người giáo dân công giáo đến trưởng thành.

- Chúng ta duyệt xét qua những ý niệm sâu xa về tín lý và mục vụ được Công Đồng Vatican II đề cập và được Vị Chủ Chăn của Giáo Hội suy nghĩ tiếp theo.

- Chúng ta đề cập đến những ý niệm tín lý và mục vụ ảnh hưởng lớn lao đến việc định giá lại ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân.

- Đặc tính thông hiệp của Giáo Hội.

Những suy tư sâu xa về Giáo Hội Học đã khiến cho Công Đồng Vatican II chuyển đổi trọng tâm của tầm nhìn Giáo Hội từ một " tổ chức hoàn hảo" đến Giáo Hội là một thực thể

- " Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa và giữa người với người " (Lumen Gentium , 4).

Giáo Hội là " Dân Chúa " hay là

- " Bí Tích và Dụng Cụ của mối liên kết thân tình con người với Thiên Chúa và nơi đại kết của tất cả nhân loại với nhau" (Lumen Gentium, 1.).

Công Đồng Vatican II khẳng định

- " trong đoàn dân của Đấng Cứu Thế, mọi thành phần đều có địa vị như nhau và mọi người đều có ơn gọi trở nên trọn hảo như nhau; không có bất cứ một sự dị biệt nào do chủng tộc, quốc gia, phái giống, hoàn cảnh xã hội gây ra. Và, một vài người do ý muốn của Chúa Ki Tô được phong cho thành tiến sĩ và người phân phát các mầu nhiệm, một vài người thành chủ chăn đối với những người khác, nhưng tất cả mọi tín hữu đều thực sự đồng đẳng như nhau về địa vị và về hành động chung để cùng xây dựng Thân Thể Chúa Ki Tô" (Lumen Gentium , 32).

Thời kỳ giáo phẩm chế đã kết thúc.

Hàng Giáo Phẩm được đặt vào trong lòng cộng Đồng "Dân Chúa" để phục vụ.

Giáo dân không còn là thành phần trẻ dại ( minorenni), hay chỉ là thành phần phụ giúp cho hàng giáo phẩm.

- "Người tín hữu giáo dân chu toàn phần vụ của mình trong lòng Giáo Hội và giữa trần thế sứ mạng của tất cả cộng đồng Ki Tô Giáo" ( Lumen Gentium , 31 ).

Trả lời cho câu hỏi, " Người tín hữu giáo dân là ai? ", Đức Gioan Phaolồ II xác nhận:

- " Công Đồng Vatican II, vượt qua những lối giải thích phần nhiều theo khuynh hướng tiêu cực trước đây, đã mở ra một cái nhìn mới, xác nhận rằng người giáo dân hoàn toàn là thành phần của Giáo Hội , hoàn toàn tham dự vào mầu nhiệm của Giáo Hội và xác nhận tính cách cá biệt ơn gọi của họ" ( Christi Fideles Laici, 9).

b) Chiều hướng lịch sử của ơn cứu rổi Ki Tô giáo.


Một quan niệm thần học khác được Công Đồng Vatican II định đặt lại giá trị làm cho người tín hữu giáo dân hiểu biết thêm về ơn gọi và sứ mạng của họ, đó là chiều hường lịch sử của ơn cứu rổi.

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đi vào lịch sử của nhân loại, đảm nhận lấy lịch sử và quy tóm về mình:

- " Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà mọi vật được tạo thành, chính Người đã trở thành nhục thể và đã đến ở thế gian giữa con người. Là con người hoàn hảo, Người đã hội nhập vào lịch sử của thế gian, đảm nhận và quy tóm lịch sử đó về nơi mình" ( Gaudium et Spes, 38).

Điều đó có nghĩa là chân lý Ki Tô giáo không phải là chân lý phi thời gian.

Cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời được thực hiện trong lịch sử con người, trải qua tất cả các thời đại của nhân loại, trải qua mọi nền văn hóa và mọi cuộc sống văn minh.

Như vậy không ai có thể nói được có hai dòng lịch sử song song, một của thế giới và một của Giáo Hội. Chỉ có một dòng lịch sử duy nhứt, bởi vì công cuộc cứu rỗi Ki Tô giáo có chiều hướng nội tại của lịch sử và cho hết mọi người.

Và do chính đặc tính trần thế của mình,

- " chính sứ mạng của người tín hữu giáo dân khiến họ tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách hoạt động trong các lãnh vực trần thế và thiết định trật tự của chúng theo ý muốn của Thiên Chúa" ( Lumen Gentium, 31).

Do đó bổn phận của người tín hữu giáo dân là

- bổn phận đối thoại với tất cả mọi người và mọi văn hóa về những vấn đề trọng đại của thời đại,

- soi sáng các vấn đề đó bằng ánh sáng Phúc Âm để canh tân hoá xã hội, mà " Giáo Hội chia xẻ lịch sử, những vui mừng, hy vọng, phiền nảo và lo âu" ( Gaudium et Spes, 1+ 3).

Bổn phận đó, người tín hữu giáo dân không nhận lãnh từ hàng giáo phẩm, mà chính Chúa Giêsu đã trực tiếp giao phó cho họ trong phép Rửa và phép Thêm Sức:

- " Thật vậy, các tín hữu giáo dân được tháp ghép vào Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Ki Tô qua phép rửa, được tăng trưởng thêm nghị lực nhờ Chúa Thánh Linh trong phép Thêm Sức, họ được chính Chúa Giêsu ủy thác cho trách vụ tông đồ" ( Apostolicam Actuositatem, 3).

Việc xác định lại giá trị chiều hướng lịch sử của ơn cứu rổi, dĩ nhiên đem lại cho người tín hữu giáo dân một địa vị trưởng thành mới, bởi vì chính ơn gọi của họ đặt họ ngay vào tâm điểm của các vấn đề thế tục.

Đặc tính tự lập các lãnh vực thế tục.

Một quan niệm khác không kém phần quan trọng của Công Đồng Vatican II, đó là sự nhìn nhận đặc tính tự lập của các lãnh vực trần thế .

Văn hoá, chính trị, nghệ thật, khoa học có mục đích, luật lệ và phương tiện riêng để thực hiện tự lập.

Đức tin cũng như mục đích tối hậu siêu nhiên không không can dự và cũng không thể giúp đỡ gì được.

Đó là điều do ý muốn của Đấng Tạo Hoá và cũng chính đó là cội nguồn của đặc tính trần thế của chúng.

Dĩ nhiên bất cứ mục đích tự nhiên nào cũng là những mục đích " trung gian", và đặc tính tự lập của các lãnh vực trần thế là đặc tính tự lập tương đối, bởi vì mọi vật được Chúa dựng nên là được dựng nên cho mục đích tối hậu siêu nhiên.

Và cũng vì vậy mà các chương trình, nổ lực và hoạt động để thăng tiến con người không nên lầm lẫn với sự cứu rỗi siêu nhiên: hai thực thể khác nhau, mặc dầu không tách biệt nhau vì hỗ tương bổ túc nhau.

Kế đến ý thức đặc tính tự lập của các lãnh vực thế tục, Công Đồng Vatican II kích thích khiến cho người tín hữu giáo dân trưởng thành hơn và cố gắng hơn để " tổng hợp trong tâm thức và trong hành động giữa đức tin và việc dấn thân trần thế" , mặc dầu vẫn giữ biệt lập hai lãnh vực tôn giáo và thế tục. Và từ một niềm tin,

- chúng ta có thể có những ước muốn và khuyến khích do nhiều khuôn mẫu tổ chức xã hội khác nhau,

- người tín hữu giáo dân có thể có những lối suy tư tự lập cần thiết và tự do hành động có trách nhiệm trong việc chọn lựa những những vấn đề trần thế:

- chính họ phải ý thức và xác tín những gì, bao giờ và cách nào phải làm, thay vì trông đợi ở các vị Chủ Chăn những giải pháp, cho vấn đề được đặt ra, ngay cả vấn đề hệ trọng cũng vậy:

- " Thẩm quyền chuyên biệt của giáo dân, mặc dầu không chỉ độc quyền của họ, là lãnh vực chuyên môn và những hoạt động trần thế. Họ ( người giáo dân) nên trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng. Nhưng họ đừng nghĩ rằng các vị chủ chăn của họ có thẩm quyền để có thể đưa ra cho họ một giải pháp thực tế và cấp tốc đối với mọi vấn đề, ngay cả đối với vấn đề quan trọng mà họ đang gặp phải, hay đó là sứ mạng của các ngài. Đúng hơn, được soi sáng bởi đức khôn ngoan Ki - tô giáo, chú ý một cách trung thực đến lời giảng dạy của Giáo Hội, chính họ nên đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của mình" ( Gaudium et Spes, 43).

Nếu hàng giáo phẩm được Thiên Chúa ủy thác cho phận vụ " munus docendi, santificandi et curandi " ( dạy dỗ, thánh hoá và chăn dắt bảo vệ) trong lãnh vực tôn giáo, " trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng",thì không có lý do gì người tín hữu giáo dân phải ngồi chờ sự chỉ dẫn và động tác của hàng giáo phẩm trước những vấn đề bất công xã hội, những vi phạm đến các quyền căn bản của con người như vụ Toà Khâm Sứ, Tam Toà, Thái Hà, Đồng Chiêm..., kể cả những vụ gây uất ức, bất mãn liên quan đến Đức TGM Ngô Quang Kiệt hay việc Toà Thánh đồng thuận giao tiếp với CSVN, qua việc bổ nhiệm người đại diện không thường trực ( non- residente ) ở Việt Nam cũng vậy.

Đó là cách suy nghĩ và hành xử của hàng giáo phẩm về những vấn đề trần thế.

Những biến cố vừa kể với các cách hành xử của hàng giáo phẩm không thuộc về lãnh vực đức tin và luân lý, không nằm trong thẩm quyền " dạy dỗ, thánh hoá và dẫn dắt bảo vệ " mà người tín hữu giáo dân " nên trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng ".

Không phải là lãnh vực của tín lý và luân lý, nên không có gì bảo đảm các cách hành xử của hàng giáo phẩm là " bất khả ngộ " ( infallibile ).

Lãnh vực bất công xã hội, vi phạm các quyền bất khả xâm phạm của con người là lãnh vực trần thế, người tín hữu giáo dân, " chính họ nên đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của mình ", để tạo cho mình và đồng bào mình một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người, con Thiên Chúa ( phần được thêm vào ) .

Hàng Giáo Phẩm cần phải thấy được rằng giáo dân

- không chỉ là những người thừa hành thụ động, sai đâu làm đó, bảo sao nghe vậy, cả đối với những lãnh vực trần thế.

- mà là những cộng sự viên tích cực, có trách nhiệm, ngay cả trong việc soạn thảo những giáo huấn của Giáo Hội.

Dĩ nhiên người giáo dân trong vai trò như vậy, không thể là những người giáo dân ấu trỉ.

c) Ân sủng thúc đẩy.

Và sau cùng, sự trưởng thành của người tín hữu giáo dân là do sức mạnh của ân sủng thúc đẩy, ân sủng được Chúa ban xuống cho trong cộng đồng Giáo Hội.

Trong đời sống Giáo Hội, ân sủng có thể nhận thấy và đôi khi cũng có thể đối nghịch với tổ chức cơ chế .

Một đàng, năng lực của ân sủng làm cho Giáo Hội được canh tân và trẻ trung hóa, mở tung cửa cho Giáo Hội trước những thực trạng mới.

Đàng khác, chính cơ chế của Giáo Hội có nhiệm vụ kiểm chứng tính cách xác thực của ân sủng, canh chừng những lệch lạc có thể xảy ra, bảo đảm tích cách chính thống trung thực của giáo lý, thế nào cho ân sủng đưọc Chúa ban để phục vụ tính cách hợp nhất và triển nở toàn diện thân thể Giáo Hội.

Dù sao đi nữa, không thể có sự đối ngược giữa ân sủng đích thực và cơ chế của Giáo Hội, mà là tổng hợp điều hòa.

Bởi lẽ cả hai là yếu tố cấu trúc của Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng của các thánh Tông Đồ và các Tiên tri:

- " Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người của nhà Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Thánh Tông Đồ và Ngôn Sứ, còn đá góc tường là chính Chúa Giêsu Ki Tô"
( Eph 2, 19-21).

Điều đó có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên cơ chế của các Thánh Tông Đồ và trên ân sủng của các Ngôn Sứ.

Nói cách khác,

- " Giáo Hội luôn luôn vừa là cơ chế ( institution) vừa là ân sủng ; vừa có đặc tính tập tục, vừa mới mẽ; vẫn liên tục với quá khứ, nhưng rộng mở hướng về tương lai; liên kết với Chúa Ki Tô lịch sử qua việc liên tục nối kết tông truyền và tập tục, nhưng luôn luôn dưới ân sủng sáng tạo của Chúa Thánh Linh ( Gioan Phalồ II, Messaggio ai partecipanti al Congresso mondiale dei Movimenti ( 27-29.05.1998), in Osservatore Romano, 28.05.1998, p.6).

Sự trưởng thành của người tín hữu giáo dân trong những thời gian gần đây được gia tăng do ân sủng Chúa Thánh Thần tuôn xuống dồi dào trong lòng Giáo Hội, như Công Đồng Vaticano II xác nhận:

- " Chính Chúa Thánh Linh ban phát cho mỗi người quà tặng của Ngài như Ngài thích, phân phát giữa các tín hữu ở mọi thứ bậc cả những ân sủng đặc biệt , cần thiết để canh tân và để phát triển Giáo Hội hơn. Chúng ta hãy lãnh nhận các ân sủng đó với lòng biết ơn và sự an ủi bình thản tâm hồn" ( Lumen Gentium, 12).

3 - Tương quan giữa giáo dân và chủ chăn trong Giáo Hội.

a) Những phận vụ mới của người giáo dân.


Qua những gì đã duyệt qua, về phương diện lý thuyết, những phận vụ mới của người giáo dân được xác định khá rõ ràng. Tuy nhiên trong thực hành, một đôi khi sự liên hệ giữa giáo dân và các vị chủ chăn còn một vài vấn đề và va chạm.

Bản Giáo Luật năm 1917 diển tả người giáo dân dưới hình thức tiêu cực:

- " Người giáo dân không phải là giáo sĩ, không mặc áo dòng, không được phép cử hành Thánh lễ, là người phải tùy thuộc vào giáo sĩ để có thể được huởng những ơn thiêng liêng
( Codex Jus Canonici 1917, can. 682).

Giáo Luật hiện tại của năm 1983 tường trình cho chúng ta người giáo dân dưới hình thức tích cực hơn, là:

- " chủ nhân và người có trách nhiệm trước tiên đối với sứ mạng của Giáo Hội. Như vậy giáo sĩ cũng như giáo dân , mặc dầu có phận sự khác nhau, đều có chung một sứ mạng truyền bá Phúc Âm".

Hai bộ Giáo Luật nói lên hai thái độ khác biệt rộng lớn.

Ngay ở thời gian Công Đồng Vatican II còn đang nhóm họp ( 1962), Công Đồng đã xác quyết rằng

- " các chủ chăn không phải là những người được Chúa Giêsu lập nên để nhận lãnh một mình tất cả trọng trách của sứ mạng cứu rổi của Giáo Hội đối với thế gian, mà bổn phận cao cả của các vị là chăn dắt các tín hữu giáo dân và nhận biết phận vụ và ân sủng của họ, để tất cả có thể đồng thuận hợp tác nhau, mỗi người theo khả năng của mình, vào công việc chung" ( Lumen Gentium, 30).

Và bộ giáo luật hiện tại còn đi xa hơn khi xác định rằng:

- " trong Giáo Hội, những giáo dân có khả năng thích hợp có thể được giao cho những phận vụ và chức năng mà họ có thể thi hành" ( can. 228),

cả với tính cách vĩnh viễn như chức đọc sách, chức giúp lễ, chức sáu vĩnh viễn.

Giáo luật mới còn thêm

- " trong trường hợp cần thiết, khi thiếu các thứa tác viên có chức thánh, người giáo dân có thể đảm nhận phận sự rao giảng lời Chúa, chủ toạ các buổi cầu kinh phụng vụ, chủ sự phép Rửa Tội và phân phát Mình Thánh cho rước lễ. Tuy nhiên nhiệm vụ của một cha xứ, theo Giáo Luật ( can. 230), thường vẫn phải được giao cho một linh mục.

Và rồi do một vài hiểu lầm và lạm dụng, Tòa Thánh đã ra một Huấn Dụ để xác định năm 1997 ( Istruzione su alcune questioni circa la collaborazione dei laici al ministero dei sacerdoti).

Huấn Dụ định rõ lãnh vực của thiên chức linh mục chung của giáo dân ( sacerdozio comune) , khác với chức linh mục được truyền chức ( ordinato) của các linh mục.

Nhờ quyền năng của Phép Rửa và Phép Thêm Sức, giáo dân hay linh mục đều là thành phần dân Chúa duy nhất: chỉ có một dân duy nhứt được Thiên Chúa chọn lựa:

- " Một Thân Thể duy nhứt, một Thánh Thần duy nhứt, một Thiên Chúa duy nhứt, một đức tin duy nhứt , một phép Rửa duy nhứt" ( Eph 4,5).

Sự khác biệt là sự khác biệt do cách thức tham dự vào một thiên chức linh mục duy nhứt và bất khả phân chia của Chúa Giêsu. Nhưng chức linh mục chung và chức linh mục thừa tác viên ( sacerdozio ministeriale) hỗ trợ lẫn nhau:

- " Thiên chức linh mục chung của giáo dân và thiên chức linh mục thừa tác hay của hàng giáo phẩm ( sacerdozio ministeriale o gerarchico) , mặc dầu khác biệt nhau về bản chất chớ không những chỉ về thứ bậc, được Chúa ban cho thiên chức nầy hổ trợ thiên chức kia, bởi vì cả hai, mỗi chức tùy theo cách thức của mình, đều tham dự vào chức linh mục duy nhứt của Chúa Ki Tô" ( Lumen Gentium, 10).

Do đó người giáo dân ngay cả lúc hành xử những chức vụ mục vụ được giao cho họ để thay thế linh mục,họ vẫn là giáo dân chớ không trở thành " chủ chăn" ( Huấn Dụ 1997, Istruzione su alcune collaborazioni , cit., 14.11.1997).

Những đoàn thể giáo dân mới.

Ngoài ra đoàn thể Công Giáo Tiến Hành ( Azione Cattolica) và nhiều tổ chức có truyền thống khác, sau Công Đồng Vatican II, có rất nhiều tổ chức giáo dân được thành lập trong cuộc sống Giáo Hội.

Nhiều tổ chức và phong trào, từ mục đích " để có một đời sống đạo đức hoàn hảo hơn, đến việc thăng tiến phượng tự công cộng hay thăng tiến giáo lý Ki Tô giáo, cổ động những hoạt động tông đồ như rao giảng Phúc Âm, tổ chức tỉnh tâm và bác ái", " các hiệp hội với nhiều hình thức khác nhau để đem tinh thần Ki Tô giáo năng động hóa các lãnh vực trần thế" ( can. 215; 298, 1; 299,3 ).

Các tổ chức, hiệp hội và phong trào như vừa kể đã đưa đến nhiều kết quẳ đáng kể:

- tìm gặp lại niềm tin sống động nơi Chúa Giêsu,

- tìm lại được kích thích và hạnh phúc trong những giây phút cầu nguyện,

- nỗi vui mừng và hăng hái của cuộc sống và làm chứng đức tin,

- lòng quảng đại Ki Tô giáo đối với những ai khó nghèo,

- tăng trưởng thêm số lượng ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Nhưng trên bình diện mục vụ và cơ chế, các tổ chức,

- " hiệp hội và phong trào vừa kể cũng có thể gây ngộ nhận, tình trạng căng thẳng giữa tổ chức nầy đối với tổ chức khác, giữa tổ chức với giáo quyền" ( Diển từ ĐTC Gioan Phaolồ II trước các Phong Trào trong Giáo Hội, cf. Osservatore Romano, 1-2.6.1998, p.6).

Để tránh những vấn đề vừa kể, Huấn Dụ Christi Fideles Laici xác định một vài tiêu chuẩn rõ rệt để nhận biết và phán đoán các tổ chức, hiệp hội giáo dân ( Christi Fideles Laici, 30).

Nhưng có lẽ vấn đề:

- không phải là " công nhận và phê chuẩn theo giáo luật "

- cho bằng ý thức và kinh nghiệm của việc thông hiệp thiêng liêng của tất cả thành phần dân Chúa trong cộng đồng Giáo Hội.

Nói cách khác, ý thức những bước tiến của các thành phần cộng đồng dân Chúa đến trưởng thành qua việc hoạt động và chung sống trong hợp nhất của nhiều thành phần khác nhau và với nhiều hoạt động khác nhau ( Unitas in diversitate).

Đó là ý nghĩa của Huấn Từ ĐTC Gioan Phaolồ II cho Đại Hội các Phong Trào trong Giáo Hội ở Roma, tại Công Trường Thánh Phêro 27-29.5.1998:

- " Các Phong Trào là thành phần của chính bản thể Giáo Hội. Nơi các Phong Trào, hợp nhứt không bao giờ có ý nghĩa là phẳng lặng đồng nhất, loại trừ khác biệt; cũng như đa dạng không bao giờ đồng nghĩa với phe nhóm hoặc phân tán" ( Gioan Phaolồ II, Messaggio ai partecipanti al IV Congresso mondiale dei Movimenti ecclesiali ( 27-29.5.1998), in Osservatore Romano, 28.5.1998, p.6).

Và ĐTC cũng còn nhắn nhủ:

- " Chúng ta đừng quên rằng mỗi ân sủng được Chúa ban cho là ban cho để cho lợi ích chung, lợi ích của cả Giáo Hội , kinh nghiệm cũng như hoạt động của các Phong Trào cần phải được hội nhập vào môi trường Giáo Hội địa phương và các họ đạo, luôn luôn thông hiệp với các Vị Chủ Chăn và quan tâm đến các lời hướng dẫn của các Ngài" ( Gioan Phaolồ II, Discorso in Piazza S. Pietro ( 30.5.1998), in Osservatore Romano, 1-2.6.1998, p.6)

b) Liên quan giữa đức tin và lịch sử.


Có lẽ một trong những vấn đề phức tạp nhứt hiện nay sau 40 năm Công Đồng kết thúc và 18 năm sau Huấn Từ Christi Fideles Laici là vấn đề liên hệ

- giữa đức tin và cuộc sống, giữa đức tin và văn hóa,

- giữa đức tin và lịch sử trong bối cảnh xã hội trần thế hoá của các Quốc Gia tự do và xã hội bị vô thần hóa, con người bị tha hóa và đê tiện hóa của các Quốc Gia Công Sản như Việt Nam.

Vấn đề phức tạp không phải trên phương diện nguyên tắc cho bằng áp dụng thực hành trong bối cảnh lịch sử đang chuyển hoá.

( a ) Người giáo dân của ngàn năm thứ ba.


Về phưong diện nguyên tắc, chúng ta đã có những định hướng khá rõ ràng để có thể quy định " căn tính" ( identité) của người tín hữu giáo dân trưởng thành của ngàn năm lẻ ba.

Các Ki Tô hữu của ngàn năm thứ ba là một nhóm người thiểu số, nhưng đó cũng có thể là một trạng thái tinh lọc qúy báu , chuẩn bị cho một mùa ân sủng mới

Có kinh nghiệm là một nhúm bột men, một hạt cải và một đoàn chiên nhỏ không phải là bại trận, mà là điều kiện để làm cho thế giới dậy men và lớn lên trong ân sủng Ki Tô giáo.

Các tín hữu Chúa Ki Tô của ngàn năm thứ ba là những người xem việc phục vụ người nghèo và những ai bị loại ra bên lề xã hội là những ưu tiên không thể từ chối được.

Chương trình hành động bác ái ưu tiên của họ

- không những chỉ nhằm trợ giúp những ai đang sống trong cấp thiết,

- mà là đồng thuận, hợp tác với những người thiện chí một " một thỏa ước xã hội mới ", một định chế mới, được thiết lập trên những giá trị luân lý chung, để:

* vượt thắng ích kỹ,

* kỳ thị chủng tộc,

* tiêu thụ chủ nghĩa,

* hành xử vô luân lý, đê tiện hoá con người và những tệ nạn xã hội khác xúc phạm đến Thiên Chúa.

Người tín hữu giáo dân của ngàn năm thứ ba không thể không suy nghĩ đến những đồ án mới cao cả hơn, tốt đẹp hơn cho cuộc sống Quốc Gia và xã hội mà họ nghĩ phải cùng xây dựng với người khác.

Người giáo dân không thể chỉ thỏa mãn giới hạn tranh đấu cho vấn đề nầy hay vấn đề khác, để bênh vực một giá trị nầy hay giá trị khác.

Người giáo dân luôn luôn phải hiện diện trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, với lòng ngay chính và khả năng chuyên môn vận dụng các phương tiện có được để truyền bá một nền văn hóa đặt trên giá trị và hội tựu đồng thuận của những nguời thành tâm.

Và cũng chính gì đó mà người giáo dân của ngàn năm thứ ba

- " không thể nào không dấn thân vào môi trường chính trị . Những ý kiến cho rằng làm chính trị là mưu đồ để thành đạt, là tôn thờ quyền lực như thần tượng, là ích kỹ và thối nát, hoặc cho rằng môi trường chính trị là chắc chắn môi trường nguy hiểm cho luân lý, không thể nào đưa ra những lý do chính đáng để biện minh cho thái độ ngờ vực hoặc trốn tránh trách nhiệm của người Ki Tô hữu đối với công việc chung" ( Christi Fideles Laici, 42).

- " ngoài đức bác ái tôn giáo ra, không có bác ái nào cao cả hơn đức bác ái chính trị, vì chính trị liên quan mật thiết với đời sống con người" ( Pio XI, Discorso FUCI 1927, Osservatore Romano 15.8.1927, p.3).

- " việc dấn thân vào chính trị là phương thế cần thiết, mặc dầu không phải là phương thế duy nhứt, để người công giáo thực thi đức bác ái phục vụ người khác"
( Phaolồ VI, Octogesima Adveniens, 46).

( b ) Người tín hữu giáo dân hiện diện trong chính trị.

Trong một xã hội dân chủ đa nguyên, dĩ nhiên là người giáo dân có quyền suy nghĩ và hành xử quyền tự do chính trị theo lương tâm và theo chính hướng mà mình xác tín.

Tuy nhiên trong cách hành xử theo nguyên tắc đa nguyên, người tín hữu phải hành động trong chính trị phù hợp với lương tâm và những giá trị của đức tin, được soi sáng bằng huấn dụ xã hội của Giáo Hội.

Hành động phù hợp với lương tâm và đức tin như vừa kể có thể góp phần soạn thảo và chấp thuận các chương trình chính trị phù hợp với những lý tưởng Ki Tô giáo.

Kế đến người tín hữu giáo dân cũng có trách nhiệm phán đoán những chương trình chính trị do người khác, ý thức hệ và chế độ do người khác lãnh đạo đề thảo ra, bởi vì không phải bất cứ ý thức hệ nào và chương trình chính trị nào cũng phù hợp với đức tin Ki Tô giáo. Và từ đó thái độ phải có của người giáo dân trưởng thành là

- " không thể gia nhập dễ dàng vào các tổ chức chính trị và xã hội nào đi ngược lại hay không quan tâm đủ đến các nguyên tắc huấn dụ xã hội của Giáo Hội đối với nhân phẩm con người và đối với việc tôn trọng đời sống con người, tôn trọng gia đình, tự do giáo dục, liên đới, thăng tiến công lý và hoà bình" ( Gioan Phaolồ II, Discorso al Convegno Ecclesiale di Palermo ( 23.11.1995), in " Il Regno"
, n.21, 01.12.1995, p.671).




NGUYỄN HỌC TẬP(TNCG)
Người tín hữu giáo dân trưởng thành Reviewed by Admin on 1/21/2012 Rating: 5 (TNCG) - NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH ( Huấn dụ Christi Fideles Laici: Người tín hữu giáo dân của Chúa Ki Tô ) Trên bốn mươi n...

Không có nhận xét nào: