Hành vi vi phạm pháp luật của chính
quyền huyện Tiên Lãng đã gây ra sự bất bình và phẫn nộ trong nhân dân.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã khẳng định
trên trang tin nhanh Vnexpress vào ngày 13/1/2012 rằng: quyết định thu
hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng( Hải Phòng) với gia đình ông Đoàn Văn
Vươn là vừa trái pháp luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi
của người dân. Luật sư Trần Vũ Hải đã gửi thư lên Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng là đại biểu quốc hội của thành phố Hải Phòng. Luật sư Hải đã đề Thủ
tướng Dũng chỉ đạo bộ Công an khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ
hành vi hủy hoại tài sản công dân. Nhiều Văn phòng luật sư đã đứng ra
nhận bào chữa miễn phí cho các thành viên trong gia đình ông Vươn. Vụ
việc cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người nguyên là lãnh đạo
cao cấp của Nhà nước và của đảng Cộng sản. Đặc biệt có hàng trăm người
đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ và ủng hộ gia đình ông Đoàn
Văn Vươn.
Trước áp lực của nhân dân cả nước,
ngày 10 tháng 2 năm 2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết
luận: UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có sai phạm trong
giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn
Vươn. Cụ thể là các quyết định 460/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2008,
quyết 461/QĐ-UBND ngày 7 tháng 4 năm 2009 của UBND huyện Tiên Lãng về
việc thu hồi đất của gia đình ông Vươn là không đúng với qui định của
Luật đất đai năm 2003. Do vậy quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng
không đúng pháp luật.
Từ kết luận của thủ tướng chính
phủ, tính chất pháp lý của vụ án đã thay đổi. Vấn đề đặt ra ở đây là 6
người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn có phạm các tội hình sự “giết
người” và “chống người thi hành công vụ” mà các cơ quan tiến hành tố
tụng thành phố Hải Phòng đã khởi tố hay không?
Trước hết, chúng ta xem xét đến
việc UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế trái pháp luật để thu hồi
đất của gia đình ông Vươn có phải là thi hành công vụ hay không?
Khái niệm người thi hành công vụ
được nêu trong Điều 257 Bộ luật hình sự bao gồm các nhân viên của các cơ
quan nhà nước hoặc các tổ chức đang thừa hành nhiệm vụ được giao theo
đúng qui định của pháp luật. Nhiệm vụ được giao những hoạt động bình
thường, đúng đắn và đúng pháp luật.Theo kết luận của Nguyễn Tấn Dũng thì
quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là không đúng
pháp luật. Do vậy việc UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế là trái
pháp luật và đương nhiên không phải là hoạt động bình thường của cơ
quan nhà nước. Do vậy những người được UBND huyện Tiên Lãng giao nhiệm
đến cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Vươn không phải là những
người thi hành công vụ.
Vậy UBND huyện Tiên Lãng và những người được giao nhiệm đó vi phạm pháp luật như thế nào?
Điều 73 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định:
“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép….”
Quyết định số 447/QĐ-UB ngày 4
tháng 10 năm 1993 và quyết định số 200/QĐ-UB ngày 9 tháng 4 năm 1997 của
UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn là phù hợp
với qui định của pháp luật tại thời điểm đó(Kết luận của TT Nguyễn Tấn
Dũng). Do vậy nhà ở,các công trình xây dựng và tài sản trên đó là thuộc
quyền sở hữu hợp pháp của gia đình ông Vươn. Không ai được tự ý xâm
phạm.
Về mặt khách quan: Việc UBND huyện
Tiên Lãng lợi dụng pháp luật để huy động một lực lượng trên 100 người
gồm công an, quân đội, dân phòng. Họ được trang bị vũ khí và các công cụ
hỗ trợ nhằm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm mục
đích chiếm đoạt tài sản được pháp luật bảo hộ của gia đình ông Đoàn Văn
Vươn. Các loại vũ khí mà UBND huyện Tiên Lãng sử dụng hoàn có thể gây
thương tích và tước đoạt mạng sống của các thành viên gia đình ông Vươn.
Về mặt khách thể: UBND huyện Tiên
Lãng đã sử dụng một lực lượng đông đảo, được trang bị vũ khí để sẵn sàng
dùng vũ lực ngay tức khắc buộc gia đình ông Đoàn Văn Vươn lâm vào tình
trạng mất khả năng chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của gia
đình ông. Tính mạng và sức khỏe của các thành viên trong gia đình ông
Vươn có thể bị tước đoạt nếu họ quyết tâm bảo vệ tài sản hợp pháp của
mình đến cùng. Thực tiễn là sau khi cho nổ mìn tự chế để ngăn cản hành
vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, nhưng những người vi phạm
vẫn kiên quyết thực hiện hành vi phạm tội tới cùng. Họ tiếp tục tấn
công bất hợp pháp vào khu vực của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, buộc gia
đình ông phải bắn đạn hoa cải để tự vệ gây thương vong cho một số người
vi phạm pháp luật. Khi UBND huyện Tiên Lãng tăng cường lực lượng và vũ
khí thì gia đình ông Vươn buộc phải rút lui để bảo toàn tính mạng, sức
khỏe.
Hậu quả sảy ra: Toàn bộ tài sản hợp pháp của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã bị cướp sạch, phá sạch và đốt sạch.
UBND huyện Tiên Lãng đã vi phạm
Điều 73 Hiến pháp Việt Nam năm 1992, khi huy động một lực lượng đông
đảo, được trang bị vũ khí xâm phạm vào nơi ở của gia đình ông Đoàn Văn
Vươn khi không được pháp luật cho phép. Hành vi của UBND huyện Tiên Lãng
có dấu hiệu của tội cướp tài sản có tổ chức, có vũ khí được qui định
tại Điều 133 Bộ luật hình sự Việt Nam. Khi họ sử dụng một lực lượng đông
đảo để dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm tấn công vào
gia đình ông Vươn, làm cho gia đình ông không thể chống cự để chiếm đoạt
tài sản hợp pháp của gia đình ông Vươn. Việc gia đình ông Vươn sử dụng
mìn tự chế, súng tự chế bắn đạn hoa cải chỉ là giải pháp cuối cùng để tự
vệ bảo vệ tài sản hợp pháp của gia đình mình trước hành vi tấn công ăn
cướp của người khác. Hành động tự vệ cho nổ mìn tự chế và bắn đạn hoa
cải chỉ nhằm hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của người khác.
Chúng ta xét đến mức độ tương xứng
giữa lực lượng vi phạm pháp luật và gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Bên
UBND huyện Tiên Lãng với trên 100 công an, quân đội, dân phòng. Được
trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại và đầy đủ. Còn gia đình ông
Đoàn Văn Vươn có bốn người đàn ông và hai người phụ nữ. Họ tự trang bị
một mìn tự chế, và một số súng tự chế bắn đạn hoa cải. Điều rõ ràng ở
đây là gia đình ông Vươn hoàn toàn yếu thế trước những người vi phạm
pháp luật là UBND huyện Tiên Lãng. Việc gia đình ông Vươn cho nổ mìn,
bắn súng hoa cải chỉ nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm của những người
tấn công chiếm đoạt tài sản của gia đình ông. Nhưng mặc dù gia đình ông
đã cho nổ mìn, bắn đạn hoa cải, nhưng vẫn không ngăn chặn được hành động
phạm tội của UBND huyện Tiên Lãng. Cuối cùng tài sản mà ông và gia đình
đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, tiền bạc đã bị họ cướp, đốt và phá
sạch. Tất cả những điều trên đã chứng minh rằng hành động tự vệ của gia
đình ông Vươn thấp hơn mức độ cố ý phạm tội đến cùng của các nạn nhân.
Hành động tự vệ đã không đủ để ngăn chặn quyết tâm phạm tội đến cùng của
những người vi phạm pháp luật.
Không một ai, hay không có một cơ
sở nào có thể biện minh cho hành động vi phạm pháp luật của UBND huyện
Tiên Lãng. Nhưng sự quan tâm, ủng hộ và lên tiếng của cả xã hội là chứng
minh tốt nhất cho hành động tự vệ hợp pháp và đúng đắn của gia đình ông
Đoàn Văn Vươn.
Hàng động tự vệ của gia đình ông
Vươn khi cho nổ mìn tự chế và bắn hoa cải vào những người vi phạm pháp
luật vẫn nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng mà pháp luật cho phép.
Đó không phải là hành vi giết người như quyết khởi tố của các cơ quan
tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng. Do vậy, các ông Đoàn Văn Quý (46
tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ
(38 tuổi) không phạm tội giết người như quyết định khởi tố của các cơ
quan tiến hành tố tụng.
Bà Phạm Thị Báu(tức Hiền vợ của
ông Quý) và bà Nguyễn Thị Thương(vợ của ông Vươn) không phạm tội chống
người thi hành công vụ như quyết định khởi tố của các cơ quan tiến hành
tố tụng thành phố Hải Phòng. Do những người được UBND huyện Tiên Lãng
giao nhiệm vụ trong ngày 5 tháng 1 năm 2012 khi xâm phạm bất hợp pháp
vào nơi ở của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là những người vi phạm pháp
luật. Họ không phải là những người thi hành công vụ.
Vậy việc các ông Đoàn Văn Quý,
Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ sử dụng mìn tự chế và súng
bắn đạn hoa cải vi phạm điều luật nào?
Theo qui định tại Nghị định số
175/CP ngày 11 tháng 12 năm 1964 của Hội đồng chính phủ thì các loại:
“vũ khí thể thao quốc phòng và các loại vũ khí khác như(súng săn, súng
kíp, súng hỏa mai,…), thuốc nổ và kíp mìn dùng trong sản xuất không phải
là vũ khí quân dụng.
Như vậy, các ông Đoàn Văn Quý,
Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ chỉ có thể có dấu hiệu vi
phạm vào Điều 232 Bộ luật hình sự qui định về tội chế tạo, tàng trữ, vận
chuyển, sử dụng,.. vật liệu nổ. Và Điều 234 qui định về tội chế tạo,
tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí
thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.
Gia đình ông Đoàn Văn Vươn sử dụng
vật liệu nổ và vũ khí thô sơ chỉ nhằm bảo vệ tài sản hợp pháp của mình.
Chống lại hành vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng. UBND
huyện Tiên Lãng đã thực hiện âm ưu, thủ đoạn, sử dụng mọi lực lượng để
quyết tâm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến cùng. Nhằm dồn gia
đình ông Vươn vào đường cùng để họ dễ dàng chiếm đoạt tài sản. Hành vi
vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng đã bị nhân dân cả nước phẫn
nộ và lên án. Nhưng hành động tự vệ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn lại
được nhân dân cả nước đồng cảm, chia sẻ và ủng hộ.
Do vậy chúng ta mong rằng các cơ
quan tiến hành tố tụng của thành phố Hải phòng không xem xét trách nhiệm
hình sự theo Điều 232 và 234 đối với các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn
Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ để đáp ứng sự mong đợi của nhân dân
cả nước.
Hà nội, ngày 14 tháng 2 năm 2012
Không có nhận xét nào: