LS Trần Vũ Hải - Vụ án chống cưỡng chế trái pháp luật tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn (vụ án Đoàn Văn Vươn) đã thu hút dư luận trong và ngoài nước, được các chuyên gia phân tích dưới nhiều góc cạnh pháp lý. Giới luật sư cũng quan tâm đặc biệt về vụ án này, ít nhất 10 luật sư đã đăng ký tham gia bào chữa miễn phí cho các bị can. Riêng 2 bị can tại ngoại đã có ít nhất 6 luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa. Dư luận quan tâm đến việc đảm bảo quyền bào chữa đối với các bị can bị tạm giam Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ (bị Cơ quan Điều tra khởi tố về tội giết người theo Điều 93 BLHS và tội chống người thi hành công vụ).
Theo yêu cầu của gia đình các bị can trên, cuối tháng 01/2011 luật sư Phạm Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự, luật sư Nguyễn Duy Minh – VPLS Duy Minh, đã đề nghị được cấp giấy chứng nhận bào chữa đối với các bị can bị tạm giam, cho đến nay những luật sư này chưa nhận được văn bản trả lời của Cơ quan Điều tra có được cấp hay không?
Ngày 01/02/2012, Cơ quan Điều tra đưa ra giấy viết tay mà bà Nguyễn Thị Thương (vợ bị can Vươn) xác nhận là chữ của ông Vươn, “chỉ đồng ý duy nhất luật sư Hùng là người bào chữa, tôi không đồng ý những luật sư do cơ quan pháp luật chỉ định và không đồng ý những luật sư do ai khác mời cho tôi. Nếu có những luật sư khác tham gia bào chữa thì tôi không đồng ý và từ chối làm việc”. Ngày 08/02/2012 luật sư Nguyễn Việt Hùng được cấp giấy chứng nhận bào chữa và ngày 14/02/2012 mới được gặp ông Vươn. Ngoài ra luật sư Hùng được ông Quý mời, đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Quý nhưng đến nay chưa gặp ông Quý. Theo thông tin chúng tôi nhận được 1 luật sư khác thuộc Văn phòng luật sư Kinh Đô (do ông Nguyễn Việt Hùng làm Trưởng Văn phòng) đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các bị can Sịnh, Vệ (do họ có thư mời được Cơ quan Điều tra chuyển đến) nhưng chưa gặp được các bị can này. Ngày 20/02/2012 luật sư Trần Đình Triển và luật sư Nguyễn Duy Minh được cấp giấy chứng nhận bào chữa đối với 2 bị can tại ngoại là Phạm Thị Hiền (vợ bị can Quý), Nguyễn Thị Thương (vợ bị can Vươn), bên cạnh một số luật sư của Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự. Cũng trong ngày 20/02/2012, bà Thương bà Hiền thông báo bằng văn bản cho Luật sư Trần Đình Triển biết, điều tra viên gợi ý các bà không mời thêm luật sư và ký văn bản cam kết không mời thêm luật sư, nhưng 2 bà không đồng ý với gợi ý này.
Với những sự kiện trên, chúng tôi bình luận như sau:
1 – Cơ quan Điều tra công an TP. Hải Phòng đã vi phạm nghiêm trọng Điều 57 khoản 2 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) khi không đề nghị Đoàn luật sư TP. Hải Phòng phân công luật sư để bào chữa cho các bị can ngay sau khi họ bị khởi tố về tội giết người (với mức án cao nhất là tử hình). Cơ quan Điều tra cũng vi phạm thời hạn trả lời đề nghị của luật sư theo Điều 56 khoản 4 BLTTHS (phải cấp hoặc nếu từ chối, không cấp phải nêu rõ lý do trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đề nghị của luật sư).
2- Việc gợi ý bà Thương bà Hiền không nhờ thêm luật sư của Điều tra viên là không thể chấp nhận được, vi phạm nghiêm trọng quyền bào chữa của bị can theo Hiến Pháp và BLTTHS. Việc yêu cầu 2 bà ký vào bản cam kết đã soạn sẵn, khiến các Điều tra viên này bị nghi ngờ về tính khách quan.
3- Các bà Thương, bà Hiền hiện tại ngoại đã bị gợi ý, yêu cầu liên quan đến việc lựa chọn luật sư, khiến dư luận cho rằng những bị can bị tạm giam cũng sẽ bị gợi ý, yêu cầu tương tự. Các bị can bị tạm giam càng dễ bị khống chế hơn so với các bị can tại ngoại và do đó những văn bản có chữ ký của họ chưa chắc thể hiện ý nguyện của họ. Lá thư của ông Vươn với nội dung “ tôi không đồng ý những luật sư do cơ quan pháp luật chỉ định và không đồng ý những luật sư do ai khác mời cho tôi. Nếu có những luật sư khác tham gia bào chữa thì tôi không đồng ý và từ chối làm việc” chưa từng có trong lịch sử tố tụng. Thực tế có khá nhiều trường hợp bị can từ chối luật sư tuy nhiên sau này các bị cáo vẫn tiếp tục nhờ luật sư và họ có nói rằng ký văn bản từ chối là do Cơ quan Điều tra gợi ý yêu cầu thậm chí thúc ép, nhưng chưa có trường hợp nào bị can chỉ đích danh luật sư này và quyết tâm không nhờ luật sư khác (kể cả gia đình mời, đề nghị).
4- Riêng đối với các bị can Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ, những người chắc chắn không quen biết luật sư đồng nghiệp của luật sư Hùng, vậy tại sao họ mời đích danh luật sư này mà không mời luật sư của Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự? (cũng đã được gia đình yêu cầu). Phải chăng, Cơ quan Điều tra đã lựa chọn hộ luật sư cho những người này. Nếu đúng như vậy, từ nay BLTTHS cần bổ sung quy định mới về chức năng của Cơ quan Điều tra là lựa chọn luật sư cho bị can và gia đình bị can không nên lựa chọn luật sư hộ cho bị can tạm giam, và luật sư cần ký hợp đồng với Cơ quan Điều tra (để đảm bảo được thanh toán thù lao, chi phí do bị can bị tạm giam không có khả năng đó).
5 – Theo chúng tôi, các luật sư nhận nhiệm vụ bào chữa trong vụ án này cần hợp tác, cần xác định ý nguyện thực sự của các bị can, đặc biệt những người bị tạm giam, xem họ có muốn mời thêm những luật sư khác (được gia đình đồng ý), vì việc tham dự hỏi cung bị can bị tạm giam và tham gia các hoạt động tố tụng khác trong giai đoạn điều tra tốn nhiều thời gian công sức của luật sư, một luật sư khó có thể kham nổi (nhất là khi họ bào chữa miễn phí).
6 – Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cần quan tâm đặc biệt đến vụ án này, cần giám sát xem có sự việc Cơ quan Điều tra vi phạm quyền bào chữa của bị can và quyền của luật sư hay không?, để có ý kiến kịp thời đối với các Cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, để chấm dứt tình trạng Cơ quan Điều tra gây khó khăn cho luật sư hoặc chỉ chấp nhận những luật sư “phù hợp” với Điều tra viên.
Nguồn: anhbasam
Không có nhận xét nào: