Cầu nguyện nhưng không “Ngồi chờ sung rụng” - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 2, 2012

Cầu nguyện nhưng không “Ngồi chờ sung rụng”

Nữ Vương Công Lý - Một mùa chay nữa lại về. Mùa thống hối ăn năn. Mùa ăn chay hãm mình và chuyên cần cầu nguyện.

Trong sứ điệp mùa chay 2012, Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 một lần nữa kêu gọi tất cả những người công giáo “đừng vô cảm, nhưng hãy quan tâm tới người khác”, sửa lỗi anh em với tất cả tình huynh đệ, để mọi người được hưởng ơn cứu độ.

Chúng tôi trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết “Cầu nguyện nhưng không chờ sung rụng” của tác giả Lại Thế Lãng để cùng nhau suy niệm, nhất là để cùng nhau sống sứ điệp mùa chay: “Quan tâm tới người khác” một cách cụ thể.

Xin chân thành cảm ơn tác và và kính chúc quý vị độc giả công giáo một mùa chay thánh thiện.

Trong mùa Chay, Giáo hội thường khuyên người giáo hữu gia tăng việc lành phúc đức như cầu nguyện, hy sinh hãm mình, làm việc bác ái v.v. Cầu nguyện được coi là ưu tiên hàng đầu.

Đối với người tin theo Chúa thì cầu nguyện là điều tối quan trọng được ví như hơi thở. Thân xác con người không còn hơi thở thì sẽ nhắm mắt xuôi tay. Đời sống tâm linh cũng vậy “Không cầu nguyện, linh hồn ta chết ngạt” (Lời ĐHY Nguyễn Văn Thuận).

Thánh Kinh cho thấy trong suốt thời gian sống tại thế Đức Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ cầu nguyện và chính Người cũng đã cầu nguyện không ngừng. Đức Giêsu cầu nguyện một mình nơi hoang vắng, ở trên núi với các tông đồ. Đức Giêsu cầu nguyện trên bước đường rao giảng. Đức Giêsu cầu nguyện trước mỗi lần làm phép lạ. Đức Giêsu cầu nguyện khi buồn rầu và lo sợ đến toát mồ hôi trong vườn Giệtsêmani. Đức Giêsu cũng cầu nguyện cả khi hấp hối trên cây thánh gía v.v. Chúa Giêsu mà còn cầu nguyện liên lỉ, không ngừng cho nên người Kitô hữu nào xa rời việc cầu nguyện thì người đó không còn là người Kitô hữu đúng nghĩa nữa.

Cầu nguyện là một đề tài lớn được nhiều người đề cập đến trong sách vở, trong các bài viết, trong những bài giảng v.v. Ở đây chỉ xin được chia sẻ vài suy nghĩ về việc cầu nguyện.

Cách đây không lâu khi tôi chuẩn bị hướng dẫn giáo lý cho một số tân tòng, linh mục tuyên úy đã căn dặn tôi “Trước hết hãy hướng dẫn cho họ biết cầu nguyện”. Có là điều hợp lý không khi chỉ dẫn cách cầu nguyện cho người chưa biết Chúa ngay cả khi họ chưa được học giáo lý để theo đạo? Câu nói của Đức HY Nguyễn Văn Thuận trong cuốn Đường Hy Vọng của ngài có thể giải đáp thắc mắc này “Một người chưa vào đạo mà cầu nguyện là dấu rất tốt; khởi sự cầu nguyện là khởi sự có đức tin”. Những người tân tòng đang đi tìm Chúa, đang muốn trở thành con cái Chúa cần phải biết cầu nguyện để khởi sự bước vào hành trình đức tin.

Vâng lời cha tuyên úy, đề tài đầu tiên của lớp giáo lý tôi nói về cầu nguyện. Muốn giúp học viên của tôi, những người chưa bao giờ cầu nguyện, biết phải cầu nguyện như thế nào tôi đã kể cho họ nghe câu chuyên được Đức HY Nguyễn Văn Thuận viết trong cuốn Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá của ngài.

Câu chuyện kể lại thời gian ở trong tù ngài ở chung buồng với một tù nhân khác tên Hải. Ông Hải là người được cài đặt sống chung buồng với ngài để theo dõi ngài. Thời gian sống gần ngài, ông Hải trở thành bạn thân thiết và qúy mến ngài. Khi ông Hải được ra tù ông đã nói với ngài rằng nhà ông chỉ cách La Vang có 3 KM và ông hứa sẽ đi La Vang cầu nguyện cho ngài. Thế rồi 6 năm sau, khi ngài còn đang bị biệt giam, ngài nhận được bức thư của ông Hải. Bức thư viết:

“Anh Thuận thân mến,

Tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Đức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này : Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”. Đức HY Nguyễn Văn Thuận tin rằng Đức Mẹ đã nhận lời ông Hải.

Từ lời cầu nguyện của ông Hải, các học viên của tôi nhận ra rằng cầu nguyện thật là giản dị, chỉ là nói chuyện như nói chuyện hay tâm sự với một người bạn, không khó khăn, phức tạp như họ nghĩ. Dĩ nhiên tôi cũng nói với họ những phương cách cầu nguyện khác nữa mà tham dự thánh lễ là một hình thức cầu nguyện cao nhất. Đọc kinh, đọc sách thánh, hát thánh ca hay có khi không làm gì cả, chỉ ngồi thinh lặng tâm trí hướng về Chúa v.v. cũng là cầu nguyện.

Tôi cũng kể cho học viên của tôi nghe một mẩu chuyện khác. Cách đây khoảng 3 hay 4 năm tôi có nhận được một email từ người thân báo tin có người trong gia đình qua đời. Email này đồng thời cũng được gửi cho nhiều người khác và khi có người nào trong nhóm trả lời cho người gửi thì tôi cũng đọc được. Cũng như tôi, tất cả những người nhận được tin buồn đều chia sẻ về sự mất mát đối với tang quyến và đều hứa sẽ cầu nguyện cho người qúa cố. Trong số những email trả lời tôi đọc được một email nói rằng “Chúa nhật tới chúng tôi sẽ đi nhà thờ để cầu nguyện cho linh hồn….”

Lời hứa Chúa nhật tới đi nhà thờ mới cầu nguyện làm tôi nhớ đến ba câu hỏi và thưa trong sách Bổn Đồng Ấu mà tôi đã học thuộc từ mấy chục năm trước:

Hỏi: Đức Chúa Trời ở đâu?

Thưa: Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi.

Hỏi: Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi sao ta không thấy?


Thưa: Vì Người là tính thiêng liêng nên ta không thấy.

Hỏi: Ta không thấy Người mà Người có thấy ta chăng?

Thưa: Người thấy rõ ràng dù những sự kín trong lòng ta thì Người cũng thấy cũng biết hết.

Một khi nhận thức được Chúa ở khắp mọi nơi và dù những sự kín trong lòng ta Người cũng thấy cũng biết hết, thiết tưởng không cần phải đợi ngày Chúa nhật đến nhà thờ mới cầu nguyện được. Có thể cầu nguyện cho người qúa cố ngay khi nhận được email báo tin dù ở nhà, đang ở sở làm, hay ở bất cứ nơi nào. Tất nhiên đến nhà thờ để hiệp thông cầu nguyện với nhiều người là điều tốt nhưng ta vẫn có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu Chúa đều biết.

Ta có thể cầu nguyện cho chính mình, cho người khác, cho người sống và cho kẻ chết. Chúa Giêsu còn dạy phải cầu nguyện cho cả kẻ thù, những người làm hại ta nữa. Tôi đã từng nghe có người nói Chúa dậy điều gì cũng vâng theo nhưng tha thứ cho người cộng sản gian ác thì nhất định không. Tha thứ còn khó khăn thì làm sao mà có thể cầu nguyện cho những người mình không ưa thích. Xem ra cầu nguyện cho kẻ thù, cho những người làm hại mình qủa thật không dễ nhưng nếu không làm được thì ta chưa thật sự là người tin theo Chúa.

Nhiều người vẫn nghĩ khi cầu nguyện là phải đọc kinh và tưởng rằng càng đọc kinh nhiều càng tốt. Đọc nhiều kinh sẽ khó tập trung, có khi miệng đọc nhưng tâm trí lang thang ở nơi khác. Nói như Đức HY Nguyễn Văn Thuận thì giờ cầu nguyện phải là “giờ của qủa tim”. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô Thánh Phaolô viết “Tôi sẽ cầu nguyện với tấm lòng, nhưng cũng cầu nguyện với trí khôn nữa”. Như vậy khi đọc kinh cầu nguyện cần phải “miệng đọc tâm suy” nghĩa là phải hướng cả lòng trí lên với Chúa.

Tâm lý chung khi cầu xin ta muốn Chúa ban ngay cho điều ta xin và khi không được thì đâm ra chán nản, có khi trách móc Chúa. Trong tác phẩm Thiên Chúa và Trần Thế, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger bây giờ là đương kim Giáo Hoàng Bênêdictô 16 đã nói “câu Hãy xin, sẽ được’ chắc chắn không có nghĩa Chúa là cái kho để ta muốn lấy gì thì lấy, hầu lấp đầy chỗ trống của ta và làm cho đời ta thoải mái. Hay Ngài là kẻ sẽ cất đi đau khổ và những câu hỏi trong ta. Trái lại, nó có nghĩa là Chúa chắc chắn nhậm lời ta và sẽ ban cho ta những gì mà Ngài cho là phải, là đúng”.

Có lẽ tốt nhất nên bắt chước tâm tình cầu nguyện của Đức Giêsu “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Ta hãy cầu xin còn việc Chúa ban cho như thế nào là việc của Chúa. Cha mẹ không phải lúc nào cũng thỏa mãn những yêu cầu của con cái. Chúa cũng vậy và Chúa còn nhìn xa thấy rộng hơn chúng ta.

Cũng trong tác phẩm trên, khi ông Seewald một nhà báo có đạo nhưng chống phá Giáo hội điên cuồng than phiền rằng “Khi con tôi cầu Chúa giúp để làm bài tập ở trường, thì, thú thật, nó đã chẳng luôn được toại nguyện”. Đức HY Ratzinger đã trả lời ông “Có lẽ cũng tốt cho con anh, để nó tập hiểu rằng, Chúa từ ái không đơn giản ra tay giúp, khi nó không thuộc bài, mà chính nó phải tự nỗ lực học bài trước đã. Có thể cũng là liều thuốc đắng tốt cho nó, khi gặp một thất bại. Mà có lẽ nó cũng rất cần liều thuốc đó để tìm ra con đường nên đi”.

Câu trả lời của người nay đứng đầu Giáo hội hoàn vũ cho thấy cầu nguyện nhưng cũng cần phải có việc làm đi kèm. Nhiều người cầu nguyện thật nhiều nhưng khi thấy việc cần phải làm, điều cần phải nói lại lảng tránh, cố tình quay mặt làm ngơ. Họ viện cớ rằng lời cầu nguyện có sức mạnh vạn năng nên chỉ ngồi cầu nguyện mà không làm gì cả. Họ quên rằng khi Chúa Giêsu làm phép lạ Người cũng cần đến sự hợp tác của con người. Có lẽ nhiều người chưa quên thời kỳ đất nước Ba Lan ở trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Là người yêu mến quê hương mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chắc chắn đã tha thiết nài nỉ Thiên Chúa cứu đất nước và dân tộc của Ngài. Nhưng nếu Ngài chỉ cầu nguyện mà không có thái độ cương quyết và can đảm. Nếu Ngài không mạnh mẽ nói cho cả thế giới biết rằng Ngài sẵn sàng từ bỏ ngôi vị Giáo Hoàng, rời bỏ điện Vatican trở về nước để đồng cam cộng khổ với người dân Ba Lan thì có lẽ ngày nay quốc gia Ba Lan cũng như những quốc gia Đông Âu vẫn còn chìm đắm dưới sự kìm kẹp của những chế độ độc tài, phi nhân.

Gần đây nhất là vụ cưỡng chế đất đai của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Chắc chắn đã có rất nhiều lời cầu nguyện xin Thiên Chúa nâng đỡ gia đình ông Vươn đang trong cảnh nhà tan cửa nát. Nhưng cũng cần phải có tiếng nói của những người yêu lẽ phải cất lên kịp thời và mạnh mẽ từ khắp nơi, ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Nếu không thì ai cũng đoán biết được số phận của những người thấp cổ bé miệng trong gia đình ông Vươn sẽ còn bi đát gấp bội.

Cầu nguyện là việc không xa lạ đối với người Kitô hữu nhưng phải cầu nguyện với tâm tình nào và bên cạnh việc cầu nguyện cũng cần phải có những việc làm thiết thực chứ không thể “Ngồi chờ sung rụng” mà phép lạ sẽ đến. Phải chăng mùa Chay là thời điểm cần suy nghĩ về việc cầu nguyện.

Lại Thế Lãng

Vermont- USA
Cầu nguyện nhưng không “Ngồi chờ sung rụng” Reviewed by Admin on 2/24/2012 Rating: 5 Nữ Vương Công Lý - Một mùa chay nữa lại về. Mùa thống hối ăn năn. Mùa ăn chay hãm mình và chuyên cần cầu nguyện. Trong sứ điệp mùa chay ...

Không có nhận xét nào: