Làm chính trị như người tín hữu Chúa Kito - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 2, 2012

Làm chính trị như người tín hữu Chúa Kito

(TNCG) - LÀM CHÍNH TRỊ NHƯ NGƯỜI TÍN HỮU CHÚA KI TÔ

"Làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" hay "làm chính trị" xứng đáng với danh nghĩa người tín hữu Chúa Ki Tô, không có nghĩa là một nhản hiệu, cứ "liếm cò", "dán tem" gắn vào đảng phái, hệ thống chính trị nào là có được đảng phái "làm chính trị" xứng đáng với danh nghĩa và đặc tính phải có của hay "như người tín hữu Chúa Ki Tô".

Theo tinh thần của Phúc Âm để làm chính trị là một cách tác động nghiêm chỉnh và là một lối sống và hành động chọn lựa cần nhiều đòi hỏi.

Dĩ nhiên nói như vậy không có nghĩa là tuyên bố "chính trị Ki Tô giáo".

Phúc Âm không đưa ra các toa thuốc "cao đơn hoàn tán" cho chính trị, kinh tế và tổ chức xã hội.

Chính trị, cũng như các thực tại trần thế khác, có mục đích, nội dung và phương thế không tùy thuộc vào mạc khải, nhưng tùy thuộc vào bản chất tự nhiên của thế giới được Chúa dựng nên.

Do đó  làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô không phải là làm cho xã hội trở nên thánh thiện hơn hay bảo vệ lợi lộc của Giáo Hội, bảo vệ quyền ưu tiên thượng đẳng của hàng giáo phẩm.

Người tín hữu Chúa Ki Tô cũng như bất cứ người công dân nào khác trong cộng đồng quốc gia, dấn thân vào chính trị là chuyên tâm để tạo được lợi ích chung mọi công dân trong cộng đồng hay nói như Công Đồng Vatican II, là để tạo nên

- "những điều kiện sống xã hội cho phép các tổ chức xã hội trung gian cũng như cho mỗi thành phần trong cộng đồng đạt được hoàn hảo con người của mình một cách đầy đủ và mau lẹ hơn" (Gaudium et Spes, GS, n. 26).

Tư tưởng vừa kể, chúng ta cũng gặp được trong Hiến Pháp 1947 Ý Quốc:

- "Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, là những chướng ngại trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở" (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Nền mạc khải của Ki Tô giáo là mạc khải có tính cách siêu nhiên, nhưng ngoài ra việc mạc khải cho con người những mầu nhiệm của Thiên Chúa về tình thương và ơn cứu độ của Người, Phúc Âm cũng

"...mạc khải hoàn hảo chính con người cho con người" (GS, n.22).

Như vậy, "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" là biết rút ra từ Phúc Âm những hiểu biết, lý tưởng, ước vọng, các giá trị và nghị lực để chăm lo vào lợi ích chung, mà người tín hữu Chúa Ki Tô góp phần cộng tác với những người thành tâm thiện chí khác để đạt được.

Từ đó chúng ta thấy được rằng "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô", người tín hữu phải biết đo lường hành động của mình với một vài tiêu chuẩn căn bản, mà gần đây Giáo Hội thường xuyên nhắc đến trong các Huấn Dụ Xã Hội của mình:

- trung thành với các giá trị,

- trung thành chủ quan và khách quan,

- làm chính trị theo phương thức dân chủ,

- đặc tín trần thế của chính trị,

- tự lập trong các lựa chọn chính trị,

- đạo đức và thẩm quyền chuyên môn trong chính tri.

Đó là những đặc tính mà người làm chính trị phải có, nếu muốn được xem là "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô".

1 - Trung thành với các giá trị.

Tiêu chẩn trước hết để người phục vụ chính trị, sống theo tinh thần Ki Tô giáo, không có tiêu chuẩn nào khác hơn là trung thành với các giá trị của Phúc Âm.

Thiên Chúa Nhập Thể, hội nhập vào lịch sử con người, "một cách nào đó đã trở thành hiệp nhứt với con người" (GS, n. 22).

Chúa Giêsu Nhập Thể, như là một con người, đến để sống, hiểu biết, chia xẻ và làm vơi đi những âu lo, bất hạnh của con người và chỉ cho họ con đường phải đi theo đề tìm về nguồn mạch hạnh phúc viên mãn và đích thực.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Phúc Âm chứa đựng lời đáp ứng lại liên quan đến các câu hỏi căn bản của con người, tín hữu hay không tín hữu cũng vậy, cả những câu trả lời căn bản liên quan đến tương lai của lịch sử.

Báo cho biết trước kết quả cuối cùng của lịch sử con người, cá nhân hay cộng đồng xã hội cũng vậy, Phúc Âm mạc khải ý nghĩa đích thực cho việc con người dấn thân tác động trong thế giới hiện tại. Người tín hữu Chúa Ki Tô biết được rằng

"Thiên Chúa chuẩn bị một nơi cư ngụ mới và một thế giới mới, nơi đó sẽ là nơi ngự trị của nền công chính", từ đó người tín hữu được mời gọi ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị trước các lợi thú thiết thực" (GS, n. 39).

Nói cách khác, Phúc Âm mạc khải Chúa Giêsu là Con Người hoàn hảo, là Đấng sẽ thu tóm về mình mọi thực tại, đồng thời cũng là Đấng mạc khải

những giá trị thực sự nhân bản đích thực là những giá trị nào, có khả năng làm nền tảng cho một xã hội công chính và thân hữu mà con người mong đợi.

Hay nói như Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức:

- "Phẩm giá con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo đảm nhâm phẩn đó.

Như vậy dân tộc Đức nhìn nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người, như là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hòa bình và công chính trên thế giới"
(Điều 1, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Công Đồng Vatican II giải thích rõ hơn:

- "Chúa Giêsu là cùng đích của lịch sử con người, là tiêu cự điểm của các ước muốn lịch sử và văn minh con người, trung tâm điểm của nhân loại, niềm lạc quan của con tim, nỗi thoả mãn đầy tràn của mọi ước vọng" (GS, n. 45).

Và Công Đồng Vatican II kết luận: sứ điệp Phúc Âm liên quan đến con người và xã hội không những chỉ có giá trị đối với các tín hữu Chúa Ki Tô, mà đối với mọi người, trong tâm hồn họ đều được ân sủng Thiên Chúa tác động.

Bởi vì Chúa Giêsu chết cho tất cả mọi người và ơn gọi của nhân loại chỉ là một, đó là ơn gọi tất cả đều hướng về Chúa là cùng đích.

Bởi đó chúng ta phải nhìn nhận rằng

"Chúa Thánh Thần đổ ơn của Người xuống mọi người, cách nào đó theo ý Chúa muốn, để tất cả đều thông hiệp vào mầu nhiệm Phục Sinh" (GS, n. 22).

Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, Nguyên Tổng Giám Mục Milano cho biết là một trong những giá trị khẩn thiết và quan trọng nhứt của việc người công giáo dấn thân vào chính trị là hoán chuyển ( hay trung gian điều giải, mediazione) các chân lý của đức tin thành giá trị cho con người và xã hội, như vậy các giá trị đó

"trở nên định hướng để sống được và ngưỡng mộ được đối với mọi người, tạo được sự đồng thuận và chấp nhận rộng lớn hết sức có thể" (Card. C.M. Martini, C'è un tempo per tacere e un tempo per parlare", in Aggiornamenti Sociali , 2/1996, 174).

Trích Tổng Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, n. 565.

"Định hướng hoạt động chính trị của người tín hữu Chúa Ki Tô".

Đối với người tín hữu giáo dân dấn thân chính trị là một phương cách xác nhận đặc tính và việc dấn thân cần thiết phải có của người Ki Tô hữu phục vụ người khác.

- đạt được công ích trong tinh thần phục vụ

- phát triển công lý cùng với lòng chú tâm đặc biết đến các hoàn cảnh khó nghèo và đau khỗ;

- tôn trọng lãnh vực tự lập của các thực tại trần thế;

- nguyên tắc phụ túc bảo trợ; phát huy đối thoại và hoà bình trên nền trời liên đới.

Đó là những định hướng mà người tín hữu Chúa Ki Tô cần đặc tâm quy hướng các tác động chính trị của mình.

Mọi người tín hữu, chủ nhân của quyền và bổn phận người công dân, đều phải tôn trọng các định hướng vừa kể. Nhứt là những ai có bổn phận lãnh đạo và và quản trị các vấn đề phức tạp của lãnh vực chính trị, trung ương cũng như địa phương, quốc gia cũng như quốc tế càng phải đặc tâm hơn nữa.

Tiêu chuẩn tiên khởi để có được một sự hiện diện trong chính trị "như người tín hữu Chúa Ki Tô", không có tiêu chuẩn nào khác hơn là trung thành với các giá trị Phúc Âm.

Trung thành không có nghĩa chỉ là trung thành trên lý thuyết, mà là đem các giá trị Phúc Âm ra sống trong đời sống cá nhân của mình, nhân chứng và trung gian điều giải, áp dụng vào cuộc sống công cộng.

Các giá trị nhân bản cao cả của luân lý thoát xuất từ đức tin Ki Tô giáo

- phải được sống không những trong lương tâm mình và trong các thái độ hành xử cá nhân, mà còn phải được thể hiện ra trong văn hoá và, qua việc tự do tác động gây nên được sự đồng thuận, cũng sẽ được diễn tả ra bằng cấu trúc xã hội, luật pháp và cơ chế quốc gia.

Kế đến tài liệu Hội Đồng Giám Mục Ý liệt kê những giá trị quan trọng:

- địa vị tối thượng và trung tâm điểm của con người,
- tính cách thiên thánh và bất khả xâm phạm đời sống con người trong mọi thời điểm của cuộc sống,
- hình ảnh và sự cộng tác của người phụ nữ trong việc thăng tiến xã hội,
- vai trò và tính cách bền bĩ của gia đình được đặt trên nền tảng hôn nhân,
- tự do và các quyền bất khả xâm phạm của con người và của các dân tộc,
- liên đới hỗ tương và công bình xã hội trên bình diện thế giới (CEI, Evangelizzazione e Testimonianza della carità, 08.12.1990, n. 41, in ECEI IV/2768).

Thánh Bộ Tín Lý nhấn mạnh đến việc người tín hữu Chúa Ki Tô dấn thân trong lãnh vực chính trị phải luôn luôn là động tác dấn thân được đặt trên quan niệm chính đáng về con người:

- "Trên nguyên tắc nầy, việc dấn thân vào chính trị của người tín hữu Chúa Ki Tô không thể có một bất cứ một sự nhượng bộ nào, nếu không họ không thể làm tròn bổn phận nhân chứng đức tin Ki Tô giáo giữa trần thế, sự hiệp nhứt và trung thành nội tâm của chính những người tín hữu ( ...). Ngoài ra chính sự kính trọng nhân phẩm con người làm cho mọi người có thể tham dự vào thể chế dân chủ" (Congregazione per la Dottrina della Fede. Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l'impegno e il comportamento dei cattolìci nella vita politica, n. 3, in Il Regno - documenti 48 ( 3/2003), 72).

2 - Trung thành chủ quan và trung thành khách quan.

Đức Giáo Hoàng Gioan Pholồ II đã xác định rõ rệt vấn đề "trung thành" của người tín hữu Chúa Ki Tô trong chính trị.

Dĩ nhiên trong chính trị các người tín hữu Chúa Ki Tô có những lối nhìn đa diện khác nhau, bởi đó Ngài xác nhận:

- "Giáo Hội không nên và cũng không có ý liên hệ vào bất cứ một đường lối chính trị hay đảng phái nào, cũng như không tỏ mình đứng về phía nầy hay phía kia của giải pháp, cơ chế hay hiến định nào cả, nếu các giải pháp đó đều là những giải pháp tôn trọng thực sự thể chế dân chủ" (Gioan Paolo II, Discorso al congresso nazionale della Chiesa italiana, Palermo 23.11.1995, in L ' Osservatore Romano, 24.11.1995).

a) Đối với vấn đề "trung thành về phía chủ quan", mặc cho tính cách chính đáng các tác động đa diện trong chính trị của người tín hữu Chúa Ki Tô, Đức Thánh Cha cũng không quên:

"...dù vậy, không ai có thể cho phép người tín hữu Chúa Ki Tô vắng mặt trong các lãnh vực văn hóa" (id., n. 10).

Trung thành với đức tin và với lời huấn dạy của Giáo Hội tự nhiên sẽ hướng dẫn người tín hữu Chúa Ki Tô hợp nhứt trong nhãn quang về các giá trị nhân bản được soi sáng bằng ánh sáng Phúc Âm.

Bất cứ phải hành xử phận vụ của mình ở nơi đâu, các người tín hữu Chúa Ki tô cũng có khuynh hướng và tự bản năng mình quy tựu nhau để bênh vực các giá trị luân lý nền tảng của Ki Tô giáo.

Bản năng Ki Tô hữu tự nhiên hướng dẫn họ không thể không trung thành chủ quan, theo xác tín luân lý của mình, nếu không cảm nhận mình bị lương tâm trách móc.

Nhưng "trung thành theo phương diện chủ quan" như vừa kể không nên lầm lẫn với thái độ đứng ra tuyên bố các giá trị nền tảng, được diển dịch trực tiếp từ các nguyên lý của đức tin: đời sống, gia đình, hôn nhân...

Dĩ nhiên tuyên bố theo nguyên tắc các giá trị vừa kể đã là "trung thành ", nhưng thái độ " trung thành theo phương diện chủ quan" của người tín hữu Chúa Ki Tô không hệ tại ở chỗ tuyên bố để mà tuyên bố, mà còn phải

- "tìm ra những dụng cụ để biến các giá trị của nguyên tắc thành thực dụng, ai cũng có thể tham dự được" (Card. Carlo Maria Martini, " C'è un tempo per tacere e un tempo per parlare, op. cit., p. 74).

b) Nhưng lắm khi "trung thành theo phương diện chủ quan" thôi, chưa đủ.

Bởi đó Đức Thánh Cha Gioan Pholồ II còn thêm một phương cách trung thành khác, "trung thành khách quan", cần phải có để hướng dẫn người tín hữu Chúa Ki Tô trong các quyết định lựa chọn của mình.

"Trung thành khách quan": trung thành với xác tín lương tâm không miễn chuẩn cho người tín hữu Chúa Ki Tô khỏi phải giám định yếu tố khách quan nào hợp hay không hợp với những giá trị được đức tin dạy bảo chúng ta, có thể ứng dụng vào thực tế để hành xử.

Và đó là những gì Đức Thánh Cha giải thích rõ hơn:

- "Người tín hữu Chúa Ki Tô không thể cho rằng mọi quan niệm, mọi nhãn quang về cuộc sống trần thế đều có thể phù hợp với đức tin, cũng không thể tham gia một cách dễ dàng vào bất cứ lực lượng chính trị hay xã hội nào đi ngược lại hay không đặt trọng tâm đủ đến các nguyên tắc huấn dụ xã hội của Giáo Hội" (Giovanni Paolo II, Discorso al Convegno nazionale della Chiesa italiana, Palermo 23.11.1995, cit., 10).

Giáo Hội không thể và cũng không được tham gia vào khuynh hướng chính trị nầy hay khuynh hướng chính trị khác.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Giáo Hội không được có tiếng nói. Giáo Hội không thể lẫn trốn, thoái thoát trách vụ của mình đưa ra những định chuẩn luân lý chính trị, khuôn mẫu hay chương trình chính trị nầy hay chương trình chính rị khác, chỉ vì sợ rằng mình bị kết án là thiên vị:

- "Bây giờ không còn phải là thời điểm dững dưng, im lặng, và trung lập đứng tách rời và đứng giữa khoảng cách đều nhau. Nói rằng mình không đứng về phía bên nầy hay phía bên kia cũng chưa đủ, để có thể tự mãn. Không chính đáng cho rằng mình có thể lựa chọn, vào thời điểm thích hợp, nhóm nầy hay nhóm khác cũng được, tùy theo nhóm nào đem lại lợi lộc nhiều hơn. Đúng hơn đây là thời điểm cần giúp đỡ để phân định phẩm chất luân lý không những hàm chứa trong các việc chọn lựa chính trị cá biệt, mà còn ngay cả đối với đường lối chung để hành xử chính trị và trong quan niệm hành xử chính trị hàm chứa trong các ý thức hệ đó. Không phải chỉ liên hệ đến tự do của cá nhân, không phải chỉ liên hệ đến tương lai của Giáo Hội, mà liên hệ đến tương lai của dân chủ" (Card. C. M. Martini, " C'e un tempo per tacere e un tempo per parlare", cit, 171).
3 - Làm chính tri theo phương thức dân chủ.

Quả quyết bằng miệng mình trung thành với các giá trị và nội dung Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội không có giá trị bao nhiêu, nếu phương thức làm chính trị không phải là phương thức dân chủ thực sự.

Làm sao có thể bảo đảm được những giá trị và nội dung đó, nếu phương thức hành xử chính trị đáng trách cứ về phương dịện luân lý và không có gì là bảo đảm về phương diện dân chủ?

Mussolini cũng không hành xử gì khác hơn khi tuyên bố rằng

- Giá trị của hôn nhân bất khả phân ly,

- Bảo đảm tự do dạy giáo lý nơi học đường,

- Pphụ huynh có quyền tự do chọn trường học cho con cái,

- Giáo Hội Ý Quốc và Toà Thánh có quyền tự do trong lãnh vực của mình,

nhưng bao nhiêu chính trị gia lỗi lạc công giáo lúc đó đều xa lánh Mussolini, không phải vì không chấp nhận những "giá trị" mà Mussolini vừa hứa, cho bằng lối làm chính trị đảng Phát Xít của Mussolini là lối hành xử chính tri phi nhân, vô luân lý và chống dân chủ, không thể chấp nhận được.

Chính Đức Giáo Hoàng Pio XI, chỉ sau hai năm ký thoả ước với Mussolini, đã phải ra Thông Điệp "Non abbiamo bisogno 1931" ( Chúng tôi không cần) để bênh vực "các giá trị được thỏa ước công nhận", nhưng bị cách làm chính trị của Phát Xít chà đạp.

Kể lại kinh nghiệm vừa kể của Toà Thánh đối với "cách làm chính trị Phát Xít" của Mussolini để gợi lại cho người tín hữu Chúa Ki Tô dấn thân trong chính trị nhớ phải "làm chính trị theo phương thức dân chủ ".

Giáo Hội phải luôn luôn nói lên tiếng nói rõ ràng và khẳng định phương thức làm chính tri phải có là "phương thức dân chủ", như là trách nhiệm trọng đại của Giáo Hội.

Giáo Hội không thể làm thinh, đối với bất cứ ai, nhưng ai không "làm chính trị theo phương thức dân chủ", Giáo Hội vẫn phải lên tiếng, dẫu cho tiếng nói của Giáo Hội có làm cho mình bị phán đoán cho là thiên vị.

"Làm chính trị không theo phương thức dân chủ" là chính trị vi phạm các quyền căn bản tối thiểu bất khả xâm phạm của con người, ngược lại tín lý Ki Tô giáo.

Trích Tổng Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, n. 573:

Theo đảng phái chính trị nào?

Một lãnh vực cá biệt để người tín hữu giáo dân chuẩn định các dụng cụ chính trị, đó là gia nhập một chính đảng hay các ý thức hệ trong việc tham gia chính trị.

Cần phải có những quyết định lựa chọn hợp với các giá trị, đặc tâm lưu ý đến các hoàn cảnh thiết thực.

Trong mọi trường hợp, bất cứ một sự lựa chọn nào cũng phải là lựa chọn được phát xuất từ đức bác ái và lựa chọn để mưu cầu lợi ích chung.

Các đòi hỏi của đức tin Ki Tô giáo khó mà có thể tìm được quy tựu tất cả vào một giải pháp chính trị duy nhứt: cho rằng một chính đảng hay một ý thức hệ chính trị đáp ứng hoàn toàn các đòi hỏi của đức tin và đời sống Ki Tô giáo là lối suy luận nguy hiểm.

Người tín hữu Chúa Ki Tô không thể tìm được một chính đảng nào đó hoàn toàn đáp ứng được các đòi hỏi luân lý phát xuất từ đức tin và từ việc mình thuộc thành phần Giáo Hội: gia nhập vào một chính đảng hay một ý thức hệ không thể là gia nhập vào một lý tưởng hoàn hảo, mà là gia nhập vào chính đảng và vào chương trình của chính đảng để chính đảng cũng như chương trình được kích thích chú tâm thực hiện, đạt được lợi ích chung và cùng đích của con người, kể cả cùng đích thiêng liêng.

Người tín hữu Chúa Ki Tô trong chính trị phải biết rằng đất nước được ổn định chỉ có thể đạt được như là hậu quả của mức quân bình giữa những cuộc bàn thảo chính trị và các quyết định được suy diễn ra.

Cách làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô là

- không thể làm chính trị mà không đặc cơ chế Quốc Gia ở vị trí với bổn phận bảo vệ người yếu thế,

- không thể làm chính trị với mục đích chỉ nhằm lợi nhuận, hiệu năng và tranh đua như là cùng đích của phe nhóm và tình liên đới hổ tương trong Quốc Gia chỉ là thứ yếu,

- không thể làm chính trị vì phải giao chức vụ cho người lãnh đạo tạo được nhiều thành quả tiếng tăm, cho bằng dựa trên các chương trình hiệu năng và hữu lý,

- không thể làm chính trị dựa trên tư tưởng "cá lớn, nuốt cá bé" (first past the post) và thành phần thiểu số chỉ là kẻ bại trận, bị loại khỏi vòng chiến và tìm cách loại trừ họ để tránh hậu hoạ, lợi dụng vị thế" cả vú lấp miệng em".

Đó không phải là cách làm chính trị theo phương thức dân chủ, càng không thể là cách "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô".

4 - Đặc tính trần thế của chính trị.

Tôn trọng đặc tính trần thế của các lãnh vực chính trị là một phương thế khác " làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô ".

Các thực tại trần thế - trong đó có những thực tại chính trị, xã hội - do ý muốn của Đấng Tạo Hoá là những thực thể có đặc tính trần thế thực hữu, tốt đẹp, có mục đích riêng biệt và luật lệ cá biệt của mình, được Đấng Tạo Hoá đặt trong chính bản tính của mình và không cần có lề luật siêu nhiên nào trợ lực :

- "Omne ens est unum, bonum et verum" (Mọi thực thể là một thực thể duy nhứt, tốt đẹp và thực hữu), nói như định nghĩa của môn Siêu Hình Học (Ontologia).

Đặc tính tự lập về phương diện cùng đích cũng như luật lệ tự nhiên được Chúa khắc ghi vào trong bản thể của mỗi tạo vật, như ý Chúa muốn, người tín hữu Chúa Ki Tô khi hành xử đối với tạo vật cần phải kính trọng.

Mặc dầu chúng ta biết rằng cùng đích tối hậu của moi tạo vật, hướng về đó các mục đích trung gian, kể cả các mục đích trung gian chính trị, đều phải quy hướng, trổi vượt hơn các mục đích tự nhiên của tạo vật.

Đó là những gì Công Đồng Vatican II nói với chúng ta:

- "Nhờ vào chính tác động của công việc tạo dựng mà mọi tạo vật nhận được thực thể, đặc tính tốt lành, các lề luật và thứ bậc của mình. Con người phải kính trọng tất cả những thực tại đó, nhận biết các nhu cầu của mỗi nghệ thuật và khoa học" (GS, n. 36; Apstolicam Actuositatem, nn. 7, 31b).

Hiểu như vậy, chúng ta thấy được chính trị mang đặc tính trần thế của mình. Điều đó có nghĩa là từ đức tin, chúng ta không thể diển dịch trực tiếp một khuôn mẫu xã hội, cơ chế chính trị hay chương trình chính đảng.

Phúc Âm chỉ cho chúng ta những giá trị, gợi ý cho chúng ta những tác động xã hội chính trị phải có để xây dựng một xã hội con người, những không chỉ cho chúng ta khuôn mẫu nào phải lựa chọn, chương trình nào phải thực hiện và thực hiện trước sau để thành đạt được mục đích.

Đặc tính trần thế của chính trị làm cho những ai trung thành với đức tin và lời giáo huấn của Giáo Hội để dấn thân vào lãnh vực xã hội chính trị, không làm biến thể chính trị thành môi trường để phục vụ hàng giáo phẩm hay giáo phẩm trị .

Nói cách khác, đặc tính trần thế của chính trị làm cho người làm chính trị chân chính, "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" dấn thân phục vụ chính trị với mục đích khác hơn, nhằm vào những gì là mục đích đích thực của chính trị: nhằm đem lại công ích.

(Từ ngữ "chính trị" (politique, policy, politica, politik: phát xuất từ "Polis", Hy Lạp, (thị xã hay thành phố). Như vậy "Politiké", phương thức tổ chức cuộc sống, hoạt động trong thị xã để phân chia công việc, nhiệm vụ, nhằm đem lại lợi ích cho mỗi công dân, cũng như lợi ích chung cho cuộc sống cộng đồng trong thị xã).

Như vậy "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" không phải là lợi dụng chính trị để phục vụ hàng giáo phẩm, phục vụ giáo phẩm trị, phục vụ lợi ích cho Giáo Hội, hoặc là trực tiếp để thi hành sứ mạng tông đồ hay rao giảng Phúc Âm.

Người tín hữu giáo dân cần nhận thức rằng cách tốt đẹp nhứt để cộng tác vào sứ mạng duy nhứt của cả Cộng Đồng Dân Chúa để rao giảng Phúc Âm là

- làm sống động thực tại trần thế, là lãnh vực cá biết của người tín hữu giáo dân, bằng cách hành xử " như người tín hữu Chúa Ki Tô".

- tôn trọng đặc tính trần thế của lãnh vực chính trị và học hỏi, nghiên cứu tạo được cho mình có khả năng chuyên biệt trong những lãnh vực khác nhau,

- và tác động phục vụ của mình trong chính trị với mục đích duy nhứt là mưu cầu đem lại công ích cho đồng bào mình nói riêng và phục vụ con người nói chung:

- "Các cuộc dấn thân và hoạt động trần thế là của chính người tín hữu giáo dân, mặc dầu không phải là đặc quyền của một mình họ. Như vậy khi hành xử với tư cách là người công dân, cá nhân cũng như đoàn thể, không những họ phải tôn trọng các luât lệ của mỗi lãnh vực, mà còn phải cố gắng đạt được những khả năng chuyên môn có thẩm quyền đích thực trong các lãnh vực đó ( ...). Bổn phận của lương tâm họ, một khi có được sự huấn luyện tương ứng phải có, là viết luật của Thiên Chúa thành ra những đạo luật vào cuộc sống của thị xã trần thế " (GS, n. 43).

Trích Tổng Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, n. 571:

Ý nghĩa đích thực của quan niệm trần thế.

Việc dấn thân của người tín hữu Chúa Ki Tô trong chính trị thường được đặt trong trạng thái liên hệ đến "đặc tính trần thế" (laicità) (chớ không phải vô đạo, laicismo hay chống đối hàng giáo phẩm, anticlericalismo), đúng hơn là sự phân biệt giữa lãnh vực chính trị và lãnh vực tôn giáo.

Sự phân biệt đó là

"một giá trị được Giáo Hội khám phá ra và nhận biết, và thuộc về tài sản mà nền văn minh được đạt đến" (Congregazione per dottrina della fede, Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l'impegno e il comportamento dei cattolici nella vita politica, ( 2006 ), 6).

Nhưng nền luân lý công giáo loại trừ hẳn nhãn quang, theo đó "đặc tính trần thế" được hiểu như là tự lập đối với lề luật luân lý:

- "Đặc tính trần thế", trước tiên nói lên thái độ của những ai tôn trọng các chân lý phát xuất từ sự hiểu biết tự nhiên về con người sống trong xã hội, dẫu cho các chân lý đó đồng thời cũng được giảng dạy bởi một tôn giáo cá biệt, bởi lẽ chân lý luôn luôn là một" (id.).

Thành thực tìm kiếm chân lý, phát huy và bảo vệ bằng các phương tiện chính đáng các chân lý luân lý liên quan đến đời sống xã hội, công bằng, tự do, tôn trọng đời sống và các quyền khác của con người, đó là quyền và bổn phận của mọi thành phần sống trong cộng đồng xã hội và chính trị.

Khi giáo quyền can thiệp về các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, chính trị, không phải là những ai có nhiệm vụ không còn có bổn phận phải giải thích chính đáng đặc tính trần thế, bởi vì

"Giáo hội không hề muốn áp đặt một quyền lực chính trị hay loại trừ tự do tư tưởng về những vấn đề trần thế. Đúng hơn - như bổn phận của mình đòi buộc - Giáo Hội có ý huấn dạy và soi sáng lương tâm các tín hữu, nhứt lài những ai dấn thân vào đời sống chính trị, nhờ đó tác động của họ luôn nhằm mục đích thăng tiến toàn diện con người và công ích. Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội không phải là một sự can thiệp vào nội bộ của mỗi Quốc Gia. Chắc chắn Giáo Hội đặt vấn đề đối với các tín hữu giáo dân bổn phận phải trung thành với lề luật luân lý, với lương tâm trong tâm hồn mình, là lề luật duy nhứt và quy tựu hợp nhứt giữa mọi người" (id.).

5 - Tự lập lựa chọn chính trị.

Tiêu chuần thứ ba của việc dấn thân "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" là tự lập có trách nhiệm trong các việc lựa chọn của mình.

Người tín hữu giáo dân không phải chỉ là người thừa hành "lệnh trên" của hàng giáo phẩm trong lãnh vực xã hội:

- "Từ các linh mục, người tín hữu giáo dân nên trông đợi ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng. Nhưng họ đừng nghĩ rằng các chủ chăn của họ luôn luôn là những người kinh nghiệm đến độ , bất cứ vấn đề gì, ngay cả những vấn đề hệ trọng, các vị cũng có thể có giải pháp thiết thực sẵn sàng hay đó chính là sứ mạng của các vị: đúng hơn họ hãy nhận lãnh trách nhiệm của mình, dưới ánh sáng khôn ngoan Ki Tô giáo và luôn luôn để tâm trung thành với tín lý của Giáo Hội" (GS, n. 43).

Người tín hữu giáo dân phải là những người có trách nhiệm và tự lập trong các việc lựa chọn chính trị của mình.

Ngoài ra họ còn được mời gọi tham gia tích cực giúp các vị chủ chăn trong việc soạn thảo ra chính " Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội", cung cấp cho các vị kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn trong lãnh vực của mình:

- "Ước gì họ là những người có khả năng để cộng tác, về phía lãnh vực chuyên môn của họ, cho huấn dụ được phát triển, cũng như áp dụng huấn dụ đó một cách chính đáng vào các trường hợp cá biệt"
(Apostolicam Actuositatem, n. 31b).

Các vị chủ chăn có bổn phận soi sáng lương tâm và trí thức của các tín hữu, cũng như phán đoán các chọn lựa chính trị thích hợp nhiều hay ít đối với Phúc Âm.

Trong khi đó thì bổn phận của các tín hữu giáo dân là " trung thành " và can đảm trong các việc chọn lựa chính trị của mình, chấp nhận các nguy hiểm và trách nhiệm:

- "Bổn phận của các vị chủ chăn là tuyên bố một cách rõ rệt các nguyên tắc về cùng đích của công trình tạo dựng và cùng đích của việc xử dụng tạo vật trần thế ( ...). Phân sự của giáo dân ( ...) là trực tiếp tác động và một cách thiết thực; như là người công dân cộng tác với những công dân khác, tùy theo thẩm quyền chuyên biệt và dưới trách nhiệm của chính mình" (Apostolicam Actuositatem, n. 7 ).

Đức Thánh Cha Benedictus XVI tổng hợp vai trò của người tín hữu giáo dân trong chính trị như sau:

- "Như là công dân của một Quốc Gia, người tín hữu giáo dân được mời gọi trực tiếp đứng ra tham dự vào cuộc sống công cộng. Họ không thể lẫn tránh " hoạt động đa diện và khác nhau trong lãnh vực kinh tế, luật pháp, quản trị và văn hoá, để thăng tiến theo cấu trúc và bằng cơ chế lợi ích chung".

Như vậy, sứ mạng của người tín hữu giáo dân là có quan niệm chính đáng về cuộc sống xã hội, tôn trọng sự tự lập chính đáng và hợp tác với những công dân khác tùy theo khả năng và dưới trách nhiệm của chính mình. Mặc dầu các hình thức bác ái của Giáo Hội không nên được lầm lẫn với các động tác của Quốc Gia, dầu vậy bác ái phải là động lực làm sống động của cuộc sống người tín hữu giáo dân, được sống như là "bác ái xã hội" (ĐTC Benedicuts XVI, Deus Caristas est ( 25.12.2005), n. 29).

Trích Tổng Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, 568, 570.

n. 568: Trung thành với các giá trị và theo thứ bậc của chính trị học.

Người tín hữu giáo dân được mời gọi hãy định chuẩn, trong các hoàn cảnh thực tế chính trị, những bước tiến thực sự có thể để đem ra thực hiện các nguyên tắc và các giá trị luân lý của cuộc sống xã hội.

Điều vừa kể đòi buộc một phưong thức chuẩn định vừa cá nhân vừa cộng đồng, kết tựu chung quanh một vài điểm chính:

- hiểu biết hoàn cảnh hiện thực, được phân tích với sự trợ lực của các khoa học xã hội và các dụng cụ thích ứng,

- suy nghĩ một cách có hệ thống các thực tại, dưới ánh sáng bất di dịch của Phúc Âm và Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội,

- chuẩn định những chọn lựa nhằm giải quyết một cách tích cực hiện trạng đang diễn ra.Từ việc biết lắng nghe thâm sâu và giải thích thực trạng có thể phát sinh ra những lựa chọn cụ thể và hữu hiệu,

- nhưng dối với tất cả những gì có thể lựa chọn như vừa kể, không bao giờ nên gán cho chúng những giá trị tuyệt đối, bởi lẽ không có vấn đề nào có thể giải quyết theo phương thức được coi là duy nhứt:

"đức tin không bào giờ có kỳ vọng trói buộc trong một khung viên cứng rắn các nội dung xã hội - chính trị, bởi lẽ đức tin ý thức rằng trong tầm vóc lịch sử con người đang sống, cần phải chuẩn định sự hiện diện của những hoàn cảnh không hoàn hảo và thường thay đổi mau chóng" (Congregazione per la dottrina della fede, Nota dottrinale circa alcune questioni ..., cit, n. 7).

n. 570: Trong các lãnh vực và thực tại có liên quan đến đòi buộc luân lý căn bản hay trong trường hợp các lựa chọn luật pháp và chính trị nghịch lại các nguyên lý và giá trị Ki Tô giáo, Giáo Hội day chúng ta:

- "Lương tâm Ki Tô hữu được huấn luyện tốt đẹp không cho phép bất cứ ai dùng lá phiếu của mình để thực hiện một chương trình chính trị hay một đạo luật riêng biệt trong đó nội dung căn bản của đức tin và luân ly bị khuynh đảo bởi những đề nghị thay thế hay ngược lại các nội dung đó" (id., n.4).

Trong trường hợp không thể loại bỏ việc thực thi những chương trình chính trị, ngăn cản hay loại bỏ một vài đạo luật có nội dung ngược lại giá trị Ki tô giáo, Giáo Hội dạy chúng ta rằng một dân biểu Quốc Hội mà ai cũng biết chính kiến đối ngược của ông, có thể đứng ra ủng hộ cho những đồ án nhằm giảm thiểu những tai hại của các đồ án và luật lệ vừa kể, và giảm thiểu hậu quả tiêu cực liên quan đến văn hóa và luân lý công cộng.

Dù sao đi nữa, lá phiếu của ông không thể được giải thích như là lá phiếu ủng hộ một đạo luật bất chính, cho bằng là một đóng góp nhằm giảm thiểu mối nguy hại của một đạo luật, mà người hay nhóm người đề xướng phải nhận lãnh trách nhiệm của họ.

Cần lưu ý rằng có những trường hợp xảy ra, trong đó có những trường hợp đòi hỏi luân lý căn bản và không thể nhượng bộ được. Trong các trường hợp vừa kể chứng nhân Ki Tô giáo phải được coi là bổn phận không thể thiếu kể cả đến việc phải hy sinh mạng sống, đến tử đạo, nhân danh đức bác ái và nhân danh phẩm giá con người.

6 - Đời sống đạo đức và khả năng chuyên môn.

Điều kiện không thể thiếu thực sự "sine qua non", để có thể "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô", đó là cần phải có những Ki Tô hữu đích thực.

"Làm chinh trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" đích thực là cuộc sống gồm nhiều đòi hỏi.

- một đàng đức tin đòi buộc người tín hữu Chúa Ki Tô không được thụ động hay khiếm diện, mà phải hội nhập một cách tích cực vào đời sống xã hội, chính trị,

- nhưng đàng khác cũng đổ lên vai người tín hữu Chúa Ki Tô gánh nặng gắng công, mệt sức và trách nhiệm tìm hiểu, học hỏi và hiểm nguy liều lỉnh của các cuộc lựa chọn,

- đức tin không thay thể cho khả năng chuyên môn của mỗi người, phải tự mình tìm lấy bằng học hỏi và tác động, như bất cứ người công dân nào khác,

- và rồi còn cả bổn phận trung gian điều giải " mediazione" từ những nguyên lý tín lý và luân lý, thành những giá trị trong cuộc sống xã hội và biết liên kết với các phương thức và dụng cụ để đưa đến thực hành có kết quả tốt đẹp.

Nói một cách ngắn gọn, mỗi việc lựa chọn chính trị của người tín hữu Chúa Ki Tô phải luôn luôn là kết quả của lòng trung thành: trung thành với các giá trị Ki Tô giáo hướng dẫn và gợi ý cho mình, và trung thành với luật lệ của chính nghệ thuật chính trị, " luật lệ thế trần " của các sự việc.

Đặc tính trần thế của các lãnh vực xã hội chính trị, người tín hữu giáo dân không thể trực tiếp rút ra được từ đức tin, bởi vì là những đặc tính và lề luật thuộc lãnh vực trần thế, lãnh vực của lý trí, bởi đó cần phải được học hỏi, thí nghiệm và kiểm chứng một cách khoa học.

Người tín hữu Chúa Ki Tô ngoan đạo thôi, chưa đủ để thành nhà chính trị tài ba.

Để trở thành ngưòi tín hữu Chúa Ki Tô tốt lành và nhà chính trị tài ba lỗi lạc, cần phải là con người "có khả năng tổng hợp" : biết nối kết nơi mình "lòng trung thành" với đức tin và "tôn trọng đặc tính trần thế và khả năng chuyên môn của chính trị".

Sự sai lầm thường xuyên hiện nay mà người Ki Tô hữu vấp phải là đặt đời sống chiêm niệm và hành động như là hai đối cực khác nhau, dường như coi đời sống thiêng liêng và đời sống chức nghiệp thuộc hai tầng lớp không những khác nhau,mà còn tách rời nhau:

- "Thật là sai lạc ai là người ( ...) cho rằng ( ...) họ có thể chễnh mãng phận vụ trần thế của mình và không nghĩ rằng chính đức tin càng thúc đẩy họ chu toàn hơn nữa, tùy theo ơn gọi của mỗi người. Nhưng trái lại, cũng không phải là không sai lạc những kẻ cho rằng mình hoàn toàn ngụp lặn vào các công chuyện trần thế, coi như thể công việc trần thế là những gì hoàn toàn xa lạ đối với đời sống tôn giáo, là lãnh vực mà theo họ, chỉ hoàn toàn thuộc về các nghi thức tế tự hay một vài bổn phận luân lý. Sự tách rời , không phải đối với một số ít người, giữa đức tin mình tuyên xưng và đời sống thường nhật, cần được ghi nhận là sự sai lạc giữa những sai lạc hệ trọng trong thời đại chúng ta" (GS, n. 43).

Trích Tổng Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội

Đời sống đạo đức của người tín hữu Chúa Ki tô trong chính trị.

n. 545: Người tín hữu giáo dân được mời gọi vung trồng một nền đạo đức giáo dân đích thực, tái sinh họ lại như là những con người mới, chìm ngập trong mầu nhiệm Thiên Chúa và được hội nhập vào trong xã hội; họ là những vị thánh và những vị có khả năng thánh hóa.

Lòng đạo đức thiêng liêng như vừa kể xây dựng thế giới theo đồ án Thánh Thần của Chúa Giêsu:

- khiến cho họ có khả năng nhìn qua bên kia lằn mức lịch sử, nhưng không xa rời lịch sử,

- khiến cho họ tăng trưởng mỗi ngày tình yêu say sưa đối với Thiên Chúa, nhưng không cất mắt mình khỏi anh em,

- khiến cho họ co khả năng nhìn anh em như Chúa nhìn và thương yêu anh em như Chúa thương yêu họ.

Đó là cách sống đời sống đạo đức xa cách với cách chỉ sống thiêng liêng nội tâm, mà cũng xa cách với lối sống náo động xã hội.

Đời sống Ki Tô hữu của họ là sống thể hiện bằng khả năng "tổng hợp", quy hướng hợp nhứt, tạo được ý nghĩa và niềm hy vọng cho cuộc sống từ những lý do đối nghịch và chia tách, rạn nứt.

Với cách sống đạo đức như vừa kể, người tín hữu giáo dân có thể góp phần

- "như là men bột để thánh hoá thế giới từ bên trong, trong khi chu toàn các phận vụ của họ dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm và như vậy họ... đem Chúa Ki Tô đến cho người khác, trước hết bằng chính nhân chứng của đời sống họ" (Lumen Gentium, n. 31).

n. 546: Người tín hữu Chúa Ki Tô phải kiện toàn đời sống thiêng liêng và luân lý, học hỏi nghiên cứu để có khả năng chuyên môn cần thiết cho việc dấn thân phục vụ xã hội.

Đào sâu những nguyên nhân nội tâm và học biết cách hành xử tương ứng cho công cuộc dấn thân phục vụ xã hội và chính trị là một chương trình tiến triển năng động và không ngừng của giáo dục, nhằm phối hợp được đời sống và đức tin, trong nhiều mối liên hệ chằng chịt và phức tạp của vấn đề.

Thật vậy kinh nghiệm cho thấy

- "không thể có hai con đường song song nhau: một bên là đời sống thiêng liêng với những giá trị và đòi buộc của mình; bên kia là đời sống trần thế, hay đời sống gia đình, việc làm, các tương quan xã hội, phận vụ chính trị và văn hoá" (ĐTC Gioan Phaolồ II, Christifideles laici ( 1989), n. 59).

Người tín hữu Chúa Ki Tô dấn thân vào chính trị phải là con người có khả năng tổng hợp nhịp nhàn giữa đời sống thiêng liêng và các chuyên lo trần thế.

Một con người có cuộc sống tổng hợp tốt đẹp lý tưởng như vừa kể, không phải chúng ta có được tự nhiên trên trời rớt xuống, mà là con người phải được đào tạo mới có được.

Điều vừa kể cho thấy phận vụ không thể thiếu của

- các họ đạo,
- của các trung tâm đào tạo công giáo,
- học viện thần học, cũng như các học viện xã hội-chính trị học,

để rèn luyện người tín hữu Chúa Ki Tô có khả năng tổng hợp đời sống đạo đức và kiến thức chuyên môn liên quan đến các lãnh vực trần thế, mà họ nhằm phục vụ.

Tác phong "làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" có nhiều đòi hỏi:

- dành ưu tiên cho công ích, trước lợi thú cá nhân và phe đảng,

- không hành xử bằng hy sinh tiếng nói lương tâm và giá trị luân lý, để đạt được mục đích cấp tốc và lợi thú vật chất,

- chủ đích thực hiện hoà bình và công lý giữa mọi dân tộc,

- dành ưu tiên cho những ai không có ưu thế và bị loại ra bên lề xã hội.

"Làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" là người dấn thân dâng hiến mình để phục vụ anh em, nhưng đồng thời cũng là người biết dành lại những lằn mức chuẩn định cho đời sống chiêm niệm, thiêng liêng, sống với Chúa.

Thời gian dành cho cuộc sống cầu nguyện không phải là khoảng thời gian bị cướp lấy khỏi chuyên cần dấn thân chính trị, đúng hơn là thời gian thu thập nghị lực để tăng cường cường độ và hiệu năng cho chính trị.

Hay nói như Thánh Gioan Kim Khẩu (Giovanni Crisostomo):

- "Người cầu nguyện là người có đôi tay mình đang đặt trên tay lái con thuyền lịch sử" (G Lazzati, La preghiera del cristiano, AVE, Roma 1986, 22s).

NGUYỄN HỌC TẬP
Làm chính trị như người tín hữu Chúa Kito Reviewed by Admin on 2/12/2012 Rating: 5 (TNCG) - LÀM CHÍNH TRỊ NHƯ NGƯỜI TÍN HỮU CHÚA KI TÔ "Làm chính trị như người tín hữu Chúa Ki Tô" hay "làm chính trị&quo...

Không có nhận xét nào: