Thương cho roi cho vọt - nên hay không? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 2, 2012

Thương cho roi cho vọt - nên hay không?

Tường An(RFA) - Ngày xưa, ông bà chúng ta thường nói «Thương cho roi cho vọt». Thế nhưng nhân câu chuyện một ông thị trưởng ở Pháp bị phạt tiền và tù treo vì đã tát một đứa trẻ, liệu chúng ta có còn áp dụng được phương pháp đó nữa không?

Quan niệm người Việt

Cảnh con cái vòng tay thưa Cha Mẹ khi đi học hoặc khi đi học về, cảnh con cái nằm sấp xuống cho Cha Mẹ đánh khi lầm lỗi hầu như chỉ còn là chuyển cổ tích ở các xứ sở Tây Phương. Thậm chí ở Việt Nam ngày nay việc dạy con cái bằng cách đánh mắng cũng đã bị xã hội lên án. Một bài trên Việt Nam Net nói rằng «Không cần roi vọt, thậm chí cũng chẳng phải quát mắng, chỉ cần điều chỉnh giọng điệu, bạn sẽ dễ dàng thu phục được đứa trẻ».

Đó quả là một phương pháp khá lý tưởng nếu chúng ta đạt được thành công ở mọi đứa trẻ.

Thực tế, nhiều bậc Cha Mẹ Việt Nam cũng nhìn nhận rằng, từ quan niệm không được đánh trẻ, không nên áp đặt để cho trẻ được tự do phát triển đã dẫn đến những hậu quả tai hại là đến một lúc nào đó trẻ em đã không biết được giới hạn của mình và đã lạm dụng quyền tự do đến độ trở thành hỗn hào.

Gần đây, một chuyện đã làm xôn xao dư luận Pháp là : Ngày 17 tháng 2 vừa qua, ông Maurice Boisart, thị trưởng Cousoldre, một làng nhỏ ở miền Bắc nước Pháp bị phạt 1000 € và tù treo vì tội cách đây gần 2 năm, ngày 24 tháng 8 năm 2010 ông đã tát một đứa bé trai 16 tuổi khi nó leo qua một hàng rào công cộng để lượm trái banh, ông bắt được nhiều lần, khi ông la cậu ta thì cậu ta mắng lại ông và dọa giết ông, thế là ông ta cho cậu bé một cái tát.

Ngoài 1000 €, ông còn phải bồi thường cho cậu bé 250 € tiền tổn thương đạo đức và 500 € phí tổn tòa án. Ông thị trưởng 62 tuổi nói với báo chí rằng ông cảm thấy bị xúc phạm. Thống kê cho thấy có 74% dân số chống lại phán quyết của tòa án, 21% cho bản án là hợp lý và 5% không có ý kiến.

Người Việt mình ở Pháp thì nghĩ thế nào về bản án này ? Chị Hòa, một cư dân ở Paris thì không đồng ý với bản án đó :

«Không đồng ý ! Thời bây giờ con nít phải tôn trọng người lớn tuổi chứ ! Rầy nó là phải rồi, đương nhiên. Rầy mà nó còn hỗn, chửi lại nữa thì tôi, tôi cũng tát nữa, nói chi ông đó !»
Không đồng ý ! Thời bây giờ con nít phải tôn trọng người lớn tuổi chứ ! Rầy nó là phải rồi, đương nhiên. Rầy mà nó còn hỗn, chửi lại nữa thì tôi, tôi cũng tát nữa, nói chi ông đó!
Chị Hòa, Paris

Chị Minh, ngụ tại Lille, miền bắc nước Pháp cũng nằm trong số 74% phản đối bản án, chị nghĩ rằng hành động tát một đứa trẻ vì nó hỗn cũng là phương pháp giáo dục của người Á châu chúng ta :

«Đối với người Á châu mình là đúng. Chị nghĩ cũng tội nghiệp ổng là vì khi ông phải tát đứa nhỏ là ông cũng cảm thấy mình bất lực rồi.Nhiều khi nó khiêu khích ổng quá đáng chứ có ai mà khùng như vậy. Cha Mẹ đứa nhỏ đâu có ở đó đâu mà thấy nó khiêu khích người ta ? Khiêu khích rồi làm như nạn nhân để cho Cha Mẹ đi kiện »

Một nhận định trên báo Lao Động là «Trẻ em dù cho có lỗi gì đi nữa thì người cần nên sửa chữa đầu tiên không phải là trẻ em mà chính là ... người lớn. Chính cách giáo dục của họ có vấn đề chứ không phải do trẻ em». Chị Minh cũng đồng tình với nhận định đó ở điểm: chính người lớn cần được giáo dục về cách dạy dỗ con cái:

«Cha Mẹ không dạy con để con mất dạy như vậy. Đáng lẽ Cha Mẹ thấy vậy còn phải phạt thêm nữa chứ không phải đi kiện. Lẽ ra, Cha Mẹ mới là người cần được giáo dục.»

Ngược lại, Chị Lợi, ngụ tại Bondy, ngoại ô Paris thì đồng tình với bản án này vì chị nghĩ rằng chỉ có Cha Mẹ mới được quyền đánh con cái của mình, chị nói :

«Cái hành động của ổng không đúng mà cái hình phạt này đối với ổng là đúng. Ở đây là không nên đánh con nít vì ở đây không cho đụng đến con nít. Mà theo chị, nếu mà chị đứng vô người Mẹ của đứa nhỏ đó chị cũng không muốn ổng đánh con mình. Nhưng mà nói về phía người Việt của mình thì ổng hơi bị oan một chút.»

Phải tôn trọng trẻ

Bé trai đang đọc sách trước một tiệm
sách ở ngọai thành Hà Nội. Ảnh: AFP
Từ những ý kiến bênh và chống bản án ấy, vấn đề đặt ra là cách giáo dục con cái ở xã hội hiện nay ra sao ? Nhất là ở các xã hội Tây Phương, nơi mà quyền riêng tư (privacy) của con người, tự do cá nhân được bảo vệ tuyệt đối. Hơn nữa, trong những xã hội phồn vinh, trẻ con càng được nuông chiều. Chị Hòa nhận xét như sau về sự giáo dục con cái trong các gia đình Pháp :

«Giáo dục bên đây rất lỏng lẻo, họ nói rằng để cho trẻ em được tự do để nó tự do phát triển. Nhưng tự do quá trớn đi rồi không rầy la nó, thành ra chữ tự do đó bị lợi dụng. Mình sống ở xứ Pháp nhưng có lẽ tại tôi già rồi nên đầu óc cũng còn cái tôn ti trật tự của Việt Nam mình, con nít thấy người lớn mình là phải lễ phép. Việt nam mình có câu 'Tiên học lễ, hậu học văn'."


Chị Minh cũng nhận thấy rằng trẻ con ngày nay, không chỉ ở Tây phương mà ngay cả ở Việt Nam cũng trở nên hỗn hào vì được nuông chiều quá đáng :

«Con nít bây giờ nó hỗn hào quá đáng. Ngày xưa, mình thấy ông bà giáo ngoài đường là trốn. Uống nước mía, ăn bò bía mà thấy bà giáo đi ngang là trốn. Ngay cả Việt Nam bây giờ cũng bắt chước Âu Châu, cái giáo dục là bị thả lỏng quá đáng : muốn làm gì làm, muốn học thì học, không học thì thôi. Tình dục cũng vậy, 14-16 tuổi đi chơi với bạn trai là thường. Việt Nam mình bây giờ bắt đầu nuông chiều, con các đại gia cũng nuông chiều nên con mới hư là như vậy đó.»

Từ Hà Nội, chị Thủy nói tuy biết rằng xã hội ngày nay không chấp nhận, nhưng riêng chị đôi khi vẫn phải đánh trẻ để răn dạy:

"Nếu ở thành phố thì họ dạy theo cách dần dần theo nước ngoài. Nhưng đa số thì vẫn phét đít luôn. Việt nam mình thì chẳng những bạt tai mà còn đánh luôn. Em rất nóng, em là bạt tai luôn đó chứ, nhưng vì điều kiện không là không thể được. Bởi vì tuổi đó là tuổi rất nhạy cảm. Có thể nó bỏ nhà đi luôn."


Chị Lợi thì cho rằng phải dùng tình cảm để giáo dục con cái, điều mà các bậc Cha Mẹ phương Tây không có :

«Tây này nó tự do quá, mà đối với mình cho tự do vậy là chết ! Giáo dục của nó không có những tình cảm bằng người Mẹ Việt Nam, nó chỉ rằng nuôi cho lớn như vậy thôi, đến 18 tuổi thì nó thẩy ra đường. »


Dù đồng ý hay không với bản án dành cho ông thị trưởng, nhưng có lẽ phần lớn các bà Mẹ Việt Nam đều cùng chung một ý nghĩ rằng ngày nay, giáo dục con cái bằng roi vọt đã không còn có thể áp dụng được, tuy nhiên, một cái đánh vào mông, vào má để răn đe vẫn còn cần thiết.

Chị Hòa :

«Con nít khi nó chưa biết thì mình phải đánh cho nó sợ vậy thôi. Nếu nó không nghe lời tôi, tôi cũng phát 2,3 cái vô đít. Khi nào nó làm bậy thì mình rầy nó. Khi nó lớn thì mình phải cắt nghĩa cho nó nghe chứ mình không được đánh nó. Nhưng mà nếu nó hỗn quá thì tôi nổi nóng tôi cũng đánh nó !»


Chị Lợi :

«Đối với chị, nếu chị dạy dỗ con chị không được thì chị phải đánh, nhưng không phải đánh như kẻ thù. Không ! Mình đánh nó là mình khuyên nó, mình dạy nó, chị bắt nó nằm xuống để đánh !»


Theo chị Thủy, phương pháp dạy con cũng phải tùy theo tuổi tác, giới tính và nhiều điều kiện khác nữa :

"Tùy theo lứa tuổi, ưu điểm, nhược điểm nó như thế nào. Phương pháp dạy con không thể áp dụng chung cho mọi lứa tuổi, giới tính nữa. Thí dụ như cấp 2, cấp 3 thì tâm lý nó chưa ổng định, nếu như dùng cách đánh con để dạy con thì sẽ phản tác dụng hơn. Em nghĩ rằng theo lứa tuổi : lứa tuổi dậy thì thì không nên đánh con để dạy, nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Đứa nhỏ mà hư thì mình có thể mắng để làm cho bé sợ. Em nghĩ lứa tuổi lớn hơn thì không nên đánh."

Đồng quan điểm ấy, Chị Minh nghĩ tùy theo tâm tính của đứa trẻ mà có những cách giáo dục khác nhau :

«Phải nói là tùy đứa nhỏ, có đứa chịu ngọt, không có phải nặng đòn. Cưng quá cũng hư, đánh quá cũng không được. Chị thì chắc chắn là chống lại sự hỗn hào, nhưng mà tát một cái hay đánh 1 cái vào đít thì được. Ai có con cũng đều có lần tát vào má của con cả. Đó không phải là vũ lực. Giáo dục thì tùy thuộc vào mỗi đứa trẻ. Nhưng mà đối với những đứa trẻ hỗn hào thì phải đánh là chuyện đương nhiên. Giáo dục con cái thật là khó !»

Chị Thủy nghĩ rằng tâm lý của mỗi trẻ em cần được quan tâm trong quá trình giáo dục :

"Mình là Cha Mẹ thì mình phải biết phương pháp nào dạy con mình là phù hợp nhất. Gặp bạn bè thì hỏi xem con cái lúc này như thế nào ? Có thể do ảnh hưởng chung quanh, đi học bạn bè không chơi với mình, bị bắt nạt ở trường. Cần gặp một chuyện gia tâm lý thì nó hay hơn vì có thể Cha Mẹ không hiểu được tâm lý con cái."

Cần đối thoại với trẻ

Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, một chuyên gia tâm lý về giáo dục ở Sài Gòn, cho rằng giữa Cha Mẹ và con cái cần có sự đối thoại và trong những trường hợp đặc biệt cũng cần có sự phối hợp của các chuyên gia tâm lý:

"Nói chung thì trẻ con không ai khuyến khích những hành động có hơi thô bạo như vậy. Cần nói chuyện để Cha Mẹ và con cái hiểu nhau và đồng thời đứa trẻ định ra tác phong sống, hành vi sống của nó. Hình ảnh mẫu của Cha Mẹ nó nữa. Ngoài ra còn các điều kiện chung quanh, cuộc sống gia đình, học đường, bạn bè. Dù rằng có đánh hay không đánh thì có lẽ phải dựa trên cơ sở là quan hệ tình cảm có bền chặt hay không.

Những lúc Cha Mẹ ứng xử thì đứa con phải hiểu được là tại sao Cha Mẹ ứng xử như vậy. Có nhiều trường hợp cá biệt, có trẻ một phần là do tính nết, một phần là Cha Mẹ không quản lý được con cái. Xã hội bây giờ phát triển phức tạp hơn ngày xưa, cho nên những gì thuộc về hành vi ứng xử của trẻ con biểu hiện là đứa trẻ không thích nghi được với đời sống chứ không phải bản thân của nó hoàn toàn là hư. Cho nên là cần đến những nhà tâm lý, những nhà giáo dục. Phải phối hợp với các chuyên gia về giáo dục học, về tâm lý học để giúp cho Cha Mẹ có những kế hoạch giúp cho đứa trẻ thích nghi được với đời sống."

Trang vnexpress ngày 17 tháng 11 năm 2010 đăng bài viết của một độc giả ký tên T.D.Q. đóng góp về cách giáo dục trẻ hư trong học đường. Người viết quan niệm rằng nhiệm vụ của nhà giáo không chỉ là dạy cho học sinh được điểm cao mà còn là hướng cho chúng có được một nền tảng vững chắc về các quan điểm giá trị. Và để chúng có được một nền tảng đó, một chút hình phạt không phải là việc không chấp nhận được. Tác giả T.D.Q. phân biệt :

Một, hai cái vụt vào tay không khiến cho trẻ cảm thấy bị nhục mạ. Nhưng bắt chúng nằm lên bàn và thẳng cách quật bằng cán chổi là việc hoàn toàn khác.
Tác giả T.D.Q

«Một cái vụt bằng thước kẻ vào tay sẽ khiến chúng nhớ lâu hơn là một vài trang chép phạt… Một, hai cái vụt vào tay không khiến cho trẻ cảm thấy bị nhục mạ. Nhưng bắt chúng nằm lên bàn và thẳng cách quật bằng cán chổi là việc hoàn toàn khác.»

Bài viết đã được 127 ý kiến phản hồi và gần như tất cả đều biểu đồng tình với tác giả. Điều ấy cho thấy rằng quan niệm « thương cho roi cho vọt » vẫn còn có chỗ đứng trong xã hội ngày nay dù roi vọt ở đây không phải là roi mây hay củi tạ như xưa.

Ngoài ra, tác giả T.D.Q. cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của Cha Mẹ không phải chỉ là đem một cái phong bì đến trường và « trăm sự nhờ cô » mà họ còn phải dành thời gian để quan sát, tìm hiểu, hướng dẫn con cái. Nếu cần, họ phải ngồi lại với giáo viên của con mình dù bận bịu đến mấy với cơm áo gạo tiền.

Tường An, thông tín viên RFA  

Thương cho roi cho vọt - nên hay không? Reviewed by Admin on 2/22/2012 Rating: 5 Tường An(RFA) - Ngày xưa, ông bà chúng ta thường nói «Thương cho roi cho vọt». Thế nhưng nhân câu chuyện một ông thị trưởng ở Pháp bị...

Không có nhận xét nào: