BBC - Một số quan chức liên quan vụ bê bối ở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tức Vinashin, vốn làm chấn động nền kinh tế Việt Nam cuối cùng đã bị đưa ra xét xử tại Hải Phòng vào sáng thứ Ba ngày 27/3.
Bị cáo chính trong phiên tòa kéo dài bốn ngày là ông Phạm Thanh Bình – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinashin.
Cùng ra tòa với ông Bình là tám bị cáo khác vốn từng là thuộc cấp của ông ở tập đoàn.
Thẩm phán Trần Văn Nhiên, chánh Tòa kinh tế của Tòa án Hải Phòng, chủ tọa phiên tòa mà hiện mới chỉ bắt đầu thu hút các bình luận trong và ngoài nước.
Tất cả chín bị cáo bị truy tố theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự của Việt Nam về tội ‘cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.
Đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước đã đến dự thính phiên tòa, tức theo dõi qua màn hình ở một phòng khác.
Trước đó, yêu cầu của BBC Tiếng Việt muốn được về Hải Phòng tham gia theo dõi phiên tòa đã không được chấp thuận.
Theo truyền thông trong nước thì có tổng số 18 luật sư tham gia bào chữa cho 9 bị cáo. Ngoài ra tòa còn triệu tập 15 người làm chứng.
Trong ngày đầu tiên của phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát đã đọc cáo trạng. Sau đó Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi và thẩm vấn các bị cáo.
Theo cáo trạng thì ông Bình và các bị cáo khác bị truy cứu trách nhiệm trong các dự án tàu Hoa Sen, nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân, bán tàu Bạch Đằng Giang.
"Mọi người quan tâm đến tương lai Vinashin và nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ được giải quyết như thế nào chứ không phải là mức án bao nhiêu năm tù mà các vị này sẽ lãnh."
Một chuyên gia kinh tế giấu tên nói với AFP
Các dự án đầu tư này đều làm thất thoát từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo tường thuật của báo mạng VnExpress thì ông Bình đồng tình với cáo trạng của Viện kiểm sát. Tuy nhiên ông cho rằng ông phải làm như vậy ‘vì điều kiện khách quan’.
‘Không trấn an được’
Trong ngày khai mạc phiên tòa, hãng tin Pháp AFP đã có bài viết phỏng vấn ý kiến các chuyên gia về phiên xử được trông đợi ở cả trong lẫn ngoài nước này.
Các chuyên gia được AFP phỏng vấn đều cho rằng phiên tòa này chẳng giúp gì nhiều để trấn an các nhà đầu tư về các khó khăn kinh tế của Việt Nam.
Vinashin gần như lâm vào tình cảnh phá sản hồi năm ngoái với các món nợ hơn 4 tỷ đôla. Tình hình Vinashin đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các công ty thuộc sở hữu nhà nước – một cấu thành quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Đưa một số lãnh đạo tập đoàn ra tòa sẽ ‘không có tác động gì đáng kể’ đối với vấn đề cốt yếu đối với Việt Nam hiện nay là cải cách các doanh nghiệp nhà nước và do đó khó có thể làm yên lòng các nhà đầu tư nước ngoài, AFP dẫn lời một nhà kinh tế trong nước cho biết.
Ông Bình đã nhiều năm lãnh đạo Vinashin |
“Mọi người quan tâm đến tương lai Vinashin và nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ được giải quyết như thế nào chứ không phải là mức án bao nhiêu năm tù mà các vị này sẽ lãnh,” nhà kinh tế này nói với điều kiện giấu tên.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước, phần nhiều trong số này được nhiều người nhìn nhận là được quản lý yếu kém, nắm giữ khoảng 2/3 số vốn và giá trị tài sản ở Việt Nam và có mối quan hệ gần gũi với các quan chức chính quyền.
“Vấn đề thật sự ở đây là liệu có một cơ chế quản lý mới cho các doanh nghiệp nhà nước hay không và liệu chính phủ (Việt Nam) có nghiêm túc giải quyết vấn đề ‘thua lỗ, tham nhũng và cố ý làm trái’ ở các công ty nhà nước hay không,” chuyên gia này nói.
Trong năm 2011, Việt Nam đã phải tái tập trung vào việc bình ổn nền kinh tế để đối phó với giá cả tăng vọt và các thách thức khác trong khi các chuyên gia nhận xét rằng đa phần các khó khăn kinh tế của nước này là do sự lệ thuộc của Hà Nội vào các doanh nghiệp nhà nước như là động cơ phát triển công nghiệp.
Sẽ có nhiều Vinashin?
Trừ phi tất cả các doanh nhiệp nhà nước được cải cách và bị tước bỏ tất cả các đặc quyền và được biến thành các ‘doanh nghiệp thật sự’, nếu không Việt Nam sẽ có thêm nhiều vụ Vinashin hơn nữa, gây tổn thương cho triển vọng kinh tế nói chung của đất nước, chuyên gia này nói thêm.
Nếu bị kết tội, ông Bình sẽ chịu mức án tối đa là 20 năm |
Các chuyên gia cũng cho rằng trước khi lâm vào cảnh gần như phá sản thì Vinashin được xem là một hình mẫu mới của các doanh nghiệp nhà nước với kỳ vọng sẽ đi đầu trong nỗ lực cạnh tranh trên trường quốc tế của Việt Nam.
Năm 2008, tập đoàn này có các hợp đồng trị giá 6 tỷ đôla trong sổ sách, 60.000 nhân viên, 28 nhà máy đóng tàu với tỷ lệ tăng trưởng được dự đoán ở mức 35% một năm, theo công ty tư vấn Oxford Analytica.
Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình từng được báo chí dẫn lời rằng cho đến năm 2015 Việt Nam sẽ trở thành nước đóng tàu lớn thứ tư trên thế giới.
Tuy nhiên tập đoàn này sau đó đã sụp đổ dưới một núi nợ vào năm 2010. Chủ tịch Bình và tám lãnh đạo khác của tập đoàn đã bị truy tố vào tháng 11 về tội cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Khung hình phạt dành cho tội danh này sẽ có mức án tối đa là 20 năm tù.
Theo cáo trạng của cơ quan công tố thì các bị cáo này đã có ‘những sai phạm nghiêm trọng’ trong nhiều dự án khi lãnh đạo tập đoàn Vinashin.
"Họ (các bị cáo) sẽ chia sẻ hình phạt... để trấn an các nhà đầu tư nước ngoài rằng các cải cách ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và đấu tranh chống tham nhũng đang được tiến hành."
GS Carl Thayer, Học viện quốc phòng úc
Toàn bộ chín cựu quan chức tập đoàn đã bị tạm giam kể từ khi bị bắt vào tháng 8/2010. Việt Nam cũng đã công bố lệnh truy nã quốc tế đối với hai quan chức cấp cao khác của tập đoàn.
“Họ (các bị cáo) sẽ chia sẻ hình phạt... để trấn an các nhà đầu tư nước ngoài rằng các cải cách ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và đấu tranh chống tham nhũng đang được tiến hành,” GS Carl Thayer, một học giả chuyên về Việt Nam từ úc, nhận xét.
Áp lực lên thủ tướng
Tuy nhiên phiên tòa này sẽ chẳng làm được gì nhiều để giải quyết các vấn đề bên trong cũng như cải thiện chỉ số tín nhiệm quốc tế của Việt Nam vốn đã giảm rất nhiều do những khoản tín dụng dễ dãi dành cho các doanh nghiệp Nhà nước, GS Thayer nói với AFP.
Các tập đoàn như Điện lực Việt Nam, nhà độc quyền cung cấp điện thuộc sở hữu Nhà nước cũng đang gặp khó khăn về tài chính mà người đứng đầu đã bị cách chức hồi đầu năm, cũng đang gặp vấn đề tương tự như Vinashin.
Vụ việc Vinashin đã gia tăng áp lực lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người chỉ định ông Phạm Thanh Bình đứng đầu tập đoàn và được cho là có quan hệ gần gũi với ông này.
"Nó (Vinashin) hoạt động hoàn toàn vì mục đích chính trị mà người ta đặt ra cho nó chứ không phải hoạt động trên cơ sở làm ăn sinh lợi."
TS Nguyễn Quang A
Vào lúc vụ việc Vinashin nóng lên đến đỉnh điểm vào năm 2010, một vị đại biểu Quốc hội thậm chí còn kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Dũng – một việc chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
Thủ tướng Dũng đã nhận trách nhiệm về vụ việc trước Quốc hội vào tháng 11/2010 và việc này đã làm xuất hiện những chỉ trích gay gắt hơn nữa nhắm vào ông.
“Vụ Vinashin gần làm chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông ấy (Thủ tướng Dũng),” ông Benoit de Treglode, giám đốc Viện nghiên cứu Đông nam á đương đại của Pháp có trụ sở ở Bangkok, nhận xét với AFP.
Các cuộc điều tra của công an trong vụ Vinashin tập trung vào việc thua lỗ 43 triệu đô la – phần lớn trong số này được cho là biến mất trong các dự án phát triển một tàu cao tốc chở khách và một nhà máy điện hoạt động không hiệu quả.
Vào tháng 12 năm 2010, Vinashin vỡ nợ với khoản 60 triệu đô la đầu tiên trong khoản vay trị giá tổng cộng 600 triệu đô la của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse vào năm 2007. Tuy nhiên cho đến giờ vẫn chưa có thông tin gì thêm về thỏa thuận giải quyết khoản nợ này.
Phản ứng các giới
Vinashin được Nhà nước ưu đãi và các lãnh đạo tập
đoàn có quan hệ với nhiều quan chức chính phủ |
BBC đã phỏng vấn một số nhân vật trong nước về phiên tòa này ngay trong ngày 27/3.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho biết việc đưa Vinashin ra xét xử công khai cho thấy ‘Chính phủ Việt Nam muốn có hành động thực sự mạnh mẽ để cải thiện hiệu quả của khu vực này (Nhà nước) và cả nền kinh tế’.
Ông Thiên cũng thừa nhận là ở các tập đoàn kinh tế nhà nước thì hiệu quả sử dụng vốn đồng tư chưa ‘đạt được hiệu quả cao như mong đợi’.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nhận xét rằng hậu quả của vụ Vinashin là ‘khi các doanh nghiệp Việt Nam muốn đi vay nợ nước ngoài thì phải trả giá cao hơn’ bởi vì ‘mức tín nhiệm của đất nước bị hạ thấp’.
“Cái sai cốt lõi là ở đường lối phát triển kinh tế của Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này được ghi trong nghị quyết của Đại hội Đảng đặt kinh tế Nhà nước là chủ đạo,” ông nói.
“Nó (Vinashin) hoạt động hoàn toàn vì mục đích chính trị mà người ta đặt ra cho nó chứ không phải hoạt động trên cơ sở làm ăn sinh lợi,” ông nói thêm.
Nhận xét về trình tự pháp lý của phiên tòa, Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân nhận xét rằng nếu xét theo các quy định hiện hành thì phiên tòa diễn ra ‘đúng luật’.
Tuy nhiên, Luật sư Quân cũng cảnh báo vụ án Vinashin đang có dấu hiệu thu hẹp dần về mức độ thiệt hại, về cấp tòa xét xử và về mức án.
"Nếu tính ra 910 tỷ này chia đều cho các cá nhân vi phạm thì là không bao nhiêu."
Luật sư Lê Quốc Quân
Ông Quân chỉ ra là nếu xét xử theo điều 165 Bộ luật hình sự thì mức độ cố ý làm trái chỉ vào khoản trên 900 tỷ đồng, tức là chưa tới 1/80 khoản nợ 80.000 tỷ của tập đoàn này.
“Nếu tính ra 910 tỷ này chia đều cho các cá nhân vi phạm thì là không bao nhiêu,” ông nói.
Một dấu hiệu vụ việc bị thu hẹp là vấn đề từng được đưa ra Quốc hội chất vấn mà truy cả trách nhiệm của thủ tướng mà bây giờ ‘chỉ dồn lên ông tổng giám đốc và đưa về xét xử ở Hải Phòng’ trong khi vụ việc còn xảy ra ở nhiều tỉnh khác nữa.
Ông Quân cũng nêu quan ngại về bản án sơ thẩm tối đa chỉ 20 năm vốn có thể được giảm trong phiên phúc thẩm do xem xét các yếu tố nhân thân.
“Theo luật Việt Nam thì thi hành án được 1/3 thời gian thụ án thì có thể được đặc xá,” ông nói.
Không có nhận xét nào: