Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường hợp tác chiến lược đối phó với Trung Quốc - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 3, 2012

Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường hợp tác chiến lược đối phó với Trung Quốc

TTXVN  Chiến lược gia người Ấn Độ Kautilya có nói rằng “người hàng xóm của bạn là kẻ thù của bạn và người hàng xóm của người hàng xóm của bạn là bạn của bạn”. Theo ông Edouard Pflimlim. nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), phương châm này dường như áp dụng được cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản đang ngày càng phát triển, đặc biệt khi phải đối mặt với “sự trỗi dậy hòa bình” (theo Bắc Kinh) của Đế chế Trung Hoa. Dưới đây là quan điểm của ông về vấn đề này đăng trên tạp chí “AffairesStratégiques”.

Hai sự kiện sau đây minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chiến lược cũng đang ngày càng được tăng cường giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Ngày 29/1, một cuộc tập trận chung với sự tham gia của tàu chiến và trực thăng thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ và Nhật Bản diễn ra ở ngoài khơi vịnh Bengan, gần Chennai (Madras cũ), nhằm chứng tỏ khả năng phối hợp tác chiến của Hải quân hai nước, cụ thể nhằm chống cướp biển trong Ấn Độ Dương. Sự có mặt trong cuộc tập trận này của đại diện ReCAAP, một trung tâm thông tin về cướp biển có trụ sở tại Xinhgapo và được thành lập theo sáng kiến của Nhật Bản, cho thấy sự kiện này được các chuyên gia trong khu vực rất coi trọng. Cuộc tập trận đó, được thông báo từ tháng 11/2006 và được tổ chức hai năm một lần ở ngoài khơi bờ biển một trong hai nước, là hình mẫu của mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Tôkyô và Niu Đêli trong các vấn đề chiến lược.

Một sự kiện khác diễn ra gần đây khẳng định thêm xu thế này. Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihiko Noda, đã gặp người đồng cấp Ấn Độ, Manmohan Singh, tại Niu Đêli. Hai Thủ tướng ra tuyên bố chung cho biết các lĩnh vực hợp tác chiến lược được mở rộng, từ các vấn đề an ninh đến trao đổi kinh tế, tài chính và thương mại.

Một mối quan hệ như vậy không phải là do ngẫu nhiên mà xuất phát từ sự cần thiết. Mối đe dọa ngày càng tăng đang đè nặng lên cả Tôkyô lẫn Niu Đêli, hay cả hai đều cảm thấy, nảy sinh từ sự phát triển quân sự của Trung Quốc, tình hình bất ổn định do nạn cướp biển quốc tế gây ra cả hai nước phụ thuộc tới 97-100% vào buôn bán bằng đường biển, mối đe dọa của Bắc Triều Tiên (thử hạt nhân, bắn tên lửa đạn đạo, chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho Pakixtan vốn là kẻ thù của Ấn Độ), dẫn đến sự trùng hợp về quan điểm và lợi ích chiến lược của hai nước.

Nhưng mối quan hệ này cũng náy sinh từ lịch sử. Chưa cần nói đến Phật giáo là nguồn sinh lực cho cả hai nền văn hóa, chỉ một thời gian ngắn sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Ấn Độ và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 28/4/1952). Thời điểm đó rất quan trọng trên hai phương diện: trước hết, Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên công nhận Nhật Bản bại trận và ký với nước này một hiệp ước hòa bình; hơn nữa, 2012 là năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập mối quan hệ giữa hai nước đã trở thành nền kinh tế thứ hai và thứ ba của châu Á.

Đúng là trong Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ dành ưu tiên cho đồng minh Nga trong khi Nhật Bản được che chắn bởi chiếc ô hạt nhân và quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, Liên Xô sụp đổ đã mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai người khổng lồ này. Sau các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998 khiến Nhật Bản ngừng khoản viện trợ – Ấn Độ là nước hưởng nhiều nhất viện trợ phát triển của Nhật Bản, vốn rất lớn, cao nhất thế giới về giá trị tuyệt đối – cho Ấn Độ, mối quan hệ phát triển rất mạnh trở lại vào đầu những năm 2000, Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản, Yoshiro Mori, vào tháng 8/2000 tạo sự thúc đẩy mang tính quyết định để tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ. Chuyến thăm đó tập trung vào vấn đề an ninh và nhiều thời điểm cũng như chuyến thăm khác đánh dấu sự phát triển mối quan hệ song phương trở nên sống còn đối với hai nước. Từ tháng 8/2000, các cuộc gặp hàng năm giữa hai Thủ tướng diễn ra, như ông Junichiro Koizumi thăm Ấn Độ tháng 4/2005, ông Manmohan Singh thăm Nhật Bản tháng 10/2006, ông Shinzo Abe thăm Ấn Độ tháng 8/2007 hay ông Manmohan Singh lại thăm Nhật Bản tháng 10/2008.. Các chuyến thăm này dẫn tới việc ký kết vào tháng 10/2008 Tuyên bố về hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Ấn Độ là nước thứ ba, sau Mỹ và Ôxtrâylia, có mối quan hệ như vậy với Nhật Bản, Các lĩnh vực hợp tác an ninh được xác định và hai nước còn muốn tăng thêm nữa. Đó là tổ chức các cuộc gặp

thường kỳ giữa Bộ trưởng Quốc phòng, các cuộc tập trận chung, tăng cường hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hay cùng kiểm soát thiên tai.

Hợp tác vẫn tiếp tục phát triển mặc dù thay đổi phe đa số trong Nghị viện Nhật Bản sau khi Đảng dân chủ Nhật Bản giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 30/8/2009 trước Đảng Dân chủ Tự do, đảng lãnh đạo Quốc hội gần như liên tục từ gần 50 năm nay. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 9/2009 của Thủ tướng Nhật Bản, Yukio Hatoyama, hai bên ra tuyên bố chung “Giai đoạn mới trong hợp tác chiến lược và tổng thể Nhật Bản – Ấn Độ” tạo công cụ mới để tăng cường hợp tác, cụ thể là mở rộng hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế, như giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân hay chống khủng bố. về phương diện cơ chế hợp tác, một trong những điểm quan trọng là quyết định tổ chức thảo luận 2+2 (Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng) ở cấp văn phòng và quan chức cấp cao.

Sự xích lại gần nhau giữa hai cường quốc châu Á này cũng xuất phát từ sáng kiến của Ấn Độ và chính sách hướng Đông của nước này do Thủ tướng Manmohan Singh đề xướng, đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản tìm kiếm đối tác vững chắc do không có láng giềng gần, thậm chí là láng giêng thờ ơ và yếu, tệ hơn nữa là thù địch. Sự xích lại gần nhau đó cũng mang ý nghĩa ngoại giao to lớn khi Ấn Độ và Nhật Bản cùng với Braxin và Đức tạo thành nhóm G4 bao gồm 4 cường quốc muốn có một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tiếp đó, chuyến thăm Ấn Độ ngày 27 và 28/12/2011 của Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihiko Noda, là cơ hội để nhấn mạnh đến hợp tác trên biển – cụ thể là đấu tranh chống cướp biển ở ngoài khơi Xômali, và sẽ được tăng cường vào năm nay và, xa hơn thế nữa, với các cuộc tập trận chung của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản Hải quân Ấn Độ.

Nhưng mối quan hệ chiến lược cũng có một mảng rất quan trọng về kinh tế. Thương mại song phương phát triển nhanh cho dù chưa bằng mức giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Một hiệp định tự do trao đổi hàng hóa – có tên CEPA hay Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện – được ký tháng 2/2011 giữa hai nước và có hiệu lực từ tháng 8 cùng năm đó, cho phép trao đổi thương mại song phương tăng lên mạnh mẽ. Cả hai Thủ tướng Yoshihiko Noda và Manmohan Singh ngày 29/12/2011 tuyên bố mục tiêu là đạt 25 tỷ USD trao đổi thương mại hai chiều từ nay đến năm 2014 (so với 4 tỷ vào năm 2002).

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihiko Noda, cụ thể hóa việc mở ra những lĩnh vực hợp tác và đầu tư mới được thảo luận từ nhiều năm trước đó. Nhật Bản sẽ đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng ở Ấn Độ, cụ thể là 4,5 tỷ USD từ nay đến năm 2015 để xây dựng một “hành lang công nghiệp” giữa Niu Đêli và Mumbai nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước này. Sau chuyến thăm này, Nhật Bản cũng thông qua một hiệp định tài chính trị giá 15 tỷ USD, qua đó cung cấp vốn để hỗ trợ đồng tiền Ấn Độ.

Hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân cũng sẽ phát triển. Ấn Độ quan tâm đến công nghệ dân sự của Nhật Bản cho dù vụ tai nạn hạt nhân ở nhà máy Fukushima làm chậm lại hiệp định này.

Triển vọng hợp tác Nhật Bản-Ấn Độ được các chuyên gia đánh giá là “xán lạn”, về phương diện thương mại song phương, tiềm năng là rất lớn nếu căn cứ vào mức độ khiêm tốn hiện nay – 15 tỷ USD năm 2011 (so với khoảng 340 tỷ giữa Nhật Bản và Trung Quốc) cũng như chênh lệch về mức sống – Tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người là 1.371 USD ở Ấn Độ so với 4.382 USD ở Trung Quốc – và sự năng động của nền kinh tế và dân số Ấn Độ.

Hợp tác hạt nhân là một lĩnh vực quan trọng khác và năm nay, theo một số chuyên gia, hai nước có thể ký một thỏa thuận. Tuyên bố chung giữa hai Thủ tướng Yoshihiko Noda và Manmohan Singh tái khẳng định tầm quan trọng về hợp tác hạt nhân giữa hai nước. Hai ông cũng hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong thương lượng giữa Nhật Bản và Ấn Độ về Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

về phương diện quân sự và an ninh, cái được mất đối với Ấn Độ và Nhật Bản là rất lớn. Đó là phát triển khả năng tương thích giữa Hải quân hai nước để làm sao gắn kết được với nhau một cách nhịp nhàng.

Thứ hai là phát triển các hệ thống phòng thủ và hợp tác về công nghệ cần thiết cho an ninh chung. Từ quan điếm đó, cuối tháng 12/2011, quyết định của Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ một phần hạn chế xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản có thể dẫn đến hợp tác. Tạp chí “Jane’s Defense Weekly” tính toán rằng chính sách mua vũ khí của Ấn Độ trong thời kỳ 2011 -2015 có thể lên tới khoản tiền khổng lồ 100 tỷ USD. Như vậy, các lĩnh vực có thể hợp tác được là rất nhiều. Một số chuyên gia còn cho rằng kể cả về phòng thủ chống tên lửa, Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước vốn cộng tác với Ixraen và Mỹ về vấn đề này, có thể cùng nhau làm việc trong tương lai.

Cuối cùng là hợp tác an ninh nằm trong khuôn khổ rộng lớn hơn là mối quan hệ chiến lược với Mỹ và đồng minh. Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản vào ngày 20/12/2011 đã tiến hành đối thoại tay ba tại Oasinhtơn và đề cập đến một số vấn đề khu vực và quốc tế. Ba nước tái khẳng định những “giá trị chung” và thống nhất gặp lại nhau tại Tôkyô trong năm nay.

2012 là năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ-Nhật Bản, do đó có thể sẽ có rất nhiều sự kiện và hợp tác song phương, vốn đã rất ấn tượng, có thể phát triển sâu rộng hơn./.
Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường hợp tác chiến lược đối phó với Trung Quốc Reviewed by Hoài An on 3/18/2012 Rating: 5 TTXVN  -   Chiến lược gia người Ấn Độ Kautilya có nói rằng “người hàng xóm của bạn là kẻ thù của bạn và người hàng xóm của người hàng xóm...

Không có nhận xét nào: