Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của Giáo Hội (3) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 4, 2012

Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của Giáo Hội (3)

Nguyễn Học Tập - Phẩm giá con người là nền tảng của đời sống xã hội.

Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (HDXHGH) về phẩm giá con người qua nhiều khuôn mẫu suy luận khác nhau, đã tìm cách cho thấy rằng ngay cả trong tư tưởng liên hệ cá biệt với trách nhiệm xã hội đòi buộc những suy tư của chúng ta cũng phải có liên hệ đến những gì là nền tảng nguyên cội của hành động con người, được hiểu một cách tổng quát.

Thông Điệp Veritatis Splendor (VS) hướng dẫn chúng ta cần phải liên tưởng đến mối tương quan giữa chân lý - tự do là những gì chuẩn bị cho trong mỗi thời điểm cuộc sống con người, dĩ nhiên hàm chứa cả cách sống xã hội ở mọi lãnh vực, tầng lớp, nói lên tầm quan trọng luân lý trong cuộc sống đó:

- "Như vậy, trong mỗi lãnh vực cuộc sống cá nhân, xã hội và chính trị, luân lý - được đặt nền tảng trên chân lý và chân lý được mở ra cho một nền tự do đích thực - luân lý đem đến một phục vụ nguyên thủy, bất khả thay thế và có giá trị to lớn , không những đối với mỗi cá nhân con người và nhằm tăng trưởng con người trong thiện hảo, mà còn cả cho xã hội và sự phát triển đích thực của xã hội" (VS n.101).

Xã hội, trong cách suy tư của Veritas Splendor, được coi như là một trong những yếu tố chính yếu kiến tạo nên tự do và tính cách hữu lý của con người, của bối cảnh trong đó con người được kêu gọi sống và tham dự vào (VS n. 55).

Cuộc sống xã hội, tức là động tác xã hội của con người, hàm chứa một định chuẩn phán quyết luân lý phải có (VS n. 101).

Trong lãnh vực hoạt động xã hội - không những chỉ là những hoạt động nhằm bảo vệ mạng sống con người, bảo vệ bầu không khí gia đình và mối liên hệ phái tính, như quan niệm thông thường hay đề cập đến - con người bị đặt dưới một loạt các mệnh lệnh luân lý, bất di dịch và phổ quát (có gia trị đối với mọi người) không ai có thể được miễn chuẩn khỏi phán đoán thực tế, ngay cả đối với những ai không có lòng tin tôn giáo cũng vậy.

Đó là những nguyên lý phổ quát mà mọi người chúng ta đều phải dư phần vào, để hướng dẫn các động tác của chúng ta, ví dụ như khi có người nào đó kêu gọi sự giúp đỡ của chúng ta. chúng ta phải quyết định
- Điều gì làm lợi ích cho con người anh ta,

- Và những lời yêu cầu của họ có chính đáng hay không và chính đáng lúc nào,

- Sự trợ giúp nào chúng ta phải đem đến giúp đỡ,

- Ai trong chúng ta phải trợ giúp và với những điều kiện nào.

Đó là những nguyên lý để quyết định

- Với nguyên cớ nào dựa vào đó con người có thể chính đáng đòi hỏi và đâu là những bổn phận liên đới hỗ tương phải có, phải chạm trán giải quyết những vấn đề chung cho cuộc sống xã hội và như thế nào,

- Phải có những đồ án nào để thiết định cơ chế quốc tế,

- Đâu là những mục đích mà các cơ chế đó phải nhằm đạt được,

- Đâu là những ưu tiên mà các cơ chế đó phải quyết định giải quyết ưu tiên,

- Các cơ chế đó gồm những bộ phận nào và phải trả lời với ai đối với các phận vụ mà những cơ chế đó bị quy trách.

Thiết tưởng chúng ta cũng nên phân biệt vấn đề các nguyên lý phổ quát và các nguyên lý tuyệt đối.

Tính cách phổ quát của một nguyên lý là những gì có liên hệ đến trương độ có giá trị của nguyên lý.

Trong khi đó thì đặc tính tuyệt đối là những gì có liên hệ đến tính cách luân lý của nguyên lý.

Nền tảng sát gần nhứt, kề cạnh nhứt của đặc tính tuyệt đối của nguyên lý, theo truyền thống Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, là phẩm giá con người, bản thể cá biệt của con người, mà tổ chức xã hội có liên hệ đến, không phải như là những gì ngoại vi hay được thêm vào, cho bằng là những gì thiết yếu, cấu trúc liên hệ mật thiết với cuộc sống con người.

Bởi đó nhiều lần Giáo Hội đã lên tiếng khẳng định:

"Nguyên lý, chủ thể và cùng đích của các cơ chế xã hội là và phải là con người" (VS n. 97).

Và đồng thời đó cũng là nền tảng và đặc tính vĩnh viễn của các lề luật có mục đích bảo vệ phẩm giá con người dưới mọi khía cạnh.

Ngoài ra, phát xuất chính từ con người và từ các đặc tính bất khả nhượng của con người, chúng ta có thể nói lên được các đòi buộc có liên hệ một cách cá biệt và trực tiếp để bảo vệ và chăm lo phổ quát đối với mọi con người.

Điều đó không có gì khác hơn là các đòi buộc hiện nay được diễn tả thành các quyền nguyên thủy và bất khả xâm phạm của con người.

Dĩ nhiên trước tình trạng nhân quyền hiện nạy, cần tìm ra được những lề luật luân lý phổ quát và vĩnh viễn thích hợp hơn cho các bối cảnh văn hoá hiện tại, nhứt là đối với dân chúng của những Quốc Gia đang bị biến thành dân oan, bị đánh đập, "trấn nước", "bịt miệng", bị biến thành nô lệ và bị buôn bán như súc vật (cfr. VS n. 53).

Thông Điệp Veritatis Splendor không nói rõ, nhưng đây sẽ là phạn vụ của các cuộc suy tư thần học chuẩn định cho thấy các nhu cầu đòi buộc của con người phải đụng độ với các điều khoản luật phi nhân, cũng như giải thích những đòi hỏi căn bản của con người trước tiến trình thay đổi văn hoá, để có thể tìm đuợc một sự hoà hợp thích đáng bảo vệ con người với phẩm giá thượng đẳng của mình.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể nhìn nhận một vài nguyên lý như là những nguyên lý tuyệt đối và bất khả nhượng, ví dụ như phẩm giá con người và từ đó tuyệt đối loại trừ các việc bạo hành trên thân xác cũng như dọa nạt trên tinh thần con người (cfr. Tiền Đề Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776).

. Những điều vừa kể, không có một nền luật pháp nào chính danh được cho phép.

Tuy nhiên cũng có những nguyên lý, không cần phải tuyệt đối, mới được coi là phổ quát.

Các nguyên lý phổ quát không phải tất cả đều có tầm quan trọng như nhau, cũng như các quyền của con người.

Các nguyên lý phổ quát cũng lệ thuộc vào các cuộc tranh chấp trong những hoàn cảnh khác nhau. Những nguyên lý đó, cũng như một số quyền của con người, là những quan niệm thuyết lý và không xác định ở nhiều tầm mức khác nhau. Các nguyên lý phổ quát cũng như quyền đó cần phải được giải thích và thích hợp hoá vào nhiều hoàn cảnh khác nhau và truyền thống khác nhau của các cộng đồng xã hội (cfr một số quyền căn bản của con người được tương đối hoá trong cuộc sống xã hội, vì lợi ích của mọi người và vì công ích, đã được đề cập ở trên).

Nếu các nguyên lý phổ quát hay quyền đó phải trở nên thành phần cấu trúc thiết yếu của đời sống cộng đồng, chúng phải được thiết định hoà hợp với các giá trị và truyền thống của cộng đồng.

Bởi đó các nguyên lý hổ quát phải được "trung gian điều giải" (mediation) bởi việc cộng đồng tự ý thức về chính mình (autocomprensioni) và các bối cảnh khác nhau của cộng đồng, được giải thích và sống bằng nhiều cách khác nhau và tạo nên những phương thức thực hành và cấu trúc khác nhau.

Các nguyên lý phổ quát có giá trị bắt buộc đối với mọi người, mọi xã hội, nhưng ý nghĩa, các mối tương quan nội tại , các phương thức liên hệ nhau và những hình thức thực hiện không phải ở đâu và lúc nào cũng như nhau.

Các lề luật luân lý bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, là những lề luật có ích để tồn giữ chính cấu trúc xã hội con người và phát triển viên mãn xã hội (VS n. 97).

Điều đó đã khiến cho ĐTC Gioan Phaolồ II đặt các lề luật luân lý trên lãnh vực nhân chủng học và luân lý nền tảng như là những đòi buộc luân lý xã hội, trong khi đó thì cách hành xử của thời đại chúng ta xem lề luật luân lý như chỉ là những đòi hỏi ngoại vi đối với các động tác phải có trong cuộc sống chung.

Tính cách tuyệt đối và phổ quát của các lề luật tiêu cực, dựa trên nền tảng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người , cho phép con người với tổ chức xã hội của mình

- Đặt giới hạn đối với những gì hành xử bất chính

- Và bắt buộc tối đa phải thực hiện đối với tất cả,

bằng cách thiết lập nên những điều kiện nền tảng, để cho xã hội có thể phát triển trong chiều hướng hoàn toàn công chính:

- "Bởi đó, mối liên kết bất khả phân giữa chân lý và tự do - là thể thức diễn tả ra mối liên hệ chính yếu giữa đức khôn ngoan và ý muốn của Chúa - có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho đời sống con người trong lãnh vực xã hội - kinh tế và xã hội - chính trị, như là những gì thể hiện lên từ Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, là môn thuộc về lãnh vực thần học và nhứt là thần học luân lý và từ phương thức trình bày như là những giới luật thiết định, không những liên quan đến cách hành xử tổng quát, mà cả đến thái độ chính xác và xác định thiết thực, trong đời sống xã hội, kinh tế và chính trị" (VS n. 99).

Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng nền thần học xã hội hay những hiểu biết có chuẩn định về kinh nghiệm xã hội, dưới ánh sáng đức tin, không thể không lưu tâm đến truyền thống giáo hội và như vậy đến những chỉ dẫn của quyền huấn dạy của Giáo Hội trong Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội.

Phận vụ của nền thần học xã hội là phận vụ, trong việc quan sát và chuẩn định những thực tại xã hội, nhắc nhở lại chân lý về con người trong nguyên cội của mình. Đó là sự thật về con người trước mặt Thiên Chúa và dưới đôi mắt của Thiên Chúa, chân lý về con người có được trong cuộc hội ngộ với Thiên Chúa.

Chúng ta đừng quên rằng Ki Tô hữu là người nhờ đức tin, được tham dự vào mầu nhiệm Chúa Ki Tô và trung tâm điểm của mầu nhiệm nầy là mối tương quan sống, trong một đời sống gương mẫu cho mọi đời sống, của cái chết và phục sinh của Chúa Kitô.

NGUYỄN HỌC TẬP(TNCG)
Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của Giáo Hội (3) Reviewed by Admin on 4/01/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập - Phẩm giá con người là nền tảng của đời sống xã hội. Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (HDXHGH) về phẩm giá con người qua n...

Không có nhận xét nào: