Trao Giải Thưởng Ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet. - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 3, 2012

Trao Giải Thưởng Ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet.

Paris – (TNCG) - Ngày 12-3-2012 vừa qua, nhân Ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet, tổ chức Ký Giả Không Biên Giới (RSF), có trụ sở tại Paris Pháp, đã cộng tác cùng với Google trao Giải Thưởng Công Dân Mạng Quốc Tế 2012. Đây là năm thứ ba giải này được trao tặng để tưởng thưởng các nhà báo, các bloggers hay những người thường lên mạng đã tích cực vận động cho tự do ngôn luận và tự do lưu truyền thông tin trên mạng Internet. Hội đồng giám khảo quốc tế bao gồm các chuyên gia về truyền thông, các bloggers và các đại diện của Ký Giả Không Biên Giới. 


Trong lễ nghi trao giải này, Ký Giả Không Biên Giới đã chào mừng hình thức làm báo mới mẻ này xuất hiện trên mạng và vinh danh những ký giả của thế giới mà người ta gọi là ảo với những con người thật, bằng xương bằng thịt. Kiểm điểm lại các giải đã được trao thưởng, ngưéơi ta ghi nhận : 

- 2010 : Iran trúng giải qua trang web www.we-change.org – Đây là trang web do một số phụ nữ đấu tranh đòi giải phóng phụ nữ và bình đẳng với nam giới. 

- 2011 : Tunisia được trao giải với trang mạng www.nawaat.org – Đây là một trang blog tập thể độc lập đạ đóng vai trò then chốt trong việc hạ bệ chế độ độc tài Ben Ali. Cũng nên nhắc ở đây là trong nàm 2011 giáo sư toán học Phạm Minh Hoàng, lúc đó đang còn trong tù đã được đề cử. 

- 2012 : Syria nhận giải được trao cho Các nhà báo-công dân của các Ủy Ban Phối Hợp Địa Phương tại Syria. Cũng như năm ngoái, năm nay RSF đã đề cử 6 cá nhân hay tập thể, trong đó có anh Paulus Lê Văn Sơn, một bloggers Việt Nam rất hăng say đưa các tin tức chính xác lên mạng về tình hình chính trị, ngoại giao, xã hội và nhất là những vi phạm các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận… Tuy không được trúng giải, nhưng Paulus Lê Văn Sơn và các bạn của anh đã được vinh danh trong buổi lễ và hình ảnh cũng như thành tích của anh đã được phổ biến trên toàn thế giới, kể cả tại Bêlarút, một nước trước đây thuộc Liên Xô, qua hệ thống Ký Giả Không Biên Giới. 


Trong Lễ Trao Giải, Ký Giả Không Biên Giới đã công bố bản Danh Sách Hàng Năm Những Nước Thù Địch Với Internet. Việt Nam đã được đưa vào danh sách này trong 3 năm liên tiếp và theo RSF thì không có chỉ dấu nào Việt Nam được lấy ra khỏi danh sách vì các chỉ dấu cho thấy chế độ cộng sảnViệt Nam ngày càng xiết chặt kiểm duyệt Internet, theo dõi, sách nhiễu, hành hung và bắt bớ, bỏ tù các bloggers. 

Danh Sách Các Nước Thù Địch Với Internet năm nay có 12 nước, xếp theo mẫu tự tên tiếng Anh của các nước thì danh sách bao gồm : Ả-rập Sê-út ; Bahrein ; Bê-la-rút ; Miến Điện - Trung Quốc - Bắc Triều Tiên – Cuba – Iran – Ouzbekistan – Syrie – Turkmenistan (Tuốc-mê-ni-xtan) và Việt Nam. 

Một bảng sắp hạng về tình trạng tôn trọng tự do báo chí đối với 178 nước trên thế giới do RSF thiết lập cho thấy Việt Nam đứng hạng thứ 165 ; Trung Quốc đứng thứ 168 ; Iran : 172 ; Syria : 173 ; Miến Điện : 174… Nhưng về thành tích bắt bớ, đàn áp các ký giả hay các bloggers thì Trung Quốc chiến kỷ lục với 30 nhà báo và 68 bloggers đang bị tù ; Iran đang giam giữ 25 nhà báo và 20 bloggers ; Việt Nam hiện đang giam cầm 5 nhà báo và 18 cư dân mạng ; Miến điện nhốt 4 ký giả và 1 blogger ; Syria đang cầm tù 25 nhà báo và 20 cư dân mạng… 


Sau lễ phát thưởng và công bố danh sách các nước thù địch với Internet, đã diễn ra một cuộc hội luận bàn tròn về đề tài « Mạng Internet là phương tiện cổ vũ tự do hay phương tiện đàn áp – Các bài học rút ra từ Mùa Xuân Ả-Rập »

Các phóng viên và bloggers cũng như các cư dân mạng đến từ Bêlôrút, Tunisia, Ai-Cập, Iran và Syria đã trao đổi với cử tọa những kinh nghiệm quý giá của họ trong các hoạt động đấu tranh trên mạng. 

Syria (lãnh giải 2012) : Kinh nghiệm đã tận dụng tất cả những phương truyền thông trên mạng như Facebook, YouTube, Skype…Điều cốt yếu là phải hàng ngày luân phiên thông tin cập nhật bằng tiếng Ả-Rập và tiếng Anh. 

Ai-Cập : Chính nhờ những đầu tư của chính phủ trong lãnh vực kỹ thuật mà chúng tôi có thể tạo ra cuộc cách mạng. Chúng tôi là thế hệ những người Ai-Cập tiến bộ và quyết tâm. Một blogger bị bắt thì sẽ có 10 người khác thay thế. 

Iran : Những nhà đấu tranh trên mạng đã thay thế truyền thông chính thức. Các blogs đã khiến cho những thế hệ trẻ được quần chúng biết đến. 

Bêlôrút : Kinh nghiệm của các nước Ả-Rập, rất tiếc không chỉ được những người tranh đấu xử dụng mà cả chính quyền cũng đã dùng làm phương tiện đàn áp và bôi nhọ. 

Những con số đáng buồn cho tự do báo chí của năm 2011 

66 ký giả bị giết chết 

1044 ký giả bị bắt (so với năm 2010 tăng 95%) 

1959 ký giả bị hành hung hay hăm dọa (so với năm 2010, tăng 43%) 

499 cơ quan truyền thông bị kiểm duyệt 

71 ký giả bị bắt cóc 

73 ký giả phải bỏ trốn ra nước ngoài 

5 cư dân mạng bị thiệt mạng 

199 bloggers hay cư dân mạng bị bắt (so với năm 2010, tăng 31%) 

62 bloggers hay cư dân mạng bị hành hung 

68 nước có liên can đến kiểm duyệt mạng Internet. 

Nói chung, so với năm 2019 các con số này đều tăng từ 10% đến 95%. Điều này chứng tỏ đang có một nỗ lực bóp ngẹt thông tin sự thật ở các nước độc tài đảng trị hoặc tôn giáo trị. Sự bóp nghẹt này càng ngày càng trở nên trầm trọng vì các chế độ độc tài đang lo sợ sự lan rộng của các cuộc cách mạng Bắc Phi và Trung Đông tới các quốc gia họ đang thống trị. Các chế độ này biết rõ là truyền thông Nhà Nước với những luận điệu tuyên truyền dối trá đã bị mạng lưới Internet lật tẩy bằng những thông tin sự thật từ những cư dân mạng hay bloggers. Khi người dân biết mình bị lừa gạt, phản bội, họ sẽ đứng lên làm cách mạng. 

Mạc Khải (TNCG) 

Hình ảnh TNCG
Trao Giải Thưởng Ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet. Reviewed by Hoài An on 3/16/2012 Rating: 5 Paris – (TNCG) - Ngày 12-3-2012 vừa qua, nhân Ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet, tổ chức Ký Giả Không Biên Giới (RSF), có trụ sở...

Không có nhận xét nào: