Tú Anh - Từ năm 2010 đến nay, giáo dân Cồn Dầu bị áp lực của chính quyền bán rẻ đất đai cho một công ty địa ốc. Hệ quả của biện pháp đàn áp là một người chết, một số bị xử án tù, nhiều giáo dân phải chạy sang Thái Lan tỵ nạn. Trong những ngày gần đây, công an hăm dọa những gia đình quyết tâm bám trụ và ra lệnh cấm linh mục giảng đạo trong vòng ba tháng. Công luận nghi ngờ có bàn tay của Mafia.
Hãng tin Công giáo Asia News.it cho biết giáo xứ Cồn Dầu, huyện Cẩm Lệ, tỉnh Đà Nẵng chuẩn bị đón chờ một đợt trấn áp mới.
Công an đe dọa sẽ dùng vũ lực trục xuất những ai chống lại lệnh cưỡng chế nhường 10 mẫu đất cho một công ty địa ốc xây dựng khu du lịch.
Trong những ngày qua, cán bộ chính quyền và công an đã đến tận nhà những giáo dân từ chối thi hành lệnh cưỡng chế ban hành cách nay hai năm.
Vào năm 2010, chính quyền Đà Nẵng ra lệnh phá hủy nhà thờ Cồn Dầu và nghĩa trang của giáo xứ thành lập cách nay 135 năm để xây khách sạn và khu giải trí.
Tin theo lời hứa đền bù và giúp tái định cư của chính quyền, và do bị sức ép, khoảng 200 gia đình đã chấp thuận ra đi. Nhưng theo nguồn tin từ giáo xứ thì hai năm qua họ vẫn chưa có đất, chưa có nhà.
Do vậy, 100 gia đình còn lại nhất định không ra đi đâu hết.
Giáo dân cho Asia News biết thêm là trong thánh lễ Chủ nhật vừa qua, linh mục Nguyễn Tấn Lực đã phải thông báo với giáo dân là có lẽ ông phải ký giấy « di dời thánh giá », sau đó, xe ủi đất sẽ san bằng mồ mả.
Giáo dân cũng tỏ ra lo lắng cho linh mục chủ chăn. Họ đặt nghi vấn phải chăng Đức Giám Mục Châu Ngọc Tri bị « sức ép » phải ủy quyền cho linh mục Nguyễn Tấn Lực giải quyết với chính quyền ? Hay là có những nguyên nhân sâu xa nào khác ?
Theo bản tin trên mạng « Nữ Vương Công Lý », tập đoàn chủ đầu tư xây khu du lịch tại Cồn Dầu có nhiều công ty con « chuyên đánh hàng lậu » qua đường dây « xã hội đen Việt Nam tại Ukraina ».
Tuy tranh chấp với giáo dân chưa kết thúc, đất Cồn Dầu đã được rao bán lại với giá cao gấp 30 lần tiền bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng chế.
Không có nhận xét nào: