Anh Vũ - Theo hãng tin Reuters, hôm nay 02/05/2012, nhà đối lập Aung San Suu Kyi tham dự kỳ họp đầu tiên của quốc hội để tuyên thệ chính thức trở thành nghị sĩ Miến Điện, sau hơn hai thập kỷ đấu tranh không mệt mỏi chống lại tập đoàn quân sự ở nước này. Đây là sự kiện lớn không chỉ đối với nhà đối lập, giải Nobel Hòa bình năm 1991, mà còn cả đối với tiến trình dân chủ ở Miến Điện.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung diễn ra hôm 01/04/2012, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà đã giành thắng lợi ở 43 trên tổng số 44 địa điểm ra ứng cử. Nhưng các dân biểu được bầu của đảng đối lập LND, dẫn đầu là bà Aung San Suu Kyi, thoạt tiên đã quyết định tẩy chay không tham dự phiên khai mạc kỳ họp quốc hội. Họ yêu cầu sửa lời tuyên thệ "bảo vệ" thành "tôn trọng" bản Hiến pháp năm 2008.
Cuối cùng, hôm 30/4 vừa qua, bà Aung San Suu Kyi đã lùi bước, chấp nhận tuyên thệ tham gia nghị trường để không gây khó cho chế độ của tổng thống Thein Sein.
Quyết định của nhà đối lập ngay sau đó đã được Hoa Kỳ hoan nghênh. Washington coi đó là dấu hiệu đáng khích lệ khi LND và chính phủ hợp tác dể tiếp tục mở rộng tiến bộ dân chủ đang diễn ra hiện nay. Quan hệ Hoa Kỳ với Miến Điện đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây, đặc biệt từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi đầu tháng Tư.
Từ một năm trở lại đây, chính quyền Miến Điện đã tỏ thiện chí cải cách và hòa hợp dân tộc bằng các việc làm cụ thể như, thả tù chính trị, nới lỏng kiểm duyệt báo chí, đàm phán với các sắc tộc nổi dậy và đặc biệt là tổ chức cuộc bầu cử tự do vừa qua.
Các cải cách tích cực như vậy đã giúp cho Miến Điện bớt bị cô lập ngoại giao với quốc tế. Liên Hiệp Châu Âu đã đình chỉ trong vòng một năm các lệnh trừng phạt chính trị và kinh tế, chỉ giữ lại lệnh cấm vận vũ khi đối với Miến Điện. Hoa Kỳ cũng đã giảm bớt nhiều quy định hạn chế đầu tư, đồng thời hứa sẽ mau chóng bổ nhiệm đại sứ tại Miến Điện.
Không có nhận xét nào: