Một Nông Dân - Từ khi nhà nước thu hồi mất ruộng đất để phát triển khu đô thị, thành ra nông dân tôi thất nghiệp. Nhiều thời gian hóa ra lẩm cẩm viết lách, tôi quyết không tranh việc của các nhà văn, nhà báo hay các học giả mà đơn thuần thấy Slogan treo trên DLB mà mạnh dạn gửi vài suy nghĩ mong chia sẻ với các bác nông dân cùng hoàn cảnh trên cả nước. Tôi nghĩ cung cấp thông tin cho nông dân cũng là cách cứu rỗi họ lúc này.
Tôi nhớ trước đây đọc báo có câu chuyện của một nhà văn mà tôi quên mất tên và nội dung chắc cũng sai khác so với nguyên tác nhưng nội dung chính của câu chuyện thì tôi nhớ rõ. Hôm nay xin phép nhà văn nọ mượn ý câu chuyện này để cùng trao đổi một vấn đề thuộc phạm trù xã hội đó là lựa chọn phương tiện nào để quản lý xã hội. Nếu bài viết này được đăng tôi cũng xin phép nhà văn, tác giả câu chuyện tôi định kể dưới đây bỏ qua các chi tiết nào đó không thật trùng khít 100% với nguyên tác. Câu chuyện của nhà văn nọ như sau:
Có một nhà sư tu hành đạt đến độ đắc đạo. Hành trình đến với cõi Niết Bàn phía trước chỉ còn 49 ngày, vì vậy Ngài đã chọn một gốc cây Bồ Đề ở trên một ngọn núi cao ngồi thiền không ăn, không uống bỏ lại tất cả những thứ phàm tục nơi trần thế toàn tâm toàn ý chay tịnh để chuẩn bị trở về với cõi Phật. Tới ngày thứ 49 Ngài đi dạo một vòng thăm quan phong cảnh ngọn núi lần cuối như muốn nói lời cảm ơn với cảnh vật nơi đây trước khi rời bỏ chốn này, nơi mà Ngài đã gắn với kỷ niệm 49 ngày cuối cùng của mình trước khi về với nước Phật trong sự thanh thản tuyệt đối. Đang đi Ngài bỗng nghe tiếng rên rỉ từ vách núi, đến gần Ngài phát hiện có một con Ruồi đang vướng vào một mảnh tơ nhện. Con Ruồi đang giãy giụa kêu khóc trong tuyệt vọng. Khi nhìn thấy Ngài đi tới nó nói: “Lòng từ bi của Ngài để đâu khi thấy sinh linh bé bỏng sắp chết mà không cứu?”. Ngài liền nhón tay gỡ con Ruồi khỏi vòng tơ nhện. Khi con Ruồi vừa được tự do bỗng từ trong vách núi một con Nhện cái to tướng xông ra, nó vằn mắt quát: “Lòng từ bi của Ngài để đâu khi cả nhà tôi nhịn đói gần tháng trời mới bẫy được một con mồi thì ngài lại tước đoạt mất?”. Bất giác Ngài thấy con đường tới cõi Niết Bàn còn xa quá.
Lịch sử tiến hóa của loài người đã chứng kiến biết bao học thuyết, tư tưởng vĩ đại mà hầu hết những học thuyết đó đều mong muốn con người ta sung sướng hơn, hạnh phúc hơn. Cố nhiên theo dòng chảy thời gian, cũng có những học thuyết phù hợp với từng thời kỳ, cũng có học thuyết khi ra đời không được nhân loại đón nhận và bị thải loại. Tuy nhiên một trong những học thuyết có sức sống mãnh liệt nhất, trường tồn nhất ấy là học thuyết, giáo lý của Đạo Phật. Đạo Phật với tuổi đời hơn 2500 năm đủ để khẳng định học thuyết này đem lại ích lợi cho nhân loại thế nào mới có sức sống ghê gớm đến thế. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của Dân tộc mình có khi nào không có bóng dáng của học thuyết này chi phối không? Nói vậy đủ để thấy tác dụng của những học thuyết với đời sống xã hội loài người. Tất cả các học thuyết suy cho cùng đều là công cụ, phương tiện phục vụ loài người không hơn không kém. Không phục vụ loài người mà chống lại loài người thì sẽ bị thải loại, diệt vong. Một học thuyết tối ưu như Đạo Phật, có tuổi đời ghê gớm như vậy mà còn bất lực trước câu hỏi của những sinh linh bé bỏng như con Ruồi, con Nhện trong câu chuyện kể trên, vậy thì những học thuyết khác với mức độ thẩm định, thử nghiệm của nhân loại ít hơn nhiều so với Đạo Phật liệu có khả năng giải quyết được mâu thuẫn đó chăng?
Nhân loại đến nay đã nhận thức được rằng muốn quản lý xã hội trước hết chúng ta phải chọn cho được một học thuyết. Để học thuyết đó đi vào cuộc sống tức là vận dụng nó để tổ chức, quản lý xã hội thì phải có một chính thể sử dụng nó mà thực chất là đảng nào đó sử dụng học thuyết đó vào việc tổ chức và quản lý xã hội cho đất nước, cho quốc gia đó.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với việc lựa chọn học thuyết Mác – Lê Nin làm kim chỉ nam cho mọi hành động liệu có là quá vội vàng không? Khi mà học thuyết đó chưa được nhân loại thẩm định kỹ càng và có quá ít các quốc gia trên thế giới áp dụng. Thực tiễn tổng kết bằng ấy năm lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam thử hỏi đảng đã làm được những gì cho dân tộc Việt Nam khi so sánh thành tựu kinh tế xã hội của ta hiện nay với các quốc gia quanh ta và trên thế giới?
Học thuyết Mác – Lê Nin với những lý tưởng đẹp đẽ đã mê hoặc không ít trái tim với lòng nhiệt thành yêu nước, nó đã quyến rũ được một số quốc gia trong đó có Việt Nam đi theo. Cái lý tưởng đẹp đẽ ấy ta không bàn nữa, cái đáng bàn ở đây là tính khả thi (khả năng có thể thực thi được để đạt được mục tiêu, lý tưởng) của học thuyết này mà thôi. Tôi xin đơn cử lấy ví dụ sau đây: mục tiêu xã hội công bằng là mục tiêu quá đẹp. Thế nhưng xin thưa thế nào là một xã hội công bằng? học thuyết Mác – Lê Nin cho rằng xã hội công bằng là xã hội không có giai cấp để khỏi cái cảnh người bóc lột người và đấy là xã hội công bằng(?) Bây giờ lại hỏi làm thế nào? Câu trả lời thì ai cũng đã rõ đánh đổ giai cấp thống trị đưa giai cấp bị trị lên quản lý xã hội và lại hình thành lên giai cấp thống trị mới. Xã hội vẫn bị phân chia giai cấp. Nói khác đi trong toán học cách làm này gọi là bị đệ quy. Hậu quả vẫn là sau một thời gian dài vật vã với học thuyết đẹp đẽ này dân tộc ta vẫn thu được một xã hội mà ở đó sự phân chia giai cấp vẫn còn nguyên vẹn. Thiết nghĩ câu chuyện nhỏ trên đây với hai câu hỏi của hai sinh linh bé nhỏ Ruồi và Nhện đã lý giải tại làm sao tôi lại nhớ nó lâu đến vậy.
Học thuyết hay tư tưởng lớn của bất cứ vĩ nhân nào như đã trình bày ở trên suy cho cùng đều là công cụ, đều là phương tiện cả mà thôi. Một đảng tiên tiến, một đảng cách mạng là một đảng phải biết vận dụng các học thuyết cũng như tư tưởng thích hợp với từng thời kỳ phát triển của dân tộc. Cụ Hồ áp dụng hay sử dụng học thuyết Mác – Lê Nin như một phương tiện để giải phóng dân tộc. Cái đó đúng không bàn. Nhưng duy trì nó để phát triển, xây dựng xã hội thì đến nay than ôi bao nhiêu yếu kém nó cứ lồ lộ ra đấy. Tuyệt đối không được giáo điều mù quáng càng không được tuyệt đối hóa bất cứ một học thuyết nào nếu nó không giải quyết được các đòi hỏi của dân tộc. Đừng bao giờ hô muôn năm ấy mới là cách mạng, ấy mới là tiên tiến. Một Trung Quốc với phát ngôn “mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn bắt được chuột” đã có tác dụng ghê gớm như thế nào. Có cần kim chỉ nam không? Mặc dù tư tưởng mèo trắng mèo đen còn phải bàn nhiều nhưng chí ít ông bạn láng giềng bốn tốt đến nay kinh tế, quân sự cũng làm cho các quốc gia khác dè chừng.
Trở lại với bối cảnh của dân tộc ta hiện nay, tôi cho rằng đảng Cộng sản Việt Nam phải xác định cho rõ rằng mình là một bộ phận của dân tộc. Phải đội lợi ích của dân tộc lên trên đầu. Mục đích lý tưởng có cao đẹp đến mấy mà mất thì giờ để tìm giải pháp nhằm đạt được thì theo tôi cũng bỏ tránh rủi ro cho dân tộc, để việc đó cho quốc gia khác nó làm nếu thành công thì chỉ việc copy về mà dùng, dứt khoát không để dân tộc mình trở thành vật thí nghiệm. Còn bây giờ đảng cần rà soát các mục tiêu lý tưởng làm giảm bớt cái đẹp, cái mỹ miều tăng tính khả thi lên. Ví dụ mục tiêu công bằng xã hội đến nay với tư cách một công dân tôi chả thèm cái mục tiêu đó nữa (mặc dù nó đẹp nhưng không đạt được như đã nói ở trên) tôi cần mục tiêu minh bạch nó khả dĩ hơn nhiều và tính khả thi cho mục tiêu minh bạch cũng cao hơn nhiều. Làm được vậy đảng sẽ không bị mang tiếng là làm ít nói nhiều hoặc nói thì hay làm thì dở, vì nói lý tưởng cao đẹp thì dễ lắm nhưng làm thế nào để đạt được thì khó vô cùng và cứ kéo dài tình trạng này đảng sẽ mang tiếng là lừa đảo dân tộc.
Kinh tế thị trường do mấy chục năm nay đã đem đến cho nhân dân ta một nhận thức mới đó là: Hai ông bán muối thì tốt hơn một ông bán muối. Nay nhận thức chung của nhân dân cho rằng đa đảng sẽ tốt hơn một đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam nếu còn vì dân tộc Việt nam thì phải chấp nhận một sự thật là sẵn sàng thi đua với các đảng khác, sẵn sàng cạnh tranh với các đảng đối lập. Nếu anh không chấp nhận đa đảng thì rõ ràng là anh chỉ vì anh thôi, anh xếp dân tộc xuống dưới, thế thì sớm muộn anh cũng bị dân tộc này thải hồi. Đa đảng sẽ là xu hướng chung mà các quốc gia lựa chọn.
Một Nông Dân
Không có nhận xét nào: