Người tín hữu Chúa Kitô dấn thân trong chính trị (tiếp) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 5, 2012

Người tín hữu Chúa Kitô dấn thân trong chính trị (tiếp)

LH - C- BỔN PHẬN NGƯỜI TÍN HỮU CHÚA KITÔ ĐỐI VỚI CHÍNH TRỊ

9- Mỗi tín hữu Chúa Kitô có quyền và bổn phận phải đặc tâm lưu ý và dấn thân vào hoạt động chính trị, tùy theo điều kiện mình có thể và khả năng mình có được, để thăng tiến xã hội nhằm phục vụ con người: căn nguyên – trung tâm điểm – cùng đích mọi động tác mình trong ánh sáng Phúc Âm.

Từ bản thể con người thoát xuất ra quyền vừa kể, phải tham gia tích cực vào đời sống công cộng và ngay cả đó là một cộng tác cá nhân để có thể thực hiện công ích; không khinh thường hay không cho là quan trọng hoạt động chính trị, mà phải coi đó là động tác nền tảng để thực hiện được công ích. Điều đó khiến cho người tín hữu Chúa Kitô ủng hộ việc đặc tâm lưu ý đến hoạt động chính trị và xác tính tham dự vào của mỗi công dân, kể cả động tác hành xử quyền bỏ phiếu; có quyền và phải “có quan niệm chính đáng về đời sống xã hội, bằng cách tôn trọng đúng đắn quyền tự lập và cộng tác vói các người công dân khác, tùy theo thẩm quyền của mỗi người và dưới trách nhiệm của chính mình” (ĐTC Benedictus XVI, Deus caritas est, 29);hành động với danh nghĩa của chính mình (chớ không phải nhân danh Giáo Hội nói chung) trong các việc lựa chọn chính trị của mình, và đồng thời làm cho mọi người thấy mình là chứng nhân Kitô hữu chính đáng, tôn trọng các lưa chọn chính đáng, đa diện trong các lãnh vực trần thế, tìm kiếm và phát huy, trong những trường hợp xác định, sự hiệp nhất chính trị của các tín hữu Chúa Kitô, nhằm bảo toàn các giá trị cá biệt và công ích; biết phân biệt giữa việc chuyên cần dấn thân trong chính trị và các lựa chọn đảng phái. Nếu các nguyên tắc luân lý luôn luôn tuyệt đối và bất lay chuyển, thì hoạt động chính trị, mặc dầu phải được các đường lối chính trị hướng dẫn, nhưng tự chúng không phải là việc hiện thực tức khắc các nguyên lý luân lý tuyệt đối, mà là để thực hiện công ích một cách thiết thực hết sức có thể trong bối cảnh dân chủ.

Trong động tác thực hiện mục đích vừa kể, không bao giờ có thể chấp nhận được một sai trái lỗi lầm luân lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi cũng có thể xảy ra, khi không thể đạt được hơn những gì thực tế cho phép, theo nguyên tắc tìm đạt được những gì tốt nhất cho công ích, người tín hữu Chúa Kitô phải hay nên chấp nhận một công ích kém hơn hay “cam chịu một điều bất toàn nhỏ hơn, trước sự hiện diện có thể của những thiệt hại to lớn hơn”: “inter mala, minus malum“, nói như người La Tinh khôn ngoan đã nói; không hội nhập cũng không ủng hộ các thế lực chính trị và xã hội chống đối lại hay không đặc tâm chú ý đủ đến các nguyên lý và nội dung được Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội thiết định; nhận thức rằng sự lựa chọn khác biệt trong chính trị là điều luôn luôn chính danh, miễn là những lựa chọn đó là lựa chọn chính đảng hay lựa chọn không nghịch lại với đức tin hay các giá trị Kitô giáo; tránh sự khiếm diện, dửng dưng, lẫn trốn trong lợi thú cá nhân hay khoán trắng cho ai làm gì cũng được, “sống chết mặc bay” (Lc 10, 29-37), miễn là tao sống an lành, no bụng là được!

10- Theo tiêu chuẩn nào, người tín hữu Chúa Kitô lựa chọn một chính đảng? 

Người tín hữu Chúa Kitô tự do ủng hộ, ủy thác cậy dựa vào hay chiến đấu trong bất cứ chính đảng nào, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chương trình hành động của chính đảng đều thích hợp với đức tin và đáp ứng lại các nhu cầu của đời sống Kitô hữu.

Trong việc lựa chọn hay bỏ phiếu cho một chính đảng và chương trình hành động liên hệ, người tín hữu Chúa Kitô phải thực hiện một loạt các định chuẩn luân lý:

- Đối với cộng đồng Quốc Gia và Quốc Tế, cần phải chuẩn định tổng thể các lợi ích vật chất, luân lý, thiêng liêng khích động và định hướng quyết định của các cộng đồng đó;

- Đối với chính đảng, cần phải chuẩn định xem các chương trình – mục đích – các lựa chọn tác động của chính đảng đương sự có hợp với Phúc Âm hay không. Đồng thời, người tín hữu Chúa Kitô nên nhớ rằng Kitô giáo là một sứ điệp tôn giáo được chuyển đặt đến cho mọi người, không phân biệt bất cứ ai. Bởi đó Kitô giáo có thể gợi hứng cho những chương trình khác nhau, lựa chọn khác nhau, có thể khác nhau, nhưng tất cả đều chính đáng thích hợp với một lý tưởng chung.

- Đối với các ứng viên, cần phải chuẩn định lòng thành tâm, khả năng chuyên môn chính trị và nghề nghiệp, khả năng đối thoại với mọi người, khả năng nhân chứng Kitô hữu của họ trong đời sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp, xã hội.

11- Trong chương trình chính trị, nội dung nào là những nội dung không thể thiếu đối với người tín hữu Chúa Kitô?

Đó là những nguyên lý được đặt nền tảng trên quyền thượng đẳng và trung tâm điểm của con người, như bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, và một cách cá biệt bênh vực quyền được bảo toàn mạng sống trong tất cả mọi trạng thái của đời sống con người (từ lúc khởi thủy được mang thai cho đến giây phút cuối cùng của cái chết tự nhiên) và bởi đó bào thai con người có quyền phải được bảo vệ; bảo vệ gia đình được đặt nền tảng trên hôn nhân một vợ một chồng; quyền được giáo dục và như vậy quyền của cha mẹ được giáo dục con cái; quyền bảo vệ tuổi thơ; giải thoát các hình thức nô lệ hiện đại (như lợi dụng tình trạng đĩ điếm, giải thoát khỏi ách nô lệ nha phiến); quyền tự do tôn giáo; công bằng xã hội, liên đới hỗ tương và phụ túc bảo trợ phải được tôn trọng; bênh vực nền hòa bình (nhưng đừng nên lẫn lộn với thái độ hòa hợp dửng dưng, ý thức hệ trung lập mặc kệ bất chấp phải trái) chống lại mọi hình thức bạo lực và khủng bố; xây dựng một thế giới liên đới; tôn trọng tạo vật được Chúa dựng nên; đối thoại liên văn hoá và liên tôn (cfr.Thánh Bộ Tín Lý – Đức Tin (CDF), Pontificio Consiglio della Dottrina della Fede, Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l’impegno e il comportamento dei cattolici nella vita politica). 

Cần lưu ý rằng các nguyên lý vừa kể, mặc dầu là những nguyên lý được đức tin soi sáng và xác nhận, nhưng chính là những nguyên lý nội tại trong bản thể con người. Bởi đó là những nguyên lý chung cho cả nhân loại (ai là con người đều cảm thấy đó là những nhu cầu đòi buộc phải có cho cuộc sống con người) và là nền tảng cho lợi ích xã hội (ĐTC Benedictus XVI, Discorso, 30.03.2006).

12- Những đặc tính nào phải có, người tín hữu Chúa Kitô được tuyển chọn trong một chính đảng?

Một người tín hữu Chúa Kitô được chọn vào một chính đảng, phải có những đặc tính sau đây:

- Kính trọng và phát huy các nguyên lý then chốt tín lý Kitô giáo, kể cả các nguyên lý Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội.

- Hành xử phận vụ được giao phó một cách dân chủ, như là để phục vụ xã hội, phục vụ tất cả con người và mọi người; như là tác động phục vụ thực hành bác ái. Bác ái như là nhân đức thần học, có thể và phải dùng chính trị với sức lực làm sáng tỏ của mình, với chính năng lực hiến tặng của mình, với khả năng phục vụ và yêu thương của mình để yêu thương trọn vẹn con người và mọi người.

- Quan niệm chính đáng về đời sống xã hội và chính trị mà mình được kêu gọi phục vụ;

- Đạo đức nghề nghiệp và khả năng chuyên môn trong việc quản trị các lãnh vực công cộng;

- Chuyên tâm học hành và giáo dục dân sự không ngừng;

- Tận dụng các đức tính có lợi cho phận vụ chính trị, như là để phục vụ (đó là những đức tính: đời sống luân lý hoàn hảo, thành tín, nhẫn nại, khiêm tốn và có chừng mực).

- Ngay chính trong đời sống công cộng, như là con đường tín nhiệm của tất cả ủy thác cho và quản trị tốt lành các công việc mà mình có trách nhiệm.

- Tách rời khỏi lợi thú và uy thế cá nhân, người tín hữu Chúa Kitô làm chính trị phải hoạt động bất vụ lợi, không tìm lợi ích cho chính mình, cũng như cho phe nhóm hay đảng phái mình, mà vì lợi ích cho tất cả và mọi người.

- Biết lắng nghe những đòi hỏi lành mạnh và chính đáng của dân chúng trước khi, trong khi và sau khi có những cuộc bầu cử.

- Thành thực Kitô giáo trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội: bởi lẽ giữa “đời sống tốt lành”“chính quyền tốt” có một mối liên quan không thể tháo gỡ được.

13- Thái độ nào phải có, người tín hữu Chúa Kitô trong chính trị, đối với một đạo luật sai trái tự bản thể? 

Nếu đó là trường họp lần đầu tiên một đạo luật tự bản thể sai trái, được đưa ra thảo luận trong Quốc Hội, không bao giờ chính đáng tỏ ra có thái độ đồng thuận với đạo luật sai trái đó, cũng không bao giờ chính đáng tham gia cổ động ý kiến quần chúng ủng hộ một đạo luật được suy nghĩ ra như vậy, cũng không bao giờ chính đáng bỏ phiếu đồng thuận cho đạo luật sai trái đó.

Ai tích cực tham dự “lập pháp” để tạo thành một đạo luật tự bản thể bất chính như vậy (ví dụ một đạo luật cho phép phá thai chẳng hạn), là người tự loại mình ra khỏi động tác có thể tham dự vào Phép Bí Tích Thánh Thể (cfr. ĐTC Benedictus XVI, Sacramentum Caritatis). 

Trong trường hợp một đạo luật sai trái từ bản thể như đã nói đã được hiện hành, người tín hữu Chúa Kitô phải tìm cách nào mình có thể để chống lại và làm cho mọi người biết thái độ chống đối của mình.

Nếu không có cách gì thu hồi hoàn toàn đạo luật sai trái đó, người tín hữu Chúa Kitô có thể chính danh ủng hộ những dự án luật giới hạn khắc khe hơn, để nhằm giảm thiểu hậu quả tai hại trên phương diện văn hóa và luân lý công cộng của đạo luật sai trái, miễn là thái độ phản kháng đó rõ ràng và mọi người đều biết thái độ bác bỏ tuyệt đối của mình đối với một đạo luật sai trái và tai hại như vậy, để tránh tiếng là mình có thái độ gương mù gương xấu cho người khác.

Hành động như vậy, người tín hữu Chúa Kitô không những cho thấy thái độ bất cộng tác đối với một đạo luật bất công, nhưng còn cho thấy mình đang tìm cách giới hạn các phương diện bất chính của đạo luật đáng lý không nên có (cfr. DTC Gioan Phaolồ II, Evangelium vitae, 73).

D- Hàng giáo phẩm phải có thái độ nào trong chính trị?


Các Linh Mục không được dùng địa vị và sứ mạng của mình trong Giáo Hội để ủng hộ bất cứ một chính đảng nào, vì là người “đứng giữa và đứng trên” (super partes), các vị là người phục vụ tất cả và phát huy lợi ích cho mỗi người và cho tất cả; không được là người được tuyển chọn trong bất cứ chính đảng nào, trừ khi có những tình trạng thiết thực cấp thiết và bất thường đòi buộc do lợi ích của cộng đồng và được giáo quyền cấp trên cho phép (CJC Codex Jus Canonico – Giáo Luật, n. 280); cống hiến phần cộng tác xây dựng của mình trong lãnh vực “tiền chính trị“, chứ không chính trị, bằng cách loan báo, giảng dạy “Văn hóa chính trị”: những giá trị nền tảng của con người và của Phúc Âm; chỉ định mục đích cần phải nhắm tới và định hướng đối với các giá trị mà hoạt động chính trị phải được gợi ý và định hướng; phát triển các mối tương giao tốt đẹp với các giới quản trị chính trị bằng cách cư xử cởi mở và chân thành cộng tác nhằm đem lại lợi ích cho người dân, rõ ràng trong các vai trò và tôn trọng các thẩm quyền chuyên biệt, tránh mọi trạng thái nhường nhịn và thỏa ước mà từ đó không thể hiện rõ được vị thế của Giáo Hội. 

Các Linh Mục phải chăm lo trong thời gian đầu phiếu, đừng dành riêng trụ sở hay cấu trúc của họ đạo, các nhà dòng, học đường Công Giáo và các cơ sở khác của Giáo Hội, thành nơi vận động tuyên truyền của các chính đảng này hay chính đảng khác hay tập hợp chính trị; gần đến lúc bỏ phiếu không nên tổ chức những chương trình học tập, huấn luyện, suy tư cầu nguyện và dẫn đàng thiêng liêng có liên hệ đến những nhân vật đã dấn thân ở tầm mức xã hội và chính trị hay là những ứng viên của các chính đảng; đừng chỉ định phe phái chính trị nào, theo ý kiến mình, bảo đảm an ninh hơn cho và phát huy lợi ích cho người đang được đưa ra như là chủ đề của cuộc đầu phiếu. Bởi lẽ chỉ dẫn như vừa kể không có gì khác hơn là chỉ phải bỏ phiếu cho ai; trông coi bên trong các nơi chốn của xứ, họ đạo không được có truyền đơn, dán bích chương hay các hình thức tuyên truyền bầu cử khác, cũng không được dùng truyền đơn họ đạo vào việc vừa kể.

Bởi vì đó là động tác ngoài lãnh vực tôn giáo và thiên vị, không xứng đáng với chức vụ Linh Mục là Cha chung, Cha của tất cả mọi người.

Tiến sĩ Nguyễn Học Tập


Người tín hữu Chúa Kitô dấn thân trong chính trị (tiếp) Reviewed by Hoài An on 5/01/2012 Rating: 5 LH - C- BỔN PHẬN NGƯỜI TÍN HỮU CHÚA KITÔ ĐỐI VỚI CHÍNH TRỊ 9 - Mỗi tín hữu Chúa Kitô có quyền và bổn phận phải đặc tâm lưu ý và dấn...

Không có nhận xét nào: