Sức sống của quyền được nói - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
2 tháng 5, 2012

Sức sống của quyền được nói

Hiền Lương - Lúc sinh thời, đại thi hào Voltaire đã đặc biệt đề cao giá trị quyền tự do ngôn luận qua câu nói bất hũ sau đây: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói ra những điều đó” (I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it). Quyền được nói là một trong những quyền căn bản của con người, được khảng định trong hiến chương Nhân quyền của Liên hiệp quốc từ 1948 và hiến định của từng quốc gia thành viên, trong đó có CHXHCN Việt Nam. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, quyền được nói trở thành thiêng liêng, được pháp luật bảo hộ: tử tù trước khi lìa đời, bị cáo trước vành móng ngựa đều được nói lời cuối cùng.

Nếu như tại những quốc gia văn minh, quyền được nói là nhu cầu bình thường của con người, thì tại các quốc gia chuyên chế lại là vấn đề xã hội nhức nhối. Nhà bất đồng chính kiến Liên Xô (cũ) Andrei Amalrik đã từng so sánh Nhà nước chuyên chế như là người lính luôn chĩa súng vào kẽ thù, rốt cuộc cánh tay ấy sẽ mỏi mệt và người tù trốn thóat. Đúng vậy, súng đạn chỉ có thể tiêu diệt sinh mạng đối kháng, nhưng không thể dập tắt được quyền được nói của họ. Quy luật về nhu cầu con người đã khảng định, cái gì bị cấm, bị hạn chế thì sự ham muốn, thụ hưởng bị kích thích cao nhất. Sự gia tăng bạo lực, bóp nghẹt tự do ngôn luận của nhà nước chuyên chế chỉ làm gia tăng mãnh liệt khát vọng của quyền được nói mà thôi (!).

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có sự bùng nổ trên lĩnh vực truyền thông, báo chí. Chỉ cần nhìn vào số lượng trên 600 tờ báo viết, 67 báo hình và 63 báo nói, hàng chục báo điện tử đang hoạt động tại Việt Nam, chúng ta thấy đánh giá trên là có cơ sở. Nhưng khi nghiên cứu sâu, ta chưa hề thấy bóng dáng tư nhân. So với y tế và giáo dục, báo chí là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, đến nay vẫn chưa được xã hội hóa. Lịch sử Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều vụ án liên quan đến quyền được nói như vụ “Nhân văn giai phẩm” (1958), vụ “xét lại” (1967), vụ án Nguyễn Văn Lý (2007) và gần đây nhất là hai nhà báo liên quan đến vụ PMU18 gây nhức nhối xã hội và dư luận quốc tế. Nếu như vụ án Nguyễn Văn Lý làm cho chính quyền đau đầu bởi hình ảnh cảnh sát tư pháp lấy tay bịt miệng phạm nhân, thì vụ án hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến làm cho quần chúng bi quan về tình trạng chống tham nhũng ở Việt Nam, lo ngại về quyền được nói.

Gần đây, nhu cầu phản biện xã hội bùng phát mạnh ở Việt Nam. Trong số những người lên tiếng phản biện, chúng ta thấy có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tớng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng CSVN đã nghỉ hưu. Thực tế công tác quản lý xã hội, điều hành đất nước trong thời kỳ đất nước hội nhập của đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có sự tham gia của người tài, các tầng lớp nhân dân. Vấn đề phản biện xã hội trở nên cần thiết và bức bách hơn lúc nào hết đối với Đảng CSVN. Cụm từ “phản biện xã hội” đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội toàn quốc của đảng CSVN lần thứ X (2006). Phản biện xã hội là một chủ trương đúng, được nhân dân đón nhận. Ngày 3/7/2006, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội thảo về dự án xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức xã hội và nhân dân. Hội thảo có sự tham gia của nhiều cựu quan chức cao cấp, trong đó có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Báo chí đã sôi nổi đưa tin và động viên người dân đóng góp cho dự án. Phản biện có thể đúng, có thể sai, nhưng là quyền được nói lên ý kiến cá nhân đối với những vấn đề của đất nước. Rất tiếc, đến nay quy chế này vẫn chưa được thông qua, đang là dự án “treo”.


Chúng ta có hay không quyền được chất vấn MTTQ Việt Nam lý do “treo” của dự án này? câu trả lời dĩ nhiên là có. Đây là dự án nếu được ban hành sẽ là căn cứ pháp lý để mọi người thực hiện quyền được nói, được phản biện những vấn đề quan trọng của đất nước, xã hội. Thế nhưng, trả lời hay lại thuộc “quyền” của MTTQ. Dẫu sao, cùng với việc Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam (Intitutes De-velopment Studies – IDS) do TS Nguyễn Quang A thành lập được cấp phép họat động, thì đây cũng là tín hiệu mừng, tạo ra cơ sở pháp lý ban đầu cho quyền được nói có sức sống mới. Để có được tín hiệu này, phải nhìn nhận có sự đóng góp của một số đảng viên cao cấp của đảng CSVN đã nghỉ hưu, của những nhà bất đồng chính kiến, các tầng lớp nhân dân và xu thế hội nhập của đảng CSVN.


Gần đây, khi trả lời phỏng vấn đài RFA, TS Nguyễn Thanh Giang, một trong những nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam đã thẳng thắn nêu vấn đề: Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam (IDS) do TS Nguyễn Quang A làm Viện trưởng đã được cấp phép hoạt động thì tại sao báo Tổ Quốc lại không? Hiền Lương tin tưởng rằng quyền căn bản của con người – quyền được nói của TS Thanh Giang, của những nhà bất đồng chính kiến, dân chủ và quảng đại quần chúng chắc chắn phải được thừa nhận trong tương lai gần. Quan điểm về giá trị tự do ngôn luận của của đại thi hào Voltair là chân lý. Súng đạn từ cánh tay của người lính chuyên chế không thể nào tiêu diệt được quyền được nói, bởi đó là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của con người. Quyền được nói của người Việt Nam đang có sức sống mới, mãnh liệt và cần thiết hơn bao giờ hết.

Sức sống của quyền được nói Reviewed by Hoài An on 5/02/2012 Rating: 5 Hiền Lương - Lúc sinh thời, đại thi hào Voltaire đã đặc biệt đề cao giá trị quyền tự do ngôn luận qua câu nói bất hũ sau đây: “Tôi có th...

Không có nhận xét nào: