Thục Quyên - Suy bụng ta ra bụng người, tôi nghĩ ban tổ chức buổi họp tại Stuttgart vào cuối tuần qua (5-6/05/2012) đã đầu tư sức lực, thời gian cũng như tài chánh thì có lẽ cũng có chút mong muốn nhận được phản hồi của những người tham dự. Do đó tôi xin chia xẻ một vài suy nghĩ cũng như cảm tưởng của riêng mình, nếu không hay ho mới mẻ gì, thì cũng coi như món quà cảm tạ ban tổ chức, diễn giả Bùi Tín, và gia đình anh DH Ân.
Theo nhận xét của tôi, ý tưởng tương đồng nổi bật nhất trong cuộc hội thảo là ranh giới "Quốc-Cộng" không còn đơn giản là sự đối kháng giữa những người có lý lịchQuốc gia hay Cộng sản nữa. Ranh giới hiện nay là giữa những người muốn dân chủ hoá Việt Nam với những kẻ muốn bảo vệ chế độ Cộng sản -- giữa Dân chủ với Độc tài.
Nhìn vào thực tế thì sau 37 năm, hàng ngũ đấu tranh để thay đổi chế độ CS không còn đơn thuần chỉ là những người nạn nhân của chế độ CS ở miền Nam, mà đã được phát triển rộng lớn bởi những người yêu nước trí thức, kể cả những người vốn có một khoảng đời đóng góp cho quá trình xây dựng và bảo vệ chế độ đương quyền tại VN,và hiện đang ngày càng đông đảo thêm tầng lớp công-nông dân.
Cuộc đấu tranh cũng không còn là phản ứng của các thế hệ tham dự cuộc chiến trước 1975, mà mỗi ngày đang có thêm sự hiện diện của những người trẻ chào đời sau ngày bom đạn ngưng dày xéo quê hương.
Công cuộc dân chủ hoá Việt Nam ngày nay là một cuộc chiến mới, do và vì toàn thể dân tộc, là dấu hiệu đầu tiên của một sự thống nhất dân tộc thực thụ, khi mọi người dânViệt ý thức chung vai chia sẻ đồng đều trách nhiệm xây dựng đất nước.
Trong cuộc chiến mới này, lẽ dĩ nhiên có nhiều cách đấu tranh, và trên lý thuyết, cũng như nói chung chung, thì đấu tranh để xây dựng được mọi người đánh giá cao hơn là đấu tranh vì thù hận. Không chỉ mọi tôn giáo lớn đều dạy từ bỏ thù hận, mà những nhân vật nổi tiếng tranh đấu cho Hòa bình-Tự Do-Dân Chủ như Nelson Mandela cũng nói :
Người còn mang thù hận thì chưa thể có tự do.
Hoặc bà Aun San Suu Kyi cũng chia xẻ bí quyết thành công của mình :
Ta có thể hiểu là biết căm thù là biết sợ,
mà sợ hãi là cái không cần thiết cho cuộc đấu tranh dài lâu.
Chúng ta ai cũng hiểu và cũng muốn thoát khỏi sự thù hận, đó là điều đúng và tốt, nhưng tôi xin nhấn mạnh đó là trên lý thuyết. Trong thực tế, những con người Việt Nam chúng ta bằng xương bằng thịt, chúng ta và gia đình chúng ta đã bị đày ải bởi đảng Cộng Sản VN dưới nhiều hình thức, trong nhiều hòan cảnh nặng nhẹ khác nhau. Nếu có những người còn chưa giải tỏa được lòng thù hận, vì họ đã là nạn nhân của những cuộc thủ tiêu, của những trại cải tạo, của những tàn khốc trên con đường vượt biển, vượt đất liền để chạy tỵ nạn, thì mỗi người trong chúng ta chỉ có thể tự quyết định thái độ của mình ngày hôm nay, không ai được phép đánh giá người khác.
Do đó tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có cái may mắn không phải gánh chịu những thảm họa hay chỉ gánh chịu tới một mức độ mà cuộc sống đã cho phép chúng ta có thể giải tỏa được hận thù, thì chúng ta phải luôn kính trọng nỗi đau của những người chưa quên được dĩ vãng nặng nề, nhưng riêng chúng ta thì nên nhìn về phía trước, can đảm học hỏi từ những lỗi lầm của chính mình để hữu hiệu hóa con đường đấu tranh xây dựng , cho quê hương chúng ta một tương lai.
Theo tôi, một người sinh ra ở miền Bắc lớn lên ở miền Nam và hai lần chạy tỵ nạn CS, một trong những điều cản trở sự thành công của chúng ta ngày hôm nay là mặc cảm thua trận.
Thật ra, nhìn cho sâu nếu nói thua thì chỉ có tòan dân VN thua vì mọi người chúng ta đã bị một nhóm người cướp mất tự do. Miền Nam thua trận nhưng miền Bắc đối diện với sự văn minh, trù phú của miền Nam năm 75 đã ngầm nhận ra sự thua kém của mình, cũng như đã dần dần kẻ trước người sau nhìn thấy mình và cả thế hệ con cháu mình đã bị CS lọc lừa, điều mà nhân chứng Bùi Tín có khả năng phân tích và kể lại trong suốt buổi họp tại Stuttgart.
Chua sót nhất cho dân tộc là trong khi miền Nam bị chửi là Mỹ Ngụy, là bán nước, nhưng chưa mất tấc đất nào cho ngọai bang, thì đằng sau lưng người dân miền Bắc nhà cầm quyền miền Bắc đã chính thức ký kết bán nhượng đất của tổ tiên để lại cho Trung Cộng.
Thua hay thắng là do tầm nhìn.
Tôi nghĩ chưa bao giờ, kể từ khi Việt Nam ra khỏi ách đô hộ của Pháp, mà người dân Việt từ Bắc chí Nam, trong cũng như ngòai nước, lại hiểu nhau và xúc tiến đòan kết như lúc này.
Cả nước bị lừa, và giờ thì cả nước cùng tỉnh.
Cái giá phải trả để chúng ta hiểu nhau đã qúa sức cao nhưng chúng ta đã trả rồi ,và nếu chúng ta chưa nhìn thấy điều này để nắm tay nhau làm lại thì rất uổng phí cho cái gía máu và nước mắt đó của dân tộc.
Trong cuộc chiến đấu xây dựng ngày nay, cần phải nhận định được tinh thần nô lệ còn sót lại trong mỗi chúng ta, vì làm sao tránh được, với một lịch sử dài ta đã bị ngọai bang đô hộ ?
Chúng ta phải học hỏi không đặt hy vọng dựa vào Mỹ hay Pháp hay Đức hay Nga hay Ấn Độ hay Trung Cộng để có nước gìau dân mạnh, mà chúng ta phải tự lực.
Tự lực không có nghĩa là làm một mình.
Trong sự tự lực tranh đấu ngày nay chúng ta phải biết thế đứng của VN trong thế giới để trao đổi với họ, để biết cách nhận sự giúp đỡ của các nước bạn, nhưng luôn luôn chúng ta phải giữ phần chủ động.
Để đạt được tự do dân chủ, dân tộc VN cần trau dồi nội lực. Muốn tự do không chỉ là đòi hỏi hay tranh đấu mà phải tập dượt. Dân khí chỉ mạnh nếu dân trí cao, nhưng dân trí không phải muốn là có ngay, mà thời gian thì gấp rút. Chúng ta đã bị thế giới văn minh, thế giới yêu chuộng tự do nhân quyền bỏ lại đằng xa. Tôi nghĩ chúng ta không đủ thì giờ để hòan tòan tập theo phương cách âu tây để tập dượt tự do dân chủ, mà chúng ta phải quay về sức mạnh cổ truyền là sự đạo đức.
Mà sự đạo đức nếu còn sót chút gì tại VN ngày nay là nhờ các tôn giáo.
Tôn giáo đã có sẵn cái sườn. Nên dựa vào cái sườn đó để cải tổ và xây đắp thêm, lọai bỏ mê tín dị đoan cùng ảnh hưởng ngọai lai, để chú trọng vào giá trị đạo đức.
Phần thứ hai chương trình của buổi họp đề cập đến một khía cạnh thiết thực vì chú trọng đến những gì đang nằm trong tầm tay của chúng ta, những người Việt sống tại Đức.Với tư cách là những người Đức gốc Việt chúng ta có khả năng và cơ hội
- Tạo ý thức về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam
- Tạo tiếng nói và thế đứng quốc tế cho các thành phần đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở trong nước
- Tham dự và lên tiếng tại diễn đàn quốc tế để gây ảnh hưởng lên chính sách quốc tế đối với Việt Nam.
Phần này tiếc thay có lẽ mới hòan thành nhiệm vụ gợi ý ,vì sự chú ý của cử tọa phần lớn còn dành cho diễn giả Bùi Tín, sự quan tâm của mọi người rõ ràng là để hiểu thêm về những sự kiện xảy ra trong lịch sử VN cận đại. Sự quan tâm này rất chính đáng và cho thấy nhu cầu dựa lên những kinh nghiệm cũ để phân tích thực trạng Việt Nam và tình hình đảng CSVN ngày nay.
Một náo động nhỏ đã xảy ra vào những phút chót của cuộc họp khi một cựu quân nhân VNCH cùng con trai ghé vào phòng họp đã lớn tiếng chỉ trích những người tham dự buổi họp chỉ yêu nước lý thuyết (ám chỉ là vô bổ) mà không hưởng ứng những phương cách thực tế như không gởi tiền về VN, tẩy chay không về VN chơi để tránh mang ngọai tệ về..v.v..
Tuy không có gì đáng tiếc xảy ra và chỉ là một sự kiện nhỏ, nhưng đã phản ảnh trung thực là có những suy nghĩ và phương cách đấu tranh khác nhau trong cộng đồng người Việt tại Đức. Đó là nét dân chủ mà người VN sống tại hải ngọai đang được hưởng. Một khuyết điểm nhỏ về phía người cựu quân nhân là đã không có mặt trong suốt 2 ngày họp để nghe những ý kiến khác nhau của những tham dự viên và theo dõi cuộc tranh luận, mà anh chỉ xuất hiện phút chót để nói ý kiến có sẵn của mình, bắt người khác nghe.
Dân chủ không thể chỉ là đòi hỏi người khác tôn trọng mình mà phải bắt đầu từ chính mình biết tôn trọng người khác.
Tuy vậy, khi anh đến, là điều chứng tỏ trong thâm tâm anh biết những người ngồi họp là anh em một nhà với mình, là những người sống trong no đủ nhưng còn luôn bận tâm đến quê hương.
Tôi thông cảm anh vô cùng vì nhớ tới cả ngàn lần tôi hậm hực trong 37 năm qua, khi chứng kiến thái độ mà tôi kết tội là thờ ơ của nhiều người tại hải ngọai đối với quê mẹ. Ai trong chúng ta mà không biết câu của Martin Luther King Jr
Không phải sự áp bức của cái ác làm tôi sợ, mà là sự thờ ơ của cái thiện.
Nhưng 37 năm qua tôi cũng học được nhiều điều: Tôi không thể đánh giá những gì người khác làm nếu tôi không biết họ, tìm hiểu họ, và hiểu hoàn cảnh của họ. Tôi cũng không có quyền đem mình làm mẫu thước đo người khác. Và cuối cùng xây dựng tự do dân chủ cho một quốc gia là một việc hết sức phức tạp, cần toàn dân, đồng lúc, làm trên nhiều bình diện khác nhau.
Mong sao trong những ngày tháng tới, một số trong chúng ta có thể sắp xếp cuộc sống riêng để dành thời gian tạo dựng một "hội đoàn dân chủ" (NGO) làm nền tảng sinh hoạt cho mọi người VN tại Đức muốn góp sức xây dựng nền Tự Do Dân Chủ tại quê hương của chúng ta.
Thục Quyên
Không có nhận xét nào: