Về một loài cây ưa sét đánh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 5, 2012

Về một loài cây ưa sét đánh

ĐCV - Giữa mảnh đất Florida tràn ngập nắng gió, nắng gay gắt, nắng hỗn hào, mới chớm hạ mà nhiệt độ đã gần 100 độ F. Cây cỏ vật vờ hay lụi cháy từng mảng, tôi bàng hoàng nhận tin tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân bị bắt, lòng trào lên bao nỗi đau xót âm thầm, cảm phục


Thế là lần thứ hai anh sa vào tay cộng sản, lại chạm phải cánh cửa sắt nặng nề câm nín, phả ra sự chết chóc, lạnh toát mà “ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt”. Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài, một đêm nô lệ với những người có chính khí dài lê thê như vô tận, nhưng tôi tin một người có hiểu biết và bản lĩnh vững vàng như anh luôn ý thức được điều mình làm. Trong Bút Ký Triết Học , ông tổ Mác Lê có nói: "Tự do là sự ý thức được cái tất yếu”. Cái tất yếu trong chế độ cộng sản là bất cứ người dân nào cũng phải chịu cảnh cá chậu, chim lồng. Đảng cộng sản muốn bắt, muốn nhốt lúc nào tùy thích . Quyền công dân, quyền làm người chẳng là gì hết trước mắt Ðảng hợm mình, ngu si. Vì thế trước khi đi vào nơi nước sôi lửa bỏng, anh đã bình thản chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, và đã dặn Mai Hương – người vợ và cũng là một chiến hữu thân thiết nhất của anh để chị đừng lo lắng… Khi công an cộng sản loan tin anh bị bắt thì trong face book của mình Hương đã viết: Hôm nay buồn quá, trời lại mưa nhẹ. Nhớ lời anh Quân dặn là dù có chuyện gì xảy ra, dù ảnh có bị bắt, hay phải xa gia đình một thời gian thì đó chỉ là sự xa cách của không gian, của khoảng cách, ảnh lúc nào cũng ở cùng gia đình cùng vợ con. Cố nghĩ theo như vậy nhưng sao vẫn buồn.”

Tin anh bị bắt và mấy dòng ngắn ngủi của Hương ám ảnh tôi suốt chặng đường về, tôi thật sự có lỗi với anh em Việt Tân và bà con trong cộng đồng Florida, đặc biệt với chủ tịch cộng đồng- bác sĩ Nguyễn Minh Thanh vì đã không viết được một dòng nào về Florida- một thói quen tâm lý mà tôi đã định hình từ khi sức khỏe có dấu hiệu hồi phục- hễ được đặt chân đến bất kỳ mảnh đất nào đó trên nước Mỹ, nơi có anh em và bà con người Việt, khi về cũng viết ít nhất một bài để bày tỏ lòng tri ân với mọi người như đã từng viết về hội chợ tết ở Nam California, sự trở lại San diego, hay hành trình về xứ New orleans v.v Nhưng bây giờ, hình ảnh tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân đã choán hết mọi ý nghĩ trong đầu tôi, ức chế dập tắt mọi hình ảnh, kỷ niệm vui buồn khác. Dẫu không phải kẻ vô cảm, vô tâm, vì “Một lần đến, một lần đi là nhớ”. Huống chi tôi ở Florida bốn ngày trời, lại trong dịp tưởng niệm đau thương của dân tộc. Ngày mất nước, quốc hận, ngày bi thảm, tháng 4 đen, hay nói theo cách của người Việt Nam là ngày…ba mươi thứ tang làm sao có thể vô cảm được? Bên cạnh nỗi buồn 30-4, tôi và đại gia đình Việt Tân còn phải đeo thêm thứ tang 31 nữa vì anh Quân bị bắt. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, một chiến hữu sa vào tay cộng sản, làm sao chúng tôi có thể ăn ngon ngủ yên được?

Trong đêm đầu tiên nghe tin anh bị bắt, tôi vật vã không sao ngủ được, những ý nghĩ như những cánh cò, cánh vạc bay mải miết trong đêm hiện hình thành cả chuỗi câu hỏi vặn xoáy, nhức nhối, đau buốt trong đầu ? Tại sao anh lại trở về, khi tên tuổi anh đã vào sổ đen của chúng nó ? Anh không biết trên đường đi của anh, có biết bao nhiêu cái bẫy của cộng sản giăng ra ư? Sao Việt Tân không cử người thay thế anh để cộng sản có cơ hội hí hửng vì đã bắt được “một cộm cán của đảng khủng bố Việt Tân”?

Nhưng rồi suy đi, nghĩ lại, tôi biết tôi hoàn toàn ngộ nhận , không ai có thể thay thế anh được trong công việc mà anh đang làm, đơn giản vì anh không muốn làm một nhà chính trị salon, chỉ đạo từ xa, trên bàn tiệc , trong no đủ mà thực sự muốn sát cánh cùng anh em tại quốc nội, để trong cơn bĩ cực, “giang sơn chan chứa đôi hàng lệ” này, đồng bào, anh em chiến hữu trong nước biết rằng họ không hề đơn độc, rằng Việt Tân luôn có mặt ở khắp nơi, ngay mũi tên hòn đạn, nơi nước sôi lửa bỏng để sát cánh cùng bà con, để tiếp sức cho anh em trong chặng đường mịt mù, chông gai phía trước

Nếu chỉ để sống cho riêng mình, anh hoàn toàn có thể ngủ yên trong đời rộng , bên vợ đẹp con khôn, nơi xứ người yên ấm, nơi anh đã định hình tên tuổi và danh phận của mình suốt 31 năm trời nay (anh vượt biên từ 1981, làm luận án tiến sĩ, định cư ở Mỹ từ đó đến nay) chẳng có gì ràng buộc anh cả…Chỉ vì đất mẹ tang thương, nơi gần 90 triệu người dân trong đói nghèo, cơ cực vì thiếu dân chủ, tự do, mà anh chọn con đường tranh đấu. Cho dù năm 2007 đã bị bắt, anh vẫn quyết định tìm về, dù phải đối mặt với muôn vàn cơ cực, gian khó, thậm chí cả nhà tù của bạo tàn cộng sản

Không ngủ được, giữa tầng 3 của khách sạn sang trọng và yên tĩnh , tôi lục sục trở dạy viết vội mấy vần thơ:

Công danh rạng rỡ chân trời Mỹ

Đất khách nương nhờ một tấm thân

Chỉ bởi đau đáu vì dân nước

Anh quyết quay đầu để dấn thân

Chỉ những người tràn đầy khí phách và bản lĩnh mới dám làm một cánh chim bay ngược chiều gió, một con cá bơi ngược dòng nước và là một chú mãnh hổ đi một mình. Vì vậy giữa nơi ngục tù tăm tối, khi sự lạnh lẽo của cả hàng rào dây thép gai, song sắt, còng số 8 đang hàng ngày hàng giờ phả vào cơ thể anh, thì trái tim anh mãi mãi là một ngọn lửa hồng thắp sáng

Lại nhớ lần đầu tiên tôi gặp anh trên đất Mỹ, người đàn ông có khuôn mặt thọat nhìn ai cũng yêu mến và trân trọng, một khuôn mặt diễn tả trung thành nỗi chân chất và sự hiền lành của người có học. Dưới đôi lông mày rậm là đôi mắt to tròn, sáng rực và hóm hỉnh. Từ thân hình gầy gò, dong dỏng cao của anh toát lên sự mực thước, lương thiện. Theo bạn bè kể lại, vì họa cộng sản anh có cả một qúa khứ đói nghèo, nheo nhóc. Mẹ anh- một nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng của Miền Nam, không những đa mang đèo bòng cả gia đình 4,5 anh chị em trong nhà anh mà còn cả bầy con của người chị ruột không may vắn số, vì thế anh lớn lên trong đói nghèo, túng quẫn, thèm từ một mẩu bánh mì thèm đi, cho đến khi trở thành giáo viên toán cấp III tại Rạch Giá, anh được gia đình học sinh cho đi vượt biên cùng và lập tức tham gia vào đảng Việt Tân để thực hiện hoài bão lớn lao là giải thoát quê hương khỏi ách cộng sản. Khi đó đảng Việt Tân mới thành lập còn nghèo nàn, sơ khai. Ăn cơm tập thể, ngủ tại trụ sở cơ quan, hàng tháng chỉ được cấp phát vài trăm đồng để tiêu vặt. Trong khi với tấm bằng tiến sĩ toán học, anh hoàn toàn có thể có cuộc sống đầy đủ sung túc hơn, nhưng anh không sao quên được cái chết của người mẹ và gần triệu đồng bào miền Nam trên đường tìm tự do. Vì thế anh quyết định làm tất cả để những người nhân hậu, tài giỏi như mẹ anh không bao giờ phải chết thảm vì bất cứ lý do nào nữa.

Năm 2007 anh bị bắt, cả nước Mỹ – từ Sacramento nơi gia đình anh ở đến Washington DC – nơi quốc hội Mỹ họp, nóng lên vì sự kiện “động trời” này. Kết cục sau 6 tháng vận động, cả một chiến dịch xin chữ ký làm áp lực bắt chính quyền cộng sản thả anh ra.

Lần này chúng lại cố tình bắt anh, cố tình chọc vào tổ ong vò vẽ là cả đàn ong Việt Tân hàng chục nghìn con trên khắp thế giới. Chắc chắn đàn ong khổng lồ này không thể để chúng yên. Hơn nữa là một “cộm cán” như anh, ngoài gia đình Việt Tân, còn bao nhiêu bạn bè là các chính khách, dân biểu khác trên khắp nước Mỹ. Mỗi lần tết đến, xuân về, ngày lễ giáng sinh hay dịp kỷ niệm sinh nhật, họ lại mời gia đình anh đến hoặc gửi thiệp chúc mừng. Vuốt mặt phải nể chỗ…gồ ghề, làm sao họ có thể yên lặng khi công dân, bạn bè của họ bị bắt giam vô cớ? Vì vậy chỉ sau vài ngày anh bị bắt, bầu dư luận đã nóng lên , từ tòa bạch ốc đến các hãng thông tấn đều loan tin dữ, thử hỏi chúng sẽ hí hửng được trong bao lâu trước khi thả anh ra? “Cái thúng” chúng dùng để “nhốt con voi” dư luận đã trở nên qúa lỗi thời, lố bịch, vưà gượng gạo, vừa thiếu chứng cớ. Cho nên úp vòi thì hở lưng, úp đuôi thì hở đầu? Chúng sẽ ăn làm sao, nói làm sao khi cả bầu phẫn nộ như một quả cầu lửa khổng lồ trút xuống đầu bộ công an và bộ ngoại giao của chúng? Càng bắt anh, uy tín của cá nhân anh và Việt Tân càng tăng lên:

“Hai lần tù tội vang danh tiếng

Thế giới xa gần biết họ tên

Như một cánh đại bàng trong giông tố, anh đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, không những sẵn sàng đổi ấm êm lấy đại nghĩa, nhân quyền cho dân, nước, còn “cùng cao xanh chứng tỏ cao xanh”

Nghĩ về anh tôi lại thầm nhớ về một loài hoa có cái tên vô cùng gợi cảm ở Việt Nam mà suốt những ngày tù đằng đẵng tôi đã từng chăm sóc : Hoa tóc tiên hay còn gọi là hoa báo bão, bởi hễ hoa nở là bão đến, tuy mảnh dẻ, yếu ớt nhưng lại chứa chất bao sức mạnh tiềm ẩn ở bên trong. Qua việc làm dũng cảm của anh, quay về để sát cánh cùng bà con anh em trong nước , hướng dẫn người dân cách tranh đấu bất bạo động để cùng đoàn kết bên nhau đương đầu với chính thể cộng sản bạo tàn. Hình ảnh anh hiện lên dưới mắt mọi người thật cao đẹp, ấn tượng:

Anh là loài cây ưa sét đánh

Sắp mưa giông hoa đã rạng ngời

Để giây phút trong đời bừng tia chớp

Dân chủ về trên mảnh đất xanh tươi

Mặt đất nóng bỏng hỏa diệm sơn tại Việt Nam sẽ được anh và Việt Tân cùng 3 triệu người Việt Nam tại 60 quốc gia lớn nhỏ trên thế giới làm dịu mát. 87 triệu người dân Việt Nam sẽ đón đợi cơn mưa số phận đến với mình sau những năm dài quằn quại rên xiết. Khát ăn, khát uống, khát quyền làm người cũng như khát một nền độc lập tự do theo đúng nghĩa của từ này. Trong cơn mưa số phận của đồng bào, anh tự nguyện làm hạt mưa đầu tiên để có thể làm mát đất. Giữa nơi đất khách quê người, anh quay ngược chiều gió để trở về đương đầu cùng sự thật, để cùng mọi người mở sang một trang lịch sử mới . Vì vậy, càng giam giữ anh lâu, đảng cộng sản càng ô danh, và tên tuổi của anh càng ngời sáng.

Xin mượn câu thơ của ông bà mình xưa để khép lại bài viết :

Khi vui non nước cùng cười

Khi căm non nước cùng người đứng lên

Gà đã gáy sang canh rồi, ma quỷ phải lùi dần vào bóng đêm, trả lại màu xanh mướt mát cho bầu trời. Loài cây ưa sét đánh là anh sẽ được dư luận tiến bộ trên thế giới bảo vệ và giải cứu, anh ơi.

Sacramento. May, 4-2012

Trần Khải Thanh Thủy

Về một loài cây ưa sét đánh Reviewed by Hoài An on 5/08/2012 Rating: 5 ĐCV - Giữa mảnh đất Florida tràn ngập nắng gió, nắng gay gắt, nắng hỗn hào, mới chớm hạ mà nhiệt độ đã gần 100 độ F. Cây cỏ vật vờ hay l...

Không có nhận xét nào: