LH - Tự tin là có thể tin vào khả năng của chính mình. Rất quan trọng khi luôn là chính mình, luôn nỗ lực làm theo khả năng của chính mình và luôn đứng trên đôi chân của chính mình.
Tự tin giúp bảo vệ sĩ diện: Không nhờ vả, không luồn cúi, không nịnh hót, không ăn chặn người khác, không gian lận, không lừa đảo, không hối lộ, không tham nhũng, không nhận công sức của người khác là của mình, không háo danh, không tham quyền cố vị,… Tự tin giúp người ta biết liêm sỉ.
Người tự tin có thể làm tốt nhiều thứ, do đó họ không sợ làm điều này hoặc điều nọ, không ngại thử làm những cái mới, không sợ khó. Trẻ em tự tin sẽ lớn lên trong quá trình cảm thấy tốt về mình và trở thành người lớn hữu ích, có thể sống thanh thản. Cha mẹ có thể giúp con cái xây dựng lòng tự tin ngay từ nhỏ bằng các gợi ý sau đây:
1. Sống đáng tin. Hãy sẵn sàng giúp con cái khi chúng cần. Hãy tạo môi trường gia đình an toàn, nhưng cũng cần nghiêm luật để uốn nắn con cái: Cây nhỏ không uốn, để lớn mới uốn sẽ bị gãy cành. Con cái còn nhỏ không được giáo dục nghiêm, lớn lên chúng không coi ai ra gì, coi trời bằng… nắp bia! Đó là nền tảng cần thiết.
2. Tự quyết định. Cương quyết là một bí quyết tạo nên sự thành công. Một trong những điều tạo sự tự tin là dám tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Cha mẹ có thể giúp con cái tự quyết định bằng cách cho phép chúng chọn lựa (trong những điều không nguy hiểm). Dĩ nhiên là phải biết lượng sức mình.
3. Dám “mạo hiểm”. Mạo hiểm khác liều mạng. Mạo hiểm là dám thử sức mình trong mọi lĩnh vực, không sợ khó, không lười biếng, không “ngồi chờ sung rụng”. Cứ để con cái làm và cho chúng đi đây đi đó, gặp người này người nọ, có vậy chúng mới thêm kinh nghiệm và thêm khôn ngoan. Như tục ngữ nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Khuyến khích con cái là điều cần thiết để chúng xây dựng lòng tự tin.
4. Đừng chê trách. Chê trách, đay nghiến hoặc mỉa mai sẽ làm cho con cái thêm thất vọng, thất vọng về chính mình và thất vọng về cha mẹ, tệ hại hơn là sẽ hủy hoại sự tự tin ở chúng. Lời nói chẳng mất tiền mua. Thay vì dùng cách nói tiêu cực thì hãy dùng cách nói tích cực, chắc chắn hiệu quả hơn. Có chê thì cũng phải chê đúng.
5. Khen ngợi. Khen con cái nhiều quá cũng không tốt, vì có thể làm chúng ảo tưởng. Nhưng lời khen cần thiết và đúng lúc sẽ giúp trẻ thêm tự tin. Có khen thì cũng phải khen đúng, đừng khen vì muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của con cái – và cũng là muốn “sĩ diện” với người khác.
6. Chấp nhận thất bại. Tục ngữ nói: “Thất bại là mẹ thành công”. Có thất bại mới có kinh nghiệm. Đừng lầm lẫn hai khái niệm “thất bại” và “thất thế”. Không ai làm được ngay điều mình muốn, mà thường phải trải qua thất bại, thậm chí là thất bại nhiều lần – với các mức độ khác nhau. Khi con cái thất bại, đừng la rầy hoặc so sánh chúng với các bạn khác, mà hãy phân tích giúp chúng tìm ra nguyên nhân và giúp chúng “chấn chỉnh” cách hành động.
Hãy dành thời gian cùng trẻ tận hưởng những gì mà trẻ thích làm. Nhiều người tự tin hành động và thành công trên thế giới thường là những người đã từng được cha mẹ khuyến khích và hỗ trợ từ nhỏ. Môi trường giáo dục trong gia đình rất quan trọng đối với một con người.
Muốn con cái tự tin thì cha mẹ phải làm gương trước! Tục ngữ nói: “Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn”. Tuy nhiên, cha mẹ phải cương trực, nghiêm nghị mà không nghiêm khắc, không được nhu nhược, vì “mềm quá thì yếu, cứng quá thì gãy”.
Cha mẹ xây dựng lòng tự tin cho con cái là kế thừa cho chúng phần tài sản quý giá vậy!
Giáo dục trẻ em là điều cần, vì chúng là rường cột của tổ quốc, là tương lai của đất nước, xã hội và Giáo hội. Chúa Giêsu rất yêu trẻ em, vì Ngài đã “ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10:16), đồng thời Ngài cũng đề cao trẻ em khi Ngài nói rằng Nước Trời thuộc về “những ai giống như chúng” (Lc 18:16).
Không có nhận xét nào: