Con đường của Marx - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 7, 2012

Con đường của Marx

ĐCV - Logic là một từ chỉ sự suy luận có lý dựa trên những định luật khoa học, những điều con người hiểu biết. Ví dụ một hạt giống tốt được gieo vào đất, được chăm sóc đầy đủ điều kiện sống: nước, nhiệt độ, độ ẩm,…thì chúng sẽ phải nảy mầm, phát triển, lớn lên thành cây đại thụ, một hạt sạn sẽ không có điều như vậy.

Triết học là môn khoa học của những vấn đề lớn; về triết lý nhận thức thế giới của con người mang tầm vĩ mô. Đây là một môn khoa học lâu đời của nhân loại, khởi nguồn từ thời cổ đại với những triết gia có bộ óc xuất chúng thích luận bàn nhân tình thế thái. Tuy nhiên vì thời đó sự hiểu biết khoa học của con người chưa phát triển nên nhiều điều các vị đó luận mang tính chủ quan, duy ý chí và sai lầm. Điển hình cho điều này là những minh triết về Chúa trời, vũ trụ, con người,…thời trung cổ. Thời đó nhiều triết gia cho rằng trái đất là trung tâm vũ trụ, từ đó các vị luận ra tùm lum điều ăn theo và phần nhiều trong đó là sai. Đó là triết học duy tâm và không theo nguyên tắc suy luận khoa học.

Khoa học thực nghiệm của Galileo đã cung cấp một công cụ rất tốt cho triết học; đó là bám vào thực tế, luận từ logic. K.Marx và F.Engels đã sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật. Tức là nói năng phải có chứng cớ từ thực tế, lập luận có lý.

Từ một thực thời đại ông sống là sự bùng nổ của chủ nghĩa tư bản, tức là nền sản xuất công nghiệp; từ một xã hội khép kín, nghèo đói phong kiến, dưới sự tháo cũi của chủ nghĩa tư bản con người lao vào sản xuất, kinh doanh để có của cải, có tiền, để giàu có. Lòng tham con người đã sổ lồng mà chưa có khuôn khổ cho nó đi. Điều đó thật kinh khủng. Xã hội có nhiều thảm cảnh đau lòng. Suy cho cùng bao tai họa cho loài người mà do con người gây ra cũng là do lòng tham: cướp của, giết người, hãm hiếp, chiến tranh, diệt chủng,….

Từ trăn trở cho một điều là làm sao xây dựng được xã hội tốt đẹp cho mọi người, Marx đã nhọc công nghiên cứu tàn thư lịch sử ở thư viện Anh quốc suốt mấy chục năm. Cuối cùng ông đã phát hiện ra một chứng cớ: lịch sử xã hội loài phát triển là do đấu tranh giai cấp, phần lớn xã hội (tầng lớp lao động) khốn khổ là do bóc lột. Chứng cớ ông đưa ra vô cùng thuyết phục trong cuốn Tư bản luận.

Con người là động vật có trí tuệ và lý trí nên sẽ bị thuyết phục nếu điều gì đó là hợp lý, là logic (tôn giáo là một sự hợp lý, logic của hệ thống thánh thần, chúa trời dùng để biện giải cho những hiện tượng trong cuộc sống). Mark đã biện giải sự phát triển và tai họa do chủ nghĩa tư bản mang lại là từ chủ nghĩa cá nhân, lòng tham và động cơ lợi nhuận. Tư bản là nhơ nhớp, là xấu xa, tư bản làm mọi chuyện mất đạo đức chỉ để có “tiền, tiền và tiền”. Lòng tham đưa ông chủ lập nhà máy, mướn công nhân, trả lương thấp nhất có thể, bán hàng cao nhất có thể để có nhiều tiền nhất, lợi nhuận cao nhất (lý luận thặng dư, bóc lột), lòng tham đưa ông chủ cạnh tranh nhau, thâu tóm nhau kiểu cá lớn nuốt cá bé, cuối cùng là cá mập ra đời. Cá mập là giai đoạn Marx gọi là tư bản độc quyền. Cá mập theo nguyên lý lòng tham sẽ không muốn làm nữa mà dùng quyền lực của mình để lũng đoạn, rồi lũng đoạn vẫn chưa đủ vì lòng tham vô đáy nên các cá mập sẽ đánh nhau. Giai đoạn cá mập đánh nhau Marx gọi là chiến tranh đế quốc. Rủi thay cho loài người lại xuất hiện tên độc tài Hitle, tên bạo chúa Staline cộng với sự ươn hèn của các lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ lúc đó để chiều theo suy luận của Marx: chiến tranh thế giới 2. Thiệt là hoàn hảo từ lý luận đến thực tiễn, làm sao nhân loại không bái phục Marx được.

Theo logic thì tên cướp khi ra khỏi nhà với dao trong tay sẽ đi giết người để có tiền nhưng có một điều ít người biết là hắn ta có thể cân nhắc lại mà đổi ý trên đường đi; nghĩa là thay vì giết người, hắn có thể vứt dao và đi làm mướn nếu hắn nhận ra điều đó có lợi hơn so với việc giết người. Đó là hai mặt của một vấn đề mà ta ít chú ý khi suy luận.

Chủ nghĩa cá nhân, động cơ lợi nhuận, lòng tham là bản chất của chủ nghĩa tư bản, điều này thì không cần phải bàn nữa. Điều Marx không ngờ là con người ngoài tham lam thì nó là một động vật có lý trí. Từ lý trí nó sẽ biết hành động làm sao có lợi nhất cho mình. Thí dụ nếu giết người cướp của mà án phạt 3 năm ngồi tù thì có thể nó sẽ giết người để có tiền nhưng nếu án phát là tử hình thì nó sẽ không làm. Lòng tham đưa ông chủ đến sự khốn nạn như Marx suy luận nhưng thực tế lại khác vì các ông chủ còn bị chi phối nhiều lực từ nhiều hướng và từ sự tính toán làm sao có lợi nhất cho mình về lâu dài. Đó là khi ông chủ mở rộng kinh doanh, khi nhiều ông chủ xuất hiện thì nhân công khan khiếm nên buộc phải tăng lương mới có người làm, khi nhiều ông chủ xuất hiện thì có muốn bán hàng giá cắt cổ cũng không được mà phải giảm giá. Tức là ông chủ có quyền lực đến mấy, có tham lam đến mấy cũng không thoát khỏi vòng kim cô của qui luật thị trường tự do cương tỏa. Rồi các ông chủ nhận ra cuộc chiến tiêu diệt lẫn nhau sẽ không có lợi nên sẽ tính hướng khác; đó là qui định về thương hiệu, sở hữu trí tuệ và qui định chống độc quyền (luật chống độc quyền của Mỹ có từ đầu thế kỷ 20-năm 1911, trước khi Lenin hô hào cách mạng vô sản-điều này một lần nữa lột cái mặt nạ gian hùng, giả dối của những con quỷ Satan hô hào nhuộm đỏ quả địa cầu),….Khi đó để có tiền thỏa mãn lòng tham thì chỉ còn cách duy nhất là phải làm tốt, phải sáng tạo, phải nhã nhặn, lịch thiệp, phải đối xử tốt với nhân viên, phải cho công nhân cùng sở hữu nhà máy với mình (cổ phần), phải bảo vệ môi trường, phải chiều khách hàng, phải có đạo đức, phải giữ uy tín,…..nói tóm lại là muốn tham lam bao nhiêu cũng được, nhưng phải làm như vậy mới có tiền, mới thỏa mãn được lòng tham. Lòng tham mà như vậy thì có gì phải lên án, phải đòi tiêu diệt, phải chửi rủa? Càng tham thì xã hội càng nhờ, cuộc sống càng tốt tươi, văn minh. Rồi thiết chế chính trị dân chủ do các ông chủ đặt ra phải chấp nhận lực lượng công nhân vào chơi khi họ có sức mạnh đủ tầm, bất cứ ai có đủ tầm đều tham gia cuộc chơi này: phụ nữ, người da đen, thậm chí là thổ dân,….Rồi báo chí tự do ngôn luận tha hồ phê phán, bơi móc cái xấu xa, cái độc ác để nhân dân biết mà tẩy chay. Cái tuyệt vời của chủ nghĩa tư bản là ở chỗ đó, nó đã rẽ nhánh để thỏa mãn lòng tham theo hướng khác, hướng mà Marx sẽ hoàn toàn bất ngờ. Nếu lấy hình ảnh lòng tham như dòng sông thì nó luôn biết cân nhắc nơi cao thấp để chảy về chỗ trũng hơn. Đó là lý do vì sao CNTB bị Marx đóng đinh là xấu xa, giãy chết, bị Lenin kêu gọi đào mồ chôn,…nhưng nó vẫn cứ sống phây phây và ngày càng thịnh vượng. Nó là dòng sông chân lý, là bản ngã con người nên dù có nhiều quanh co, thác ghềnh nó vẫn cuộn chảy ra đại dương như là một sự tất yếu.

Con đường Marx luận rất logic nhưng logic của cái sai. Logic của Marx dẫn đến sự giết nhau tàn khốc vì đấu tranh giai cấp, dẫn đến độc đoán chính trị vì chuyên chính vô sản, dẫn đến kiệt quệ đói nghèo vì kiểu kinh tế tập thể cha chung không ai khóc với hệ quả tham nhũng khủng khiếp. Nhìn khắp năm châu từ Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Việt Nam,…một kết quả như nhau dù chủng tộc, văn hóa, trình độ dân trí khác nhau.

Hãy tưởng tượng xem, nếu toàn nhân loại theo con đường đó thì hôm nay thế giới sẽ như thế nào? Kinh đô ánh sáng Paris sẽ tối tăm như Bắc Hàn, người NewYork sẽ bơi xuồng trên phố khi có mưa như người Hà Nội.

Con đường của Marx là con đường bi đát, quả không sai! Bất hạnh cho dân tộc ta là chọn con đường đó để đi và bất hạnh hơn nữa khi “hoàng đế” của dân Việt lại nói đó là khát vọng của dân tộc và kiên trì lập trường đi tiếp. Kinh hãi!

Con đường của Marx Reviewed by Hoài An on 7/20/2012 Rating: 5 ĐCV - Logic là một từ chỉ sự suy luận có lý dựa trên những định luật khoa học, những điều con người hiểu biết. Ví dụ một hạt giống tốt đ...

Không có nhận xét nào: