Thế nào là một hệ thống thi cử tốt - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 7, 2012

Thế nào là một hệ thống thi cử tốt

Thế nào là một hệ thống thi cử tốt ? 

Chữ “tốt” ở đây hiểu là tốt chung cho xã hội, theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội, chứ không chỉ tốt riêng cho một nhóm người nào đó. Một hệ thống thi cử tạo ra các bằng cấp rởm thì “tốt” cho nhóm người mua bán bằng cấp rởm, nhưng tồi cho xã hội, bởi vì người bằng cấp rởm sẽ chiếm những vị trí cần trình độ thật và phá hoại xã hội. 

Nói một cách lý tưởng, một hệ thống thi cử tốt là một hệ thống có được 10 tính chất cơ bản sau: đúng mục đích (fitness of purpose), ảnh hưởng tốt đến cung cách dạy và học (beneficial effects on teaching and learning practices), công bằng (equity), trung thực (integrity), minh bạch (transparency), khách quan (objectivity), ít sai phạm (error-proof), có hiệu suất chi phí cao (cost-effectiveness), hiệu quả (efficiency), và linh hoạt (flexibility). Tất nhiên, các tính chất này không độc lập với nhau, mà có ảnh hưởng qua lại với nhau và với toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung. Để có được 10 tính chất cơ bản này, các hệ thống thi cử cần có được nhiều yếu tố thuận lợi, ví dụ như là được phân tích và nâng cấp thường xuyên, sử dụng công nghệ hiện đại, có được những người có trình độ và tư cách phụ trách, có được tính độc lập nhất định và không bị thao túng, v.v. 

Đúng mục đích 

Một hệ thống thi cử tốt phải thực hiện được các chức năng mục đích cơ bản của mình. Việc kiểm tra và thi cử có 4 chức năng chính, đó là: 

1) Nhằm phát hiện các điểm mạnh điểm yếu của từng học viên, qua đó điều chỉnh việc học tập / giảng dạy cho thích hợp. 

2) Nhằm đánh giá phân loại và đảm bảo chất lượng đầu ra hay đầu vào của các chương trình giáo dục. 

3) Nhằm đảm bảo công bằng và hợp lý trong các cuộc tuyển chọn. 

4) Nhằm tạo ra sự thi đua phấn đấu. 

Đi vào chi tiết hơn, cần xác định mục đích cụ thể của từng kỳ thi là gì và thiết kế kỳ thi cho thích hợp. Và để có một hệ thống thi cử đúng mục đích, thì chương trình giáo dục đi đôi với nó cũng phải đúng mục đích. 

Ví dụ: Thử đặt vấn đề về mục đích của kỳ tốt nghiệp PTTH. Những người đến tuổi tốt nghiệp PTTH cũng là đến tuổi trưởng thành, trở thành công dân có quyền bầu cử. Việc giáo dục phổ thông là nhằm chuẩn bị kiến thức văn hóa chung cho các công dân mới, những kiến thức mà họ sẽ cần nhất để làm một công dân tốt trong suốt quãng đời sau của họ bất kể dù họ sẽ làm nghề gì. Và một trong các mục đích chính của kỳ thì tốt nghiệp PTTH nhằm đánh giá mức độ chuẩn bị kiến thức văn hóa chung đó của các công dân mới trưởng thành. 

Vậy những kiến thức nào là quan trọng nhất ? Việc nhớ các công thức hóa học của một số hợp chất hữu cơ phức tạp mà học sinh chỉ thấy trong sách chứ không được nhìn thấy trong thực tế quan trọng hơn, hay là việc hiểu biết về luật lệ, về quyền công dân quan trọng hơn ? Nếu cái thứ hai là quan trọng hơn, thì cần có cả học và thi về tổ chức xã hội và quyền công dân, thay vì học quá sâu một số kiến thức khoa học mà những ai theo chuyên ngành khoa học tương ứng sẽ được học ở đại học còn phần lớn những người còn lại sẽ quên vì không bao giờ dùng đến. 

Kiến thức văn hóa phổ thông, hình dung như một thứ “ước số chung lớn nhất” về văn hóa của con người trong một xã hội văn minh, gồm nhiều phần (nhiều môn) khác nhau, và do vậy chương trình học và thi tốt nghiệp ở phổ thông cũng phải đa dạng bao quát nhiều môn. Nếu chỉ thi vài môn mà bỏ các môn còn lại, thì bị chệch mục đích, vì sẽ đánh giá lệch, và học sinh sẽ không học nghiêm túc các môn không phải thi, dẫn đến hổng kiến thức văn hóa chung. Nếu thi dồn tất cả các môn cùng một lúc thì có thể quá nặng, nhưng thi tốt nghiệp có thể trải ra, có những môn thi từ giữa năm hay từ năm trước tùy theo môn đó học đến lúc nào. 

Con người có văn hóa là con người biết suy nghĩ và áp dụng kiến thức, chứ không phải chỉ là một “cái sọt” chứa các thứ được nhồi vào theo kiểu học vẹt. Bởi vậy các kỳ thi mà chỉ kiểm tra được xem học sinh có học thuộc lòng được những đoạn nào đó không thay vì kiểm tra được xem học sinh có biết lý luận và kết nối các thông tin lại với nhau không, là trật mục đích đánh giá sự hiểu biết. 

Ảnh hưởng tốt đến việc dạy và học 

Một trong các định luật của giáo dục là thi sao học vậy. Hệ thống thi lệch lạc thì sẽ dẫn đến việc học và dạy cũng lệch lạc theo. Thi “tủ” thì học “tủ”, thi “vẹt” thì học “vẹt”, chương trình thi nhồi nhét quá nặng thì học sinh cũng phải học một cách nhồi nhét quá nhiều phát mụ mẫm để rồi thi xong thì chữ thầy trả thầy, thi không nghiêm túc thì học cũng sẽ không nghiêm túc, thi môn “không ai cần” thì cả học và thi sẽ đều quấy quá cho xong. 

Mục đích trước mắt của phần lớn học sinh và trường học là lập thành tính trong thi cử, chứ không phải là để nhằm có kiến thức, tăng hiểu biết, phát triển tư duy sáng tạo. Muốn học sinh và nhà trường hướng tới học tốt, dạy tốt thự sự, thì hệ thống thi cử phải được thiết kế ra sao để khuyến khích những điều đó. 

Ví dụ, muốn khuyến khích học sinh phát huy sự tìm tòi đào sâu suy nghĩ và sáng tạo và khả năng diễn đạt, thì sự khuyến khích đó phải thể hiện trong đề thi và trong cách chấm điểm. Khi chấm điểm, các cách giải không khớp với đáp án nhưng chứa đựng tư duy và kết quả trong đó thì vẫn cần được cho điểm, thậm chí cần cho điểm thưởng nếu là lời giải hay. Và ngoài các đề bài để kiểm tra kiến thức thông thường, cần có thêm đề bài đặc biệt nhấn mạnh về sự tự tìm tòi nghiên cứu sáng tạo và khả năng diễn đạt, ví dụ như thể loại đề bài tự do: học sinh tự chọn một đề tài mà mình thích (liên quan đến chương trình học), rồi viết một bài luận về đề tài đó dựa trên sự tự tìm tòi nghiên cứu, rồi trình bày về đề tài đó ở lớp hoặc trước các giảm khảo. Môn thi đề tài tự do như vậy hay gặp ở bậc đại học, ví dụ như các khóa luận, nhưng nó có thể được mở rộng ra, dùng cả ở bậc phổ thông. 

Công bằng 

Sự công bằng của một hệ thống thi cử thể hiện qua việc các thí sinh được đối xử bình đẳng, tạo điều kiện như nhau trong kỳ thi, không có người bị phân biệt đối xử (vì giới tính, chủng tộc, thành phần gia đình, v.v.) hay được ưu tiên đặc biệt (ví dụ như con quan thi trượt cũng thành thi đỗ), trừ khi các sự ưu tiên đó được ghi rõ ràng trong luật thi cử và được xã hội công nhận là công bằng hợp lý. 

Nếu như các công dân cần được bình đẳng trước luật pháp, phải chịu trách nhiệm về các hành động của bản thân, nhưng không phải “chịu tội thay” người khác dù người đó có là bố mẹ mình, thì các học sinh cũng cần được đối xử bình đẳng tương tự. Một học sinh dù có “lý lịch gia đình xấu” đến đâu thì vẫn là một công dân tương lai của xã hội cần được đối xử bình đẳng như các công dân tương lai khác. 

Một sự ưu tiên có thể được coi là hợp lý, nếu nó áp dụng với một loại đối tượng phải chịu điều kiện giáo dục thiệt thòi hơn các đối tượng khác (ví dụ như thí sinh từ các trường làng với điều kiện tồi tàn), để làm cân bằng lại trong việc tạo điều kiện tương đương nhau giữa các thí sinh. Một cách cơ bản hơn để tạo công bằng trong giáo dục không nằm ở việc ưu tiên về điểm thi cho các trường vùng nghèo không được quan tâm đầu tư, mà nằm ở việc nâng cấp đầu tư cho các trường đó, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các học sinh ở đó. 

Ưu tiên cho con quan trong thi cử là một hiện tượng phổ biến ở xã hội. Nhưng hiện tượng này thường là một sự mua bán lạm dụng quyền lực đi ngược lại khái niệm công bằng. Con quan đã có được điều kiện về vật chất và giáo dục hơn hẳn con dân thường, nên nếu con dân thường vẫn đạt kết quả thi cao hơn thì tức là có tư chất tốt hơn, cần được tuyển chọn thay vì con quan. 

Trung thực 

Hiện tượng gian lận trong giáo dục xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Ngay ở Mỹ có đến 70% học sinh sinh viên thú nhận là đã từng gian lận thi cử. (Nguồn: Digital Technologies and Dishonesty in Examinations and Tests, Jean Underwood, Nottingham Trent University, December 2006). Kể cả thi olympic toán quốc tế (IMO) cũng có các đội tuyển gian lận. Ở Tanzania năm 1998 phải hủy toàn bộ kết quả thi tốt nghiệp trung học và tổ chức thi lại vì gian lận. Các kiểu gian lận trong thi cử phong phú đa dạng đến mức có người gọi nó là “quỷ sứ trăm tay ngàn mắt” (a demon with a thousand faces). 

Việc gian lận làm hại cho xã hội, không chỉ cho những người trung thực, mà ngay cả đối với những người gian lận, vì họ làm hại lẫn nhau, như kiểu người bán thịt thì bán thịt chứa đầy chất tăng trọng cho người bán rau ăn, người bán rau lại bán rau phun thuốc độc cho người bán thịt ăn. Bởi vậy, muốn có được một xã hội văn minh, thì cần có các biệt pháp hữu hiệu để ngăn chặn gian lận, nâng cao tính trung thực, trong xã hội nói chung và trong thi cử nói riêng. 

Một số nguyên nhân chính khiến người ta gian lận là: 

- Ý thức cá nhân. Những người có ý thức cao về danh dự và trung thực sẽ không gian lận dù có cơ hội. Ví dụ như dân Thụy Sĩ trung thực nên ở đó người ta có thể bán báo tự động bằng cách để chồng báo và hộp đựng tiền bên cạnh ai mua báo thì tự lấy báo và tự đút tiền vào hộp, không có ai canh. 

- Môi trường xã hội. Người ngay sống ở môi trường gian cũng sẽ thành gian theo. 

- Áp lực về kết quả. Áp lực về thành tích có thể khiến cho bản thân các trường, các giáo viên khuyến khích học sinh mình gian lận. Các kỳ thi càng quan trọng (giữa việc có đỗ hay không) càng làm cho người ta muốn gian lận để đạt kết quả. 

- Cơ hội và rủi ro trong gian lận. Trông thi lỏng lẻo, điều kiện công nghệ tiện lợi (ví dụ như điện thoại di động cho phép nhắn tin), xử phạt thấp, thì kích thích gian lận tăng. 

Hệ thống thi cử không làm thay đổi được ngay lập tức ý thức cá nhân, môi trường xã hội mà chỉ có thể chống gian lận, tăng tính trung thực bằng cách chặn các cơ hội gian lận, xử phạt gian lận cao lên, và một phần nào đó làm giảm áp lực về kết quả. Ví dụ một số biện pháp được đề ra là: 

- Cách ly người ra đề cho đến lúc thi, và giám sát chặt chẽ các khâu in và phân phát đề để giảm thiểu khả năng lộ đề. Chặn sóng hay lọc sóng để thí sinh không dùng được các phương tiện liên lạc di động trong khi thi. Sử dụng chứng minh thư “biometric” để không gian lận bằng cách cho người khác đi thi hộ được. Cử người lạ đến coi thi và không báo trước ai sẽ coi thi ở đâu để giảm thiểu thông đồng. v.v. 

- Việc chấm thi bằng máy (đối với thể loại thi nào dùng được) có một ưu điểm là hạn chế được gian lận trong chấm thi. Đối với những bài thi cần người chấm, thì có những biện pháp chống gian lận trong quá trình chấm, như là dọc phách và phân bố ngẫu nhiên bài làm cho người chấm (để người chấm không biết được tên người làm bài mà mình chấm, và khó tìm được bài thi mà muốn cho điểm một cách gian lận), không cho phép mang bài thi ra khỏi phòng chấm hay sử dụng phương tiện trao đổi thông tin ra ngoài như điện thoại, v.v. 

- Làm giảm nhu cầu gian lận. Ví dụ như cho phép thi lại và bảo lưu kết quả để giảm áp lực cho mỗi lần thi, tạo ra nhiều “lối thoát”, lựa chọn hơn cho người học để người học có thể đạt được một bằng cấp chứng chỉ nào đó có giá trị và phù hợp với năng lực thay vì “được ăn cả ngã về không”. Ví dụ như phân ban ở PTTH để ai không theo được chương trình văn hóa chung vẫn có thể theo được chương trình hướng tới học nghề và có được bằng tốt nghiệp học nghề nào đó. 

Việc chạy theo các thành tích hình thức của ngành giáo dục chính là một trong các nguyên nhân cơ bản dẫn đến áp lực gian lận. Không ít nơi mà hiệu trưởng cử người canh gác trong kỳ thi, không phải là để cho học sinh khỏi gian lận, mà là để cho học sinh bên trong được gian lận thoải mái mà người ngoài không vào để bắt quả tang được. Thay đổi tư duy về “thế nào là thành tích” sẽ giảm được nhiều áp lực này. Ví dụ như “kết quả thi PTTH đỗ gần 100%” có phải là thành tích không, khi con số đó có thể lái theo ý muốn của người tổ chức thi (muốn đỗ nhiều lên chỉ việc tạo đề dễ hơn và coi thi lỏng lẻo hơn) chứ không liên quan gì mấy đến chất lượng học sinh. 

Khách quan 

Con người nào, dù có công bằng và trung thực đến đâu, cũng có một phần chủ quan nhất định chứ không thể hoàn toàn khách quan trong việc đánh giá người khác. Bởi vậy, mọi hệ thống thi cử có người (chứ không phải máy) chấm điểm đều có độ chủ quan nhất định. Độ chủ quan đó tạo nên sự “may rủi” cho thí sinh (điểm số có phần phụ thuộc vào tâm trạng và định kiến của giám khảo), và làm cho kết quả thi bớt chính xác trong việc đánh giá thí sinh. Những hệ thống thi cử mà có độ chủ quan không quá lớn thì có thể chấp nhận được, và theo luật số lớn thì các sự may rủi sẽ bù trừ cho nhau khi một thí sinh thi nhiều môn. 

Đối với các kỳ thi quan trọng, để tăng tính khách quan, có thể có những biện pháp như: 

- Chấm điểm cho một bài thi không phải là một người, mà là một ban giám khảo (người đánh giá chủ quan theo hướng thấp sẽ bù trừ lại với người đánh giá chủ quan theo hướng cao). Những cuộc thi tài năng (học sinh giỏi quốc gia, trượt băng nghệ thuật, v.v.) thường có ban giám khảo như vậy. 

- Có hướng dẫn chi tiết cho các giám khảo về thang điểm và cách cho điểm, các giám khảo thực hiện theo nó, để điểm số của một bài thi không quá phụ thuộc vào việc giám khảo nào chấm, khi mà các bài thi khác nhau là do các giám khảo khác nhau chấm chứ không cùng một giám khảo. 

- Với một số môn, trong điều kiện công nghệ cho phép (ví dụ như thi lái xe), thì dùng máy chấm điểm thay vì người chấm điểm. 

Minh bạch

Sự minh bạch của một xã hội là yếu tố cần thiết để đảm bảo công bằng và chống tham nhũng gian lận. Đối với các hệ thống thi cử, sự minh bạch thể hiện ở các điểm như: 

- Thông báo rõ ràng và kịp thời đến những người cần biết về các thể lệ thi cử, các chính sách liên quan, nơi thi và thời gian thi, những gì được phép hay không được phép trong lúc thi, cách tính điểm, xếp hạng và chọn lựa, danh sách thí sinh, tỷ lệ đỗ, kết quả thi, v.v. 

- Công bố các báo cáo về các kỳ thi đã xảy ra, với các đề bài, các số liệu thống kê, các thông tin về các sai phạm và xử lý sai phạm nếu chúng xảy ra, các điểm yếu hay gặp phải ở các thí sinh, v.v. 

Ít sai phạm 

Sai phạm trong thi cử (như đề bài sai, đáp án sai, chấm điểm sai, v.v.) do lỗi con người tạo ra là điều không thể tránh khỏi 100%. Kể cả đề thi vào trường Ecole Normale Supérieure de Paris, là trường đại học tốt nhất Pháp về mặt nghiên cứu khoa học, do các giáo sư tầm cỡ quốc tế phụ trách, cũng có những câu hỏi bị sai trong những năm gần đây. Ở Việt Nam năm 2011 cả đề bài và đáp án thi tốt nghiệp môn sử đều “ngớ ngẩn”. Một hệ thống tốt là một hệ thống ít xảy ra sai phạm và có cơ chế tốt để xử lý sửa chữa sai phạm kịp thời, chứ không phải là một hệ thống không có sai phạm. Một số biện pháp để giảm thiểu sai phạm là: 

- Nâng cao trình độ và tinh thần trách nhiệm của giám khảo, và trả thù lao đúng mức cho việc ra đề và chấm thi (trả thấp quá sẽ dẫn đến làm ẩu, gây ra nhiều lỗi) 

- Đối với các đề thi quan trọng, ảnh hưởng đến rất nhiều thí sinh, thì việc ra đề và làm đáp án lại càng phải được làm cần thận, do những người có trình độ rất cao phụ trách. 

- Có cơ chế kiểm tra chất lượng (ví dụ kiểm tra chất lượng việc chấm thi), khiếu nại và thanh tra, để tìm ra xà xử lý các sai phạm, rút kinh nghiệm cho những lần sau. Nếu sai phạm quá nghiêm trọng, thì phải hủy kết quả thi và tổ chức thi lại. 

Hiệu suất chi phí 

Thi cử chỉ là một trong nhiều hoạt động của hệ thống giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Nếu tiêu tốn quá nhiều vào thi cử, thì sẽ ảnh hưởng xấu đến các hoạt động khác. Bởi vậy, việc thiết kế hệ thống thi cử sao cho có hiệu suất chi phí (cost-effectiveness) cao nhất, ít chi phí nhất với cùng một kết quả đạt được, là điều quan trọng. Chi phí ở đây bao gồm không chỉ chi phí do phía tổ chức thi bỏ ra, mà còn bao gồm cả chi phí do người đi thi phải bỏ ra. Và nó bao gồm không chỉ chi phí về vật chất, mà còn cả thời gian, công sức, và hao tổn về tinh thần. Để làm ví dụ minh họa: Ông C.N.R. Rao, trưởng hội đồng tư vấn khoa học cho thủ tướng Ấn Độ, có phát biểu một câu nổi tiếng năm 2011 là “Ấn Độ có hệ một thống thi cử chứ không phải hệ thống giáo dục” (India has an examination system but not an education system), ý nói là hệ thống thi cử của Ấn Độ quá nặng nề, khiến học sinh mất quá nhiều thời gian và sức lực cho thi cử, thay vì học kiến thức thực sự. 

Có những biện pháp khác nhau để có thể giảm bớt chi phí thi cử mà vẫn đảm bảo chất lượng: sử dụng các công nghệ hiện đại (ví dụ như chỗ nào có thể thì dùng máy chấm điểm thay vì người chấm điểm, vừa khách quan hơn vừa đỡ tốn kém hơn), đơn giản hóa điểm số (đối với nhiều cuộc thi kiểm tra, việc chấm điểm quá chi tiết như ở Pháp với điểm tối đa là 20 và tính từng 1/4 điểm là không cần thiết mà chỉ làm tốn thời gian của giám khảo, chỉ cần chấm ở các mức điểm như: chưa đạt, trung bình, khá, giỏi như hệ thống của Nga là đủ), thi chung (một hệ thống các trường gần tương đương nhau có cùng chung kỳ thi, thí để sinh thi vào nhiều trường thì cũng chỉ cần thi 1 lần thay vì nhiều lần cho cùng 1 môn thi), đồng bộ hóa (ví dụ như hệ thống thi tiếng Anh TOEIC có tính đồng bộ rất cao, điểm thi ở bất cứ nơi nào cũng được công nhận trên toàn thế giới), linh hoạt hóa, v.v. 

Một cách khác để giảm tốn kém thi cử, là tạo giá trị giáo dục cho bản thân kỳ thi: khi học sinh làm bài thi, thì không chỉ đơn thuần là làm bài thi, mà còn học luôn được một kiến thức mới từ việc làm bài thi đó, kết hợp được luôn việc thi với việc học. Ví dụ như một đề thi toán có thể bao gồm việc chứng minh và áp dụng một định lý mới trong toán học (mà học sinh chưa biết), bằng cách chia định lý đó ra thành nhiều bước nhỏ, mỗi bước là một bài tập mà học sinh có thể làm được. Học sinh làm một bài thi như vậy cũng là học luôn được một định lý. 

Hiệu quả 

Để khỏi chồng chéo với các tính chất cơ bản khác của một hệ thống thi cử tốt, chữ hiệu quả ở đây hiểu theo nghĩa hẹp: hiệu quả của cách ra đề và chấm điểm trong việc đánh giá thí sinh. 

Đối với phần lớn các kỳ thi, mà mục đích chính là để đánh giá xếp hạng tương đối giữa các thí sinh, thì đề bài quá dễ hoặc quá khó so với trình độ chung của thí sinh thường đều không phải là đề bài hiệu quả, vì trong cả hai trường hợp điểm của các thí sinh đều quá sát nhau (đều quá thấp hoặc quá cao), cộng thêm với các “nhiễu, sai số” (ví dụ thí sinh bị trừ điểm do chữ xấu) thì không còn dùng để đánh giá phân biệt được trình độ giữa các thí sinh nữa. 

Vì lý do hiệu quả, nên ở Pháp và nhiều nơi khác trên thế giới các trường đại học không thi tuyển cùng một đề, mà có phân cấp: các trường “lớn” (elite) thi đề khó hơn, các trường “nhỏ” thi đề dễ hơn. (Ở Pháp chỉ cần tốt nghiệp phổ thông là được nhận vào hệ thống trường đại học tổng hợp mà không cần qua thi tuyển, nhưng có hệ thống “grandes ecoles” chủ yếu đào tạo kỹ sư có thi tuyển đầu vào). Vì trường elite thu hút học sinh giỏi, nếu đề dễ thì toàn điểm cao không phân biệt được chính xác ai giỏi hơn ai để mà tuyển. Ngược lại, các trường nhỏ thu hút chủ yếu là học sinh năng lực vừa phải hoặc yếu, nếu đề khó thì không ai làm được, cũng không phân biệt được ai có năng lực cao hơn ai. 

Kiểu ra đề bài dài đến mức “không thể làm hết được”, và có cả câu khó lẫn câu dễ, với tổng số điểm của các bài vượt mức điểm tối đa, có thể là một cách linh hoạt để tăng hiệu quả của kỳ thi: mỗi thí sinh tìm được các bài vừa sức mình để làm và được điểm tương ứng, và không cần làm hết cũng có thể đạt điểm tối đa. 

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả là vấn đề may rủi. Như người ta nói “học tài thi phận”, khi đi thi không thể tránh khỏi yếu tố may rủi: ai “trúng tủ” thì điểm cao, rơi vào phần chưa kịp nắm vững thì điểm thấp. Một cách làm giảm may rủi là tăng tổng thời gian thi và lượng vấn đề được khảo sát trong đề thi sao cho bao phủ tốt hơn toàn bộ chương trình. Tất nhiên, cái giá phải trả cho sự đánh giá chính xác hơn này là chi phí của kỳ thi sẽ tăng lên. 

Đối với hình thức thi chọn câu trả lời đúng trong các câu trả lời có sẵn (multiple choice tests), nếu để thí sinh bấm đại vào 1 câu trả lời khi không biết câu trả lời nào đúng thì độ may rủi cao. Cách hạn chế may rủi này là bổ sung câu trả lời “không biết” (hoặc để trống) vào các trả lời có thể: ai “không biết” thì không được điểm nhưng cũng không bị trừ điểm, còn nếu bấm đại vào câu trả lời sai thì bị trừ nhiều điểm. Thí sinh sẽ không bấm đại nếu bị trừ điểm. 

Linh hoạt 

Sự linh hoạt là một yếu tố rất quan trọng để có được một hệ thống thi cử tốt, vừa hiệu quả trong việc thực hiện các chức năng của nó vừa giảm thiểu được chi phí cho xã hội. 

Một ví dụ về sự linh hoạt là hệ thống thi theo tín chỉ: sinh viên có thể tham dự các môn học và thi lấy tín chỉ theo trình tự và nhịp độ thích hợp với từng người (người học nhanh thì thi nhanh, chóng tốt nghiệp, và có thể tốt nghiệp mấy ngành cùng một lúc, người học lực yếu hơn hoặc vừa đi làm vừa đi học có thể thi với tốc độ chậm hơn, v.v.). Một ví dụ khác về sự linh hoạt là các môn lựa chọn: học sinh có thể chọn thi hay không thi môn nào trong số một số môn lựa chọn, như vậy các học sinh phát huy được sở trường của mình, chọn học sâu hơn cái mình thích. Một ví dụ khác nữa là thang điểm với tổng số điểm có thể cao hơn điểm tuyệt đối: để đạt điểm tuyệt đối không cần phải làm hết đề thi, mà chỉ cần làm được một phần lớn trong đó cho tốt. 

Có những kỳ thi có nhiều học sinh thi trượt không những đã tốn kém công sức cho việc chuẩn bị thi và mà còn bị suy sụp tinh thần sau kỳ thi, có khi mất hàng năm trời mới hồi phục lại được. Để giảm thiểu sự hao tổn này, cần thiết kế việc thi cử một cách linh hoạt sao cho học sinh dù có bị trượt vẫn đạt được những gì đó chứ không phải “mất trắng, bỏ đi hoàn toàn”, ví dụ như: có thể bảo lưu kết quả để chỉ cần thi lại những môn chưa đạt, kết quả có thể dùng ở nhiều nơi để không đỗ vào nơi đòi hỏi cao có thể được nhận vào nơi đòi hỏi thấp hơn, và có thể có những loại chứng chỉ cho người không đỗ hoàn toàn nhưng “đỗ một phần”, vẫn có giá trị nhất định nào đó.

Thế nào là một hệ thống thi cử tốt Reviewed by Em Binh on 7/06/2012 Rating: 5 Thế nào là một hệ thống thi cử tốt ?  Chữ “tốt” ở đây hiểu là tốt chung cho xã hội, theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội, chứ không...

Không có nhận xét nào: