Thư của một giáo dân Cồn Dầu tị nạn tại Thái Lan gửi đức cha Châu Ngọc Tri - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 7, 2012

Thư của một giáo dân Cồn Dầu tị nạn tại Thái Lan gửi đức cha Châu Ngọc Tri

Thưa Đức cha, 

Đã 2 năm trôi qua, từ khi xảy ra vụ tắm máu ngày 4 tháng 5, 2010 tại giáo xứ Cồn Dầu do chính quyền Thành Phố Đà Nẵng chủ mưu, con đã chứng kiến những tiếng kêu thất thanh, tiếng gào thét, tiếng khóc la hòa lẫn lời kinh cầu của trẻ thơ, của chị em phụ nữ, của những người già cả và của tất cả những giáo dân trong giáo xứ từ đêm mồng 3 cho đến 1 giờ trưa ngày 4 tháng 5 năm 2010 sau khi chính quyền Công An Cộng Sản lập mưu cướp xác một giáo dân quá cố. Công an đã đánh đập và bắt bớ người giáo dân. Chính con cũng đã bị bắt cùng với 61 người trong Giáo xứ. Công an đã tẩm quất chúng con bằng roi điện, dùi cui, và những chiếc giày đinh đã chà đạp trên thân thể chúng con tại nghĩa trang Giáo xứ Cồn Dầu. Trời mùa hè nóng bức, mồ hôi nhễ nhãi. Roi điện chích vào thân thể, dùi cui đánh xuống, da thịt nở ra trộn lẫn với mồ hôi đau và nhức nhối lắm. Về phòng điều tra tại quận Cẩm Lệ, CA tiếp tục đánh đập chúng con. Máu của những người dân trong Giáo xứ đã đổ ra; những tiếng khóc rống, tiếng la xé ruột trong phòng điều tra khi những chiếc ghế bửa vào người, roi điện chích vào hông, gót giày đạp thẳng vào bụng và cạnh sườn… Máu và máu Đức cha ạ. 

Thưa Đức cha, 

Con chỉ sơ lược về ngày đẫm máu tang thương trên Giáo xứ của con. Hẳn Đức cha còn nhớ trước khi xảy ra sự việc ngày 4 tháng 5 trên, ngày mồng 2 Tết Giáo xứ chúng con đón tiếp Đức cha, và trên bục giảng Đức cha đã không đồng tình với lá đơn kêu cứu khẩn cấp của Giáo xứ chúng con. Đức cha đưa ra lý do là tại sao đơn không viết là “Nhân dân Cồn Dầu” mà lại viết là “Giáo dân Cồn Dầu.” Chính vì câu này của Đức cha mà con có duyên để tìm đến Đức cha 3 lần. 

Sau ngày đó, con lặng lẽ đến tòa giám mục để xin gặp Đức cha. Trong lòng con rất hồi hộp vì không biết Đức cha có tiếp không vì con chỉ là một người giáo dân bình thường, không giữ một chức vụ gì trong Giáo xứ cả. Khoảng 15 phút khi Thầy Tiến đến báo là Đức cha sẵn sàng gặp con. 

Câu đầu tiên Đức cha hỏi, “Con đến đây có việc gì?” 

Con trả lời, “Vì bài giảng của Đức cha. Từ khi con ra đời đến nay, mọi người trong Giáo xứ của con đều nhận là Giáo Dân Cồn Dầu vì trong lòng mọi người chúng con 100% là giáo dân Công Giáo, nên trong đơn chúng con cần phải minh định như vậy.” 

Đức cha trả lời, “Nếu viết như vậy, chúng con bị cô lập, vì chỉ có Giáo hội. Nếu viết 'Nhân Dân Cồn Dầu' sẽ có nhiều người không có Đạo lên tiếng. Hơn nữa làm như vậy Giáo hội và Chính quyền sẽ chia rẽ.” Con thiết nghĩ một khi chính quyền ra vô đạo, gian manh và dối trá, đối xử với dân chúng bằng bạo lực và bất công thì Giáo hội cần phải biết “chia rẽ” với chính quyền ấy để bảo vệ cho công lý và sự thật. Người theo Chúa không sợ “bị cô lập” khi phải đối đầu với sự dữ thưa Đức cha. 

Con đáp, “Chỉ có Giáo hội mới giữ được cho quê hương giáo xứ chúng con không bị xóa xổ. Con xin hỏi Đức cha tại sao mấy ngày nay giáo xứ chúng con bị bố ráp, giáo dân sợ hãi không dám ở trong nhà mà phải ra ruộng trốn, không dám về nhà để nấu ăn, Đức cha ở đâu mà không can thiệp?” 

Đức cha trả lời, “Lúc đó Cha đi đám giỗ ở Tam kỳ không có mặt ở nhà và không hay biết gì.” Thế giới ngày nay thu nhỏ lại vì sự tiến bộ thông tin, tin tức nhanh chóng loan truyền không dễ bị bưng bít con lấy làm lạ là Đức cha không hay biết gì vì sự việc không vỏn vẹn chỉ xảy ra trong thời gian đám giỗ nhưng đã liên lỉ từ nhiều năm. Đức cha đã im lặng. 

Sau cùng Đức cha khuyên con nên đọc kinh cầu nguyện, nhẫn nại và Đức cha nói thêm, “Cha sẽ đứng trung lập; không nghiêng về Giáo dân, không nghiêng về chính quyền. Như vậy Giáo xứ Cồn Dầu chúng con sẽ không bị xóa sổ.” Con tin lời Đức cha và trở về trong hy vọng tràn trề. 

Càng ngày chính quyền thành phố Đà Nẵng càng làm áp lực ép chúng con di dời. Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh cùng tháp tùng với công an đến Giáo xứ chúng con để kiểm định. Họ dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến khủng bố đêm cũng như ngày. Họ ép chúng con phải di dời mồ mả cha ông chúng con và phải bỏ nhà bỏ cửa bỏ nơi ăn chốn ở của chúng con để đi nơi khác mà không một ai biết nơi đó là nơi nào. Người Giáo dân hoảng loạn, tinh thần căng thẳng. 

Con đến tòa Giám mục lần thứ 2. Lần này được Đức cha đón liền. Con kể sơ về tình hình diễn biến trong Giáo xứ. Con xin Đức cha, “Phen này Đức cha không ra tay cứu thì Giáo xứ chúng con sẽ bị xóa sổ.” 

Đức cha đã trả lời, “Giáo xứ của chúng con sẽ không bị xóa sổ nếu chúng con thực hiện chỉ thị di dời mã mồ và nhà cửa.…” 

Thật đau lòng khi nghe lời nói của Đức cha. Giáo xứ Cồn Dầu chúng con đã do mồ hôi nước mắt của bao đời cha ông chúng con dựng nên. Di sản mà tiền nhân để lại cho chúng con là niềm tin vào Thiên Chúa kết hợp với Hội thánh. Di sản ấy cụ thể ấy là ngôi thánh đường giáo xứ cùng vùng đất thánh nghĩa trang mà xương cốt còn lại của ông bà chúng con. 

Giáo dân Cồn dầu sống và lớn lên trong niềm tin Công giáo với khu thánh đường này; chia vui với nhau khi một thai nhi chào đời, một người giáo dân mới trong Giáo xứ, cùng nhau sẻ buồn một khi có người ra đi nằm xuống. Người giáo dân chúng con tại Cồn dầu này đã cùng nhau gắn bó trải qua bao thăng trầm ngày tháng. Thế mà ngày hôm nay Đức cha “khuyên” chúng con di dời theo chỉ thị của Bí thư thành ủy Nguyễn bá Thanh. Nguyễn bá Thanh đã vì quyền lợi mà giết hại đồng đội, vì đồng tiền mà triệt phá đồng bào. Bí thư thành ủy Nguyễn bá Thanh muốn chiếm đoạt mảnh đất cha ông chúng con tạo dựng, chia tán người giáo dân chúng con. Hắn ép giáo dân chúng con di dời giáo xứ phải chăng hôm nay hắn dùng tay Đức cha để bức hại và chia lìa con chiên Cồn dầu? Đức cha muốn hy sinh giáo xứ chúng con để không bị phiền hà đến ngai vị của Đức cha hay Đức cha đã có một sự đổi chác nào khác? 

Thêm vào đó Đức cha còn nói, “Sẽ có Giáo dân như Thanh Đức, Thanh Bồ và các giáo dân lân cận có tiền sẽ đến mua. Giáo xứ của chúng con vẫn còn. Hơn nữa khi các con lên ở với người không có Đạo, các con truyền bá Đạo cho những người chung quanh.” 

Con dở khóc dở cười. Chúng con phải quần quật kiếm tiền nuôi sống gia đình còn sức đâu mà truyền bá Đạo. Hơn nữa đây là nơi ông bà chúng con để lại, nơi mà đức tin chúng con được nuôi và lớn lên thế mà Đức cha lại nói chúng con dời đi để có kẻ khác có tiền đến mua. Lời của Đức cha vang vọng lại câu nói ngang ngược của Bí thư thành ủy Nguyễn bá Thanh, “Tụi bây là đồ răng hô trán vồ lui ra phía sau. Ông bà chúng bay để lại mấy hũ vàng mà bọn bay đòi ở lại đây?” đó là lời nói của kẻ cướp, một kẻ cướp ngày. Chúng đã ngang nhiên đến nơi chúng con sinh sống và dùng bạo quyền để bắt chúng con ra khỏi nhà. Đức cha đã thông đồng chấp nhận để hắn xoá xổ Giáo xứ chúng con. Lần này trở về lòng nặng trĩu. Chiếc phao cứu Giáo xứ đã vuột khỏi tầm tay. Hy vọng đã tiêu tan. 

Lần thứ 3 con đến thăm Đức cha đó là sau khi chúng con bị bắt được 2 ngày, gần nửa đêm Công an thả một số anh chị em chúng con về nhà trong đó có con. Trên đường về nhà con nghĩ đến Đức cha và tin rằng chỉ có Đức cha mới cứu được chúng con nên con quyết định tìm đến Đức cha. Vì còn đau nhức sau những trận đòn phũ phàng và những vết thương chưa lành. Gần một tuần con chờ cho những vết thương thể xác bớt đau con tìm đến và đã khóc trước mặt Đức cha, “Xin Đức cha cố gắng cứu những Giáo dân còn lại trong tù. Họ bị đánh đập quá dã man.” Đức cha vỗ về an ủi. 

Con hỏi, “Tại sao khi sự việc xảy ra như vậy, Đức cha đã biết mà không đến cứu chúng con?” 

Đức cha đã trả lời, “Vì là ngày Tĩnh tâm, nên Cha không thể đến được.” 

Con hỏi tiếp, “Tại sao trong Giáo xứ có đám tang Đức cha không để cha quản xứ ở lại với chúng con?” 

Đức cha trả lời, “Đó là cha quản xứ muốn đi, chứ ở nhà vẫn được.” 

Nghe Đức cha trả lời mà lòng con xót xa. Trong ngày này giữa lúc chúng con đang bị cấu xé bởi đám Công An, chúng con gọi điện thoại để nhờ Đức cha can thiệp, nhưng thật vô vọng. Theo thông lệ sau thánh lễ an tang linh mục quản nhiệm dẫn đoàn giáo dân tiễn đưa linh cửu người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang giáo xứ. Nhưng ngài đã rời bỏ giáo xứ trong vội vàng để cùng Đức cha đi “tĩnh tâm.” Phải chăng Đức cha chọn ngày 4 tháng 5 chỉ là để che đậy một sự bỏ rơi? Không biết khi tĩnh tâm Đức cha có nghe được tiếng khóc, tiếng thét vang trời và trong tâm Đức cha có nhìn thấy máu người giáo dân vô tội trong giáo phận của Đức cha đã đổ ra trên cánh đồng Cồn Dầu đó không? Không biết tiếng Chúa có thôi thúc Đức cha như Ngài đã từng nói với Môi Sen ‘Ta đã nghe tiếng dân ta than khóc’ không? 

Sau đó Đức cha dẫn con vào phòng làm việc riêng của Đức cha, con giật mình khi nhìn thấy ảnh chụp của Đức cha và Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh được lộng kính đặt trịnh trọng trong tủ líp phê. Nguyễn Bá Thanh, một Tần Thủy Hoàng của nhân dân Đà Nẵng, đặc biệt là Giáo dân Cồn Dầu, đang tươi cười đứng bên Đức cha như đôi bạn tri kỷ. Con chột dạ và băn khoăn. Bụng bảo dạ, “Phen này Đức cha mà tâu cho Nguyễn Bá Thanh thì rồi đời mày mi ơi.” Con nghĩ tới những cực hình và tra tấn man rợ đang đợi con trong những ngày sắp đến, như con đã từng trải qua trong hơn 2 ngày bị bắt vừa qua mà con run sợ. Vẫn giọng ôn tồn Đức cha nói, “Cha đã biết và sẽ cứu những người trong tù. Hãy cố gắng nhẫn nại, đọc kinh và cầu nguyện….” Bây giờ con đã hiểu “đọc kinh cầu nguyện” mà không đi đôi với hành động, việc làm thì chỉ là tiếng sáo rỗng, tiếng phèng la. 

Đức cha nói rất nhiều, nhưng con không nghe được gì nữa vì lòng con đang rối loạn, tai con ù đi. Hình ảnh thân thiện của Đức cha với Tần Thủy Hoàng Nguyễn Bá Thanh vẫn lởn vởn trong đầu óc con. Con ra khỏi phòng Đức cha mà lòng con đầy lo lắng và tâm tư rối bời. Đôi chân nặng trĩu hầu như nhấc lên không nổi. Những vết thương chưa lành nay càng thêm nhói đau. Đức cha, người mà con đã một thời trọng kính và đặt đầy sự trông mong sẽ cứu giúp Giáo xứ chúng con, nay không còn nữa. 

Thưa Đức cha, không lâu sau ngày con gặp trực tiếp với Đức cha lần thứ 3, con và một ít anh chị em Giáo dân Cồn Dầu đã âm thầm rời bỏ quê hương để đi tìm công lý với hy vọng sự ra đi của chúng con có thể gióng lên tiếng lương tâm cho thế giới may ra ai đó còn lương tâm can thiệp giúp Giáo dân chúng con chăng. Đến nay đã được hai năm, đêm đêm con trằn trọc và luôn nghĩ đến Đức cha, về đời “Tận Hiến” của Đức cha. Đời tận hiến là gì? Phải chăng đó là men muối cho cuộc sống vô vị? Là ánh sáng cho đời đen tối? là chứng nhân cho công lý và sự thật? Nếu Đức cha muốn chúng con “Truyền Đạo” cho những người chung quanh, tại sao Tần Thủy Hoàng Đà Nẵng đang tươi cười đứng trong ảnh bên cạnh Đức cha chưa được giáo hóa để ông ta không còn gian ác mà cứ mãi làm đổ thêm máu của những người dân vô tội? Con vẫn còn nhớ trong nhiều Thánh lễ Đức cha thường giảng trên bục, “Tiền bạc và danh vọng tất cả chỉ là phù vân và bụi tro” thì đời tận hiến của Đức cha theo con nghĩ đâu cần gì nữa, nhưng vì lẽ gì mà Đức cha lại thúc ép chúng con phải rời khỏi Giáo xứ? 

Trước ngày ra đi con có dịp tham gia mừng 100 năm thành lập giáo xứ Lệ sơn, con nhìn thấy Đức cha trên lễ đài với mũ áo uy nghi và gậy cùng nhẫn vàng trên tay. Chiếc gậy ấy phải chăng là dấu chỉ của một mục tử nhân lành chăn dắt đàn chiên, là biểu tượng hình ảnh của mục tử nhân lành Giêsu? Chiếc nhẫn ấy phải chăng là một ký ước “hôn nhân” giữa Đức cha và tất cả đoàn con trong Giáo phận? và cũng gậy nhẫn ấy Đức cha đến với nhiều nhóm giáo dân để cho họ hôn chiếc nhẫn vàng trên tay nhưng khi đến gần nhóm Giáo dân Cồn Dầu Đức cha lặng lẽ bỏ đi. Có lẽ Giáo dân Cồn dầu cũng chẳng ai buồn hôn nhẫn Đức cha nữa. Con nghĩ rằng Đức cha thừa hiểu tại sao, vì lòng kính trọng Đức cha nơi họ không còn nữa. Lời nói, lời giảng dạy trên bục giảng đã không đi đôi với những hành động của Đức cha. Con đau thì ít nhưng chán chường thì nhiều. Ngày trước khi xảy ra vụ việc đám tang mùng 4 tháng 5, mỗi lần Đức cha đến chúng con phải tươm tất xếp hàng, kèn trống đón chào vì Đức cha là thần tượng, là hơi thở của họ. Nhưng giờ đây Đức cha đã bán đứng Giáo xứ Cồn Dầu. Đức cha để mặc cho loài quỷ dữ đánh phá, gia đình tan nát, con cái cha mẹ mỗi người mỗi phương. 

Sau lần đàn áp giáo dân dã man ấy và bị thế giới lên án, Bí thư thành ủy Nguyễn bá Thanh đã để Đức cha đến giáo xứ ép buộc linh mục quản giáo ký giấy nhượng đất di dời giáo xứ. Đức cha âm thầm lặng lẽ đến giáo xứ như người môi giới kinh doanh địa ốc. 

Con tin vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngài sẽ mang sức sống cho Giáo xứ chúng con vì phần đất cha ông chúng con đã để lại, đã gieo hạt giống đức tin cho chúng con là phần đất thánh và lời Thiên Chúa đã nói với Môi sen cũng như Ngài đang nói với chúng con, “Đất ngươi đang đứng là đất Thánh.” Thật sự con rất đắn đo khi viết thư này nhất là khi nghe được những ngày gần đây Đức cha thường xuyên đến Giáo xứ chúng con. Con không biết Đức cha đến với mục đích gì. Con hy vọng Đức cha đến không phải để khuyên những người góa bụa, những đứa con côi, những người còn ở lại ngày đêm bị quân của Tần Thủy Hoàng Đà Nẵng đến khủng bố tinh thần, để họ trao nốt phần đất Thánh. Nhưng với thư này con mong Đức cha nối kết lại lòng tin giữa Đức cha và Giáo dân chúng con, cùng khơi dậy lòng thanh tao của đời tận hiến mà Đức cha đã khấn trong tinh thần phục vụ cho lẽ phải vì Chúa. 

Nguyễn Cồn Dầu - Thanhnienconggiao
Thư của một giáo dân Cồn Dầu tị nạn tại Thái Lan gửi đức cha Châu Ngọc Tri Reviewed by Em Binh on 7/03/2012 Rating: 5 Thưa Đức cha,  Đã 2 năm trôi qua, từ khi xảy ra vụ tắm máu ngày 4 tháng 5, 2010 tại giáo xứ Cồn Dầu do chính quyền Thành Phố Đà Nẵn...

Không có nhận xét nào: