Tôn giáo với đời sống lương tâm - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 7, 2012

Tôn giáo với đời sống lương tâm

LH - Sau ngày lãnh sứ vụ linh mục (chui) được ba năm, bề trên xét tình hình đã cho phép tiết lộ và thế là hầu như lập tức cha Vinh Sang bị bên Công An mời đi làm việc nhiều lần. Trong tất cả những lần làm việc ấy người ta chỉ muốn truy vấn xem giám mục nào đã cả gan dám làm cái việc không phép ấy.

Ai cũng biết vào đầu những thập niên tám mươi, chín mươi, việc truyền chức linh mục là phải có phép, nếu không sẽ bị khép vào tội chống chính quyền. Sau khi nghe câu trả lời của cha Vinh Sang rằng lương tâm không cho ngài làm điều ấy thì vị cán bộ đập bàn và nói lớn tiếng “Vào đây mà còn nói lương tâm à?” (Nguồn Ephata 516).

Với câu nói này, vị cán bộ có lẽ muốn cho cha Vinh Sang cũng như mọi người hiểu rằng trong những cái gọi là làm việc với công an nói riêng và nhà cầm quyền nói chung thì chỉ có luật thôi chứ chẳng có lương tâm lương đồ gì hết? Chúng ta sẽ phải hiểu ra sao qua câu nói này, chẳng lẽ những việc làm của nhân viên công quyền từ chủ tịch nước cho đến các công chức bình thường đều chẳng có lương tâm gì cả hay sao?

Thực tế cho thấy dường như vậy, đừng nói chi đến những ngành tai tiếng như công an giao thông hay thuế vụ. Ngay trong y khoa là nghề cao quý để cứu giúp người mà người ta còn vô lương tâm đến độ bòn rút tiền tỷ từ Bảo Hiểm Y Tế để chia chác nhau một cách có hệ thống. Vừa mới đây báo chí khui ra vụ trưởng khoa tại một bệnh viện lớn đã pha nước chuyền dịch vào máu để bán cho bệnh nhân (Thanh Niên ngày 08/7/2012). Giáo dục là một nghề được xã hội kính trọng gọi là thầy nhưng có ông hiệu trưởng lại trở thành ma cô dắt gái là chính học trò mình cho các quan đầu tỉnh v.v… và v.v…

Chúng ta phải công nhận là chính quyền đã có rất nhiều nỗ lực cũng như đề ra nhiều biện pháp thích đáng để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Thế nhưng ai cũng biết đó chỉ là cái việc đánh bùn sang ao chẳng những không có tác dụng gì mà còn khiến cho người dân chẳng còn tý chút niềm tin. Niềm tin tuy vô hình nhưng nó là chất keo gắn kết mọi thành phần xã hội. Không phải chỉ trong tôn giáo mới cần niềm tin, xã hội cũng không thể thiếu. Chính vì niềm tin mà cuộc chiến đấu dành độc lập dân tộc dù gian khổ khốc liệt đến đâu cuối cùng cũng đưa đến thành công. Trái lại có độc lập mà niềm tin không còn thì độc lập ấy chỉ là vô nghĩa, tất yếu sẽ đưa đến đổ vỡ về mọi mặt. Sự đổ vỡ ấy là tất yếu bởi nó đã không được xây trên nền tảng của lương tâm.

Khi nói chỉ có luật chứ không cần lương tâm thì luật ấy chỉ có thể là luật rừng, luật của kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu. Luật của mọi thứ luật đó là Hiến Pháp mà bất cứ quốc gia nào cũng cần phải có. Hiến Pháp xét về mặt pháp lý cũng là một thứ Hợp Đồng gồm có Bên A là toàn thể nhân dân của một quốc gia và bên B là chính quyền được trao phó cho những trọng trách ấn định nơi những chương, những điều khoản bắt buộc thi hành. Trọng trách ấy cần phải được nêu lên một cách vắn gọn nhưng đầy đủ trong Lời Mở Đầu. Chẳng hạn Hiến Pháp 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa theo ý của HP Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Có thể coi Lời Mở Đầu của Hiến Pháp như là kim chỉ nam đồng thời là lương tâm mà quốc gia cần phải y cứ vào đó để sống, làm việc và phát triển. Nhiều người cho rằng Hiến Pháp VNDCCH năm 1946 là rất tiến bộ bởi vì nó là phản ảnh của lương tâm con người. Thế nhưng trong chế độ xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa về sau, lời mở đầu của Hiến Pháp đã không còn phản ảnh lương tâm nữa mà là chủ nghĩa Mác Lê “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM, thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước…” (HP 1992 bổ sung năm 2001). Chủ nghĩa Mác Lê lấy đấu tranh giai cấp làm lý tưởng nền tảng, bởi vậy nó không thể phản ảnh lương tâm con người. Luật cần phản ảnh lương tâm bởi lẽ nó là cội gốc phát sinh đạo đức. Không có hoặc phủ nhận nguồn gốc đó tất nhiên không thể có đạo đức. 

Bằng chứng rõ nhất cho thấy tại những nước CS một khi đã khởi xướng và theo đuổi chủ nghĩa duy vật vô thần thì mọi giá trị đạo đức trở thành vô nghĩa, lương tâm không còn chỗ đứng. Cũng vừa mới đây tại Hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do viện Nghiên Cứu Kinh Tế và báo mạng Tân Lãng (Sina com.cn) tổ chức tại Bắc Kinh (6/2012), giáo sư Hà Quang Hộ viện triết học Nhân Dân Trung Quốc đã thẳng thắn phát biểu: “Là người, phải có nhân tính, chúng ta đều là con người chứ không phải loài dã thú sống trong rừng sâu. Trong quan hệ giữa người và người chúng ta phải tính đến lợi ích của người khác” (Báo Tuổi Trẻ ngày 5/7/2012).

Phải tính đến lợi ích của người khác có nghĩa là Trung Quốc không được ỷ thế xâm phạm quyền lợi chính đáng của các nước lân bang như Việt Nam, Nhật bản, Philippin bằng cách vẽ ra cái đường lưỡi bò chín khúc cực kỳ phi lý kia. Mình sống thì cũng phải để cho người khác sống, đó không những là cách xử thế khôn ngoan nhưng còn là thể hiện của lương tâm. Có thể hiện lương tâm mới là con người, trái lại chỉ là loài dã thú sống trong rừng sâu!!! Giáo sư Hà Quang Hộ đặt vấn đề không phải chỉ cho người Trung Quốc mà còn cho cả nhân loại hôm nay và cho mỗi một người chúng ta kể cả người có hay không có tôn giáo. Nói rằng mình có đạo mà không sống lương tâm thì cũng chẳng khác gì người không có đạo. Tuy nhiên, ở đây có sự khác biệt mang tính căn bản thế này: người không có đạo khi phạm tội, bị kết án chỉ biết hối hận, còn người có đạo thì hối cải tội lỗi mình, xin Chúa thứ tha để trở về với Ngài.

I- Sống lương tâm tức là làm hòa với Thiên Chúa

Hối hận là một thứ tình cảm đặc trưng của con người bởi đó là sự kết án của lương tâm. Đối với người không có tôn giáo thì hối hận đưa đến bế tắc bởi vì họ chỉ nhìn vào tội lỗi để tự khinh ghét mình. Trái lại, người có niềm tin thay vì nhìn vào tội họ lại hướng về Đấng Cứu Chuộc để xin tha thứ, bởi tin Ngài là Đấng đến để cứu kẻ tội lỗi (Mt 18, 11). Ăn năn sám hối và tin vào lòng Chúa xót thương là hai điều kiện thiết yếu cho bất cứ sự trở về nào. Trong dụ ngôn Người Con Hoang đàng Chúa cho ta thấy tính chất quan hệ của sự hối cải “Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà thưa rằng cha ơi con đã lỗi phạm với trời và với cha, thật chẳng đáng được gọi là con cha nữa. Xin đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” (Lc 15, 18 -19).

Xưng thú tội lỗi ăn năn sám hối, nhận mình không xứng đáng đồng thời tin tưởng vào sự độ lượng nhân từ của cha mình. Người con đã quyết tâm trở về và đã được đón nhận cùng với tất cả sự yêu quý của người cha. Ăn năn sám hối và lòng tin, hai điều kiện cho sự trở về ấy luôn bồi bổ cho nhau. Càng sám hối thật lòng bao nhiêu thì đức tin càng tăng trưởng bấy nhiêu. Trái lại không có lòng ăn năn thì đức tin dù ban đầu có đấy nhưng sớm muộn gì cũng sẽ lụi tàn. Lý do cần thiết của sự ăn năn và lòng tin là bởi sự trở về ấy là về với thực tại ẩn giấu nơi tâm hồn. Thực tại ấy có khi được gọi là Đấng Cha, khi khác là Nước Trời, Nước Thiên Chúa, chốn nghỉ ngơi muôn đời v.v… Thiên Chúa cũng như Nước Chúa bởi vì là thực tại ẩn giấu sâu kín ở nơi tâm nên mới cần sự ăn năn sám hối và lòng tin thì mới có thể vào (ngộ nhập) “Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết, rồi từ đó Tin Mừng Nước Thiên Chúa được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” (Lc 16, 16).

Do nơi ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ là tội phân biệt thế nên tâm trí con người luôn hướng ngoại, tìm cầu đến nỗi đã trở nên phản nghịch chối bỏ cả Thiên Chúa là Đấng hay ghen: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình cũng chớ làm tượng nào giống như những vật trên trời cao kia hoặc nơi đất thấp này hoặc trong nước, dưới mặt đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc phụng thờ chúng nó. Vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần kỵ tà. Hễ ai ghét Ta, Ta sẽ nhân tội tổ phụ (tội phân biệt) phạt lại con cháu các ngươi đến ba bốn đời và làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ta và giữ các giới răn Ta” (Xh 20, 4-6).

Bản xưa của nhà văn Phan Khôi dịch là kỵ tà thì tà ở đây ám chỉ các thần tượng bằng gỗ đá do con người tạo nên nhưng rồi họ lại vái van phủ phục lạy lục cúng tế cho những thứ đó là thần, là linh. Thiên Chúa là Đấng vô sở bất tại không thể tri thức cũng như cảm nhận nhưng Ngài lại luôn sẵn lòng và đầy đủ quyền năng để ban muôn ơn phúc lành cho những ai yêu mến và vâng giữ các giới răn của Ngài. Thế nhưng con người vì mê lầm không biết lại cứ quay ra cầu khẩn với những thần linh giả dối đó. Vì vậy Thiên Chúa không thể không kỵ, không ghen. Chúng ta chỉ có thể hiểu được sự ghen tương của Thiên Chúa một khi nhận ra tính chất nội tại của Ngài. Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8), là Đấng Cha nhân từ vô lượng vô biên chỉ muốn ban mọi phước lành ân sủng cho những ai yêu mến trở về nhưng đồng thời cũng sẽ tru diệt đến ba bốn đời cho kẻ nào ghét bỏ Ngài. Thực hiện con đường yêu mến, tức làm hòa với Thiên Chúa, thì được sống và sống dồi dào, trái lại thì sẽ phải chết. Yêu và ghét ở đây cũng được hiểu là sống theo lương tâm mình sẽ được mọi an vui phúc lộc. Ngược lại không sống theo lương tâm tất không thể tránh khỏi khổ đau bất hạnh.

II- Lương tâm với tính chất nhân quả

Tại các phiên tòa sau khi bị tuyên án chúng ta thấy hầu hết các tội phạm đều tỏ ra hối hận. Thế nhưng tất cả đều đã muộn, tạo nhân nào thì sẽ phải lãnh quả đó. Tòa án đời chỉ có thể dựa vào pháp luật để kết án và như thế không khỏi có những sai lầm. Trái lại tòa án lương tâm thì không thể sai bởi vì nó căn cứ ở nơi động cơ của hành động. Động cơ thế nào thì hành động thế ấy, động cơ xấu thì hành động phải xấu, động cơ có tốt thì hành động mới có thể tốt được. Với động cơ tốt thì lương tâm không bị cắn rứt, người kia vì muốn cứu người nhưng vô tình lại gây ra cái chết, thế nên trước pháp luật có thể bị kết án nhưng lương tâm y thì thanh thản.

Hiểu như vậy thì động cơ chính là cái nhân của hành động còn hành động là kết quả của động cơ. Thấu triệt tính chất nhân quả này nhà đạo học Vương Dương Minh (1472 – 1528) đưa ra thuyết Tri Hành Hợp Nhất thế này: “Người đời nay học vấn nhân vì đã phân tri hành ra làm hai việc, cho nên khi có một cái niệm phát động tuy là bất thiện nhưng bởi chưa thi hành thì không tìm cách ngăn cấm. Ta nói cái thuyết Tri Hành Hợp Nhất chính là để người ta hiểu được chỗ nhất niệm phát động tức là hành rồi. Hễ chỗ phát động có điều bất thiện thì đem điều bất thiện ấy trừ bỏ ngay đi, cốt bỏ đến chỗ căn để, khiến cho cái niệm bất thiện không tiềm ẩn ở trong tâm. Ấy cái đó là cái tông chỉ lập ngôn của ta” (Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển hạ).

Nói nhất niệm phát động thì niệm ở đây chính là tư tưởng, tư tưởng tốt thì hành động tốt, ngược lại tư tưởng xấu (ác tưởng) thì hành động xấu. Cứ chất chứa nơi lòng những tư tưởng xấu ác tất sẽ phạm điều ác mà điều ác đã làm thì sẽ phải lãnh quả ác không sao mà tránh khỏi được. Về lẽ nhân quả báo ứng này, Đức Kitô cũng nói không khác khi Ngài quở trách dân Do Thái cứng lòng “Ớ dòng dõi rắn độc kia, các ngươi vốn là ác, có thể nào nói điều thiện được. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do chứa ác mà phát ra điều ác” (Mt 12, 34 -35).

Cứ chất chứa những tư tưởng xấu xa bằng cách xem phim đồi trụy, bạo lực hoặc ngồi đồng tán dóc ngày này sang ngày khác ở quán cà phê, các quán nhậu nhẹt tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm thì không thể nào không đưa đến tội ác. Bởi đó cho nên muốn cải tạo xã hội thì cần phải tìm ra tới tận nguồn cơn của tội ở nơi tư tưởng mà trừ khử đi. Thế nhưng việc này xem ra hoàn toàn không thể chẳng những tại đất nước duy vật vô thần này mà còn trên khắp thế giới. Ở đây chẳng có gì là bi quan cả nhưng là thực tế. Ngay tại những quốc gia tự hào dân chủ nhân quyền như Mỹ, nếu quán xét sẽ thấy bên trong nó chất chứa đầy sự bất công thiên lệch, đến nỗi HĐGM đã phải phát động một cuộc đấu tranh phản kháng lương tâm nhân Đạo Luật cải cách y tế.

Đời đã vậy còn đạo thì cũng chẳng khả quan gì trong cái thời tục hóa cao độ này. Phần đông nếu còn giữ đạo thì đó chỉ là cái vỏ hình thức bề ngoài: long trọng lắm, nhiệt thành sầm uất lắm nhưng điều cốt lõi là lương tâm thì dường như không được biết đến. Trở về với lương tâm cũng tức là làm hòa với Thiên Chúa nhưng ta chỉ có thể làm hòa khi biết quay về với Đấng ở trong ta bằng cách hết lòng yêu mến và lắng nghe Tiếng Ngài. Tiếng Chúa là tiếng lương tâm, ai làm theo lương tâm thì đã làm hòa, tức sinh bởi Thiên Chúa. Trái lại không sống theo lương tâm thì không sinh bởi Thiên Chúa: “Ai bởi Thiên Chúa mà sinh thì nghe Lời Thiên Chúa. Các ngươi sở dĩ chẳng nghe là tại vì các ngươi không bởi Thiên Chúa mà sinh” (Ga 8, 47).

Phùng Văn Hóa

Tôn giáo với đời sống lương tâm Reviewed by Hoài An on 7/18/2012 Rating: 5 LH - Sau ngày lãnh sứ vụ linh mục (chui) được ba năm, bề trên xét tình hình đã cho phép tiết lộ và thế là hầu như lập tức cha Vinh Sang...

Không có nhận xét nào: