Về việc bảo vệ chủ quyền của ta trên biển, đảo - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 7, 2012

Về việc bảo vệ chủ quyền của ta trên biển, đảo

GPO - Có lẽ không một người Việt Nam nào là không muốn cho đất nước mình có mối giao hảo với Trung Quốc, nước láng giềng phía Bắc to lớn hùng mạnh, để ít ra mình được yên ổn mà xây dựng và phát triển đất nước mình; họ cũng thừa biết chủ trương của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là “kiên trì sử dụng các biện pháp hoà bình, sử dụng tổng hợp các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý” để “duy trì, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc” như ông Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân Hà Nội hôm 13.7 vừa qua.

Nghĩa là không ai dại dột tự ý đi kiếm chuyện với Trung Quốc cả. Nhưng nếu có những nhóm công dân Việt Nam vì yêu nước, vì bức xúc trước những hành động không ngừng gia tăng của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển của đất nước mình mà thấy cần phải có hành động cụ thể để phản đối thì, theo thiển ý của tôi, đó là một hành động chính đáng, và chính quyền ít ra cũng nên trân trọng tìm hiểu, thay vì vội vàng lên án như ông Thảo đã làm khi ông “đề nghị các cấp, ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, không bị các phần tử xấu (?), cơ hội lợi dụng xúi giục xuống đường, tụ tập biểu tình gây mất trật tự an ninh thủ đô” (x. báo LPTP 14-7-2012). Tại sao, hễ lúc nào người dân tự nguyện hành động để bày tỏ chính kiến của mình trước một vấn đề nào của đất nước, ngoài khuôn khổ của những nhiệm vụ công dân do luật định, thì nhà cầm quyền cứ “quy chụp” là họ muốn gây mất trật tự và bị kẻ xấu xúi giục? Ở nhiều nước khác, một mục tiêu cao cả (và dĩ nhiên không dễ) của giáo dục công dân là gây được ý thức cho người dân có sáng kiến hành động tự nguyện vì công ích thay vì chỉ ngồi chờ lệnh của trên đưa xuống. Ở ta từ rất lâu rồi, các sáng kiến công dân thường bị triệt tiêu hoặc bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ. Mọi sự đều đã được cấp trên suy nghĩ thay cho. Chỉ từ mấy năm mở cửa gần đây mới đôi khi nghe nói tới “xã hội hoá” (chẳng hạn xã hội hoá các chính sách), nhưng dường như cụm từ xã hội hoá đã bị hiểu theo nghĩa rất hẹp là tạo điều kiện cho xã hội đóng góp để nhẹ bớt gánh nặng cho công quyền, thay vì nghĩa tích cực là phát huy trí lực và vật lực của xã hội cho công ích từ ý thức của chính xã hội.

Trong lúc đó thì chính quyền làm gì trước những hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển của ta hiện nay? Ta lên tiếng phản đối. Cũng có khi rất mạnh mẽ, quyết liệt. Nhất là trên báo chí. Nhưng ta phản đối cứ việc phản đối; đó là chuyện của ta. Và chính quyền ta cũng dừng lại đó thôi, hầu như không có một hành động cụ thể nào cả. Có vẻ như với tất cả những gì liên quan tới “ông anh” Trung Quốc (ví dụ chuyện các phòng khám TQ kém chất lượng, dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc hoạt động không có phép đang là vấn đề thời sự hiện nay), nhà chức trách Việt Nam luôn tỏ ra e dè, “cả nể” (hay sợ sệt sao đó?), không dám can thiệp mạnh tay theo quy định của pháp luật. Còn chuyện của họ ư? Là cứ tiếp tục vi phạm, là vi phạm ngày càng ngang ngược hơn, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý, bất chấp dư luận. Họ chẳng “buồn nghe” ta phản đối. Chẳng khác gì họ coi ta như “không có” vậy. Nhưng bề ngoài đôi khi họ cũng làm ra vẻ nhẹ nhàng thân ái và thiện chí lắm! Tại các hội nghị ngoại giao, họ luôn nói Trung Quốc kêu gọi các bên không có hành động gây phức tạp tình hình ở biển Đông. Họ không quên nhắc lại rằng hai bên Việt Nam-Trung Quốc đã có nhiều thoả thuận cấp cao và có được thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề tranh chấp, v.v. Nhưng họ luôn nói một đàng làm một nẻo; đối với họ, các thoả thuận chỉ là chuyện giấy tờ, hay tệ hơn, chỉ là chuyện bề ngoài để đánh lừa thiên hạ như TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã nhận định: “[Đó là] thủ thuật đánh lừa dư luận để trên thực tế tiến hành các hoạt động ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm hơn”. (Tuổi Trẻ, 29-6-2012). Có lần họ kêu gọi ta gác lại tranh chấp để họ cùng khai thác với ta những vùng gọi là có tranh chấp đó. Nhưng điều vô lý là biển của ta, được luật pháp quốc tế công nhận, họ nhảy vào “tự dưng” nói là của họ để biến vùng đó thành vùng tranh chấp. Vì thế TS Trần Trường Thuý, thuộc Học viện Ngoại giao VN, giải thích tại Hội nghị về biển Đông ở Washington mới đây rằng đề nghị khai thác chung đó, thực chất [về phía Trug Quốc] là “cái của tôi là của tôi, cái của anh là của tôi và chúng ta cùng chia sẻ” (Tuổi Trẻ, 30-6-2012).

Ta hãy nhắc lại một vài hành động “ngang ngược và tráo trở” (x. Tuổi Trẻ 29-6-2012) của Trung Quốc: năm ngoái, họ đã ngang nhiên cắt dây cáp của tàu dầu khí Việt Nam đang hoạt động trong hải phận của ta; gần đây, họ thành lập đơn vị hành chánh gọi là Tam Sa với thủ phủ đặt trên đảo Phú Lâm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (-sau đơn vị hành chánh, sẽ là một đơn vị quân sự); họ mời thầu đối với 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, một chuyện chưa từng có trong mối quan hệ giữa các nước; tiếp theo đó là việc họ triển khai bốn tàu hải giám đến tuần tra ở bãi Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của ta, rồi giữa tháng 7 năm 2012 này, 30 chiếc cá Trung Quốc lũ lượt kéo tới khu vực 10 độ vĩ Bắc gần đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa để đánh bắt dài ngày. Còn chuyện ngư dân ta đánh bắt trên vùng biển của mình bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi hay bắt giữ là chuyện “bình thường” ! Trung Quốc không giấu tham vọng của mình là độc chiếm hoàn toàn vùng biển Đông. “Đường lưỡi bò” mà họ có “cao kiến” vẽ ra ôm trọn tới 80% biển Đông bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ hành động bất chấp luật pháp, bất chấp lẽ phải. Giáo sư Karl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc tóm tắt chính sách biển Đông của Trung Quốc trong một câu: “Trung Quốc đang theo đuổi chính sách sức mạnh là chân lý” (theo Tuổi Trẻ 29-6-2012, tr. 17).

Trước thực tế nóng bỏng như trên mà chính quyền Việt Nam chỉ hô hào “duy trì, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc” thì làm sao dân nghe được? Nên nhắc lại đây rằng chúng ta đã có Luật biển Việt Nam được Quốc Hội thông qua ngày 21-6-2012. Với Luật mới này, chúng ta đang ở tư thế thuận lợi hơn trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình trên biển Đông. Không có chi lạ khi Trung Quốc đã lập tức lên tiếng phản đối Luật biển của chúng ta và coi nó là “vô giá trị” (đối với họ). Luật ghi rõ ở Điều 4 là mọi công dân Việt Nam đều có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Đối với các tranh chấp liên quan tới biển, đảo Luật đề ra một nguyên tắc giải quyết chung cho nhà chức trách, là sử dụng những biện pháp hoà bình, như đàm phán, thương lượng, đưa ra trọng tài hay toà án quốc tế. Còn đối với người dân, để thực hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển của ta, chắc chắn là có nhiều cách. Tôi hy vọng rằng rồi đây trong những quy định cụ thể sẽ được đưa ra để áp dụng Luật biển VN (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2013), việc biểu tình bất bạo động sẽ được nhìn nhận như một biện pháp hoà bình mà người dân có thể và có quyền dùng tới trong những điều kiện nhất định. Tôi không nghĩ đây là cách ưu tiên hàng đầu, nhưng trong một xã hội pháp quyền, khả năng đó nên được coi là bình thường và tích cực, thay vì tiên thiên bị coi là một hành động mang tính phá hoại hoặc đáng nghi ngờ. Sở dĩ tôi nhấn vào chuyện biểu tình là vì cơ hội để tôi viết bài này chính là những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xảy ra tại Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội hồi đầu tháng 7 và đã bị các chính quyền sở tại coi đơn giản như một chuyện gây rối trật tự trị an cần phải dẹp mà thôi. Vì thế cuối bài này, tôi xin nhắc lại: có nhiều biện pháp khác, trong thực tế có khi còn hữu hiểu hơn, để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của chúng ta. Lòng yêu nước thương nòi và ý thức công dân sẽ mách bảo cho biết phải dùng biện pháp nào trong từng hoàn cảnh cụ thể. 

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, ofm

Về việc bảo vệ chủ quyền của ta trên biển, đảo Reviewed by Hoài An on 7/20/2012 Rating: 5 GPO - Có lẽ không một người Việt Nam nào là không muốn cho đất nước mình có mối giao hảo với Trung Quốc, nước láng giềng phía Bắc to lớn ...

Không có nhận xét nào: