BBC - Nguyên nhân vụ xung đột giữa người dân và chính quyền xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đêm hôm thứ Ba tới sáng thứ Tư tuần này nảy sinh từ tranh chấp giữa lãnh đạo xã và người dân về một sân bóng, theo một nhân chứng là dân địa phương.
Theo nhân chứng giấu tên này, chính quyền xã muốn bán một sân thể thao với tổng diện tích 3.000 mét vuông, nhưng người dân ở xóm Tràng Sơn, nơi có sân bóng và có khoảng 1.000 nhân khẩu, đặc biệt là thanh niên muốn giữ sân lại, tu sửa để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao.
Trong quá trình tranh chấp, chính quyền đã nhượng bộ khi quyết định không bán sân bóng nữa, nhưng lại ngăn cản việc tu sửa, cũng như không giữ lời hứa thả người dân bị cáo buộc là tham gia xung đột như cam kết với dân.
Vẫn người này cũng khẳng định vụ việc hoàn toàn xuất thân phát từ tranh chấp "dân sự," không hề có yếu tố "tôn giáo."
Trong khi đó, giới chức chính quyền huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cũng thừa nhận trong vụ người dân trụ sở ủy ban xã Yên Lộc 'có yếu tố lấn chiếm đất đai.'
Hôm thứ Năm 16/8, một viên chức từ văn phòng Công an Huyện Can Lộc xác nhận với BBC Việt ngữ rằng công an đang tiến hành điều tra vụ việc hàng trăm người dân kéo tới trụ sở xã Yên Lộc tối hôm 14/8 và 'hành hung' lãnh đạo xã.
"Có sự việc xảy ra trong cả hai ngày," viên chức không tiết lộ danh tính này nói với BBC -"Chúng tôi chỉ có thể nói được là cơ quan công an Tỉnh đã xuống điều tra."
"Công việc đang được tiến hành và công an của Tỉnh đang xác định nguyên nhân."
Yên tĩnh trở lại
Từ văn phòng của Hội nông dân huyện Can Lộc, một nữ cán bộ cho BBC hay "tình hình đã ổn định, mọi việc đã yên tĩnh trở lại."
Một lãnh đạo của Hội này cho BBC biết thêm chi tiết: "Các lãnh đạo bị hành hung đã ra viện và trở về nhà. Họ bị xây xát nhiều".
Vị lãnh đạo hội nông dân, cũng không muốn tiết lộ danh tính, nói: "Hiện nay chính quyền đang tiến hành điều tra. ủy ban đã làm việc trở lại bình thường".
"Hội nông dân chúng tôi có nhiệm vụ tham mưu với cấp ủy và chính quyền để giải quyết.
"Chúng tôi chưa biết rõ nguyên nhân đầy đủ nhưng trong vụ việc liên quan tới sân bóng này, chúng tôi nghĩ có yếu tố lấn chiếm, tranh châp đất đai."
Khi được hỏi về nhân thân của nhóm hai mươi người bị cho là đã tham gia vụ hành hung Chủ tịch và Phó Chủ tịch ủy ban Nhân dân xã ngay tại văn phòng ủy ban Yên Lộc, lãnh đạo hội nông dân Huyện Can Lộc nói thêm: "Công an đang tiến hành điều tra, còn người dân cũng như giáo dân theo tôi thì bình thường vẫn tốt."
Trước đó, từ chiều thứ Ba 14/8 cho tới tận sáng thứ Tư 15/8, hàng trăm người dân xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, đã bao vây, đập phá trụ sở ủy ban Nhân dân xã để đòi thả ông Đặng Văn Công (27 tuổi) bị công an bắt.
Theo nguồn tin giấu tên có mặt khi xảy ra vụ việc, con số người tới bao vây trụ sở lên tới nhiều trăm người, "vì riêng xóm Tràng Sơn đã có cả nghìn dân".
UBND xã nói một nhóm khoảng 20 thanh niên đã "dùng gậy gộc, bàn ghế, ống tuýp nước... tấn công" hai ông chủ tích và phó chủ tịch xã Yên Lộc ngay trong phòng làm việc của họ cho tới khi hai ông ngất xỉu.
Ba người gồm Chủ tịch xã Yên Lộc Nguyễn Huy Quế, Phó chủ tịch xã Dương Chí Thanh và Trưởng Công an huyện Can Lộc, ông Trần Văn Sơn bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Hai ông Quế và Thanh bị nói là thương nặng ở đầu, phải theo dõi chấn thương sọ não và được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
Các phòng làm việc của UBND xã bị đập phá hư hỏng nặng, hệ thống điện bị cắt.
'Không đánh ai'
Ông Công là người ở xóm Tràng Sơn thuộc xã Yên Lộc, bị công an huyện triệu tập vì hành vi chống người thi hành công vụ, cho dù "chưa hề động thủ với quan chức nào", theo nhân chứng ở xóm này.
"Con số người tham gia vụ này phải nhiều trăm người vì chỉ riêng xóm Tràng Sơn đã có cả một nghìn dân."
Một nhân chứng tại xóm Tràng Sơn
Việc xác định ai là người đánh các ông chủ tịch và phó chủ tịch xã Yên Lộc hôm 15/8 được cho là rất khó vì con số người có mặt tại hiện trường quá lớn.
Hầu như tất cả các kênh chính thức đều đưa lý do việc ông Đặng Văn Công bị triệu tập là do đã thuê máy ủi để ủi khu vực đất "thuộc UBND xã quản lý" và có phản ứng chống đối cán bộ; nhưng không nói đẫt thuộc UBND xã quản lý là diện đất gì.
Gần đây, các vụ người dân manh động tấn công cơ quan công quyền xảy ra khá thường xuyên như các vụ tranh chấp ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, vụ Ecopark ở tỉnh Hưng Yên và mới nhất là vụ tranh chấp đất ở xã Nam Viêm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc giữa hàng chục hộ nông dân với chính quyền địa phương.
Vụ lớn gây chú ý nhiều tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, từ đầu năm tới nay, tuy vậy vẫn chưa có kết luận chính thức cuối cùng.
Không có nhận xét nào: