Hồng Thuận phỏng vấn GS Allen Weiner - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 8, 2012

Hồng Thuận phỏng vấn GS Allen Weiner

DienDanCTM - Giáo sư luật Allen Weiner, Đồng Giám Đốc Chương trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu của Trường Luật Đại học danh tiếng Stanford, Hoa Kỳ, đã vừa nhận đại diện 17 thanh niên Công giáo và Tin Lành đang bị giam ở Việt Nam, đứng đơn kiến nghị lên Ủy Ban Điều Tra VềGiam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc về việc Hà Nội bắt bớ và giam giữ tùy tiện, vi phạm những cam kết của Việt Nam là phải tuân giữ luật quốc tế. Phóng viên Hồng Thuận của Radio CTM đã có cuộc phổng vấn với giáo sư Allen Weiner để tìm hiểu thêm về sự kiện này.
Dưới đây là nội dung trao đổi đã được chuyễn ngữ:

Hồng Thuận: Mới đây Ông đã gửi một kiến nghị lên Ủy Ban Điều Tra Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc để yêu cầu Ủy Ban điều tra việc bắt giữ 17 nhà hoạt động trẻ người Việt. Xin Ông vui lòng tóm lược nội dung của kiến nghị.

Allen Weiner: Nội dung cốt lõi của kiến nghị là: đây là những người đã tham gia vào nhiều sinh hoạt xã hội và chính trị bao gồm cả sinh hoạt truyền thông, dân báo tức blogging, và huấn luyện kỹ năng. Họ đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam với những lý cớ rất rất mơ hồ dựa theo luật pháp Việt Nam. Một vài người đã bị cáo buộc tội là thành viên của Đảng Việt Tân, một tổ chức mà nhà cầm quyền tùy tiện xem là một tổ chức phá hoại. Kiến nghị của chúng tôi nêu rõ những thanh niên này là ai, và cho biết tại sao họ bị bắt, mặc dầu phía chính quyền Việt Nam chẳng chịu nói rõ tại sao họ bị bắt. Điểm chính mà chúng tôi nêu lên trong kiến nghị là việc bắt bớ và giam giữ này vi phạm luật nhân quyền quốc tế; vì bắt bớ tùy tiện là vi phạm những cam kết của Việt Nam tuân giữ luật quốc tế. Chúng tôi kêu gọi phải trả tự do cho họ.

Hồng Thuận: Vậy là nhiều người trong số đó bị kết tội vì là thành viên của Đảng Việt Tân, là một tổ chức chính trị, trong khi luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và ngay cả Hiến Pháp của Việt Nam cũng bảo đảm quyền tự do lập hội và tham gia hội đoàn phải không ạ?

Allen Weiner: Tôi nghĩ là Cô đã nắm được điểm chính của vấn đề là có sự hiện hữu của quyền lập hội theo luật pháp quốc tế. Và quyền đó cũng có trong luật pháp và Hiến Pháp của nước Việt Nam. Vì đây là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc – chúng tôi chú trọng vào luật pháp quốc tế. Chúng tôi cho rằng việc làm của chính phủ Việt Nam vi phạm một số điều khoản của Công Ước Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Điều 25 của Công Ước Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị, chẳng hạn như bảo đảm quyền tham gia sinh hoạt xã hội của người dân. Và, như Cô đã nói, Hiến Pháp của Việt Namcũng ghi rõ là người dân có quyền tham gia vào việc điều hành quốc gia và xã hội. Tổ chức chính trị mà chúng ta đang nói đến không hề chủ chương bất cứ sinh hoạt nào có tính cách bạo động, và cũng không hề đe dọa sự ổn định của quốc gia. Họ chỉ kêu gọi cải cách và dân chủ đa đảng, và điều đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến Pháp của Việt Nam.

Hồng Thuận: Ông đã nghiên cứu tường tận trường hợp của các nhà hoạt động trẻ tuổi này, và có lẽ cả những trường hợp tương tự. Ông nghĩ gì về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam nói chung?

Allen Weiner: Tôi không muốn nói quá tổng quát về tình hình ở Việt Nam, vì những trường hợp mà tôi biết rõ là trường hợp của những thanh niên này. Đối với tôi, chỉ những trường hợp này đã phản ảnh khá rõ rệt tình trạng tước đoạt quyền phát biểu quan điểm chính trị, tình trạng bắt bớ tùy tiện, tình trạng xét xử hình sự mà không có bất kỳ bảo đảm căn bản nào cần phải có theo luật quốc tế và theo Hiến Pháp của Việt Nam. Tôi cho rằng những trường hợp này phản ảnh trung thực những báo cáo chung liên quan đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Nếu chúng ta đọc những bản báo cáo về nhân quyền hoàn toàn độc lập với nhau đã đượcTổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền hay Hội Ân Xá Quốc Tế phổ biến, chúng ta sẽ thấy tình trạng của một đảng cầm quyền luôn sẵn sàng tiêu diệt tất cả những gì mà họ coi là đe dọa đối với sự độc quyền cai trị của họ. Họ rất lo ngại những phương tiện truyền thông xã hội như dân báo (blogging), những sinh hoạt có tổ chức rộng rãi, và nhất là sinh hoạt đảng phái. Họ coi đó là mối đe dọa và họ sử dụng quyền lực của quốc gia để tiêu diệt những người hành xử quyền hạn của mình.

Hồng Thuận: Điều gì đã khiến Ông quan tâm và tham gia vào các trường hợp của 17 nhà hoạt động xã hội này?

Allen Weiner: Tôi trước giờ vẫn là một luật sư chuyên về luật quốc tế. Một vài người có quan hệ với những thanh niên bị bắt giam, qua trung gian, đã liên lạc với tôi và hỏi là tôi có sẵn sàng tham gia vào việc làm một bản kiến nghị hay không. Khi được biết về những gì đã xẩy ra cho những thanh niên đó thì tôi thấy đây không phải là một trường hợp khó xử. Có nhiều khi người ta liên lạc với bạn và nói rằng “quyền của chúng tôi bị vi phạm”; nhưng khi xem xét thì bạn thấy là quả có một số vấn đề nhưng đồng thời bạn lại thấy là nhà cầm quyền cũng có một số lý do chính đáng. Nhưng những trường hợp này thì rất rõ ràng – đây là những người làm dân báo, họ phản đối và phát biểu quan điểm chính trị một cách ôn hoà, trật tự, không hề đe dọa an ninh của quốc gia. Nghĩa là họ làm theo cách mà bất cứ ai trên thế giới cũng phải được quyền làm. Vì vậy, khi biết được sự việc, tôi quyết định rất nhanh để hỗ trợ cho những thanh niên này và hy vọng là chúng tôi có thể có vài biện pháp giúp cho họ được trả tự do.

Hồng Thuận: Tôi biết là trước đây Ủy Ban Điều Tra Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã từng có ý kiến về một số trường hợp các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Riêng về trường hợp này thì mục tiêu của kiến nghị là gì?

Allen Weiner: Chúng tôi hy vọng là Ủy Ban Điều Tra Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc sẽ duyệt xét lại trường hợp này và ra phán quyết rằng đây là những trường hợp giam giữ tùy tiện, và nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế, và chỉ có giải pháp thích hợp là trả tự do cho những người kháng nghị. Chúng tôi hy vọng là nếu nhà cầm quyền Việt Nam nghe được ý kiến của cơ quan độc lập này là việc bắt giữ tuỳ tiện của họ đi ngược lại những cam kết của Việt Nam đối với thế giới thì họ sẽ quyết định là nên tuân thủ những gì mà họ đã cam kết. Và đương nhiên chúng tôi cũng hy vọng là một trường hợp như thế này sẽ tạo được sự chú ý nhiều hơn tới tình trạng của những người bị giam giữ. Và từ đó cũng góp phần vào việc trả tự do cho những thanh niên này.

Hồng Thuận: Cuối cùng. Ông có lời nhắn gì với thính giả của chúng tôi ở Việt Nam, và đặc biệt với những bạn bè và thân nhân của những nhà hoạt động này?

Allen Weiner: Điều tôi muốn nói là: hoàn cảnh ở Việt Nam có thể khó khăn cho những ai muốn vận động cho tự do và sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên, lịch sử đang ở cùng phiá với các bạn, và cuối cùng thì nhà cầm quyền Việt Nam không thể nào ngăn cản được nguyện vọng được quyền phát biểu và tự do tham gia vào sinh hoạt xã hội của người dân. Tôi cũng muốn nói với những người đang bị giam giữ và gia đình của họ là họ nên biết là có rất nhiều người trên khắp thế giới biết về hoàn cảnh của họ, đang theo dõi và hiệp thông với họ, và đang làm những gì có thể làm được để mang lại tự do cho họ, để bảo vệ quyền của họ, và để tranh đấu cho những quyền hạn mà chúng ta có ở những nơi khác trên thế giới.

Hồng Thuận: Xin cám ơn ông Allen thật nhiều. Những điều Ông nói là niềm an ủi đối với những người đang tranh đấu cho các quyền căn bản của con người ở Việt Nam.

Hồng Thuận phỏng vấn GS Allen Weiner Reviewed by Hoài An on 8/01/2012 Rating: 5 DienDanCTM - Giáo sư luật Allen Weiner, Đồng Giám Đốc Chương trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu của Trường Luật Đại học danh tiếng Stanford...

Không có nhận xét nào: