Chủ tịch xã Quỳnh Châu (Trái, tay mang đồng hồ) cùng văn thư xã đang làm việc với phóng viên. |
Bảo Nam - Dưới ba gian nhà đã xuống cấp , lấp khuất sau mé đồi ở xóm 9 xã Quỳnh Châu, Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, có người đàn bà đã từng đi lính công binh, hiện giờ nuôi chồng bệnh binh, thương binh và đàn con ăn học. Cuộc đời đầy khổ hạnh, sóng gió, mà hầu hết các quan chức xóm,xã, huyện đã gây nên nhưng bà chưa bao giờ khuất phục. Bà cả gan “bẻ nạng chống trời”để đòi công lý, dân chủ.
Sinh 1958, 20 tuổi, Trần Thị Lựu vào bộ đội ở binh chủng công binh, chuyên phá bom mìn
thuộc trung đoàn 30 sư 472 binh đoàn 12 (còn gọi binh đoàn Trường Sơn). Dạo đó đơn vị của chị đóng ở Quảng Nam (Đà Nẵng) để làm đường 14A, sau đó lại chuyển đến các tuyến đường Tây Nguyên. Chị không thể nhớ hết mình và đồng đội đã phá mấy trăm bom mìn và sửa chữa bao nhiêu con đường. Còn mốc của tình yêu với người chồng thì chị không thể quên. Đó là Tết 1980 được về phép, trong chuyến đi chơi xóm làng chị đã gặp anh bộ đội Phan Xuân Lợi cùng xã, tình yêu của hai người lính nảy nở.
bà Lựu ( và chồng thương binh) Người phụ nữ đã ôm Phó Chủ Tịch tỉnh để kêu oan
Cuối 1982 chị Lựu và anh Lợi tổ chức đám cưới, chỉ sau hai ngày trăng mật họ lại chia tay nhau trở về đơn vị công tác. Đầu năm 1983 bị sốt rét rụng hết tóc, cộng với hoàn cảnh gia đình chị đã được đơn vị cho xuất ngũ. Năm đó chị có thai đứa con đầu, sắp sinh nở mà nhà thì chưa có nên một mình dựng túp lều để kịp vượt cạn . Túp lều oằn mình với thời gian mưa bão, cho đến năm 1985 thì ẹp xuống, chị vay mượn 800 đồng mua được 2 gian nhà tranh dựng trên đất phần trăm của mình .
“ở chưa yên ổn, đến năm 1986 tôi bị xã Quỳnh Châu xử phạt 300 đồng vì làm nhà trên đất canh tác. Trong nhà không có khoai để ăn bị xã dồn phạt nếu không sẽ dỡ nhà, tôi đành đi cầu xin khắp nơi cứu giúp bằng cách vay một tạ thóc đến mùa trả một tạ rưỡi . Đó là năm cơ hàn nhất vì con mới sinh, đêm đêm tôi phải đi trộm hái lá khoai lang để ăn mà sống nuôi con chờ chồng” - Chị Lựu lấy khăn lau những giọt nước mắt cay đắng, đưa biên lai nộp phạt đã cất giữ hơn 20 năm để chứng minh cho chúng tôi xem .
bà Lựu ( và chồng thương binh) Người phụ nữ đã ôm PCT tỉnh kêu oan
Trong thời gian này anh Phan Xuân Lợi chồng chị vắng bặt thư từ. Sau đó lại nghe tin anh Lợi đã hy sinh làm chị Lựu ốm cả tuần. “Đận đó tôi định chết anh ạ, nhưng nhìn đứa con trai và nghĩ chắc là tin không chính xác nên gượng dậy để sống . Sau này mới biết thời gian đó anh Lợi đang mải miết chiến đấu hết chiến trường biên giới Tây Ninh đến nước bạn Căm Pu Chia. Sau hai lần bị thương, kiệt quệ sức lực, cuối năm 1987 anh Lợi được phục viên trở về quê nhà với bệnh binh 2/3, thương binh 4/4.
Bấy giờ có vợ có chồng nhưng anh Lợi ốm yếu lắm vì bị viêm dạ dày, viêm đa khớp, hàng ngày không giúp được gì cho vợ con, nhưng lại cần rất nhiều tiền để đi viện liên miên. Chưa hết đau khổ, đó là lần sinh con thứ 2, thứ 3 từ năm 1993 đến 1996, lần ấy cháu thứ 3 là Phan Thị Loan đang chăn vịt đứng trên bờ ao gần đường quốc lộ 48. Một chiếc xe ô tô đi qua do phóng nhanh nên bị lật đổ đè lên cả cháu Loan. Lái xe chết không còn gì để đòi hỏi , chị Lựu vét đến đồng tiền cuối cùng và bán sạch tài sản, cộng vay mượn để đưa cháu Loan đi cứu chữa mà không qua khỏi. Nghe chồng, nghe hàng xóm chân tình khuyên giải chị Lựu nén nỗi đau hàng ngày mờ sáng đi cấy, cày thuê cho nhiều nhà khác để đổi lại họ cho mượn trâu, bò cày cấy ruộng mình. Những hôm có chợ phiên chị thức suốt đêm xay bột làm bánh xèo, bánh cục đi bán để mua về tý cá tý thịt bồi dưỡng cho chồng con. Cộng thêm chị nuôi gà, vịt, lợn để các con có việc làm. Lúc trăng lên hoặc trưa hè chị rủ con đi đóng gạch.
Chỉ sau 3 năm chị Lựu đã tích góp xây được 3 gian nhà cấp 4 hiện còn ở đến bây giờ. Chị thường nói với chồng con; ai cũng ước mơ con cái được học hành giỏi giang thành đạt, nhà cao cửa rộng, giàu có, nhưng hoàn cảnh của mình làm sao mà đạt được. Thôi chỉ mong cho các con khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn, mong sao trời yên biển lặng.
Đúng là cuộc đời không đẹp như ước mơ với chị Lựu dù chỉ là ước mơ bình yên. Ngày 18 tháng 7 năm 2000 một tai ương đã ập đến để chị phải đi kêu kiện hơn 1 năm trời. Hôm đó đàn vịt 10 con của chị đang ăn ở đám ruộng hoang thì bị bảo vệ đồng xóm 9 lùa về bắt phạt 10 nghìn đồng/con vì vi phạm cấm của bảo vệ. Chị Lựu quá uất ức vì giá thị trường chỉ có 5 nghìn đồng/con, vịt lại ăn trên ruộng khai hoang của nhà mình, nên kiên quyết chống lại xử phạt vô lý . Sau luỹ tre , ở cái làng quê heo hút này, đây là lần đầu tiên có người phụ nữ cả gan chống lại bảo vệ , vì thế mà đàn vịt bị bán ngay.
Chị Lựu viết đơn kiện lên Xã Quỳnh Châu. Xã không giải quyết, chị lại đội đơn lên huyện Quỳnh Lưu. Thấy sự việc vô lý huyện giao xã bắt bảo vệ xóm 9 đền vịt cho chị Lựu 10 nghìn đồng /con, nhưng xã, xóm cứ vòng vo. Hơn một năm trời chị Lựu cứ lên huyện lại lên tỉnh. Cuối cùng vì sức ép của cấp trên xã cũng chấp thuận bắt bảo vệ xóm đền cho chị Lựu 10 con vịt bằng 100 nghìn đồng. Nhưng kèm theo quyết định này xã lại bắt chị Lựu nộp phạt 150 nghìn đồng vì “vi pham quy chế bảo vệ đồng”.
Cầm quyết định xử phạt vô lý của xã, chị Lựu đội nón cời ra quốc lộ bắt xe lên tỉnh. Với quyết định bắt bảo vệ đền cho chị Lựu 100 nghìn đồng nhưng lại xử phạt chị Lựu 150 nghìn đồng chắc phòng tiếp dân tỉnh tức giận xã Quỳnh Châu lắm? Thế nhưng khi thấy chị Lựu cán bộ tiếp dân tỉnh đã chán ngán không xem giấy tờ gì nữa mà nói: Chị không phải trình bày gì nữa cứ về dưới đó sẽ giải quyết. Về nhà nén uất ức chờ đợi vẫn thấy im lặng, chị Lựu lại lên huỵên, huyện bảo về xã.
Không được đền bù đàn vịt vì bảo vệ đã lỡ bán lấy tiền liên hoan, chẳng biết là lần thứ mấy nữa chị Lựu lại khăn gói lên tỉnh, với quyết tâm không làm ra lẽ phải thì không về . Tôi hỏi “Nếu được đền chị chỉ được 100 nghìn, bù lại chị đã mất cả trăm lần như thế sao vẫn cứ theo kiện”? “Đúng thế, nhưng cái lớn lao tôi kiện là bảo vệ danh dự cho gia đình, để kẻ làm sai không ức hiếp ai nữa”. Và lần này hội đồng tiếp dân tỉnh cũng không giải quyết việc vịt của chị Lựu nữa vì đã giao huyện giải quyết…
Uống một ngụm nước, chị Lựu kể tiếp. “Anh thấy có uất ức không? lần này tôi định nằm lăn ra trước sân UBND tỉnh kêu trời thì có người dân cùng đi kêu kiện mách với tôi: Bà đến cái ông bụng to đang xách ca táp đi ra xe đó mà hỏi, ông ta là phó chủ tịch tỉnh đấy. Oan ức nhiều quá rồi, cán bộ to càng tốt, tức thì tôi nhào tới ôm lấy ông PCT tỉnh. Sự việc xẩy ra qúa bất ngờ, ông PCT đứng im. Tôi nói rất nhanh cho ông ta hiểu ra sự việc “Bảo vệ xóm ăn cướp, cán bộ xã cùng một lũ, huyện quan liêu, tỉnh không kiên quyết”…
Bỗng có 2 công an chạy tới, người ôm, kẻ gỡ tay tôi để giải thoát cho PCT tỉnh. Cùng lúc đó có mấy anh nhà báo ào đến chụp ảnh, lấy thông tin. Hôm sau báo Tiền phong chủ nhật số 31 ra ngày 5 tháng 8 năm 2001 đã có phóng sự “Hành trình đi tìm công lý của một người phụ nữ” của PV. Hồ Hồng Tuyến. Và ngay sau bài báo đó tỉnh Nghệ An đã lệnh cho UBND huyện Quỳnh Lưu giải quyết dứt điểm, tôi được đền 100 nghìn từ 10 con vịt mà không bị xử phạt gì nữa”- Vừa nói chị vừa cười chảy cả nước mắt. Bây giờ thì chị Lựu mái tóc đã lốm đốm bạc, sự khốn khổ của cuộc đời đã đè người lính nữ của một thời già trước tuổi. Thời gian nghiệt ngã vèo đi qua, chị Lựu bây giờ là bà Lựu tóc lốm đốm bạc, nhưng trong mắt xóm làng bà Lựụ là biểu tượng của lòng kiên gan, bất chấp quyền lực tác oai tác quái để dòi dân chủ, công lý.
Mặt trời đã lặn xuống dốc Truông Vên, nghĩ đường về còn xa ngái, mà chuyện đời của người lính nữ này nghe ra còn dài dài nên tôi cắt lời bà Lựu chuyển sang hỏi han các con cái. Bây giờ thì bà tươi tắn hơn. Bà sinh được 5 con, hiện còn 4. Con đầu đã tốt nghiệp Đại học đang dạy ở trường Huỳnh Thúc Kháng thành phố Vinh. Con thứ hai vừa tốt nghiệp Đại học, thứ 3 thứ 4 đang học cao đẳng, đại học. Bà nói “Tôi mà không lao tâm khổ tứ đi kiện thì bây giờ kinh tế chắc không thua kém ai. Bù vào sự mất mát, các con tôi đứa nào cũng cần cù, học giỏi, chịu khó chịu khổ”.
Nhân bà đi hái chè xanh nấu nước chiêu đãi khách, ông chồng Phan Xuân Lợi tiếp chuyện tôi. Ông kể chuyện chiến đấu ở các mặt trận, bị thương hai lần, vì sức khoẻ quá yếu nên phải rời quân ngũ . Ông bảo ở chiến trường không sợ bom đạn nhưng về hậu phương mới thấy khiếp. Thật may có người vợ kiên gan đã chèo lái con thuyền gia đình cập bến hạnh phúc hôm nay, tôi thấy hiếm có người phụ nữ nào có sức chịu đựng được như thế”… Bà vợ đưa nước lên cắt lời chồng “Tôi hay đi kêu kiện, tưởng ai cũng ghét, vậy mà có năm anh Lợi phải đi bệnh viện 4 lần, xã trích quỹ tình thương hỗ trợ 500.000 đồng, rồi làng xóm người 50.000đ, 30.000đ, cân đường, hộp sữa đến thăm hỏi. Làng xóm ai cũng tốt cả nhưng có một số kẻ bảo thử, thích quyền thế coi thường pháp luật, chà đạp lên luân thường đạo lý, không thể run sợ, nhịn nhục, phải làm đến nơi cho họ biết mà chừa đi”.
Bà Lựu kể tiếp, năm 2012 cả xã bình bầu hộ nghèo, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, nếu công bằng thì vợ chồng tôi đều đạt cả 3, nhưng các ông xã tức tôi hay đi kiện nên gạt bỏ hết. Trong lúc đó chủ tịch và 2 phó chủ tịch xã Quỳnh Châu bố mẹ đều được hộ nghèo. Tức điên lên vì mấy ông quan tham tôi viết đơn kiện lên huyện, lên tỉnh. Chỉ sau 6 tháng bố mẹ của các quan xã bị cắt hộ nghèo. Bà Lựu cười, cái cười chua chát của người chiến thằng nhưng phải trả giá quá đắt cho nhiều năm kêu kiện, tố cáo. Bà cho biết, hiện nay vẫn tiếp tục kêu kiện tố cáo chuyện bất minh về lệ phí chợ Tuần thuộc quyền quản lý của xã Quỳnh Châu…
Vừa nghe trò chuyện, vừa ghi chép, thỉnh thoảng tôi ngước nhìn bà như một thần tượng của lòng dũng cảm. Gía như cuộc đời đang đầy rẫy những bất công mà cái gọi là nô bộc của nhân dân gây nên có nhiều người nữa kiên cường như bà chắc hẳn “mảnh đất đen” không còn. Để kiểm chứng thêm về sự kiên cường của người lính nữ, vợ thương binh Phan Xuân Lợi chúng tôi cũng đã gặp ông Nguyễn Bính Khảng tân chủ tịch xã Quỳnh Châu. Khi đề cập đến những “sự kiện”của bà Lựu ở xóm 9 xem ra ông Khảng không mặn mà lắm, nhưng ông cũng không chê trách được điều gì (vừa qua mẹ của chủ tịch này được hộ nghèo, nhưng 6 tháng sau bị cắt vì bị bà Lựu tố cáo).
Chào hai vợ chồng từng là người lính, tôi thực sự khâm phục họ tuy nghèo nhưng sống thật hạnh phúc, con cái học hành thành đạt. Đặc biệt bà Lựu chịu khó chịu khổ kiên gan như chất lính đã đánh là đánh đến cùng, dẫu phải mất mát, hy sinh rất nhiều. Giữa đời thường, gọi là thanh bình bây giờ, dễ mấy ai được như bà Lựu? Chỉ một bà Lựu thôi đã mang lại nhiều chiến thắng, giá như có nhiều người phụ nữ (nói riêng) nữa kiên gan cùng đứng vào đội ngũ đòi công lý, dân chủ thì lũ quyền chức, tham nhũng, ức hiếp dân lành sẽ không có đất sống.
Bảo Nam.
Không có nhận xét nào: