Nguyễn Học Tập(TNCG) - SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 42);(19.08.2012);(Ga 6, 51-58)
CHUÁ NHẬT XX PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN; NĂM B
Trong quan niệm Phúc Âm Thánh Gioan, Thánh Thể là Bí Tích Nhập Thể để con người "ở lại" nơi Chúa Giêsu và Chúa Giêsu "ở lại" nơi con người.
Nếu trong đoạn Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, các người Galilei không tin Chúa Giêsu vì họ biết rõ tông tích gia phả trần thế của Ngài:
- "Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Ta từ trời xuống" (Ga 6, 41),
thì trong Phúc Âm Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, các người Do Thái bị đặt trước một lời mời gọi vượt qua sức tưởng tượng của họ: ông Giêsu đang nói với họ là Đấng Cứu Thế, tin vào ông, theo ông và liên hệ mật thiết với ông là con đường duy nhất để được cứu rỗi:
- "Làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?" (Ga 6, 52).
- "Ta bảo thật, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình" (Ga 6, 53).
a ) Câu đối đáp của Chúa Giêsu mang hai ý nghĩa: nếu con người không nuôi dưỡng mình bằng chính tiếp xúc với nhân tính mạc khải của Chúa Giêsu, tiếp xúc với Chúa Giêsu Nhập Thể để mạc khải Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống và hạnh phúc tuyệt đỉnh, con người không thể biết được và có được sự sống. Con người không tin vào Chúa Giêsu Nhập Thể mạc khải Thiên Chúa cho mình, con người sẽ không thể biết và không có được sự sống đời đời.
Ý nghĩa thứ hai, trong Bí Tích Thánh Thể có Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, hiện diện với đời sống sung mãn và hạnh phúc của Chúa Ba Ngôi. Tiếp xúc với Chúa Giêsu trong Thánh Thể là tiếp nhận và tham dự vào "bản tính thần linh của Thiên Chúa" (2 Pt 1,4), tham dự vào đời sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi đó tại sao Chúa Giêsu nói với các người Do Thái:
- "nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình" (Ga 6, 53).
b) Cũng như trong Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, Thánh Gioan dùng thành ngữ "đến với Ta" để diễn tả cuộc hành trình đức tin vào Ngài:
- "Chẳng ai đến với Ta được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Ta, không lôi kéo người ấy" (Ga 6, 44),
thì ở đoạn Phúc Âm Thánh Lễ hôm nay cũng vậy, Thánh Gioan dùng từ ngữ "ăn thịt và uống máu Ta" không những để chỉ động tác tham dự Thánh Thể của người tín hữu, mà còn nói lên "đức tin" vào lời giảng dạy cứu thoát của Phúc Âm và vào Bí Tích Thánh Thể, nơi chúng ta gặp được Chúa Giêsu, "ở lại hay cư ngụ trong Ngài và Ngài cư ngụ nơi chúng ta":
- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở lại trong Ta và Ta ở lại trong người ấy" (Ga 6, 56).
Tiếp xúc với Chúa Giêsu trong Thánh Thể là " tin " và thông hiệp với Người, trong mối tương quan cá nhân- cá nhân với Ngài và lãnh nhận đời sống của Chúa Ba Ngôi được thông ban cho chúng ta nơi Ngài.
Một trong những quan niệm căn bản về nhân vị không thể chối bỏ được của Thiên Chúa Giáo là trong cuộc sống hiệp thông với Thiên Chúa, con người được Chúa thông ban cho đời sống thần linh, sung mãn và hạnh phúc của Ngài cho chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn còn giữ nguyên cá tính nhân vị của mỗi người. Chúng ta không hòa tan con người của chúng ta vào Đại Ngã của Thiên Chúa như giọt nước tan biến trong biển cả.
Mỗi người chúng ta là một nhân vị, một đứa con của Thiên Chúa, có căn cội, ngày sinh tháng đẻ và cá tính. Từ muôn thở và cho đến ngày tận cùng của thế giới, không có một đứa con thứ hai nào khác của Ngài có những đặc tính như mỗi người của chúng ta và không thể lầm lẫn với chúng ta. Và chúng ta cũng không thể bị hủy diệt hay tan biến vào hư vô hay Đại Ngã. Mỗi người chúng ta là một đứa con duy nhất của Ngài và Ngài thông ban đời sống hạnh phúc của Ngài cho từng người một trong chúng ta.
Do đó ai xúc phạm đến nhân vị của một con người là xúc phạm đến một đứa con Thiên Chúa, chớ không phải chỉ làm hư hại đối với một thực thể có thể bị hủy diệt hay tan biến vào hư vô, mất đi nhân vị và cá tính.
Đó cũng là ý nghĩa tại sao Chúa Giêsu không phán một lời để hoá bánh nuôi dân chúng theo Ngài nghe giảng dạy, mà Ngài lại nhận năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé để cộng tác với Ngài.
Ơn cứu rỗi của Chúa ban cho chúng ta không phải như đổ ân sủng vào môt chiếc thùng rổng, mà là đổ men vào bột để bột dậy lên tăng thêm số lượng và biến đổi phẩm chất, bởi lẽ Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta có giá trị, giống hình ảnh Ngài, đã ban cho chúng ta mỗi người một nhân vị, có trí khôn ngoan, lòng ước muốn tự do và hạnh phúc, có khả năng yêu thương Ngài và yêu thương phục vụ anh em:
- "Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài,
Giống hình ảnh Thiên Chúa, Ngài dựng nên.
Người Nam và người Nữ, Ngài dựng nên" (St 1, 27).
c) Mối tương quan mà Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Phúc Âm hôm nay trong Bí Tích Thánh Thể, là mối tương quan " hổ tương" (réciprocité):
- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy" (Ga 6, 56).
Trước hết chính chúng ta phải " ăn thịt
và uống máu Ngài ", chúng ta phải " đến với Ta", như Ngài đã nói (Ga 6, 44), để chúng ta "ở trong Ngài", và chỉ với điều kiện đó, "ở trong Ngài", kế đến Ngài sẽ "ở trong chúng ta".
Nếu chúng ta không "đến với Ngài", không tin vào Ngài, không tiếp nhận Ngài, "ăn thịt và uống máu Ta" trong Bí Tích Thánh Thể, thì Ngài không "ở trong người ấy", trong chúng ta được.
Và nếu không có Ngài "ở trong người ấy", ở trong chúng ta, làm sao chúng ta có được Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch sự sống và hạnh phúc bất diệt của con người:
- "Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết" (Ga 6, 54).
d) Hơn ở bất cứ nơi nào khác Thánh Gioan đề cập đến trong Bí Tích Thánh Thể sự tương quan giữa Chúa Giêsu và Cha Ngài và Chúa Giêsu với các môn đệ.
Trong lễ cung hiến Đền Thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu nói cho mọi người biết mối tương quan giữa Ngài và Cha Ngài: Ngài được sai đến để thi hành ý muốn của Chúa Cha:
- "Nếu Ta không làm các việc của Cha Ta, thì các ông đừng tin Ta. Còn nếu Ta làm các việc đó, thì dù các ông không tin Ta, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy các ông sẽ biết và càng ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong Ta và Ta ở trong Chúa Cha" (Ga 10, 38).
Cũng vậy, lúc đàm đạo với môn đệ Philipphê, Chúa Giêsu cho ông biết rằng Ngài giảng dạy những gì Chúa Cha dạy:
- "Anh không tin Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha , Đấng luôn ở trong Thầy, chính người làm những việc của mình" (Ga 14, 10).
Trong ví dụ cây nho và cành nho, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Ngài luôn thông hiệp với Chúa Cha trong tình thương và cũng trong tình thương đó Ngài liên kết Ngài với chúng ta:
- "Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy" (Ga 15, 9).
Và rồi Chúa Giêsu cầu nguyện Chúa Cha để chúng ta tất cả đều hợp nhất với Ngài và Chúa Cha trong một đại gia đình:
- "Con không chỉ cầu nguyện cho những người nầy, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cùng ở trong chúng ta: như vậy, thế gian tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17, 20-21).
Nhưng chính trong Bí Tích Thánh Thể , Chúa Giêsu nói lên mối tương quan mật thiết và sống động giữa Ngài và Chúa Cha cũng như giữa Ngài và chúng ta.
Bởi vì chính Chúa Cha là nguồn mạch sự sống, là khởi thủy của sứ mạng cứu rỗi để liên kết mọi người về với Ngài qua Chúa Giêsu và qua các môn đệ:
- "Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã ủy thác cho Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà sống như vậy" (Ga 6, 57).
Chúa Giêsu sống bằng chính đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và được chính Chúa Cha ủy thác cho sứ mạng cứu rỗi nhân loại, chúng ta tiếp nhận Ngài trong Thánh Thể là lãnh nhận chính đời sống Thiên Chúa mà Ngài thông ban cho chúng ta và cũng lãnh nhận chính sứ mạng nguyên thủy mà Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài để chúng ta đem ơn cứu rỗi đến cho anh em.
Như vậy nhận lãnh Chúa Giêsu Thánh Thể là nhận lãnh chính Chúa Cha là Đấng Hằng Sống, nguồn mạch của đời sống sung mãn và hạnh phúc của Chúa Ba Ngôi trong chúng ta. Chính Chúa Cha làm cho chúng ta sống như Ngài vẫn làm cho Chúa Giêsu sống:
- "Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn Ta cũng nhờ Ta mà sống như vậy"
Sự liên hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu không phải là mối liên hệ tạm bợ, tình cảm, qua đi, mà là một giao ước thân hữu vĩnh viễn và được canh tân lại mỗi lần chúng ta đến tiếp nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Câu nói :
- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở lại trong Ta và Ta sẽ ở lại trong người ấy" (Ga 6, 56),
đọc theo văn mạch có nghĩa là: "Cứ mỗi lần ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở lại trong Ta và Ta sẽ ở lại trong người ấy".
Mối giao ước vừa được Chúa Giêsu tuyên bố còn là bảo chứng cho cuộc sống vĩnh viễn và hạnh phúc của mỗi người chúng ta , "mỗi khi" chúng ta đến tiếp nhận Chúa Giêsu Thánh Thể:
- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì được sống muôn đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết" (Ga 6, 54).
Nguyễn Học Tập(TNCG)
Không có nhận xét nào: