Thay đổi từ lời nói đến hành động vì “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền” - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 8, 2012

Thay đổi từ lời nói đến hành động vì “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền”

Hoàng Tín Có lẽ từ lâu cụm từ “Đấu Tranh Nhân Quyền” đã quá quen thuộc với những người đấu tranh vì tự do nhân quyền và chống độc tài của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng với một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam khi nói đến cụm từ này đều rất e dè, vì sao? 

Vì điều này xuất phát từ tư tưởng đã được nhồi nhét từ lâu của Nhà Nước Việt Nam và từ sự tuyên truyền về cái gọi là phản động của Nhà Nước Việt Nam mỗi khi nhắc đến “Nhân Quyền”

Vì vậy chúng ta hãy thay đổi từ lời nói đến hành động bằng việc thay đổi từ “Đấu Tranh Nhân Quyền” sang “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền” bằng những hành động cụ thể và nêu cao tinh thần cũng như khẩu hiệu vì “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền”.

Vì sao chúng ta phải thay đổi và hành động từ “Đấu Tranh Nhân Quyền” sang “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền”? Từ trước đến nay hình thức đấu tranh của những nhà hoạt động vì nhân quyền của Việt Nam chủ yếu là hình thức đấu tranh bất bạo động và tuyên truyền chủ yếu qua mạng Internet. Nhưng ở Việt Nam tỷ lệ người dân sử dụng Internet còn rất hạn chế, chỉ vào khoảng hơn 30%, và trong con số này thì những người giác ngộ được lý tưởng đấu tranh vì nhân quyền là rất ít. Đồng thời Nhà Nước Việt Nam cũng ra sức ngăn chặn, bưng bít thông tin không cho truy cập vào những trang có nội dung gây hại cho họ mặc dù là nói đúng sự thật, và họ cũng có những bài viết để tuyên truyền và phản pháo lại. Những cuộc biểu tình thì bị ngăn chặn, đàn áp, và bắt giam,…

Những phương tiện thông tin đại chúng luôn là công cụ hiệu quả của Nhà Nước Việt Nam, ra sức tuyên truyền và cũng cố niềm tin của người dân về chính sách của Nhà Nước Việt Nam, về cái gọi là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng thực chất là độc tài và áp đặt. Họ thường xuyên tổ chức quán triệt tư tưởng đối với người dân trên khắp mọi miền của Việt Nam. Xuyên tạc tư tưởng đấu tranh vì nhân quyền của những nhà hoạt động vì nhân quyền của Việt Nam và cho đó là phản động, chống đối. 

Họ luôn luôn tuyên truyền về Chủ Nghĩa Xã Hội, về cái gọi là “…Nhà Nước Của Dân, Do Dân và Vì Dân…”, họ luôn luôn giáo dục chính trị về Chủ Nghĩa Xã Hội cho giới trẻ trong các trường học từ bậc Tiểu Học lên đến mọi cấp bậc và tư tưởng đó ngấm sâu vào máu thịt của giới trẻ. 

Nhưng những lời nói và tuyên truyền của họ lại đi ngược lại với hành động của họ: Họ luôn luôn tuyên truyền rằng Chủ Nghĩa Xã Hội là tốt đẹp, là công hữu hoá tài sản cho xã hội và chỉ trích chế độ Tư Bản là tư sản hoá tài sản cho người giàu. 

Nhưng họ đã hành động như thế nào? Ở Việt Nam người dân luôn luôn bức xúc về chính sách đất đai của Nhà Nước Việt Nam. Họ lấy đất của dân để giao cho các Công Ty Tư Nhân phân lô và bán đất nền với danh nghĩa là làm dự án và bán với giá siêu lợi nhuận nhưng chỉ đền bù cho người dân với giá bèo bột. Khi người dân phản đối thì họ cưỡng chế và không bao giờ lắng nghe tiếng nói từ người dân. Họ luôn luôn tuyên truyền rằng “…Vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh…”, nhưng họ đã hành động như thế nào? 

Họ chỉ biết đến lợi nhuận của cá nhân họ mà không quan tâm đến lợi ích của người dân, quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân, đâu đâu cũng thấy bất công, đi đâu cũng nghe dân nói về văn hoá “phong bì”, “chạy chột”, họ làm vì “phong bì” nặng hay nhẹ…chứ không phải vì sự công bằng của xã hội.

Họ luôn luôn tuyên truyền rằng “…Nhà Nước của Dân, do Dân và vì Dân…”, nhưng họ đã hành động như thế nào? Những đề xuất chính đáng của người dân thì bác bỏ, họ tổ chức bầu cử công khai nhưng kết quả thì ai cũng biết trước. Họ chỉ trích các nước Tư Bản là thực dụng và hưởng thụ nhưng có một sự bất hợp lý đang hiện hữu ở Việt Nam mà ai cũng thấy nhưng không ai giám nói đó là làm cán bộ quan chức thì lương thấp nhưng ai cũng có nhà đẹp, xe ngon, nắm trong tay nhiều đất, nhiều tài sản…những thứ đó từ đâu ra? Có phải từ tham ô và bất chính? 

Nhưng khi có ai đề cập đến thì họ ra sức bao biện hoặc trù dập những người lên tiếng. Khẩu hiệu họ đề ra là “…dân quyết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…” chỉ là một thuật ngữ để đánh bóng cái quyền cai trị của họ mà thôi. Thủ tục hành chính thì khỏi phải nói? Họ hành dân là chính, người dân phải đi năm lần bảy lượt họ mới chịu, ở Việt Nam ai cũng biết câu cửa miệng “…thủ tục hành chính thì hành là chính…”, hoặc “…chế độ một cửa nhưng có nhiều khoá…”

Mọi người vẫn thường nói vui rằng ở Việt Nam có nhóm máu mà không ở nơi đâu có đó là “COCC” (được dịch Con Ông Cháu Cha). “COCC” thì mới được nhận vào các cơ quan Nhà Nước mặc dù không biết người đó có tài hay không? Hoặc muốn vào các cơ quan đó thì “phong bì” phải nặng…Có rất nhiều những bất cập và bất công đang hiện hữu ở Việt Nam mà chúng ta cần tiến hành một “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền” cho Việt Nam.

“Đấu Tranh Nhân Quyền” là tự phát, đơn lẻ, dễ bị đàn áp…Vì vậy chúng ta hãy hành động để huy động một cách tổng lực lực lượng xã hội đấu tranh bằng cách chuyển hoá từ “Đấu Tranh Nhân Quyền” sang “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền” để tập hợp tất cả nhưng cá nhân đơn lẻ, các tổ chức đơn lẻ lại thành một khối thống nhất và tạo nên sức mạnh tổng lực.

Bản thân tôi cũng đã từng tôn sùng tư tưởng Chủ Nghĩa Xã Hội và cái gọi là “Nhà Nước Của Dân, Do Dân và Vì Dân”…Nhưng khi nhận rõ ra bản chất độc tài của Chế Độ Cộng Sản đó là sự áp đặt một cách bất công và không bao giờ hành động vì lợi ích của người dân, nên tôi phải đứng dậy và đấu tranh.

Tất cả những luận chứng nêu trên, với một tinh thần đấu tranh vì sự công bằng xã hội và quyền tự do nhân quyền thực sự, chúng ta hãy chuyển hoá từ “Đấu Tranh Nhân Quyền” sang “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền”, để tạo nên một sức mạnh tập thể đủ chống lại sự đàn áp của Nhà Nước Việt Nam, buộc Nhà Nước Việt Nam thực thi Nhân Quyền như các nước khác trên thế giới.

Thời cơ của chúng ta đã đến.

Tình hình trong nước: Mặc cho Nhà Nước ra sức tuyên truyền nhưng phần lớn người dân đã nhận thức được và nhìn nhận được những bất công và áp đặt của Nhà Nước Việt Nam. Lòng tin của nhân dân ngày càng giảm sút, lung lay…đâu đâu cũng thấy những bức xúc của người dân về sự lãnh đạo của Nhà Nước Việt Nam. Thêm vào đó là việc Trung Quốc ngang nhiên lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông nhưng những hành động đối phó của Nhà Nước Việt Nam quá yếu, điều này cho thấy sự nhu nhược và không thể bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhà Nước Việt Nam. 

Họ ra sức tuyên truyền về chính sách đàm phán ngoại giao hoà bình với Trung Quốc nhưng điều đó chỉ thể hiện cho sự yếu kém của họ mà thôi. Điều này đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta là đấu tranh giữ nước và đấu tranh vì sự toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta từ bao đời nay. Từ đó tạo nên sự lung lay về ý chí và niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam. Một Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam không có đủ sức mạnh để bảo vệ nhân dân khỏi sự xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác. Cùng với sự xâm chiếm lãnh thổ trên biển Đông thì những nguồn lợi từ biển của nhân dân ta cũng bị xâm hại. Nguồn lợi rất lớn từ hải sản và dầu khí rơi vào tay nước khác vậy thì làm gì có “…dân giàu, nước mạnh…”.

Tình hình thế giới: Các nước trong khu vực Đông Nam Á bất đồng quan điểm khiến cho Việt Nam ngày càng bị cô lập. Việt Nam đang cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ để tìm kiếm một sự trợ giúp nhưng rõ ràng Mỹ chỉ đứng ngoài và lên tiếng mà thôi chứ không thể can thiệp sâu vào tình hình ở Việt Nam. Mỹ chỉ hỗ trợ những nước là liên minh với Mỹ hoặc viện trợ cho những lực lượng theo phe của Mỹ. Phong trào nổi dậy lật đổ chế độ độc tài chuyên chế diễn ra rầm rộ trên thế giới. Khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho kinh tế Việt Nam ngày càng rơi vào khó khăn, từ đó cần một lực lượng để cải cách và vực dậy nền kinh tế của Việt Nam, cũng như đưa Việt Nam vào quỹ đạo phát triển của thế giới giống như Liên Xô đã làm nhưng năm 1990.

Từ những thực tế và thời cơ nêu trên chúng ta có thể khẳng định việc chuyển hoá từ “Đấu Tranh Nhân Quyền” mang tính chất đơn lẻ sang “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền” mang tính chất tổng lực là cần thiết và đưa Việt Nam tiến lên xã hội thực sự dân chủ và có nhân quyền, để công lý được thực thi.

Hoàng Tín
(Thực hiện)


Thay đổi từ lời nói đến hành động vì “Cuộc Cách Mạng Nhân Quyền” Reviewed by Hoài An on 8/11/2012 Rating: 5 Hoàng Tín -  Có lẽ từ lâu cụm từ “Đấu Tranh Nhân Quyền” đã quá quen thuộc với những người đấu tranh vì tự do nhân quyền và chống độc tài...

Không có nhận xét nào: