SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 40);(12.08.2012);(Ga 6, 41-51)
CHÚA NHẬT XIX PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B
NGUYỄN HỌC TẬP - Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay là đoạn Phúc Âm thứ ba của chương 6.
Liên tiếp ba đoạn Phúc Âm của chương 6, Phúc Âm Thánh Gioan được Ủy Ban Phụng Vụ dùng trong Thánh Lễ, như là những mủi tên hướng dẫn tuần tự để chúng ta tiến đến đoạn Phúc Âm thượng đỉnh của Chúa Nhật tuần sau, đoạn Phúc Âm nói về phép Thánh Thể.
Chúng ta còn nhớ cách đây hai tuần, đoạn đầu của chương 6 Phúc Âm Thánh Gioan nói về phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều (Ga 6, 1-15);
trong Phúc Âm của Chúa Nhật tuần vừa rồi Chúa Giêsu tuyên bố với dân chúng đi theo Ngài rằng "Bánh trường sinh, chính là Ta" (Ga 6, 24-35);
Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Ga 6, 41- 51) dạy chúng ta Chúa Giêsu là "bánh từ trời xuống", được Chúa Cha ban cho chúng ta;
và Phúc Âm Chúa Nhật tuần sau là đoạn Phúc Âm Thượng Đỉnh (Ga 6, 51-58) nói về Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu ban cho chúng ta "thịt và máu Ngài", ban cho chúng ta chính Ngài, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể là sức sống và niềm hạnh phúc của nhân loại.
Phép Thánh Thể là Thượng Đỉnh và là Trung Tâm Điểm của đức tin Ki Tô giáo.
Trước khi suy niệm về đoạn Phúc Âm của Phép Thánh Thể Chúa Nhật tuần tới, chúng ta dừng lại ở những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, việc dấn thân chuyên cần phải có trong đức tin để được hướng dẫn đến tham dự vào phép Thánh Thể.
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay được mở đầu bằng những lời bàn tán và phản đối của những kẻ đến nghe Chúa Giêsu giảng dạy, vì Ngài nói với họ rằng Ngài là bánh từ trời xuống:
- "Người Do Thái liền xì xầm phản đối, bởi vì Chúa Giêsu đã nói: Bánh từ trời xuống, chính là Ta" (Ga 6, 41).
Có lẽ bản dịch Việt Ngữ chúng ta dịch "người Do Thái" không được chính xác cho bằng "người Galilê", tức là những người Do Thái cư ngụ ở Galilea, những người đồng hương với Chúa Giêsu, bởi lẽ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong Hội Đường ở Capharnao, xứ Galilea (Ga 6, 24).
Và cũng chính vì họ là người Galilê, đồng hương với Người, nên họ biết rõ thân nhân của Người và từ đó họ nghĩ rằng họ đã biết tất cả về Người, nên họ mới xì xầm phản đối:
- "Ông nầy chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?" (Ga 6, 42).
Đứng trước thái độ bất thân thiện và cứng tin đó của những người đồng hương, đã có lần Chúa Giêsu đành xuôi tay, không làm một phép lạ nào ở Nazareth và đã phải thốt ra câu dường như nản chí:
- "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình mà thôi " (Mc 6, 4).
Trong Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu mở ra một con đường hy vọng, con đường Người đã chỉ cho ông Nicôđêmô: "được tái sinh và bởi ơn trên":
- "Ta bảo thật ông: không ai có thể thấy được Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa và bởi ơn trên" (Ga 3, 3).
Điều đó có nghĩa là để được cứu rỗi, chúng ta phải nhờ có ơn Chúa hấp dẫn và kích thích chúng ta tiến đến đức tin.
Được cứu rỗi không phải chỉ là "khỏi sa hỏa ngục lổ máu đầu", "khỏi bị đốt cháy như thịt nướng, bị qủy Lucifer cầm chĩa ba đâm lụi để tra tấn cực hình, như quan niệm thông thường của dân chúng về hỏa ngục, mà là tham dự vào bản tính thần linh của Thiên Chúa, tham dự vào chính đời sống hạnh phúc tuyệt đỉnh và bất diệt của Ba Ngôi Thiên Chúa, như Thánh Phêrô dạy chúng ta:
- "Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa" (2Pt 1, 4).
Điều đó cắt nghĩa tại sao Chúa Giêsu căn dặn các Tông Đồ làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, khi nhận dân chúng vào làm môn đệ Người. Làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa là nhận chìm người trở thành môn đệ, như nghi thức rửa tội thời các Cộng Đồng Ki Tô Giáo tiên khởi, vào nguồn mạch sống thần linh hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa:
- "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữa mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19-20).
Như vậy được "cứu rỗi ", "được lên thiên đàng, được hưởng mặt Chúa đời đời", là được "tham dự vào bản tính Thiên Chúa", tham dự vào đời sống thần linh nội tại mà Chúa Ba Ngôi đang sống.
Một đặc ân như vậy, con người không thể có được, nếu không tự chính Thiên Chúa mời gọi và ban cho chúng ta. Do đó Chúa Giêsu dạy những người Galilei xì xầm bàn tán về Ngài, về thân nhân gia phả của Ngài:
- "Các ông đừng có xì xầm với nhau! Chẳng ai đến được với Ta, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Ta không lôi kéo người ấy, và Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6, 44).
Qua câu Phúc Âm vừa kể, chúng ta có hai yếu tố quan trọng: a) "đến được với Ta", b)"Và Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết".
- "đến được với Ta".
Thành ngữ "đến được với Ta" được Thánh Gioan dùng nhiều lần từ chương 1-12, và ngay trong chương 6 cũng đã dùng đến 6 lần để chỉ cuộc khởi đầu của hành trình đức tin vào Chúa Giêsu :
- "Ta bảo thật các ông, các ông đi tìm Ta, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn uống no nê" ( Ga 6, 26),
- "Bánh trường sinh , chính là Ta. Ai đến với ta không hề phải đói, ai tin vào Ta , chẳng khát bao giờ" (Ga 6, 35),
- "Tất cả những người Chúa Cha ban cho Ta, đều sẽ đến với Ta" ( Ga 6, 37),
- "Vì thế Thầy đã bảo anh em : không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho" (Ga 6, 65).
Như vậy trong thành ngữ "đến với Ta" hay "tin vào Ta" vừa đọc, chúng ta thấy được động tác cần thiết phải có để thu ngắn khoảng cách giữa chúng ta và Chúa Giêsu, chúng ta phải đứng dậy, ra đi, bỏ lại trạng thái thụ động, dấn thân đi tìm đến Chúa Giêsu, nguồn mạch sự sống và hạnh phúc của nhân loại :
- "ai đến với Ta không hề phải đói, ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ".
Mỗi người chúng ta được dựng nên đều mang một khoảng trống khao khát hạnh phúc vô tận trong tâm hồn. Và hể là con người, ai trong chúng ta cũng quờ quạng đi tìm hạnh phúc.
Và chính để đáp lại niềm khao khát hạnh phúc vô tận đó, mà Chúa Giêsu nhập thể mặc khải Thiên Chúa là cùng đích của niềm khao khát hạnh phúc đó :
- "Ai đến với Ta không hề phải đói, ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ"(Ga 6, 35),
- "Bánh từ trời xuống, chính là Ta
Bánh hằng sống từ trời xuống, chính là Ta. Ai ăn bánh nầy sẽ được sống muôn đời" (Ga 6, 41.51).
Nhưng để đến được với Chúa Giêsu, chúng ta khởi đầu cuộc hành trình đức tin của chúng ta một cách quờ quạng, u tối như ông Nicôđêmô bắt đầu "đến" với Chúa Giêsu ban đêm:
- "Trong nhóm Pharisêu có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông đến gặp Chúa Giêsu ban đêm" (Ga 3, 1-2).
Dần dần niềm tin được sáng tỏ hơn, khi ông bắt đầu tiếp xúc với Chúa Giêsu, và can đảm dứng ra bênh vực Ngài:
- "Trong nhóm Pharisêu có một người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Chúa Giêsu. Ông nói với họ: Luật lệ chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?"
Và sau cùng đức tin được chiếu sáng, ông trở thành người thân tính của Chúa Giêsu, lo mọi chuyện cho Ngài :
- "Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông nầy trước kia đã đến găïp Chúa Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Chúa Giêsu, lấy băng vãi tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái" (Ga 19, 39-40),
Như vậy "đến với Ta được" là tiến trình đức tin khởi hành và bước đi, đòi hỏi những cố gắng và chuyên cần của mình, để đi về phía Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể mạc khải tình thương của Thiên Chúa và nguồn sống hạnh phúc mà Thiên Chúa ban cho con người.
Trong tiến trình đó, sức cố gắng nhẫn nại và chuyên cần của con người được ân sủng Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn và thu hút:
- "Chẳng ai đến được với Ta, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Ta không lôi kéo người ấy" (Ga 6, 44).
Như vậy tiến trình đức tin, con người đi tìm Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc bất diệt của con người là tiến trình con người bước đi trong ân sủng và ánh sáng của Thiên Chúa.
- "Và Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết"
Đọc lại nguyên câu Phúc Âm :
- "Chẳng ai đến với Ta được, nếu Chúa Cha là Đấng sai Ta, không lôi kéo người ấy, và Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6, 44),
chúng ta sẽ thấy được rằng đức tin, "đến với Ta được », là khởi thủy cho sự sống đời đời, bởi lẽ chính Chúa Giêsu là bảo chứng cho sự sống vĩnh viễn đối với những ai tin vào Ngài, "Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết".
Cuộc sống trần gian của mọi người chúng ta sẽ kết thúc,
- "Homo mortalis est" (Mọi người đều phải chết),
Nhưng nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu, chính Ngài sẽ làm cho chúng ta "sống lại trong ngày sau hết", để bảo đảm cho chúng ta cuộc sống vĩnh viễn tham dự vào bản tính Thiên Chúa.
Như vậy cuộc sống hạnh phúc vĩnh viễn, được tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, đối với Thánh Gioan đã bắt đầu trong hiện tại, từ lúc chúng ta khởi hành cuộc hành trình đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu sẽ làm cho chúng ta "sống lại trong ngày sau hết" để sống cuộc sống hạnh phúc vĩnh viễn, nhưng hạnh phúc bất diệt đó, ngay từ bây giờ, ngay từ lúc khởi đầu cuộc hành trình niềm tin vào Ngài, Ngài đã bắt đầu cho người Tín Hữu Chúa Ki Tô được dự phần ngay ở trần gian nầy, bởi lẽ Chúa Giêsu phán :
- "Bánh hằng sống từ trời xuống, chính là Ta. Ai ăn bánh nầy sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6, 51).
Trong Thánh Thể, người tín hữu Chúa Ki Tô thông hiệp với Chúa Giêsu, là Thiên Chúa Nhập Thể, thông hiệp với "bản tính Thiên Chúa", với đời sống hạnh phúc bất diệt nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, ngay ở trần gian nầy.
Thánh Thể là Bí Tích Nhập Thể, trong đó Thiên Chúa giáng trần làm cho con người có thể tiếp xúc với Người và được Người ban cho đời sống hạnh phúc bất diệt của Thiên Chúa :
- "Và bánh Ta ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6, 51b).
Nguyễn Học Tập - thanhnienconggiao blog
Không có nhận xét nào: