CHA HENRI-JEROME GAGEY: PHÚC ÂM HÓA, ĐÓ LÀ HỌC BIẾT BƯỚC ĐI TRÊN NƯỚC
Đối với thần học gia Gagey, linh mục thuộc giáo phận Créteil, giáo sư của Học viện Công giáo Paris, “thách đố của Giáo Hội hôm nay, đó là trợ giúp các kitô hữu sống đức tin của mình, giữa đời thường, trong thời hậu hiện đại.”
La Croix: Từ Công đồng Vatican II, việc tân Phúc Âm hóa là một đường hướng chủ đạo. Tạisao?
Cha H.-J. Gagey: Kitô giáo ý thức rằng không có ai và không có bất kỳ thể chế nào có thể nói rằng họ được Phúc Âm hóa “tốt” rồi. Công việc Phúc Âm hóa phải tiếp tục luôn, tùy theo những hoàn cảnh văn hóa và lịch sử.
Lấy ví dụ thế giới tây phương Latinh. Từ thời Trung Cổ, Giáo Hội đã rất ổn định vững chắc và đạo Công giáo trên thực tế đã trở thành tôn giáo của mọi người. Công việc Phúc Âm hóa do đó hệ tại cho phép người Công giáo chính thức, vẫn còn bị thấm nhiễm các truyền thống ngoại giáo xa xưa, trở nên những gì họ là: những người môn đệ của Chúa Kitô.
Vào thế kỷ XVIII xuất hiện một hiện tượng mới mà sẽ mang lấy tất cả tầm quan trọng của nó vào thế kỷ XIX: sự phi Kitô giáo hóa. Trước tiên, Giáo Hội phản ứng cách tiêu cực, gần như cuồng ám điên rồ: Giáo Hội tự coi mình là nạn nhân của hành động của kẻ thù (Tam Điểm, Cộng Sản,…) mà Giáo Hội muốn kháng cự bằng việc bảo lưu các lập trường.
Thế nhưng, Giáo Hội ý thức rằng việc phi Kitô giáo hóa, như là hiện tượng hàng loạt, không đơn giản gắn liền với sự gia tăng những sự mất lòng cá nhân nhưng tương ứng với một sự thay đổi văn hóa sâu xa, được đánh dấu bởi sự lan rộng khát vọng dân chủ, sự phát triển tinh thần khoa học, việc con người ngày càng làm chủ tương lai của họ, …
Đạo Công giáo vào thế kỷ XIX được cải cách sâu xa để rút ra những hệ quả của những cách sống và suy nghĩ mới mẻ này. Nhưng nó tiếp tục ở trong thế đối lập trực diện với những thay đổi này mà không đạt tới chỗ kìm chúng lại. Từ đó sự cần thiết, được diễn tả cách mạnh mẽ ở Công đồng Vatican II, đi vào đối thoại với nền văn hóa hiện đại.
La Croix: Công giáo tiến hành, mà ngày nay dường như đang gặp khó khăn, phải chăng nó đã không đóng một vai trò trong cuộc đối thoại này?
Cha Gagey: Công giáo tiến hành đã tìm cách hiểu những tính năng động của nền văn hóa hiện đại, và đã tìm cách phân định trong chừng mực nào các giá trị của thời hiện đại đã ngầm thuận hơn là đối lập với tinh thần của Tin Mừng. Khi khai mở người Công giáo ra trước những tính năng động của nền văn hóa, phong trao truyền giáo mạnh mẽ này đã trợ giúp họ khám phá một nếp sống Kitô giáo thực sự hữu hiệu hơn. Nhưng nó đã không thể đảo ngược tính năng động của sự tục hóa mà thực tế là một sự năng động “phi truyền thống hóa”. Vả lại, sự phi truyền thống hóa này đã được tận căn hóa kể từ cuối những năm 1960 trong thế giới tây phương.
La Croix: Làm thế nào, ngày nay, loan báo Chúa Giêsu-Kitô trong xã hội mà không còn được cơ cấu bởi Kitô giáo nữa?
Cha Gagey: Trong những năm 1940-1950, khi các tổ chức của Công giáo tiến hành được phát triển, thì nền văn hóa vẫn còn bị thấm nhiễm bởi những khẳng định tín lý, những nguyên tắc luân lý và những biểu tượng của đức tin Kitô giáo.
Từ nay, chúng ta đang sống trong một thế giới hậu-Kitô-giáo. Nhiều người đương thời với chúng ta dựa vào một chủ thuyết nhân bản mà khát vọng đạo đức của nó vay mượn nhiều ở Kitô giáo, nhưng bác bỏ “cái vỏ tín điều và chuyên chế” của nó: vâng với nhưng giá trị của Chúa Giêsu, nhưng không với việc nhìn nhận nơi Ngài là người Con được tỏ hiện nhân danh Chúa Cha, Đấng mà từ đó Ngài có được quyền bính, và không với những đòi hỏi của đời sống của Giáo Hội.
Nếu người ta chấp nhận rằng Kitô giáo lại trở thành điều gì đó xa lạ trong nền văn hóa của chúng ta, thì khi đó việc tân Phúc Âm hóa hệ tại, theo cách diễn tả được sử dụng trong Lineamenta (tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám mục), khám phá/tạo nên một cách thức là Giáo Hội mới mẻ mà có thể có ý nghĩa trong khuôn khổ mới này. Một nhiệm vụ phức tạp và lâu dài vượt xa việc áp dụng một vài quy định đơn giản mà một số người muốn giảm thiểu việc tân Phúc Âm hóa vào đó.
La Croix: Tức là?
Cha Gagey: Trong Tin Mừng, Chúa Kitô không chỉ loan báo cách minh nhiên Nước Thiên Chúa. Ngài – trước tiên? – cũng là Đấng ra đi làm việc thiện và đặt ra những dấu chỉ hữu hiệu của Vương Quốc đang đến. Chính vì thế Giáo Hội phải có những nơi “làm phúc”, ở đó Giáo Hội có thể biểu lộ, cách hữu hiệu nhưng hoàn toàn nhưng không và vô vị lợi, tình yêu của Chúa Kitô đối với con người.
Chúa Giêsu cũng là Đấng kêu gọi một số người – một số, không phải tất cả – bước theo Ngài. Do đó, Giáo Hội cũng phải có những nơi kêu gọi và kết nạp trong đó những nền tảng đức tin sẽ được trình bày cách mạnh mẽ.
La Croix: Giáo Hội phải chăng nó cũng không đóng một vai trò phê bình trong xã hội?
Cha Gagey: Thực tế, Chúa Giêsu cũng là Đấng mà, không sợ luận chiến, dấn thân tranh luận với các tiến sĩ luật. Các môn đệ của Chúa Kitô, đến lượt mình, phải dấn thân tranh luận phê bình với các tiến sĩ luật mới, với những ai mà, trong chính Giáo Hội, giải thích ý muốn của Thiên Chúa cũng như với những ai mà, bên ngoài Giáo Hội, là những người cổ vũ những hình thức nhân bản thuyết khác nhau.
La Croix: Đâu là thách đố to lớn mà Giáo Hội, vào đầu thế kỷ XXI này, phải đương đầu?
Cha Gagey: Giúp đỡ các kitô hữu sống đức tin giữa đời thường trong thời hậu hiện đại. Con người hậu hiện đại là mỏng giòn, bị chi phối bởi những ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ mà nó đã cảm thấy bị tước sạch để tự cho là chủ thể có trách nhiệm về cuộc sống của mình.
Từ đó tầm quan trọng đề nghị một cuộc sống kitô hữu hết sức nhân vị hóa, cho phép nhân vị lại tự nhủ mình tin vào điều gì, nó khuất phục trước điều gì, nó tha thiết điều gì, và tại sao nó có khả năng, nếu có dịp, hiến mạng sống mình.
Nhưng nếu chúng ta đủ có khả năng , ngày nay, thăng tiến những phong trào “thức tỉnh đức tin” – mà chúng ta có ví dụ tốt nhất về điều này nơi Ngày Quốc Tế Giới Trẻ -, thì chúng ta không biết thực sự trao cho các kitô hữu sự trang bị cần thiết để sống đức tin của họ giữa đời thường.
La Croix: Phải chăng Giáo Hội có thể tìm thấy nơi nền văn hóa hậu hiện đại những điểm tựa cho việc tân Phúc Âm hóa?
Cha Gagey: Điểm tựa to lớn, đó là nó tự coi mình như là một nền văn hóa tình yêu. Không có thời đại nào trong lịch sử nhân loại đã tự thể hiện như hoàn cảnh mà chúng ta thể hiện nó hôm nay rằng tình yêu là những gì mang lại tầm quan trọng cho cuộc sống. Phim ảnh, các bài hát, những cuốn tiểu thuyết chỉ nói về điều đó.
Nhưng chúng ta không thể bằng lòng nói với những người đương thời của chúng ta “Hãy yêu thương nhau”. Quả thế, họ biết rằng tình yêu mà mong manh và có thể đồi bài. Những gì chúng ta cần với họ, đó là mở ra, với những nguồn mạch của Tin Mừng, những con đường làm cho tình yêu khả thể và phong nhiêu ; những con đường để vượt lên sự ảo tưởng, sự thất vọng hay sự dối trá.
La Croix: Con người hậu hiện đại luôn tìm kiếm giá trị tinh thần (spiritualité). Ở đây chẳng phải là có một điểm tựa khác trong nền văn hóa đương đại?
Cha Gagey: Hoàn toàn đúng. Thời hậu hiện đại có một chiều kích thực sự thần bí. Chúng ta đang sống trong một xã hội trong đó càng ngày càng hiển nhiên rằng sống, “đó là bước đi trên nước”. Mỗi một chúng ta dấn thân trong đời sống bằng vào những lời hứa, những tiếng gọi và những khích lệ nhận được. Chúng ta trải qua thời đại chúng ta tin vào lời của người khác, mạo hiểm với lời này, dám trao ban lời của chúng ta…
Tất cả điều đó, chúng ta thể hiện mà không chỗ tựa, như con chim giang cánh bay được mang bởi không khí mà nó không thấy. Nhưng nếu nó gập cánh lại, thì nó sẽ rơi như một viên đá. Chân không mà mang nó lại hút lấy nó.
Thần bí, đó là khám phá rằng những gì xem ra đối với chúng ta là hoàn toàn chân không, thực tế lại được đổ đầy bởi Thánh Thần. Chấp nhận sống chịu chân không này đòi hỏi học biết giang đôi cánh tay ra, như Chúa Kitô.
Đó là thách đố: những nơi mà chúng ta tập hợp lại dưới dấu chỉ của Thập giá phải chăng chúng là những nơi trong đó chúng ta học biết bước đi trên nước, bay trong chân không?
Dominique GREINER và Martine de SAUTO ghi chép
Tý Linh chuyển ngữ từ La Croix
Nguồn: xuanbichvietnam
Không có nhận xét nào: