Nguyễn Học Tập(TNCG) - (Sau khi tìm hiêu phần dẫn nhập, giới thiệu các tác giả Phúc Âm, Thánh Marcô, Matthêu, Luca và Gioan (tác giả, địa điểm và thời gian được viết ra, các nguồn tài liệu, đặc tính văn chương và đặc tính tín lý) ở những bài trước, giờ đây chúng ta nên tìm hiểu sâu xa hơn nội dung Phúc Âm, nền tảng của đức tin của chúng ta).
I - Chuẩn bị cho sứ mạng Chúa Giêsu.
A - Tựa đề Phúc Âm.
- "Khởi đầu Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa" (Mc 1, 1).
Thánh Marcô là tác giả Phúc Âm duy nhứt đã đề tựa cho quyển sách của mình viết về Chúa Giêsu là "Phúc Âm" (to euaggelion), Tin Mừng.
Chỉ sau đó khá lâu, danh từ Phúc Âm mới được dùng để chỉ cả các tác phẩm của các tác giả khác viết về Chúa Giêsu.
Thánh Marcô đồng hoá Tin Mừng với chính Chúa Giêsu.
Bởi đó hy sinh chính mình hay chết cho Phúc Âm (Tin Mừng) là thái độ hy sinh, hành xử cho Chúa Giêsu:
- "Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Mc 8, 35).
- "Thầy bảo thật anh em: Chẳng có ai bỏ nhà cửa, anh em , chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời nầy, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sư sống vĩnh cữu ở đời sau" (Mc 10, 29-31).
Ở câu Mc 13, 9-11 lời Chúa Giêsu kêu gọi hãy nhân chứng cho Người được giải thích như là việc loan báo Phúc Âm cho mọi dân tộc, với ngụ ý là chính trong lời rao giảng tuyên bố đó có Chúa Giêsu hiện diện:
- "Phần anh em, anh em hãy coi chứng ! Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đường, anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa, quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ biết. Nhưng trước tiên, Tin Mừng phải được giảng cho mọi dân tộc.
Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói".
Trong việc đặt tựa cho quyển sách mình viết là "Phúc Âm", Thánh Marcô có ý xác nhận trước tiên rằng đây không phải là quyển sách lược tóm lại hay thuật lại về Chúa Giêsu, mà là một tác phẩm tuyên bố Chúa Kitô Phục Sinh, trong đó Chúa Kitô làm cho mình lại hiện diện giữa con người.
Bởi đó Giáo Hội, qua Phúc Âm Thánh Marcô, không những chỉ giới hạn lập lại lời giảng dạy của Người, mà loan báo chính Chúa Giêsu (con người, lịch sử của Người).
Và từ đó những gì được viết kế tiếp trong Phúc Âm là Tin Mừng, làm cho Chúa Giêsu lại hiện diện, Đấng Cứu Độ, Con Thiên Chúa, trong những biến cố có liên quan đến sứ mạng trần thế của Người cho đến lúc Người phục sinh.
Chữ đầu tiên được Thánh Marcô viết ra là "khởi đầu", nói cho chúng ta biết Phúc Âm, Tin Mừng, chính là Chúa Giêsu, không thể hiện ra như là những gì long trọng, cao cà, ngoạn mục, trái lại chỉ là những gì "khởi đầu", bắt đầu một cách khiêm nhường, và phát triển lên, chỉ khi nào đến kết thúc mới được thể hiện hoàn hảo.
Hiểu như vậy, Phúc Âm đi theo con đường của hạt giống, được gieo xuông, nảy sinh, lớn lên và trở thành cây cối.
Từ ngữ "khởi đầu" được xử dụng theo kỷ thuật văn chương, nói lên một sắp xếp của bản văn , để bắt đầu, nhưng được Thánh Marcô đặt liên tưởng với (Ga 1, 1) để nói lên tính cách long trọng và quan trọng của những gì ngài sắp viết ra:
- "Từ nguyên thủy (khởi đầu) vẫn có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên chúa" (Ga 1, 1).
Từ ngữ "khởi đầu" của câu văn vừa kể của Thánh Gioan cũng lấy lại nguyên ngữ từ ngữ đầu tiên của Sách Sáng Thế Ký:
- "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa tạo dựng trời đất" (St 1, 1).
Và Thánh Matthêu trong phần gia phả của Chúa Giêsu, dựa vào truyền thống tư tế để khởi sự Phúc Âm ngài:
- "Đây là gia phả Chúa Giêsu Kitô, con cháu vua David, con cháu tổ phụ Abraham..." (Mt 1, 1).
Như vậy, ngay cả bằng một từ ngữ thứ nhứt mở đầu, "khởi đầu", từ ngữ vừa kể cũng làm sáng tỏ nội dung của Phúc Âm Thánh Marcô: ngài đề cập đến một cuộc "khởi đầu" mới, được Thiên Chúa muốn với việc can thiệp mới của Người vào dòng lịch sử thời gian có giới hạn của nhân loại, nhưng là động tác can thiệp có tầm ảnh hưởng quan trọng quyết định.
Việc "khởi đầu" mới mà Thánh Marcô đang bắt đầu viết, đối với những ai đọc Phúc Âm ngài bàng cặp mắt đức tin, là thời điểm khởi đầu của đời sống của chính mình.
Với ý nghĩa vừa đề cập, chúng ta có thể chú giải câu đầu tiên Phúc Âm Thánh Marcô: khởi đầu Tin Mừng gồm ở sự kiện Chúa Giêsu, đã có một cuộc sống khiêm nhường, đã lựa chọn sống để phục vụ và thập giá, Chúa Giêsu đó là Đấng Cứu Độ, Con Thiên Chúa:
- "Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa" (Mc 1, 1).
Như vậy, Thánh Marcô đặt ngay từ lúc khởi đầu khi viết Phúc Âm hai lời tuyên xưng đức tin, mà dựa trên đó ngài sẽ khai triển thêm về những suy niệm kế tiếp:
- Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, chủ đề sẽ được giải thích chính xác hơn ở Mc 8, 29,
- Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn, khi đọc Mc 15, 39.
Đọc nguyên văn Mc 8, 29:
- "Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?".Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô",
chúng ta được Thánh Marcô hướng dẫn đi từ quan niệm Đấng Cứu Độ như là vị cứu tinh chính trị, giải phóng dân tộc khỏi ách độc tài, ngoại xâm, đem lại công bình và an ninh xã hội, đến Chúa Giêsu là Con Người. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ (Messia), không phải qua đường lối chính trị, mà qua con đường thập giá.
Cũng vậy đọc nguyên bản Mc 15, 39:
- "Viên đội trưởng đứng trước Chúa Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói:. "Quả thật, ngưòi nầy là Con Thiên Chúa",
chúng ta biết được Chúa Giêsu thật là Con Thiên Chúa, mà Thiên Chúa cho chúng ta: Thiên Chúa yêu mến con người và mạc khải mình như vậy trong tình yêu (viên đội trưởng, như gương mẫu người tân tòng lãnh hội được mầu nhiệm tình yêu trên thập giá).
Tước hiệu "Con Thiên Chúa" có ý nghĩa thần học sâu đậm mà cộng đồng Giáo Hội sau phục sinh, thời Thánh Marcô gán cho Chúa Kitô.
Là một tước hiệu mà ít khi Thánh Marcô dùng đến. Ngài chỉ đề cập đến trong đoạn văn quan trọng
- khi Chúa Giêsu chịu phép rửa:
* "Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con" (Mc 1, 11);
- khi Chúa Giêsu được biến dạng tỏ mình ra sáng láng:
* " Từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là con yêu dấu của Ta, các ngươi hãy vâng nghe lời Người" (Mc 9, 7);
- và trong Cuộc Khổ Nạn, khi viên đội trưởng tuyên xưng đức tin mình:
* "Quả thật người nầy là Con Thiên Chúa".
Nhưng với ý nghĩa chính xác nào chúng ta phải hiểu tước hiệu, mà Thánh Marcô tuyên xưng cho Chúa Giêsu?
Chính vì để trả lời cho câu hỏi đó mà Thánh Marcô thuật lại cho chúng ta trong Phúc Âm ngài biến cố lịch sử của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là ai?
Thánh Marcô trả lời:
- "là Con Thiên Chúa",
không trong ý nghĩa vinh quang và uy quyền, mà trong ý nghĩa khó nghèo và đau khổ: Chúa Giêsu mạc khải tính cách Con Thiên Chúa của Người trên thập giá.
Thật vậy, ba bản văn mà chúng ta trích dẫn (Phép Rửa, Được Biến Dạng Sáng Láng, Trên Thập Giá) đều nói lên chiều hướng đó.
Chịu Phép Rửa đặt ơn ơn gọi cứu độ của Chúa Giêsu trong ý nghĩa Người Đầy Tớ Chúa. mà tiên tri Isaia đã cho biết trước: một đồ án cứu độ trải qua việc phục vụ và chết đi cho người khác.
Được Biến Dạng Sáng Láng được đặt trong bối cảnh Khổ Nạn và có mục đích mạc khải trước cho các môn đệ trong thập giá có chứa đựng cuôc phục sinh.
Và sau cùng, chính trước cảnh Chúa Giêsu đang hấp hối, mà viên đội trưỏng, người ngoại đạo đầu tiên đã trở lại Kitô giáo, nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, mặc dầu chỉ thấy Người đang chết, chớ không qua các phép lạ.
B - Lời giảng dạy của Thánh Gioan Tẩy Giả (Mc 1, 2-8).
Như trong lời giảng dạy của các Thánh Tông Đồ (Act 1, 22; 10, 37; 13, 24), lời tuyên bố Phúc Âm của Thánh Marcô cũng được bắt đầu bằng sứ mạng của Thánh Gioan Tẩy Giả trong sa mạc.
Nhưng trong Phúc Âm Thánh Marcô, sứ mạng của Gioan Tẩy Giả có được chỗ đứng chỉ với tư cách là phần mở đầu được Chúa muốn cho động tác cứu độ của Người, được thể hiện trong biến cố Chúa Giêsu đến, Đấng Cứu Độ (Messia).
Thật vậy, lời giảng dạy của Thánh Gioan Tẩy Giả nhằm hướng dẫn đến Đấng "người quyền thế hơn tôi" (Mc 1, 7), còn phải đến.
Để cấu tạo thành hình ảnh Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Marcô đã phải dùng cách liên tưởng đến các bản văn của Isaia
- "Có tiếng hô trong sa mạc hãy dọn đường cho Chúa, giữa đồng hoang hãy vạch một con lộ thẳng băng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu" (Is 40, 3).
và của Malachia
- "Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm đi vào Thánh Điện của Người. Kià vị sứ giả của giao ước, mà các ngươi trông đang đến" (Ml 3, 1),
cũng như đến hình ảnh khắc khổ của Elia, "mặc áo da lông" và lưng thắt bằng "dây nịt da" (2 Re 1, 8).
Việc nhờ vào Cựu Ước, để đặt lịch sử của Chúa Giêsu vào chương trình cứu độ, là một vấn đề liên tực hiện diện của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi.
Tham chiếu Thánh Kinh là một chìa khóa quan trọng mà cộng đồng dùng để làm sáng tỏ được mầu nhiệm Chúa Giêsu.
Những trích dẫn Cựu Ước, Thánh Marcô đặt vào lập tức ở ngay câu 2 Phúc Âm ngài,
- Trong sách Isaia có chép rằng: "Nầy Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con" (Mc 1, 2),
để cho người đọc hiểu được hiện tại những gì đang xảy ra nằm trong cuộc sống hiện thực của dân Do Thái. Tuy nhiên, phương thức đọc hiểu Cựu Ước của người Kitô hữu khác với người Do Thái.
Đặc tính cá biệt của phương thức người Kitô hữu đọc hiểu Cựu Ước
- gồm ở việc Thánh Kinh được thực hiện
- và lời các tiên tri được kết thúc
đều quy tựu vào một nhân vật và một biến cố quyết định: đó là biến cố Phục Sinh.
Chúa Giêsu không phải chỉ là vị Thầy dạy bảo Thánh Kinh cho các môn đệ, mà Người chính là đối tượng mà Thánh Kinh đề cập đến.
Như vậy, Cựu Ước phải bắt đầu được đọc từ biến cố Phục Sinh, tức là từ một sự kiện đã thực sự xãy ra , chớ không phải đơn sơ chỉ là một hy vọng bâng quơ, một lời hứa và không bao giờ thực hiện.
Qua những gì được đề cập, chúng ta có thể nói rằng Thánh Gioan Tẩy Giả trong cuộc sống khắc khổ của ngài cũng như trong lời giảng dạy, là
- người được đặt vào hàng các đại ngôn sứ Cựu Ước,
- nhưng đồng thời cũng là vị tiền hô của Tân Ước.
Trong đời sống mình, Gioan Tẩy Giả không trồng trọt cày cấy ruộng đất, vun quén vườn tượt để sống, mà là người lượm nhặt cây trái trong buội rậm, bên vệ đường, tương tợ như dân Do Thái trong 40 năm lữ thứ, sống bằng những gì được sa mạc cung cấp cho.
Như vậy, thánh Gioan Tẩy Giả là hình ảnh sống động dân Do Thái, sống trong sa mạc và đang mong đợi Đấng phải đến, tức là "Đấng quyền thế hơn tôi" (Mc 1, 7).
Giữa Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô và Đấng phải đến có một khoảng cách vô tận, "tôi không đáng cởi quai dép cho Người".
Thánh Gioan Tẩy giả giảng dạy một Phép Rửa thống hối. Nghi thức thanh tẩy, tức là nhận chìm vào dòng nước, là nghi thức được phổ biến cả trong những tôn giáo khác nữa và cả trong Do Thái giáo thời đó, nhưng ngài chuyển đổi động tác bên ngoài đó thành một lựa chọn tôn giáo: để được nhận Phép Rửa, cần phải hoán cải tâm hồn để được tha tội.
Kế đến Thánh Marcô khai triển lời huấn dạy của Thánh Gioan Tẩy Giả theo chiều hướng Kitô giáo, bằng cách xác nhận rằng ơn phúc Phép Rửa được Chúa Kitô đem đến chính là Chúa Thánh Thần, Như vậy ngài đã bắt đầu khai triển ngay từ lúc đó nền thần học Kitô giáo.
Thánh Gioan Tẩy Giả tự giới thiệu mình như là tiếng hô trên sa mạc, kêu gọi Israel
- hãy khám phá ra lại khởi thủy của mình,
- hãy trở thành nhóm dân chúng nhỏ giữa muôn vàn nhóm nhỏ khác,
nhưng nhờ sự can thiệp giải quyết của Chúa đã thoát khỏi ách nô lệ của Pharaon Ai Cập và như vậy trên sa mạc Israel phải khám phá ra Thiên Chúa là ai và ý muốn thực sự của Người.
Thánh Gioan Tẩy Giả nhắc nhớ cho Israel giai đoạn trên sa mạc đó, chỉ được Chúa cho biết
- phải theo sự chỉ dẫn của các Giới Răn
- và Israel đi theo Chúa của mình,
nhưng chưa biết được mục đích chính xác cố định.
Nhưng rồi vừa khi Israel đến được đất hứa và có được của cải vật chất sung mãn được Yahwé ban cho, Israel liền quên đi bài học trong sa mạc.
Họ quên rằng Thiên Chúa không hiện diện cố định ở một nơi chốn nào đó, nhưng Người muốn Người phải là đối tượng mà con người luôn luôn phải tìm kiếm và kiên trì bắt chước.
Israel không còn muốn mệt nhọc tìm kiếm dấu vết của Chúa,bởi đó họ xây cất lên đền thờ Giêrusalem. Israel đã quên rằng
- Thiên Chúa không đòi buộc phải có bao nhiêu hy sinh và các động tác phượng tự,
- mà chỉ đòi buộc phải tuân giữ lề luật đơn sơ và rõ ràng của Mười Điều Răn.
Thiên Chúa đòi buộc Israel phải là
- một dân tộc anh em với nhau, người nầy thương yêu người khác,
- một dân tộc, trong đó dầu cho người yếu kém nhứt cũng được bảo đảm sống vững chắc, an bình.
Nhưng Israel đã quên đi điều đó, chỉ còn biết thực hiện các việc cung hiến lễ vật đắt giá và lễ lạc linh đình.
Trước tính cảnh đó, Thánh Gioan Tẩy Giả không quên kêu gọi Israel hãy khám phá ra lại nguồn gốc nguyên thủy của mình, bởi đó ngài kêu gọi "sám hối" (convertion, ăn năn, quay trở lại nguồn gốc nguyên thủy của mình).
Lời giảng dạy của Thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ có ý nhằm vào dân chúng Giêrusalem vào năm 27, nhưng cũng có giá trị cho cả chúng ta.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta đóng khuôn Thiên Chúa trong nhà thờ hay trong Giáo Hội.
Chúng ta phục vụ Người bằng lễ vật và phượng tự, nhưng rồi chúng ta quên Người đi khi những vấn đề đời sống thường nhật bắt đầu.
Chúng ta chỉ chú tâm giải thoát, bảo vệ lợi nhuận của chúng ta, tìm kiếm yên tĩnh, vững chắc và bảo đảm trong sự vật qua đi, nhượng bộ luồn lách và tiện nghi hết sức có thể.
Chúng ta không ý thức rằng thái độ hành động như vậy làm cho chúng ta luôn luôn trở nên mờ ảo, tối tăm và nô lệ hơn.
Thiên Chúa muốn con người sống với nhau, người nầy với người kia, người nầy như anh em với người kia, chớ không phải người nầy chống người kia.
Chỉ có tình thương yêu đối với anh em, đối với người thân cận, mới bẻ gãy được các trạng thái đóng kín làm chúng ta ngột ngạt.
Chỉ có khởi đầu bằng thực thể trạng thái Chúa dạy cho vừa kể, chúng ta mới chiếm lại được " tự do nguyên cội khởi thủy " của con người được Chúa dựng nên
- "giống hình ảnh Người và giống như Người" (St 1, 26-27) ,
chỉ có khi nào thương yêu anh em, chúng ta mới có thể tìm được Chúa và thờ phượng Người đích thực.
Chúa Giêsu đặt tâm lưu ý đến tình trạng tôn giáo sai trái đó và đến các quyền của con người, đặc biệt đối với những người bị các người "đạo đức" hạ cấp và đối xử thiên vi, như "bọn thu thuế và quân tội lỗi".
Không có nhận xét nào: