Và Bartimeo đi theo người - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 10, 2012

Và Bartimeo đi theo người

SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 52); (28.10.2012); (Mc 10, 46-52) 

CHÚA NHẬT XXX, PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B. 

Nguyễn Học Tập - Đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay là đoạn cuối cùng của chương 10 Phúc Âm Thánh Marco. 

Như có lần chúng ta đề cập, hai chương 9 và 10 Phúc Âm Thánh Marco là hai chương dành riêng để thuật lại cuộc sống thân tình giữa Chúa Giêsu và các Môn- Đệ Người, trong đó Chúa Giêsu dành mọi ưu tiên để huấn dạy các Môn Đệ Người niềm tin, tinh thần và phương thức hành xử trong cuộc sống theo gương Người và truyền bá Phúc Âm cho mọi người. 

Trong hai chương Phúc Âm đang được đề cập, một biến cố bất thường đã xãy ra, thoạt nhìn không liên hệ gì đến "Chương Trình Đào Tạo" của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ, đó là cuộc tranh luận về vấn đề lý do, giữa Chúa Giêsu và các người Pharisêu (Mc 10, 1-12). 

Nhưng suy xét kỹ hơn, chúng ta đã thấy rằng mục đích của Thánh Marco xen đoạn tranh luận "ngoài đề" đó vào "Chương Trình Đào Tạo" là để nói lên một khuôn mẫu mới cho cuộc sống Môn Đệ, khuôn mẫu cuộc sống gia đình của người tín hữu, cho các Cộng Đồng Ki Tô hữu đầu tiên. 

Và ở đoạn Phúc Âm hôm nay (Mc 10, 46-52), Thánh Marco kết thúc "Chương Trình Đào Tạo" của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ bằng một biến cố "ngoài đề" khác, biến cố Bartimeo, người mù được Chúa Giêsu chửa khỏi, tự dưng đứng dậy và đi theo Chúa Giêsu, không cần hỏi ý kiến và cũng không cần đợi Chúa Giêsu mời gọi, như Người đã gọi các Môn Đệ. 

Có phải "câu chuyện Bartimeo" là câu chuyện "ngoài đề" hay không, đối với "Chương Trình Đào Tạo" của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ? 

Và tại sao Thánh Marco lại kết thúc "Chương Trình Đào Tạo" trong hai chương 9 và 10 bằng "câu chuyện Bartimeo"? 

Đó là những gì chúng ta cùng nhau suy niệm trong bài Phúc Âm hôm nay. 

Thánh Marco kết thúc cuộc gặp gở giữa Chúa Giêsu và Bartimeo, người mù ngồi ăn xin bên vệ đường , và cũng kết thúc "Chương Trình Đào Tạo" của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ ở cuối chương 10 bằng một câu nói, nói lên mục đích của câu chuyện được Ngài thuật lại: 

- "Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người, trên con đường Người đi" (Mc 10, 52). 

Cuộc gặp gở được diễn ra ở ngoại ô thành Gerico, đoạn dừng chân cuối cùng của Chúa Giêsu và các Môn Đệ trên đường đến Giêrusalem. 

Trong khung cảnh đó, Thánh Marco khởi đầu tường thuật lại cuộc gặp gở như sau: 

- "Khi Chúa Giêsu cùng với các Môn Đệ và đám đông ra khỏi thành Gêricô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh là Bartimeo" (Mc 10, 16). 

Và cũng chính trong khung cảnh đó, trên cùng một con đường đó, con đường trước kia nơi "có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường", thì sau cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu, con đường tủi nhục đó biến thành con đường nơi anh "...tức khắc nhìn thấy được và đi theo Người, trên con đường Người đi" (Mc 10, 52), con đường rạng rỡ anh đang bước đi trong đức tin. 

Dùng chính một bối cảnh để nói lên hai trạng thái khác biệt, Thánh Marco có ý diễn tả tất cả đã biến đổi thực sự đối với con người Bartimeo, sau cuộc tiếp xúc với Chúa Giêsu. 

Để nói lên đặc tính cá biệt của Bartimeo, mà Thánh Marco muốn dùng đề trình bày với chúng ta như là một mẫu gương, Thánh Marco diễn tả Bartimeo rất tỉ mỉ, không ai có thể lầm lẫn được: 

- "thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh là Bartimeo, con ông Timeo" (Mc 10, 46). 

So với người mù được Chúa Giêsu chữa khỏi ở Bethsaida, Thánh Marco chỉ diễn tả ngắn gọn: 

- "Chúa Giêsu và các Môn Đệ đến Bethsaida. Người ta dẫn một người mù đến và xin Chúa Giêsu sờ vào anh ta" (Mc 8, 22). 

Cũng vậy, trong trường hợp Người chữa người vừa điếc vừa ngọng: 

- "Chúa Giêsu lại bỏ vùng Tiro đi qua Sidone, đến biển hồ Galilea, vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem đến một người vừa điếc, vừa ngọng đến với Chúa Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh" (Mc 7, 32). 

Bartimeo đối với Thánh Marco là người mù đặc biệt, bởi vì cách hành xử của anh thật đặc biệt. 

Vừa nghe Chúa Giêsu đến gần nơi anh đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh la lớn lên: 

- "Vừa nghe nói đó là Chúa Giêsu anh ta la lớn lên rằng: Lạy ông Giêsu, con vua David, xin thương xót con" (Mc 10, 47). 

Đám đông nghe anh la ồn ào, khó chịu ra lệnh cho anh ta câm nín, nhưng càng cấm đoán, anh càng la to: 

- "Lạy con vua David, xin thương xót con" (Mc 10, 48). 

Cả hai lần kêu cứu Chúa Giêsu, Bartimeo đều dùng tước hiệu Đấng Cứu Thế (Messia) trong Thánh Kinh. 

Tước hiệu "Con vua David", có nghĩa là "Đấng Được Thiên Chúa" xức dầu tôn vương như vua Đavid, là Đấng Kitô" hay "Chúa Kitô" (La ngữ: Christus) nói theo ngôn từ của chúng ta. 

Không biết vô tình hay được mạc khải, Bartimeo tôn vinh Chúa Giêsu như Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói về Người: 

- "Hôm sau ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bò câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga 1, 29-30.33-34). 

Lời cầu cứu của anh cũng chính là lời Thánh Phêrô thay mặt cho các Môn Đệ tuyên xưng đức tin, được Thánh Marco ghi lại ở hai chương trước đó: 

- "Dọc đường, Người hỏi các Môn Đệ: Người ta nói Thầy là ai?...Ông Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Ki Tô" (Mc 8, 27.29). 

Tước hiệu "Con vua David" hay "Đấng được xức dầu tôn vương, Christus", trong truyền thống Do Thái là ngôn từ để nói lên thời kỳ hy vọng được giải thoát đã đến: 

- "Người giải thoát bần dân kêu khổ, 

và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, 

chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo, 

mạng sống dân nghèo, Người ra tay cứu độ" (Tv 72, 12-13). 

Anh Bartimeo là người mù đặc biệt, mà Thánh Marco muốn chúng ta chú ý bằng cách thuật lại câu chuyện của anh và Chúa Giêsu vào phần kết của "Chương Trình Đào Tạo" cho các Môn Đệ, vào những lời cuối cùng của chương 10. 

Đặc biệt thái độ bất khuất của anh đối với đám đông để nói lên lòng tin của anh vào Chúa Giêsu, mặc dầu bị họ doạ nạt: 

- "Nhiều người quát nạt, bảo anh im đi, nhưng anh càng kêu lớn hơn" (Mc 10, 48). 

Nhưng đặc biệt hơn nữa là thái độ đáp ứng mãnh liệt của anh đối với lời mời gọi của Chúa Giêsu. 

Nghe người ta bảo Chúa Giêsu gọi anh, anh đứng phắt dậy, vất đi chiếc áo choàng để khỏi vướng mắc, đi đến với Ngài: 

- "Chúa Giêsu đứng lại và nói: Gọi anh ta lại đây! Người ta gọi anh mù và bảo: Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đó! Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu" (Mc 10, 49-50). 

Cử chỉ quyết liệt của anh nói lên lòng tin mãnh liệt và phó thác nơi Chúa Giêsu. Anh tin vào Ngài, tin chắc chắn rằng anh sẽ được Ngài chữa khỏi, nên chiếc áo choàng anh dùng che mưa để ngồi ăn xin bên vệ đường không còn cần thiết nữa. Anh vất áo choàng đi để khỏi vướng vấp, mau mắn đi đến gặp Chúa Giêsu. 

Thái độ tin mãnh liệt và phó thác đó, Chúa Giêsu cũng đã khuyên bảo là cách hành xử phải có của các Môn Đệ và của những ai theo Chúa trên bước đường Tông Đồ của Ngài: 

- "Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người cùi được sạch bệnh, và khử trừ ma qủy. Anh em đã được cho không , thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường đừng mang theo bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì được nuôi ăn" (Mc 10, 8-10). 

Lòng tin mãnh liệt và phó thác đó, được chính Chúa Giêsu xác nhận khi Ngài từ giả anh: 

- "Người nói: Con hãy đi, lòng tin của con đã cứu con" (Mc 10, 51). 

Một lời nói ngắn ngủi, nhưng Chúa Giêsu đã nói lên tất cả, không những xác nhận lòng tin của anh, Người làm phép lạ chữa khỏi cho anh, mà còn nói lên lòng cảm mến của Ngài đối với anh. 

Cũng bằng một câu nói như vậy Chúa Giêsu giả từ người thiếu phụ bị băng huyết, tin mãnh liệt là chỉ cần đụng đến gấu áo Ngài chị cũng sẽ được chữa khỏi: 

- "Nầy con, lòng tin của con đã cứu con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh" (Mc 5, 34). 

Như vậy liên tưởng đến đức tin, Chúa Giêsu dạy chúng ta trong cả hai trường hợp, trường hợp anh Bartimeo cũng như trường hợp người thiếu phụ bị băng huyết, hãy phó thác vào Thiên Chúa toàn năng, là Cha trên trời, biết chúng ta rõ hơn cả chúng ta: 

- "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều lời là được nhận lời. Đứng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin" (Mt 6, 7-8). 

Chính trong niềm tin mãnh liệt và phó thác đó mà Chúa Giêsu đã chữa khỏi người thiếu phụ bị băng huyết, chữa cho Bartimeo được thấy. Người cho anh lấy lại được thị giác, anh được thấy lại, nhưng không phải thấy bằng cặp mắt của anh, mà bằng đôi mắt của Người: 

-"Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được . 

- "Con hãy đi, lòng tin con đã cứu con" (Mc 10, 51-52). 

Theo nguyên ngữ Aramaico, ngôn ngữ của Chúa Giêsu, "Rabboni" không có nghĩa chỉ là "Thầy", mà là "Thầy của con". 

Đặt lại ý nghĩa trên vào câu văn dịch Việt Ngữ, chúng ta sẽ thấy lời kêu cứu của anh thấm thía, đầy tin tưởng. Với ý nghĩa, Thầy là Thầy duy nhứt của con, ngoài Thầy ra con không còn biết kêu cứu ai. 

- "Thưa Thầy của con, xin cho con nhìn thấy được". 

Và cũng chính trong tâm tình đó, Chúa Giêsu đáp ứng lại nguyện vọng của anh. 

Cũng chính trong câu nói "Rabboni", "Thầy của con" đó là tiếng kêu mừng rở của chị Magdalena, ngày Chúa Giêsu sống lại, khi chị nhận ra Ngài. Thốt ra tiếng "Rabboni", Magdalena muốn chạy lại ôm chầm lấy Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu cản chị: 

- "Chúa Giêsu gọi chị: Maria! Chị quay lại và nói với Người bằng tiếng Do Thái: "Rabboni!". Chúa Giêsu bảo: Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 20, 16-17). 

Diễn tả lại niềm tin mãnh liệt và phó thác đó, Thánh Marco đã cắt nghĩa được cho chúng ta thái độ đặc biệt của Bartimeo trong câu chuyện. 

Một khi Bartimeo đã gặp thấy nơi Chúa Giêsu là "Rabboni" (Thầy của con) rồi, thì động tác tự nhiên của anh là 

- "Tức khắc, anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi" (Mc 10, 52). 

Động tác của anh hết sức tự nhiên, không khác gì động tác của chị Magdalena muốn ôm chầm Chúa Giêsu vào lòng. 

Thánh Marco không thuật lại cho chúng ta là sau đó, sau khi chữa khỏi, Chúa Giêsu cấm Bartimeo đi theo Người, như Người đã ngăn cấm người bị quỷ ám được chữa khỏi ở Geraseno: 

- "Khi Ngài xuống thuyền, thì kẻ trước kia bị qủy ám nài xin cho được đi theo Ngài. Nhưng Ngài không cho phép và bảo: Anh hãy về với thân nhân và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào. Anh ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc" (Mc 5, 18-20). 

Chúa Giêsu không ngăn cấm, nhưng Người cũng chẳng kêu gọi, như lúc Ngài gọi các Môn Đệ: 

- "Người đang đi dọc biển hồ Galilea, thì thấy ông Simon và người anh là ông Andrea, đang quăng lưới, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: Các anh hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức họ bỏ chài lưới mà theo Người" (Mc 1, 16-18). 

Phúc Âm Thánh Marco chỉ kể lại một cách đơn sơ là sau khi đã biết Chúa Giêsu là "Rabboni" (Thầy của con), Bartimeo lập tức đi theo Ngài, chỉ có vậy thôi: 

- "Tức khắc anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi" (Mc 10, 52). 

Tại sao? 

Trong câu chuyện tranh luận giữa Chúa Giêsu và các người Pharisêu về vấn đề ly dị ba Chúa Nhật trước đây, chúng ta đã có dịp nói rằng Thánh Marco cũng như các tác giả Phúc Âm khác, ghi lại trong Phúc Âm những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy và đã làm, là ghi lại cho các Cộng Đồng Ki Tô hữu đầu tiên và cho các thế hệ kế tiếp, cho thế hệ chúng ta. Đề cập cuộc tranh luận về vấn đề ly dị là nhân tiện để đề cập đến cuộc sống ơn gọi làm môn đệ trong cuộc sống gia đình của các Ki Tô hữu. 

Ở đây cũng vậy, đặt câu chuyện người mù Bartimeo đi theo Chúa Giêsu vào cuối "Chương Trình Đào Tạo" các Môn Đệ, Thánh Marco cũng muốn gởi gắm đến các Cộng Đồng Ki Tô hữu tiên khởi và các thế hệ tiếp nối rằng thời Chúa Giêsu trực diện gọi các Tông Đồ như Ngài đã gọi Simon và Andrea đã chấm dứt. Do đó mà chúng ta không thấy Chúa Giêsu kêu gọi hay cấm cản Bartimeo theo Ngài, để nói lên việc Ngài đồng thuận hay bất đồng. 

Ơn gọi của Ngài đã được Ngài xác nhận và khuyến khích Bartimeo, khi Ngài chữa khỏi cho anh: 

- "Con hãy đi, lòng tin con đã cứu con" (Mc 10, 52). 

Ơn gọi đó, từ sau thời các Môn Đệ trở đi, Ngài vẫn âm thầm gọi chúng ta 

- qua lời nói của Ngài trong Phúc Âm, 

- qua ân sủng của Ngài trong các Bí Tích 

- và lúc chúng ta đàm thoại với Ngài trong lúc cầu nguyện, 

- qua lời giảng dạy và khuyên bảo của các vị chủ chăn chúng ta trong Giáo Hội. 

Ngài vẫn còn nói với chúng ta để chúng ta nhận biết Ngài là "Rabboni" (Thầy của con) và để có thái độ phải có, quyết định đi theo Ngài trên con đường Ngài đi, như thái độ của Bartimeo. Ngài không cấm cản Bartimeo theo Ngài, có nghĩa là Ngài đã nhận anh vào những kẻ đi theo Ngài: 

- "Tức khắc anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi" (Mc 10, 52

Nguyễn Học Tập - Thanhnienconggiao
Và Bartimeo đi theo người Reviewed by Em Binh on 10/26/2012 Rating: 5 SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 52); (28.10.2012); (Mc 10, 46-52)  CHÚA NHẬT XXX, PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B.  Nguyễn Học Tập - Đoạn ...

Không có nhận xét nào: