Bài giáo lý ngày thứ tư (8A 39) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 11, 2012

Bài giáo lý ngày thứ tư (8A 39)

Nguyễn Học Tập (TNCG) - Thính phòng Phaolồ VI, buổi yết kiến ngày thứ tư, 21.11.2012. 

NĂM ĐỨC TIN. TÍNH CÁCH HỮU LÝ CỦA ĐỨC TIN VÀO THIÊN CHÚA. 

ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI 

Anh Chị Em thân mến, 

chúng ta hãy tiến thêm nữa trong Năm Đức Tin nầy, trong khi mang trong tâm hồn mình niềm hy vọng khám phá ra nỗi vui mừng to lớn như thế nào, khi có được trong đức tin và tìm gặp lại niềm phấn khởi truyền thông cho mọi người chân lý của đức tin. 

Chân lý đó không phải đơn sơ chỉ là một sứ điệp về Thiên Chúa, một hiểu biết cá biệt về Người. Nhưng đó là chân lý nói lên biến cố gặp gỡ của Thiên Chúa với con người, cuộc gặp gỡ cứu độ và giải thoát, thực hiện những uớc vọng sâu xa nhứt của con người, các ước muốn có được hoà bình, tình thân hữu và yêu thương. 

Đức tin hướng dẫn chúng ta khám phá ra rằng việc gặp gỡ với Thiên Chúa định giá, hoàn hảo hoá và nâng cao những gì đích thực, tốt lành và tươi đẹp hiện diện trong con người. 

Điều đó cho thấy rằng 

- trong khi Thiên Chúa mạc khải chính Người và để cho chúng ta biết được Người, con người biết được Thiên Chúa là ai 

- và, vì biết được Người, con người khám phá ra chính mình, nguồn gốc căn cội của mình, định mệnh của mình, tính cách cao cả và phẩm giá đời sống con người. 

Đức tin cho phép chúng ta có được một sự hiểu biết chính đáng về Thiên Chúa liên hệ đến cả con người chúng ta: đó là "một sự hiểu biết", một hiểu biết làm cho đời sống chúng ta có hương vị, một hương vị mới để sống, một phương thức vui sướng để sống trên trần gian. 

Đức tin được diễn tả ra bằng cách hiến tặng mình cho người khác, trong tình huynh đệ làm cho nhiều người liên đới hỗ tương nhau, có khả năng yêu thương, bằng cách vượt thắng nỗi đơn độc làm cho con người trở nên buồn phiền. 

Sự hiểu biết đối với Thiên Chúa như vừa kể, 

- nhờ đức tin không phải chỉ là hiểu biết lý trí, 

- nhưng còn là hiểu biết để sống. 

Đó là sự hiểu biết Thiên Chúa - Tình Yêu, nhờ chính tình yêu thương của Người. 

Kế đến tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta thấy được, 

- mở mắt con người ra, cho phép con người biết được tất cả thực tại trọn vẹn, 

- vượt lên trên các viễn ảnh hẹp hòi cá nhân chủ nghĩa và khuynh hưóng chủ quan làm cho lương tâm mất định hướng. 

Bởi đó sự hiểu biết về Thiên Chúa 

- là kinh nghiệm đức tin 

- và đồng thời hàm chứa một cuộc hành trình lý trí và luân lý được sự hiện diện của Thánh Thần của Chúa Giêsu nơi chúng ta chạm đến, 

khiến cho chúng ta vươt thắng các chân trời ích kỷ của chúng ta và làm cho chúng ta mở rộng mình ra cho các giá trị của đời sống. 

1 -Hôm nay, trong bài giáo lý nầy, tôi muốn được dừng lại trên tính cách hữu lý của đức tin vào Thiên Chúa. 

Truyền thống Kitô giáo ngay từ đầu, đã khước từ chủ tín thuyết (fideismo), đó là chủ thuyết đề cao ý chí để tin, chống lại lý trí. Credo quia absurdum (tôi tin bởi vì đó là điều phi lý) không phải là phương thức diễn giải đức tin công giáo. 

Thật vậy, Thiên Chúa không phải là phi lý, có chăng Người là mầu nhiệm. 

Kế đến, mầu nhiệm không phải là những gì trái ngược lại lý trí, nhưng tràn đầy ý nghĩa, đầy chân lý. 

Trong khi nhìn vào mầu nhiệm, nếu lý trí nhận thấy đen tối, không phải tại vì trong mầu nhiệm không có ánh sáng, nhưng đúng hơn tại vì trong đó có quá nhiều ánh sáng. 

Điều đó cũng đã xảy ra như khi cặp mắt con người trực tiếp hướng về mặt trời để nhìn nó, đôi mắt đó chỉ thầy toàn bóng tối, nhưng ai có thể nói rằng mặt trời không chói lọi, hay đúng hơn không phải là nguồn mạch ánh sáng? 

Đức tin cho phép chúng ta nhìn "mặt trời", Thiên Chúa, bởi vì đó là thái độ đón nhận sự mạc khải của Người trong lịch sử và, có thể nói như vậy, thực sự đón nhận tất cả ánh sáng chói lọi mầu nhiệm Thiên Chúa, bằng cách nhận biết rằng đó là phép lạ cả thể: Thiên Chúa đến gần bên con người, ban tặng chính mình cho sự hiểu biết của con người, thích hợp với giới hạn tạo vật của trí khôn con người (cfr Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 13). 

Đồng thời, Thiên Chúa, với ân sủng của Người, soi sáng cho trí khôn, mở ra cho trí khôn các chân trời mới không thể đo lường được và vô tận. 

Bởi đó, đức tin là một kích thích luôn luôn tìm kiếm, không bao giờ ngừng và không bao giờ bằng lòng yên lặng trong việc khám phá bất tận chân lý và thực tại. 

Thật là sai lầm ức đoán (pregiudizio) của một vài tư tưởng gia hiện đại, theo đó thì lý trí nhân loại bị chận đứng bởi các giáo điều của đức tin. 

Trái lại thật là chính xác, như các đại sư phụ truyền thông công giáo đã minh chứng. 

Thánh Augustino, trước lúc biến cố sám hối trở lại của ngài, với bao nhiêu âu lo đi tìm kiếm chân lý, qua tất cả các ngành triết lý có được trong tay, đều gặp được tất cả những gì không thể thoả mãn ở các ngành đó. Việc tìm kiếm nhọc công bằng lý trí của ngài, đối với ngài, là môn sư phạm có ý nghĩa cho cuộc gặp gỡ với Chân Lý của Chúa Kitô. Khi ngài nói 

- "anh phải hiểu để tin và hãy tin để hiểu" (Discorso 43, 9: PL 38, 258), 

như là ngài đang kể lại kinh nghiệm cuộc sống của chính mình. 

Lý trí và đức tin, trước sự Mạc Khải của Thiên Chúa 

- không phải là những gì xa lạ hay đối nghịch nhau, 

- nhưng cả hai là điều kiện để hiểu đưọc ý nghĩa, để đón nhận được sứ điệp xác thực, khi chúng ta đến bên ngưỡng cửa của mầu nhiệm. 

Thánh Augustino, cùng với bao nhiêu tác giả Kitô giáo khác, là chứng nhân của một đức tin được hành xử bằng lý trí, suy nghĩ và mời gọi hãy suy nghĩ. 

Cũng trong chiều hướng đó, Thánh Anselmo sẽ nói ra trong quyển Proslogion của ngài rằng đức tin Kitô giáo là fides quaerens intellectum (đức tin đòi buộc phải có lý trí) , nơi mà sự tìm kiếm của lý trí là động tác nội tại của đức tin. 

Nhứt là chính Thánh Tôma d'Aquino - mãnh liệt trong truyền thống nầy - sẽ là người đối đầu lại bằng lý trí với các triết gia, bằng cách cho thấy lý trí năng động sung mãn mới mẻ dường nào thoát xuất từ tư tưởng con người được nối liền với các nguyên tắc và các chân lý của đức tin Kitô giáo. 

2 - Như vậy đức tin kitô giáo hữu lý và nuôi dưỡng lòng tin cậy cả trong lý trí con người. 

Công Đồng Vatican I, trong Hiến Chế Dei Filius, đã xác nhận rằng 

- lý trí có khả năng chắc chắn biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa qua tạo vật, 

- trong khi chỉ có đức tin mới có khả năng biết được "một cách dễ dàng, tuyệt đối chắc chắn và không sai lạc" (DS 3005) các chân lý về Thiên Chúa, dưới ánh sáng ân sủng. 

Ngoài ra, sự hiểu biết của đức tin không có gì ngược lại lý trí. 

Thật vậy, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II, trong Thông Điệp Fides et ratio tổng kết như sau: 

- "Lý trí con người không bị xoá bỏ đi cũng không bị làm cho đen tối, khi chấp nhận các nội dung của đức tin, trong mọi trường hợp các nội dung đó có thể đạt đến được bằng việc tự do chọn lựa và ý thức" (số 43). 

Trong lòng ước muốn chân lý không thể chống trả được, chỉ có mối tương quan hoà hợp giữa đức tin và lý trí là con đường chính đáng dẫn đến Thiên Chúa và làm cho no đầy lòng ao ước đó. 

Điều giáo lý vừa kể chúng ta dễ dàng có thể nhận ra được trong Tân Ước. 

Thánh Phaolô, trong khi viết cho các tín hữu Corinto cho rằng,như chúng ta đã nghe: 

- "Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà ngườì Do Thái cho là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ" (1 Cr 1, 22-23). 

Thật vậy, Thiên Chúa đã cứu độ thế gian không phải bằng một động tác quyền lực, mà bằng sự khiêm nhường của Con Một Người, theo các tiêu chuẩn của con người, phương thức bất thường đó được Thiên Chúa thực hiện nghịch tự lại các đòi hỏi của niềm khôn ngoan Hy Lạp. 

Tuy vậy, Thánh Giá của Chúa Kitô có lý do của mình, mà Thánh Phaolồ gọi là: "ho lógos tou stauro" để cho thấy lời nói cũng như lý trí và, nếu đề cập đến lời nói, là bởi vì lời nói điễn tả bằng ngôn ngữ điều mà lý trí khai triển ra. 

Như vậy Thánh Phaolồ nhìn thấy 

- trong Thánh Giá không phải là một biến cố phi lý, 

- mà là một sự kiện cứu độ có lý chứng hữu lý của mình, có thể nhận biết được dưới ánh sáng đức tin. 

Đồng thời ngài cũng tin tưởng vào lý trí con người, đến nỗi lấy làm lạ về sự kiện, nhiều người mặc dầu đã được thấy các công trình Chúa làm, vẫn cứng lòng không tin vào Người. 

Thánh Phaolồ nói lên trong Thư gởi các tín hữu Roma: 

- "Quả vậy, những gì trọn hảo người ta không nhìn thấy được nơi Thiên Chúa , tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy và hiểu được qua những công trình của Người đã được thực hiện" (Rom 1, 20). 

Cũng vậy, Thánh Phêrô khuyến khích người Kitô hữu ở ngoại quốc (ở bên ngoài Do Thái) hãy thờ phượng 

- "Chúa Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn thờ Người làm Chúa ngự trong lòng anh em. Hãy luôn luôn trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" (1 Pt 3, 15). 

Trong bầu không khí bị đàn áp và cần nhân chứng mạnh mẽ đức tin, người tín hữu Chúa Kitô được mời gọi 

- hãy biện minh bằng những lý chứng được đặt nền tảng trên sự sát nhập của họ vào lời Phúc Âm, 

- hãy nói lên lý chứng niềm hy vọng của chúng ta. 

3 - Dựa trên những tiền đề về 

- mối liên hệ sung mãn giữa hiểu biết và tin tưởng, 

- cũng được đặt nền tảng của mối tương quan tốt lành giữa khoa học và đức tin. 

Việc nghiên cứu khoa học hướng dẫn chúng ta đến sự hiểu biết chân lý luôn luôn mới mẻ về con người và về vũ trụ, đó là điều chúng ta nhân thấy được. 

Điều tốt lành đích thực cho nhân loại, có thể hiểu được trong đức tin, mở ra chân trời trong đó cần phải có tác động trên lộ trình khám phá ra: 

- cần phải khuyến khích, ví dụ, các cuộc khảo cứu nhằm phục vụ cho đời sống và nhằm loại trừ bệnh hoạn; 

- cũng quan trọng những nghiên cứu để khám phá ra những bí ẩn về hành tinh của chúng ta và về vũ trụ, trong ý thức rằng con người ở thượng đỉnh của công trình sáng tạo, không phải để tận dụng tạo vật đó một cách ngông cuồng, mà để gìn giữ chúng và biến đổi chúng thành nơi con người cư ngụ được. 

Như vậy, đức tín thực sự được sống, 

- không chống đối ngược lại khoa học, 

- nhưng cộng tác với khoa học là đúng hơn, 

* trong khi hiến tặng cho khoa học những tiêu chuẩn căn bản để phát huy lợi ích cho tất cả, 

* trong khi chỉ đòi buộc khoa học hãy khước từ những toan tính chống lại đồ án nguyên thủy của Thiên Chúa , bởi lẽ những toan tính đó có thể tạo ra những hậu quả tai hại chống lại chính con người. 

Đó tin là điều hữu lý, 

- nếu khoa học là một đồng minh qúy giá của đức tin, để biết được đồ án của Thiên Chúa trong vũ trụ, 

- đức tin cho phép tiến bộ khoa học được thực hiện, luôn luôn nhăm lợi ích và chân lý của con người, nếu khoa học vẫn trung thành với đồ án đó. 

Điều đó giải thích tại sao là điều quyết định cho con người phải mở mình ra cho đức tin và biết được Thiên Chúa, đồ án cứu độ của Người trong Chúa Giêsu Kitô. 

Trong Phúc Âm, một giòng nhân loại mới được khai trương, một " văn phạm " đích thực về con người và về tất cả thực tại, được Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác nhận: 

- "Chân lý của Thiên Chúa là sự khôn ngoan của Người sắp xếp trật tự của tạo vật và quản trị thế giới. Thiên Chúa, một mình Người, "đã tạo nên trời đất" (Ps 115, 15). Người có thể ban cho, chỉ một mình Người, sự hiểu biết đích thực về mọi vật được dựng nên trong mối tương quan với Người" (n. 216). 

Chúng ta hãy tin tưởng rằng việc chuyên cần của chúng ta trong loan báo Phúc Âm trợ lực để đem lại trọng tâm mới cho Phúc Âm trong đời sống của bao nhiêu người nam nữ trong thời đại chúng ta. 

Chúng ta hãy cầu nguyện để cho tất cả mọi người đều gặp được lại trong Chúa Kitô 

- ý nghĩa của cuộc sống 

- và nguyên cội nền tảng của tự do: bởi lẽ, không có Chúa, con người bị thất lạc đánh mất đi chính mình. 

Nhân chứng của bao nhiêu người đã đi trước chúng ta và đã dâng hiến đời sống mình cho Phúc Âm luôn luôn xác nhận điều đó. 

Tin có lý chứng, là những gì liên hệ với cuộc sống chúng ta. 

Hy sinh tiêu hao mình cho Chúa Kitô là điều đáng làm, bởi vì chỉ có Người mới hoán trả đươc các nguyện vọng về chân lý và về điều tốt lành, đã đâm rễ trong linh hồn mỗi người: hiện giờ, trong thời gian đã trôi qua và trong ngày vô tận của nền Hạnh Phúc bất tận. 

Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập (TNCG). 

(Thông tấn www.vatican.va, 21.11.2012).
Bài giáo lý ngày thứ tư (8A 39) Reviewed by Admin on 11/24/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập (TNCG) - Thính phòng Phaolồ VI, buổi yết kiến ngày thứ tư, 21.11.2012.  NĂM ĐỨC TIN. TÍNH CÁCH HỮU LÝ CỦA ĐỨC TIN ...

Không có nhận xét nào: