Dorothy Day: đừng gọi tôi là thánh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 11, 2012

Dorothy Day: đừng gọi tôi là thánh

VietCatholic - Các vị giám mục Hoa Kỳ vừa đồng thanh tán thành án phong thánh cho Dorothy Day, người đàn bà Mỹ đồng sáng lập phong trào Thợ Thuyền Công Giáo. Án này được khởi sự đầu tiên bởi Đức HY John O’Connor, tổng giám mục quá cố của New York. Theo một qui định năm 2007 của Vatican, Đức HY Timothy Dolan, tổng giám mục đương nhiệm của New York, có nhiệm vụ phải tham khảo với hội đồng giám mục sở tại, tức Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, về việc có nên theo đuổi việc phong thánh cho Dorothy hay không, người mà thừa tác vụ đặt cơ sở tại New York. Các vị giám mục đã bỏ phiếu miệng (voice vote) tán thành đề nghị, sau một cuộc thảo luận ngắn trong đó, các ngài ca ngợi người đàn bà mà những người ái mộ đơn giản gọi là Dorothy.

Tin trên quả là thích thú. Vì nếu có ai đó đáng được là thánh, thì hẳn phải là Dorothy Day, không những vì nhiều thập niên trực tiếp phục vụ người nghèo, chỉ trích hệ thống vốn giữ người ta trong cảnh nghèo, mời gọi hàng nghìn người tham dự vào các công việc bác ái thể xác, và nhiều trước tác đầy xúc động của bà; mà còn vì lòng đạo đức và quảng đại có tính bản vị của bà nữa. Việc ấn hành các nhật ký và thư từ của bà trong mấy năm qua nhằm mô tả chi tiết phương thức đầy cảm thương của bà với mọi người trong đời, từ con gái thân yêu Tamar tới người đàn ông vô gia cư bỗng nhiên xuất hiện trước bực cửa, đã thêm nhiều hào quang trên đầu bà. 

Việc phong thánh sẽ đem nhiều triệu người nữa tới những trước tác đầy khiêu khích của bà, khiến họ lưu ý nhiều hơn tới phong trào Thợ Thuyền Công Giáo, và thách thức các tín hữu suy niệm nhiều hơn lối sống đơn giản của bà cũng như việc bà suốt đời bênh vực cho người nghèo và người bị đẩy ra bên lề xã hội. 

Nhưng có vấn đề ở đây. Và vấn đề này chính là lời trích dẫn mà ai cũng cho là của Dorothy Day. Người ta bảo bà thường hay nói câu này: “Đừng gọi tôi là thánh. Tôi không muốn bị bác bỏ cách dễ dàng như thế đâu”. Câu này có lẽ là trở ngại lớn nhất cho án phong thánh của bà. Không hẳn vì nó làm Vatican do dự, vì Thánh Bộ Phong Thánh vẫn quen xử lý với lòng khiêm cung của nhiều vị thánh tương lai rồi. Nhưng câu trích dẫn ấy tạo nên một rào cản thiêng liêng đối với nhiều người ái mộ bà. Nhiều người tin rằng bà đã là thánh rồi, nhưng không muốn ủng hộ việc phong thánh cho bà. Vì dựa vào câu trích dẫn ấy, liệu Dorothy thân yêu có thực sự muốn được phong thánh hay không? Dù kỳ cục, nhưng ủng hộ việc ấy xem ra là một phản bội đối với bà.

Tạp chí America, vì thế, đã mang vấn đề ra hỏi Robert Ellsberg, nhà ấn hành của Orbis Books và là người chủ biên bộ The Duty of Delight, tức bộ nhật ký của Dorothy Day và bộ All the Way to Heaven, tức bộ thư từ của bà. Hồi trẻ, nhân mùa nghỉ ở Đại Học Harvard, Ellsberg có tới làm việc cho Dorothy và có lúc đã làm chủ bút cho tờ Catholic Worker. Các câu hỏi sau đây đã được ngỏ với Ellsberg: đâu là nguồn gốc của câu trích dẫn nổi tiếng trên? Ông nghĩ Dorothy muốn nói gì? Dù khó đoán, nhưng theo ông, Dorothy cảm nhận ra sao về viễn tượng được phong thánh? Và, ông nghĩ sao về khả thể một vị thánh mang tên Dorothy Day? Sau đây là câu trả lời của Ellsberg:

Chiều nay, nhờ phép lạ của phát tuyến trực tiếp, tôi đã có thể nghe được cuộc thảo luận của các vị giám mục Hoa Kỳ về việc phong thánh cho Dorothy Day. Đức HY Dolan, người mạnh mẽ ủng hộ án phong thánh do vị tiền nhiệm của ngài là Đức HY John O’Connor khởi xướng, muốn có được lời phát biểu chấp thuận, không phải đối với án phong thánh cho Dorothy Day mà là sự hợp thời của việc theo đuổi án này. Nhiều vị giám mục, trong đó có Đức HY McCarrick và Đức HY George, lên tiếng ủng hộ quyết nghị và cuối cùng quyết nghị này được mọi người đồng thanh chấp thuận bằng lời. 

Tôi rất mừng, vì không vị giám mục nào nhắc tới câu nói của Dorothy, vốn được nhiều người trích dẫn: “Đừng gọi tôi là thánh. Tôi không muốn bị bác bỏ một cách dễ dàng như thế đâu”. Trong các cuộc thảo luận về việc phong thánh cho Dorothy, câu này xuất hiện rất thường xuyên với ngụ ý: Há bạn không thể để người đàn bà khốn khổ này được yên thân hay sao?

Tôi mang trách nhiệm nặng nề đối với việc cho đăng tải câu nói ấy, câu nói mà tôi trích dẫn trong phần giới thiệu tuyển tập các trước tác bà từng viết cách nay gần 30 năm trời. Nó xuất phát từ đâu? Thú thực, tôi không biết. Nhưng tôi nhớ có lần ngồi với bà ở bàn nhà bếp tại Nhà Thánh Giuse, thấy một số báo Time trong đó bà được liệt vào danh sách “các thánh sống”, bà liền bảo: “khi người ta gọi anh là thánh, thì căn bản điều này có nghĩa anh không còn được đếm xỉa một cách nghiêm chỉnh nữa”. 

Bất cứ câu trích dẫn thời danh trên xuất phát từ đâu, thì điều quan trọng vẫn là: bà ấy muốn nói gì? Mối liên hệ riêng của Dorothy với các vị thánh chỉ có thể là điều chắc chắn. Cả ngôn từ hàng ngày lẫn các trước tác của bà đều đầy những nhắc nhở tới các Thánh Phaolô, Augustinô, Phanxicô Assisi và Têrêxa Avila. Bà trân quí các câu truyện về các ngài. Đối với Dorothy, các vị này không phải là các siêu nhân được lý tưởng hóa, mà là những người đồng hành thường hằng và là các hướng dẫn viên hàng ngày của bà trên đường noi gương Chúa Kitô. Bà trân trọng các chi tiết nhân bản trong cuộc đấu tranh của các vị để luôn giữ được lòng trung trinh, vì hiểu một cách trọn vẹn rằng ở thời đại của các vị, các vị thường bị coi là những người kỳ dị hay những người tạo rắc rối lôi thôi đầy nguy hiểm. 

Nhưng bà không chỉ nghiên cứu đời sống và trước tác của các vị. Bà còn vững tin vào vai trò phù trợ trên thiên đàng của các vị nữa. Bất cứ khi nào quĩ hay kho cạn vơi, bà đều “khấn xin” Thánh Cả Giuse. Bà năng cầu cùng Thánh Têrêxa cho được đức kiên nhẫn và thông hiểu. Bà cũng năng cầu cùng Thánh Phanxicô để gia tăng tinh thần nghèo khó. Trong nhiều năm, tờ Catholic Worker hay được trang trí bằng các tranh khắc gỗ của Ade Bethune mô tả các thánh trong thường phục đang thực hiện các việc “thương người phần xác”. Bà dành nhiều năm viết về hạnh Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tôi tin chắc bà rất vui khi nghe tin Thánh Têrêxa được phong Tiến Sĩ Giáo Hội. Chứ không một ai lại có thể nghĩ bà sẽ phản ứng bằng cách bảo: “căn bản, điều này có nghĩa ngài không còn được đếm xỉa một cách nghiêm chỉnh nữa!”.

Hơn nữa, trước khi Vatican II tiếp nhận chủ đề nên thánh phổ quát, Dorothy Day vốn đã dạy rằng “tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh”. Bà nhận định rằng: “Ta cũng nên vượt quá cái sợ trưởng giả đối với danh xưng này. Ta cũng nên làm quen với việc thừa nhận sự kiện này: trong mọi người chúng ta, đều có một điều gì đó của thánh nhân. Càng lớn lên, càng cởi bỏ con người cũ và mang lấy Chúa Kitô, ta càng có một điều gì đó của thánh nhân, một điều thánh thiện, một điều thần linh”. Nói cách khác, Dorothy Day coi sự thánh thiện như ơn gọi bình thường của mọi Kitô hữu, chứ không phải chỉ là đích nhắm của một số ít được tuyển chọn. 

Điều chắc chắn bị Dorothy chống đối, mà thánh nhân nào lại không chống đối, là bị đặt lên bệ thờ, bị gắn chặt vào một ý niệm tiền chế nào đó về sự thánh thiện, một ý niệm sẽ tước hết cái nhân tính của bà và, cùng một lúc, bác bỏ cái thách thức căn để của Tin Mừng. “Vì Dorothy Day có thể làm được những việc như thế (sống nghèo khó, nuôi người đói ăn, đi tù vì chính nghĩa hòa bình), nên bà là thánh”. Những ai nói như thế chắc muốn cho hiểu rằng các hành động này dễ dàng đến với bà, chứ không đến với những người bình thường. Dorothy không chấp nhận quan điểm ấy. 

Bà cũng biết rằng nếu bạn sống lâu đủ, cuối cùng bạn sẽ được coi là “người sống sót đáng kính”. Chắc chắn bà đã sống đủ lâu để cảm nghiệm được ít nhiều điều ấy. Có lần tôi được nghe bà bảo: “Nhiều lời khen quá làm anh cảm thấy mình hẳn đang làm điều gì đó rất sai”. 

Chắc chắn hiện nay có nhiều lời ca ngợi Dorothy Day khiến bà phải thốt ra lời trên. Rất có thể bà lấy làm ngạc nhiên, thậm chí thất vọng nữa, khi không thấy một vị giám mục nào đứng lên nói không cả. Ít nhất thì cũng phải có một số vị nào đó đứng lên và nhận là mình không ủng hộ chủ nghĩa chủ hòa của bà, việc bà từ chối không đóng thuế, việc bà khinh mạn cách chung cái hệ thống thị trường tự do tư bản chủ nghĩa chứ?

Giống Đức HY O’Connor trước đây, Đức HY Dolan có đề cập tới câu hỏi liệu lối sống “bôhêmiêng” thời trẻ của bà, trong đó có cả phá thai, có làm bà trở thành không thể phong thánh được chăng. Nhưng ngài nói thêm ngay rằng cuộc sống lúc ban đầu của bà, với mọi lầm lạc và tội lỗi được nhìn nhận, chính là một phần của cuộc hành trình dẫn bà tới Chúa Kitô. Và trong cuộc trở về sau đó, bà đã đeo đuổi mối thâm tình với Chúa Kitô một cách trung thành đầy anh dũng. Cũng như đối với tất cả các vị thánh khác, chính nhân tính của bà đã làm bà trở thành mẫu mực đầy quyến rũ. 

Tôi có vinh dự được dự phần vào cuộc chuyện vãn ban đầu với Đức HY O’Connor, cùng với nhiều người khác từng biết bà, liên quan đến việc có thể phong thánh cho Dorothy. Điều rõ ràng là bất cứ Dorothy có thể nghĩ như thế nào về câu nói trên cũng là điều không tối quan trọng. Diễn trình phong thánh không phải là thứ trao danh dự sau khi chết. Đúng hơn nó là hồng phúc mà Giáo Hội tự ban cho mình… 

Và tôi tin rằng đây là một hồng phúc sẽ tiếp tục khuấy động lương tâm ta, nó sẽ không để ta yên khi chiến tranh, đói khát, nghèo khổ, và bất công vẫn còn bàng bạc trên thế giới. Dorothy tin rằng ta cần một loại thánh mới. Khi còn là một đứa trẻ, bà từng nhận xét rằng “Kiếm đâu các vị thánh để thay đổi trật tự xã hội, không phải chỉ phục vụ nô lệ, mà là chấm dứt chế độ nô lệ?” Tôi tin việc phong thánh trong tương lai cho Dorothy Day sẽ là câu trả lời cho câu hỏi này. Nhiều người có thể vẫn cứ cố gắng khép bà vào cái khuôn mẫu qui ước thuở nào. Nhưng tôi không nghĩ bà lại chịu để mình bị bác bỏ cách dễ dàng như thế. 

Theo James Martin, S.J., America, 14 tháng 11, 2012
Dorothy Day: đừng gọi tôi là thánh Reviewed by Em Binh on 11/20/2012 Rating: 5 VietCatholic - Các vị giám mục Hoa Kỳ vừa đồng thanh tán thành án phong thánh cho Dorothy Day, người đàn bà Mỹ đồng sáng lập phong trào...

Không có nhận xét nào: