Kình - ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA TẠI VIỆT NAM, HAY PHẢI HÌNH DUNG VỀ HIỆN TRẠNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VIỆT NAM THẾ NÀO CHO ĐÚNG ?
Nước Việt Nam ngày nay đang lâm vào tình cảnh suy thoái nghiêm trọng, biểu hiện đó có thể nhìn thấy trong bất kỳ lĩnh vực nào. Bế tắc và rối loạn là tất cả những gì đang diễn ra hàng ngày, dường như đi vào trong giấc ngủ mỗi con người Việt Nam. Nhưng giống như thời Tự Đức, bất chấp cơn nhiễu loạn rệu rã của cái guồng máy mang tên “quốc gia”, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chọn lựa : hoặc vươn mình lớn dậy trong nhất thống - hòa hợp, hoặc tan ra từng mảnh mà không cần sự đồng thuận - nhất trí nào. Tất nhiên, cả hai yếu tố đó đều có thể dẫn đến thái bình thịnh trị, dẫu vậy, sự trả giá - thậm chí rất đắt - là không thể tránh được. Có tiết giảm được những hậu quả khôn lường hay không, chỉ có thể tùy thuộc vào sự mạnh hay yếu của trào lưu dân chủ.
Nhưng thật đáng buồn, trong tình cảnh hiện thời thì không thể trông đợi gì nhiều, bởi trào lưu dân chủ ở quốc nội cũng như hải ngoại tịnh tiến quá chậm, cốt yếu vì chưa có sự đối thoại tích cực giữa các tổ chức. Việc khắc phục là cần thiết và chắc chắn không khó, nhưng điều khó nhất là phải cởi bỏ những tư duy cố hữu. Ở quốc nội, các tổ chức đấu tranh dân chủ còn mang tính tự phát, lẻ tẻ và thiếu đoàn kết, cũng như thiếu tư tưởng thống soái. Phần nữa cũng vì những nhân vật cầm đầu lại quá e dè, thiếu chính kiến. Ở hải ngoại, do tồn tại ở những môi trường chính trị - xã hội văn minh, mức độ tự do - dân chủ cao, cho nên các tổ chức dân chủ có quy mô lớn, phương thức đấu tranh phong phú, tầm ảnh hưởng cũng cao ; tuy nhiên, bằng sự quan sát của riêng chúng tôi và sự đánh giá của nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác, thì các lực lượng dân chủ ở hải ngoại thường thiếu am tường về đời sống xã hội Việt Nam, cho nên điều này cản trở rất nhiều trong việc nhận định tình hình cũng như xây dựng cương lĩnh hành động. Hầu hết những sự tiếp cận của người Việt ở hải ngoại đối với tình hình chính trị - xã hội trong nước thường qua lăng kính truyền thông lề phải, cùng một số trang mạng lề trái, chỉ số ít có điều kiện tiếp cận tình hình thực tế, nhưng lại không liên tục (thường là theo hình thức du lịch, thăm thân ngắn ngày) ; việc này trong hạn định trường kỳ là không nên (nếu không chọn các cụm từ “sai lầm”, “dễ gây ngộ nhận”), bởi ai cũng hiểu rằng, ở Việt Nam hoàn toàn thiếu tự do thông tin - đặc biệt là truyền thông - từ rất lâu rồi, xã hội Việt Nam phân rã thành hai lối sống : bề nổi (những gì được phép đề cập trực tiếp, thường ít mang tính chính trị) và bề ngầm (các hiện tượng xã hội bị cấm đoán, hoặc những biểu hiện mà truyền thông chính thống không lan tới được).
Trước nhất, nói về vấn đề tự do - dân chủ. Xin khẳng định ngay, ở Việt Nam ngày nay có dân chủ, nhưng không hề có tự do và chính phủ luôn phớt lờ những đòi hỏi về tự do của giới trí thức - đặc biệt là văn nghệ sĩ. Thấy rằng, một khi con người không được tự do thì chẳng bao giờ biết đến dân chủ là ra sao. Cho nên, cái tính chất dân chủ trong một xã hội thiếu tự do là dân chủ nửa vời ; con người trong xã hội đó có thể tự do phát biểu ý kiến, nhưng ý kiến đó phải tuân theo những khuôn mẫu giáo điều. Nói cách khác, Đảng cộng sản tồn tại được đến giờ, một phần cũng vì họ biết chấp nhận nhiều giá trị dân chủ nhằm vỗ yên lòng dân.
Thứ đến, khi đối sánh quan điểm về Việt Nam của một số bạn bè đang cư ngụ tại hải ngoại, chúng tôi nhận thấy rằng, cách hình dung của cộng đồng hải ngoại về tình hình quốc nội không khác gì trại lính, một phiên bản của xã hội Bắc Hàn. Nhưng điều này là hoàn toàn sai, ngay cả Bắc Hàn, Trung Quốc cũng như Cuba đều có những đặc thù riêng của họ, và không thể đánh giá toàn xã hội chỉ bằng những biểu hiện mang tính bề nổi. Việt Nam cũng vậy ! Bạn có thể chỉ trích chính sách quản trị quốc gia hoặc bất kỳ nhân vật lãnh đạo nào ngoài phố xá một cách vô hạn định, nhưng việc đưa những điều ấy lên phương tiện truyền thông đại chúng hầu như là cấm kị. Ở Việt Nam cũng không hề có chính sách bưng bít thông tin như Bắc Hàn, mà chính quyền ngầm dung dưỡng lực lượng báo điếm, tin tặc hùng hậu để bóp méo thông tin, xuyên tạc sự thật và bôi nhọ những biểu hiện nhân văn của cộng đồng quốc tế. Việc này đến giờ xem như rất hiệu quả, một bộ phận khá đông giới trẻ Việt Nam - đối tượng còn non nớt về tư duy, dễ bị cuốn theo những trào lưu hào nhoáng - vẫn còn ảo tưởng vào sự tốt đẹp của Đảng cộng sản cũng như xem việc chối bỏ lý tưởng cộng sản là hành vi vô đạo đức. Bộ phận người Việt trẻ đó tuyệt đối tôn sùng quá khứ “hào hùng” của Đảng cộng sản - cái quá khứ được tô vẽ bằng sách giáo khoa và hệ thống tuyên giáo hùng hậu - họ hành xử ngày một thái quá đối với những di sản văn hiến của tổ tiên, đồng thời kích động hận thù giữa người Việt với người Việt, bài xích tôn giáo và ra sức hộ vệ những hình tượng mà Đảng cộng sản chăm chút (chủ nghĩa Marx-Lenin, huyền thoại về Hồ Chí Minh cùng các tướng lĩnh Quân đội Nhân dân…). Tuy vậy, đây không phải đối tượng nguy hiểm cho tiến trình dân chủ cũng như không đại diện cho xã hội Việt Nam, bởi họ còn ấp ủ tính chất ngây thơ và cuồng tín không lý do ; nhà cầm quyền chỉ coi họ là cái khiên bất đắc dĩ, khi hết tác dụng có thể vứt bỏ chẳng tiếc nuối.
Cũng trong xã hội Việt Nam, do đặc thù Á Đông mà ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa không thể gạt hết những tính chất hủ lậu của văn hóa cổ truyền cũng như phong cách ứng xử xã hội. Rõ ràng nhất, đấy là văn hóa nông gia còn nặng nề. Thêm nữa, phân tầng xã hội vẫn cao, và ngày càng bị khoét sâu bởi những bất công của cải, cũng như định kiến cố hữu. Hố sâu cách biệt còn diễn ra giữa trí thức và thường dân (tức những người có trình độ học vấn thấp). Dường như luôn có sự nghi kị giữa hai tầng lớp này với nhau, và điều này vô tình cản trở tiến trình dân chủ cũng như hòa giải quốc gia - dân tộc. Tính chất phân tầng xã hội, tệ tham nhũng, con ông cháu cha… và một số biểu hiện trong tâm lý người dân khiến chúng ta có thể nhận định : Việt Nam ngày nay vẫn thuộc về một kiểu xã hội phong kiến, và tổ chức cầm quyền (tức Đảng cộng sản) không khác gì triều đình khi xưa. Tuy rằng trong các thập niên 1960-1970-1980, Đảng cộng sản đã có những nỗ lực nhất định nhằm áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào tình hình xã hội Việt Nam nhưng không thành công. Đến nay, chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn được tôn vinh tại các kỳ đại hội đảng và được xem là môn học bắt buộc trong các trường đại học, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ “tư tưởng”, không còn ai đặt niềm tin vào tính thực tiễn của luận thuyết này nữa. Chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh đang ngày càng xê dịch gần hơn với tâm thức dân tộc và được sử dụng như tấm bình phong giữ uy tín cho Đảng cộng sản. Vậy nên, vấn đề “chống Cộng” hoặc “còn hay không còn chủ nghĩa Marx-Lenin ở Việt Nam” không cần thiết phải đặt ra nữa !
Cai trị nước Việt Nam hiện nay là một thể chế độc tài ! Để duy trì thế thượng phong ở một xã hội nặng tư duy tiểu nông, tất yếu nó phải tạo ra một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa nhóm người này với nhóm người khác… cả cộng đồng phải gồng mình tạo ra của cải vật chất nhằm đối phó với tình trạng vật giá leo thang, mức độ rủi ro cao nhưng phúc lợi hoàn toàn không có. Đây là phương thức bần cùng hóa rất tàn nhẫn và tinh vi, bởi đi kèm với sự thống soái của đồng tiền còn có vấn đề nhân cách thoái hóa, trí tuệ thui chột và sức khỏe cộng đồng ngày càng tồi tệ. Sẽ không có con trâu nào bận tâm cởi bỏ cái ách nếu cứ triền miên kéo cày. Nắm vai trò hỗ trợ guồng máy xã hội, song giáo dục và y tế không những bị xuống cấp mà chi phí ngày càng đắt đỏ so với mức lương, giá sinh hoạt, giá tiêu dùng… Riêng các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh - quốc phòng rất được coi trọng, nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các ngành này một cách công khai và mạnh bạo, thậm chí dân chủ hóa - hiện đại hóa ở mức tối đa, bởi chúng có lợi cho việc củng cố uy quyền.
Mặt bằng xã hội đã tồi tệ như vậy, thì vấn đề con người còn đáng thẹn hơn ! Bạo lực, đồi bại, bạc nhược, trí tuệ kém, ý thức tồi… tất cả chỉ mang tính biểu hiện của một vấn đề duy nhất : Sự dối trá. Không biết tự lúc nào, xã hội Việt Nam trở nên xem trọng sự gian dối đến thế, thậm chí con người trở nên thẹn thùng khi… trung thực. Có thể đổ lỗi cho giáo dục, cho cơ chế xin-cho, nhưng khó phủ nhận rằng, trong vòng xoáy ganh đua để kiếm tiền, thì để sống thẳng lưng thực sự là quá khó. Không ai cảm thấy day dứt tâm can khi xén bớt vài món hàng thiện nguyện, hoặc ai đó đánh rơi ví tiền thì người qua đường nhặt làm riêng. Thậm chí, có trường hợp người bị tai nạn giao thông, dân tình kéo đến xem nhưng không ai chìa tay ra giúp, hoặc người nào đó có ý giúp đỡ còn bị mắng là “khác người”, “điên rồ”… Xã hội Việt Nam ngày nay là một cộng đồng vô cảm, những biểu hiện có tính chất nhân văn đều có thể bị lợi dụng triệt để (thí dụ : phong trào hiến máu nhân đạo, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai, tình trạng ăn xin kết hợp móc túi…). Trong các ấn phẩm văn hóa - truyền thông, giới tuyên giáo vẫn ra sức cổ súy những lề thói cổ hủ, khuôn phép giáo điều và ngăn cấm các biểu hiện mang tính tự do ngôn luận, tự do lối sống, nếu không cấm nổi thì họ xuyên tạc, đả kích cốt sao biến xu hướng tự do thành hành vi vô đạo đức. Vậy nên, người Việt Nam trong nước chỉ hiểu “tự do” như một hành vi xa rời khuôn phép cũ và không mảy may tốt đẹp. Cái gọi là “tự do trong khuôn khổ” là như thế !
Từ những liệt kê chưa đầy đủ của chúng tôi, hẳn bạn có thể hiểu dần những gì đang thực sự diễn ra ở Việt Nam, phải không ? Nước Việt Nam hiện nay không còn là thể thống nhất với chỉ một quy tắc, một lối sống như trước giai đoạn Đổi mới nữa, mà thực sự là cộng đồng hỗn loạn, không tư tưởng và không lối thoát. Việc đánh giá hiện trạng xã hội Việt Nam cần dựa trên sự trải nghiệm cũng như thông tin đa chiều, bản thân người viết cũng không dám khẳng định đã hiểu ngọn ngành. Chúng tôi chỉ có thể kêu cứu trước công luận thế giới rằng, người Việt Nam cần tự do (sau khi biết và hiểu về nó) để tiến tới dân chủ thực chất, văn minh thực sự ! Có như thế, nhân lực mới được giải phóng, văn hiến được chấn hưng và những nguy cơ bên ngoài bị đẩy lùi.
Không có nhận xét nào: