Mai Vân / Phạm Phan - Trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên sau khi được tái đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama sẽ đặt chân đến Miến Điện, Thái Lan và Cam Bốt. Chuyến viếng thăm Phnom Penh lần này theo hãng tin AP thì là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của một vị Tổng thống Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Cam Bốt
Từ giữa tuần này đến đầu tuần sau, tại Cung Hòa Bình do Trung Quốc xây tặng cho Thủ tướng Hun Sen sẽ là trung tâm diễn ra các hội nghị quan trọng như Thượng đỉnh ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á, cũng như các hội nghị quan trọng khác trong khu vực với Cam Bốt đóng vai trò chủ tịch luân phiên năm 2012.
Trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên sau khi được tái đắc cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống Obama sẽ đặt chân đến Miến Điện, Thái Lan và Cam Bốt. Chuyến viếng thăm Phnom Penh lần này theo hãng tin AP thì là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của một vị Tổng thống Hoa Kỳ.
Ngay vào hôm thứ Tư 07/11/2012 khi nhận được tin ông Obama tái đắc cử, trong cương vị Thủ tướng Cam Bốt, ông Hun Sen đã gởi ngay bức điện chúc mừng. Ông Hun Sen viết: Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống, mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được tăng cường và sự hợp tác vì lợi ích của hai quốc gia được vững chắc thêm.
Tháng 7 vừa qua, khi tổ chức Thượng đỉnh ASEAN, trong vai trò nước chủ nhà, Phnom Penh đã gây nhiều điều tiếng vì không mang lại kết quả sau khi kết thúc thượng đỉnh, một sự kiện mà giới báo chí trong khu vực chỉ trích là tệ hại vì chưa bao giờ có trong mấy thập niên qua trong lịch sử hoạt động của khối ASEAN.
Kết quả sau hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 7 đã lộ rõ thêm rằng Cam Bốt điều hành hội nghị đi theo lợi ích của Trung Quốc.
Phản ứng của phe đối lập
Vào thời gian đầu khi nghe tin Tổng thống Obama sẽ chính thức viếng thăm Cam Bốt và có cuộc gặp song phương với ông Hun Sen, người đứng đầu phe đối lập là ông Sam Rainsy đã kêu gọi ông Obama nên tẩy chay sự kiện này, vì điều đó đã chính thức hợp pháp hóa cuộc bầu cử không công bằng tại Cam Bốt.
Tuy nhiên về sau, ông Sam Rainsy lại viết trong một bức thư chúc mừng ông Obama được dân chúng Mỹ tín nhiệm vào nhiệm kỳ hai và qua đó ông Sam Rainsy khẩn gọi vị Tổng thống Mỹ hãy nhân chuyến đi Phnom Penh lần này nên giúp người dân Khmer có được các quyền dân chủ mà người dân Mỹ đã và đang hưởng thụ trên một xứ sở tự do.
Ông Sam Rainsy đang sống lưu vong tại Pháp, mới đây ông đệ đơn xin Quốc vương Sihamoni cứu xét ân xá để ông được trở về quê hương tham dự cuộc bầu cử Quốc hội vào năm sau.
Cũng thời gian này, Ủy ban Bầu cử Quốc gia thông báo gạch tên ông Sam Rainsy khỏi danh sách các ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vì ông Rainsy đang mang tội hình sự với bản án 11 năm. Hành động này của chính quyền để bảo đảm chắc rằng, dù ông Sam Rainsy có nhận được lịnh ân xá thì cũng không thể trở về vận động tranh cử.
Nhận định của giới quan sát
Ông Lao Mong Hay, nhà phân tích chính trị xứ Chùa Tháp cho rằng chuyến đi của ông Obama đến Phnom Penh lần này có thể sẽ bàn về Biển Đông hay vấn đề Miến Điện, và thành tích nhân quyền của chế độ Hun Sen cũng như công cuộc cải tổ hoạt động của bộ máy chính quyền sẽ không nằm trong lịch trình thảo luận. Còn về vấn đề đảng đối lập Sam Raisny, theo ông Lao thì Tổng thống Obama không muốn đụng đến vì đó là việc nội bộ của quốc gia.
Theo giới phân tích thì trọng điểm của chuyến công du Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ chưa đầy hai tuần sau khi ông tái đắc cử, ngoài tham dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, chuyến đi còn cho thấy Mỹ quan tâm nhiều đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy cuộc hội đàm giữa ông Obama với ông Hun Sen chỉ là thứ yếu sau cuộc hội đàm tại Miến Điện, nhưng điều đó gợi ra rằng, tiến trình cải tổ can đảm mang mục tiêu hướng đến dân chủ cho dân tộc của giới cầm quyền độc tài Miến Điện nhằm tránh xa ảnh hưởng của Trung Quốc là bài học cho các thể chế độc tài trong khối ASEAN .
Nhưng Cam Bốt dường như không thấy được, qua cách hành xử với lãnh tụ đối lập, và lại càng đi gần với Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là Biển Đông.
Không có nhận xét nào: