Tại Việt Nam, hàng loạt vụ xử án bất công và tình trạng vi phạm nhân quyền phổ biến gây lo ngại trong công luận |
Thanh Phương (RFI) - Sau bản “Nhận định về một số tình hình Việt Nam hiện nay” công bố tháng 5/2012, Uỷ ban Công lý và Hòa bình, thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, vào đầu tháng này vừa công bố “Phúc trình về tình hình công lý, hòa bình và nhân quyền trong xã hội Việt Nam”. Phúc trình đề ngày 01/11/2012, gởi Hội đồng Giám mục Việt Nam, đưa ra những chỉ trích nặng nề hơn, đặc biệt là về tình trạng nhân quyền.
Vấn đề đầu tiên mà bản phúc trình nêu lên là những vụ xử án bất công, điển hình mới nhất là vụ xử phúc thẩm ba thanh niên Công Giáo tại Vinh Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Đức và Đậu Văn Dương ngày 29/09/2012 và vụ xử các blogger Điếu Cày, Anhbasaigon và Tạ Phong Tần ngày 24/09, tại Sài Gòn, với các bản án mà Uỷ ban Công lý và Hòa bình xem là “vô lý và đầy bất công”. Bản phúc trình ghi nhận: “Để che đậy nó, người ta đã cho mở phiên tòa xét xử công khai, nhưng lại không cho dân chúng tự do tham dự và ngay cả thân nhân của các bị cáo cũng bị ngăn chặn khi đến tòa án, thậm chí có những người còn bị tạm giữ hay bị khủng bố tinh thần”.
Trong bản phúc trình, Uỷ ban Công lý và Hòa bình cũng chỉ trích việc chính quyền chụp mũ những người tham gia các vụ khiếu kiện đông người về đất đai là “bị kích động của thế lực thù địch”. Bản phúc trình còn lên án án tình trạng dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự, cụ thể là việc sử dụng “côn đồ” để đàn áp các cá nhân lẫn các đám đông, từ đám tang riêng lẻ, đến các vụ khiếu kiện tập thể hay biểu tình.
Uỷ ban Công lý và Hòa bình đặc biệt lo ngại trước một thực tế là, trong khi chủ quyền đất nước đang bị đe dọa, phản ứng của chính quyền Việt Nam lại “quá yếu ớt, tạo cớ cho các lực lượng thù nghịch lấn tới”. Bản phúc trình viết: “Khó hiểu hơn nữa là việc chính quyền đã mạnh tay đàn áp các tổ chức và các cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đang gây bất bình trong dư luận.”
Bản phúc trình của Uỷ ban Công lý và Hòa bình được công bố chỉ vài ngày sau khi chính quyền kết án tù nặng nề hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, tác giả của những bài hát cổ vũ lòng yêu nước, phản đối những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Đến đầu tháng 11, chính quyền Việt Nam thông báo khởi tố một sinh viên yêu nước, cô Nguyễn Phương Uyên, với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”. Đức cha Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình, cũng là một trong những người đầu tiên ký kiến nghị gởi chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu trả tự do cho Phương Uyên.
Trong bản phúc trình, Uỷ ban Công lý và Hòa bình còn chỉ trích những vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam ở Việt Nam, cụ thể qua việc kiểm soát, cấm đoán, phá hoại các trang web, trang blog, nhất là việc bắt bớ, kết án các blogger.
Về tự do tôn giáo, bản phúc trình ghi nhận: “Mặc dù hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư đã quy định về tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, nhưng việc thực hiện các quy định trên tại nhiều địa phương lại rất tùy tiện. Chính vì vậy, ở một số nơi, việc cử hành các lễ nghi tôn giáo và thiết lập các điểm sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự rất nhiêu khê và tùy thuộc nhiều vào cảm tính của giới chức chính quyền địa phương.”
Điểm bao trùm lên xã hội Việt Nam hiện nay, theo Uỷ ban Công lý và hòa bình, đó là phẩm giá con người bị chà đạp và xúc phạm nặng nề. Bản phúc trình viết: “Trong xã hội Việt Nam hôm nay, con người dễ bị tha hóa trở thành công cụ, hay bị coi là công cụ để phục vụ các mục tiêu chính trị, kinh tế hơn là một nhân vị, chủ thể của các thực tại xã hội”. Lý do, theo Uỷ ban Công lý và Hòa bình, đó là nền giáo dục Việt Nam hiện nay “không những lạc hậu, mà còn lạc hướng, chạy theo hình thức và phô trương thành tích nhằm tạo ra những con người chỉ có khả năng phục vụ cho những mục tiêu chính trị chứ không nhằm đào tạo con người có nhân cách, phát triển tâm và trí toàn diện.”
Không có nhận xét nào: