Vương quyền trên Thánh giá và trong Chân lý - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 11, 2012

Vương quyền trên Thánh giá và trong Chân lý

Nguyễn Học Tập (TNCG) - SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 57); (25.11.2012); (Ga 18, 33 - 37) 

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KI TÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B 

Có lẽ không mấy người trong chúng ta biết là ngày lễ long trọng mừng Lễ Chúa Giêsu Vua, được Đức Giáo Hoàng Pio XI thiết lập năm 1925, với mục đích tương đối hóa hai biến cố đánh dấu đặc biệt tình trạng chính trị lúc đó: 

- cuộc cách mạng Cộng Sản ở Nga 1919 được người Cộng Sản rầm rộ tuyên bố là “vĩ đại “ 


- và cuộc chiến thắng khải hoàn tràn vào Roma (Marcia su Roma) của phe Phát xít Ý, do Benito Mussolini lãnh đạo. 

Hai ý thức hệ độc tài , phi nhân bản và phi dân chủ đó được Đức Pio XI đặt dưới chân Chúa Giêsu Vua vũ trụ, Chủ Nhân của dòng lịch sử và Vị lãnh đạo duy nhứt của vũ trụ. Mọi quyền năng đều phát xuất từ Thiên Chúa, “Omnis potestas a Deo”. 

a) Đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, mừng Lễ Chúa Ki Tô Vua, được Thánh Bộ Phụng Tự trích từ Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 18, 33-37), mang ý nghĩa đặc biệt và cho chúng ta một cái nhìn chính xác về ý nghĩa vương tước của Chúa Giêsu. 

Đoạn Phúc Âm mà chúng ta đọc hôm nay trong Thánh Lễ tường thuật lại phiên toà Pilatô hỏi khẩu cung Chúa Giêsu, sau khi Người bị dân Do Thái, các kinh sư và kỳ mục bắt nộp cho quan tổng trấn Roma. 

Điểm đặc biệt của Phúc Âm Thánh Gioan là tuyên vương tước của Chúa Giêsu ngay trong giai đoạn Chúa Giêsu bị khổ nạn. Và những lời tuyên vương Chúa Giêsu của Thánh Gioan đạt đến điểm cao độ nhứt, khi Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên thánh giá. 

Trong đoạn Phúc Âm tường thuật lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà chúng ta đang suy niệm, Thánh Gioan đã lập đi lập lại đến 12 lần tước hiệu vương tước “Vua” của Chúa Giêsu, trong số 16 lần được Ngài đề cập đến trong cả Phúc Âm. 

Vương tước của Chúa Giêsu trước khi bị đóng đinh vào thánh giá. 

Trước những câu hỏi của quan Tổng Trấn Pilatô, Chúa Giêsu trả lời bằng hai câu nói rất có ý nghĩa, một dưới hình thức phủ quyết và một dưới hình thức khẳng định. 

Pilatô hỏi Ngài: 

- “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” 

- “Ngài tự mình nói điều đó hay những người khác nói với Ngài về tôi?”. 

- “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” (Ga 18, 33-35). 

Và đây là câu trả lời phủ quyết của Chúa Giêsu: 

- “Nước tôi không thuộc về thế gian nầy. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian nầy, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu, không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nước tôi không thuộc về chốn này” (Ga 18, 36). 

“Nước tôi không thuộc về thế gian nầy… Nước tôi không thuộc về chốn nầy” là những câu nói xác quyết về phương thức hành động và về nơi chốn. 

Với những câu nói vừa kể, Chúa Giêsu có ý nói cho Pilatô Ngài là Vua, nhưng không có ý hành xử để bảo vệ lãnh thổ của Do Thái cũng như hành xử để bảo vệ quyền lực, địa vị và mục đích nhằm chiếm đoạt lợi lộc trần gian bằng mọi cách và mọi thủ đoạn, kể cả những phương thức hành xử độc ác, thô bạo và chết chóc, chiến tranh, như phương thức các vua chúa trần gian đã làm: 

- “Nếu Nước tôi thuộc về thế gian nầy, thuộc hạ tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái” (Ga 18, 36). 

Phương thức của Ngài không phải là phương thức dùng bạo lực, để chiếm đoạt và cũng cố những gì thuộc về trần gian vừa kể. Đó chính là thái độ, Chúa Giêsu đã chứng minh trước đó không lâu, được Thánh Gioan thuật lại, khi dân Do Thái và các thượng tế đến bắt Ngài: 

- “Ông Simon Phêrô có sẳn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế mà chém đứt tai của y. Chúa Giêsu bảo ông Phêrô: Hãy tra gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống” (Ga 18, 10-11). 

Cũng cùng trong một biến cố, Thánh Matthêu thuật lại một cách rỏ ràng hơn: 

- “Một trong những người theo Chúa Giêsu liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. Chúa Giêsu bảo người ấy: Hãy xỏ gươm vào vỏ , vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần” (Mt 26, 51-53). 

Nói tóm lại, Chúa Giêsu là Vua. Nhưng Nước của Ngài không liên hệ với các lãnh thổ ở trần gian, không liên hệ đến mục đích nới rộng biên cương, thu tóm quyền thế, tài sản và địa vị bằng mọi giá như vua chúa trần gian, và phương thức hành động của Ngài cũng không phải là dùng bạo lực, chiến tranh, giết chóc, đạp đổ gây đổ vở, tan tóc như cách hành xử của vua chúa trần gian. 

Hiểu được sự khác biệt đó, quan tổng trấn Pilatô hỏi lại Chúa Giêsu: 

- “Như vậy ông là vua sao?” (Ga 18, 37). 

Và đây là câu trả lời khẳng định: 

- “Chính ông đã nói phải, tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích nầy: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37). 

Câu nói: “Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích nầy: làm chứng cho sự thật” là câu xác quyết cho những gì Thánh Gioan tuyên bố ở Lời Tựa của Phúc Âm Ngài: 

- “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi cho mọi người. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý” (Ga 1, 9.14). 

Như vậy Chúa Giêsu là Ngôi Lời, là Con Một Thiên Chúa, là Thiên Chúa như lời xác quyết của Thánh Gioan ở Lời Tựa Phúc Âm: 

“Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời. 
Ngôi Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa (apud Deum), 
Và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). 

Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa, đến trong thế gian “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, để “làm chứng cho sự thật”, không phải chỉ bằng những lời giảng dạy và hành động của Ngài mà Phúc Âm thuật lại cho chúng ta, mà còn bằng chính con người của Ngài: 

- “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi cho mọi người” (Ga 1, 9). 

Nói cách khác, Chúa Giêsu là Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta để mạc khải chính Thiên Chúa cho con người và địa vị cao cả của con người cho con người và cứu rỗi con người, “để làm chứng cho sự thật”. 

Thiên Chúa là chân lý, là sự sống và là con đường dẫn con người đến sự sống. 

Do đó không ai ngoài Thiên Chúa ra, nếu không phải là Thiên Chúa, có thể tự tuyên xưng mình như Chúa Giêsu: 

- “Ông Tôma hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? Chúa Giêsu đáp: Đường, sự thật và là sự sống, chính là Thầy” (Ga 14, 6). 

Và cũng trong câu khẳng định của Chúa Giêsu với Pilatô, Người không chỉ giới hạn xác nhận vương tước của Ngài, “chính ông đã nói phải, tôi là vua…”, như là một tước vị cao cả, qúy phái, đài các nhưng bất động, đúng hay sai cũng được, có hay không cũng được, không liên hệ gì đến ai. 

Chúa Giêsu không những là Vua, mà Ngài còn là Vua “được sinh ra và đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật”. 

Sứ mạng của Ngài “được sinh ra và đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật”vừa kể 

đòi buộc thái độ hành xử phải có của những ai muốn thuộc vào vương quốc của Ngài: 

- “ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng Ta” (Ga 18, 37). 

Nói cách khác, ai muốn thuộc về vương quốc của sự sống và chân lý, của Đấng tuyên xưng mình 

- “đường, sự thật và là sự sống chính là Thầy”, 

phải biết lắng nghe, tiếp nhận đem ra thực hành những gì Người dạy bảo, bước theo con đường của Người đi dù có chông gai, như có lần Người đã dạy chúng ta: 

- “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; người gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh đi trước và chiên theo sau, vì chúng biết tiếng anh” (Ga 10, 1-4). 

Nói tóm lại, ai muốn thuộc về vương quốc của sự sống và chân lý phải biết “…đứng về phía sự thật “, biết lắng nghe và sống theo chân ly, hành xử theo công chính như lời Người dạy: 

- “Phúc cho ai bị bách hại, vì sống công chính, Vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10). 

b) Ngôi Lời Thiên Chúa là Vua không phải của trần gian nầy, là Vua của chân lý và kỳ vọng ở những ai muốn thuộc vào vương quốc Ngài phải “đứng về phía sự thật”. 

Nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa cũng là Vua trên thánh giá, vì chính trên thánh giá, chân lý mà Ngài đến để làm chứng được minh chứng tỏ rạng hơn bất cứ ở nơi nào khác. 

Đối với các tác giả Phúc Âm khác, Matthêu, Marco và Luca, Chúa Giêsu được vinh quang trong niềm vui chiến thắng tử thần và tội lỗi ngày Phục Sinh. Thời gian chịu đau khổ tử nạn là thời gian Ngài khiêm nhường, hạ mình xuống chịu sĩ nhục và chịu chết như một người nô lệ. 

Trái lại, đối với Phúc Âm Thánh Gioan, vinh quang của Chúa Giêsu chiếu rạng tột đỉnh ngay lúc Người chịu án chết khổ nhục trên thập giá. 

Từ những chương Phúc Âm trước phần tường thuật lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, Thánh Gioan đã tiên báo sự vinh quang của Chúa Giêsu trên thập giá: 

- “Khi các ngươi giương cao Con Người lên, bấy giờ các người sẽ biết Ta là Đấng Hằng Hữu, và biết Ta không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Ta thế nào, thì Ta nói như vậy. Đấng đã sai Ta vẫn ở với Ta” (Ga 8, 28-29). 

Và khi Ngài bị giương cao trên thập giá, là lúc Ngài chứng minh cho mọi dân tộc biết chân lý mà Ngài đến để làm chứng, mạc khải Thiên Chúa cho con người và địa vị cao cả của con người cho chính con người và đem tình thương của Thiên Chúa đến để cứu rỗi con người. Mạc khải thượng đỉnh của tình thương đó trên thập giá làm mọi dân tộc sẽ biết Ngài và biết Chúa Cha: 

- “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta. Chúa Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết thế nào” (Ga 12, 32-33). 

Hiểu được niềm tin đó của Thánh Gioan, chúng ta sẽ hiểu được tại sao chỉ trong đoạn tường thuật về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, Thánh Gioan đã đề cập đến 12 lần vương tước của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Vua, trong tổng số 16 lần trong cả Phúc Âm của Ngài. 

Và tột đỉnh của niềm tin Chúa Giêsu chiếu rạng vinh quang cao cả của Ngài trên thập giá, khi Thánh Gioan tường thuật lại việc Pilatô truyền cho viết một bản tuyên vương Chúa Giêsu: 

- “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái” (Ga 19, 19). 

Bản chữ viết trên, được Thánh Gioan xem như là bản xác nhận tuyên vương của Pilatô, được viết bằng ba thứ tiếng Do Thái, Hy Lạp và La Tinh, nói lên tính cách phổ quát của vương quyền Chúa Giêsu từ nay được mọi người biết đến, nhứt là qua chữ viết La Tinh, ngôn ngữ của đế quốc Roma rộng lớn mênh mông lúc đó. 

Dĩ nhiên người Do Thái lúc đó không thể chịu được câu nói “trịch thượng” đó của Pilatô, nên họ phản đối: 

- “Xin ngài đừng viết: “Vua Do Thái”, nhưng hãy viết “Tên nầy đã nói: Ta là Vua dân Do Thái” (Ga 19, 21). 

Câu trả lời của Pilatô chứng tỏ là câu trả lời của một kẻ quyết liệt dùng quyền lực mình và coi thường nguyện vọng của đám dân Do Thái bị trị. 

Nhưng dưới cái nhìn của Thánh Gioan, câu nói uy quyền của Pilatô: 

- “Quod scripsi, scriptum !” (Điều gì tôi đã viết, là đã viết) , 

phải giữ nguyên như vậy, là câu xác quyết tuyên vương tột đỉnh bằng ba thứ tiếng cho mọi người biết. 

Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chết đi trên thập giá là Chúa Giêsu 

“được sinh ra và đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật” 

ở phần tột đỉnh của sứ mạng của Ngài, lúc mạc khải cho mọi người trên thập giá, bằng ba ngôn ngữ thịnh hành lúc đó, Do Thái, Hy Lạp và La Tinh. 

Đem mạng sống mình để chứng minh cho sự thật là ngôn sứ và nhân chứng tuyệt đỉnh. Như vậy chân lý trên thánh giá toả chiếu vinh quang tuyệt đỉnh của mình, không còn bị mây mù của dối trá, lường gạt, ẩn ấp che dấu. 

Sự mạc khải đó từ nay sẽ được loan báo cho mọi người. 

Và từ lúc đó không ai có thể xoá đi những gì đã viết về Ngài: 

- “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta” (Ga 12, 32). 

- “Quod scripsi, scriptum !”: (Điều gì tôi đã viết, là đã viết).

Nguyễn Học Tập (TNCG)
Vương quyền trên Thánh giá và trong Chân lý Reviewed by Admin on 11/24/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập (TNCG) - SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 57); (25.11.2012); (Ga 18, 33 - 37)  CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KI TÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B  C...

Không có nhận xét nào: