BBC - Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đăng tải trên trang mạng của mình thông tin rằng bà Hồ Thị Bích Khương, người đang thọ án năm năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’, ‘bị đánh đập’, ‘bị thương nặng’ và ‘cần điều trị khẩn cấp’.
Trong khi đó, bản thân bà Khương, người mà Ân xá Quốc tế mô tả là ‘tù nhân lương tâm’, cũng đã lên tiếng tố cáo bị các phạm nhân khác đánh đập trong tù với sự ‘khuyến khích’ của giám thị.
Lời tố cáo của bà Khương được viết trong một lá thư dài bốn trang giấy được bí mật chuyển ra ngoài đến tay bà Hồ Thị Lan, chị ruột bà Khương.
Theo mô tả của Ân xá Quốc tế thì bà Khương bị đánh ‘vào mặt, vào bùng và vùng kín’ vào lúc không có mặt quản giáo. Hiện nay bà đang trong trạm xá trại giam trong ‘tình trạng nguy kịch’.
Tuy nhiên, bà Lan cho BBC biết là tình hình sức khỏe của em gái bà hiện giờ ‘đã đỡ nhiều’.
Bà Hồ Thị Bích Khương là thành viên của Khối 8406, một phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Bà bị bắt hồi tháng 12 năm 2010 do chỉ trích chính phủ với đài báo nước ngoài và phát tán tài liệu ‘chống Nhà nước’. Một năm sau, bà bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An nơi bà cư trú kết án năm năm tù cùng ba năm quản chế vì đã phạm tội theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Hiện bà đang bị giam giữ tại nhà tù K4 thuộc trại số 5 chuyên giam giữ phạm nhân nữ tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
‘Khuyến khích đánh’
Từ Nghệ An, bà Hồ Thị Lan, nói với BBC rằng bà Khương đã ‘bị đánh hội đồng’ trong ngục.
Bà Lan thuật lại vụ việc như sau:
“Trong đêm 4/11, sau khi Khương đi vệ sinh trở về, vừa bước vào phòng giam thì có một người ụp vào túm đầu đánh sau đó ba người khác cũng ào vô đánh.”
Sau trận đánh đó thì bà Khương bị ‘mặt mày thâm tím, bụng đau tức không đi tiểu được’.
Theo lời bà Lan thì em gái bà ‘không có hiềm khích hay thù oán gì’ với những phạm nhân tấn công bà. Lý do bà Khương bị đánh, bà giải thích, là ‘phạm nhân không được tiếp xúc với nhau nên không hiểu nhau’ trong khi ‘quản giáo cứ nói Khương là như thế này thế nọ’.
Bà Lan cáo buộc hành vi bạo lực đối với em gái bà là ‘được khuyến khích’ và những thủ phạm ‘được xem như là lập công chứ không có tội’.
“Đánh xong rồi, họ vẫn cười nhởn nhơ. Họ cứ nghĩ là lập công tích nên còn khoe khoang với các phòng khác,” bà nói và cho biết thêm trước đó bà Khương đã bị đánh nhiều lần nhưng đây là đầu tiên bà bị ‘đánh hội đồng’.
Bà Khương (hàng trên, thứ hai từ trái sang) nằm trong số người bị tội "Tuyên truyền chống Nhà nước |
Bà giải thích rằng trong tù bà Khương có yêu cầu giấy bút để viết đơn khiếu nại nên mới có phương tiện mà viết thư chuyển ra ngoài. Theo bà thì lá thư này được viết ‘trong tháng 11’.
Trong lần thăm nuôi mới nhất hồi đầu tháng 12, bà Lan cho biết em gái bà ‘đi tiểu còn buốt’, ‘hay đau đầu’ còn cánh tay trước đây bị gãy không được điều trị ‘bây giờ nó liền khưng không đúng khớp nên đau đớn khó chịu’.
‘Sẽ chết trong tù’
Bà cho biết bà Khương yêu cầu bà phải gửi lá thư của bà đến các cơ quan báo chí vì nếu không ‘thì em sẽ bị chết trong tù’.
“Tôi viết thư này đến giám thị trị số 5, Cục quản lý trại giam Bộ Công an, lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có biện pháp xử lý. Tôi cũng mang lá đơn này đến tất cả các cư quan ngôn luận báo chí, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức tự do ái hữu trên toàn thế giới lên tiếng buộc nhà cầm quyền ngăn chặn và bảo vệ tôi trong địa ngục trần gian này,” bà Khương viết trong đoạn cuối lá thư được bà Lan đọc lại cho BBC.
Hồi tháng 4 năm 2008, bà Khương đã bị xử hai năm tù vì “vi phạm quyền tự do dân chủ”, theo báo chí chính thống ở Việt Nam và được thả hồi tháng 4/2009.
Nhưng đến tháng 1/2011 bà Khương lại bị bắt tại Nam Đàn, Nghệ An.
Bà là người được giải nhân quyền Hellman Hammett của Human Rights Watch trao cho năm 2011.
Không có nhận xét nào: